Doanh nghiệp khởi nghiệp: Lửa thử vàng, gian nan thử sức

10:00, 14/05/2019

(THĐS) - Với tinh thần của Nghị quyết 35/NQ-CP hỗ trợ phát triển doanh nghiệp 2020 và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ “Năm 2016 là năm quốc gia khởi nghiệp (KN)”, phong trào KN tại Việt Nam đang trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

Tuy nhiên KN không hề dễ dàng. Để thành công, họ đã phải trải qua nhiều gian nan và những bài học “xương máu”. Trước thềm Xuân Đinh Dậu 2017, một số doanh nghiệp (DN) KN, chuyên gia chia sẻ với phóng viên TBTC những bài học kinh nghiệm trong quá trình KN và dẫn dắt DN đến thành công.

Cần xây dựng riêng Luật Khởi nghiệp

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FPT

 
 

ong binh 

Ông Trương Gia Bình


DN KN ở Việt Nam đã có những diễn biến tích cực và đang được quan tâm nhưng vẫn chưa đạt được số lượng như mong đợi. Hiện nay, ở Việt Nam mới chỉ có 20 quỹ đầu tư mạo hiểm cho các DN KN, số lượng rất ít; quy mô đầu tư vốn mới chỉ vài chục triệu, trong khi đó quy mô vốn của các nước KN nước ngoài là hàng tỷ USD… Việt Nam cần phải vươn lên nhanh chóng để có thể theo kịp các DN KN của nước ngoài.

Rào cản lớn trong phong trào KN hiện nay là chưa rõ ràng về luật. Thứ nhất, đầu tư thường và đầu tư mạo hiểm phải khác nhau. Chúng ta đang hòa luật đầu tư chung với đầu tư mạo hiểm vào một. Chúng ta còn thiếu nhiều luật riêng cho đầu tư mạo hiểm. Nếu Việt Nam muốn trở thành một dân tộc KN thì chúng ta phải xây dựng Luật KN và phải thay đổi cả tư duy về KN. 

Hiện nay, FTT có quỹ đầu tư mạo hiểm thu hút các đối tượng trong lĩnh vực công nghệ là FPT Ventures. FPT sẽ đổ 3 triệu USD mỗi năm cho FPT Ventures. Quỹ FPT Ventures mong muốn mang đến cho các startup công nghệ tại Việt Nam cơ hội đưa những sản phẩm KN của mình lên tầm cao mới, đồng thời mong ước biến Việt Nam thành một quốc gia KN như Israel. FPT đang hợp tác chiến lược với các quỹ và vườn ươm quốc tế để có thể tạo ra một môi trường KN sinh động cho mục tiêu 5.000 công ty công nghệ đến năm 2020…

Phải trả lời: Làm để làm gì và kế hoạch thế nào?

Ông Phạm Vũ Hiệp, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư, Dịch vụ và Phát triển Khởi nghiệp Toàn Cầu (KNGlobal.,), Phó CT HĐQT Công ty CP Sở hữu Trí tuệ Davilaw (DVL Group)

 
 

 

Ông Phạm Vũ Hiệp

 

Có một khiếm khuyết rất lớn của người KN là họ chưa có kinh nghiệm, mới chỉ có đam mê và buôn bán ở mức nhỏ lẻ. Để thực hiện được bài toán lớn về KN, người ta đặt mục tiêu doanh thu bao nhiêu tỷ đồng/năm hay trăm triệu/tháng. Tuy nhiên, nhóm KN thường chỉ lo phát triển về sản phẩm mà quên bài toán bán sản phẩm như thế nào và kinh doanh ra làm sao nên họ thường thất bại. Đồng thời, thiếu nền tảng về KN cũng khiến họ dễ thất bại hơn. 

Vì vậy, để KN thành công, trong quá trình KN, DN phải làm song song 3 việc là: Nghiên cứu sản phẩm kinh doanh; lập làm kế hoạch kinh doanh bán hàng; lập kế hoạch tiếp cận nhà đầu tư… Kể cả người sáng lập hay đồng sáng lập cũng phải cùng suy nghĩ về việc này và lúc nào cũng chỉ nghĩ đến điều đó. Cuối cùng, khi bắt tay KN, DN nên chia nhỏ sản phẩm làm thành nhiều giai đoạn và bắt buộc phải làm tốt từ giai đoạn nhỏ nhất thì chắc chắn sẽ thành công. Khi bắt đầu KN, tôi rất mong muốn những người KN phải đặt câu hỏi đầu tiên cụ thể, rõ ràng là làm cái này để làm gì và kế hoạch làm từng việc nhỏ như thế nào. Trả lời được hai câu hỏi đó thì chắc chắn bạn đã thành công. 

Cứ từ từ, mưa dầm thấm lâu

Ông Nguyễn Văn Mạnh, chủ cơ sở sản xuất nấm đông trùng hạ thảo và nấm ăn

 
 

ong manh 

Ông Nguyễn Văn Mạnh

 

KN trong lĩnh vực nông nghiệp đã được 9 năm, tôi thấy, hiện nay có rất nhiều khó khăn đối với những người muốn KN trong nghề trồng nấm. Đó là thiếu thông tin về công nghệ, phải tự mày mò, tìm hiểu để áp dụng công nghệ vào quy trình sản xuất tạo ra sản phẩm chất lượng, hiệu quả. Bên cạnh đó là khó khăn khi đưa sản phẩm tiếp cận thị trường như các thủ tục cấp phép, lưu hành sản phẩm, sự cạnh tranh trên thị trường…

Vì vậy, để KN thành công, trước tiên người KN phải tự thành lập công ty và lấy thất bại làm kinh nghiệm, hay gọi là tự trải nghiệm. Khi KN, nếu cứ vội làm những điều to tát, vượt quá sức thì mới khó thành công; cứ từ từ, mưa dầm sẽ thấm lâu. DN phải bắt đầu từ cái nhỏ nhất trong kế hoạch và cần cù, chăm chỉ, kiên trì, thì đồng nghĩa với dấu hiệu thành công. Bên cạnh đó, tìm nơi tư vấn, đỡ đầu phù hợp cho đam mê của mình…

Đối với DN KN, tôi mong muốn Nhà nước rút ngắn thủ tục pháp lý, thủ tục cấp phép như giấy phép về đất và thủ tục đất dự án, để sản phẩm sớm ra thị trường. Đồng thời, tạo nhiều ưu tiên để DN KN có thể tiếp cận được nguồn vốn lãi suất thấp; thường xuyên mở các hội thảo và mời các chuyên gia kinh tế… để họ chia sẻ kinh nghiệm cho các DN KN học hỏi.

Hỗ trợ doanh nghiệp KN: Nhà nước nên là “ông mối, bà mai”

Ths.Mạc Quốc Anh, Tổng thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa Hà Nội

 
 

ong anh 

Ông Mạc Quốc Anh

 

Trong quá trình KN, yếu tố quan trọng nhất là có một thị trường. Các DN KN không nên tập trung vào những thị trường có các đối thủ lớn mà nên đi vào sản phẩm, các thị trường ngách để không bị “bức cầu”.  Đồng thời, trong quá trình xây dựng chiến lược kinh doanh cần có sự hỗ trợ của các chuyên gia, sự phối hợp chặt chẽ với cơ quan truyền thông báo chí.

Những lĩnh vực hiện nay ở Việt Nam có tiềm năng cho các DN KN là thương mại, dịch vụ và chủ yếu liên quan về khoa học công nghệ và phần mềm… Lĩnh vực đó cần thời gian tích lũy cố định trong vòng 3-5 năm và với thời gian đó, DN sẽ đủ sức cạnh tranh trên sân nhà và hội nhập quốc tế.

Tôi nghĩ, điều quan trọng hiện nay là các DN KN muốn các cấp chính quyền có sự nhìn nhận, đánh giá, chia sẻ, đồng hành sâu sát hơn nữa, nhất là các cấp cơ sở. Các DN KN muốn các tổ chức nhà nước, các hiệp hội, các tỉnh, thành là “ông mối, bà mai” đứng ở giữa tạo sự hợp tác liên kết DN KN với các DN lớn để tạo một “sân chơi”, bình đẳng, công bằng và minh bạch,  mở rộng hoạt động kinh doanh giữa các DN với nhau. Hiện nay, Hiệp hội DN nhỏ và vừa Hà Nội có một quỹ đầu tư KN do các DN lớn trong hiệp hội đã tạo nên để có thể đầu tư cho các DN KN. Cùng với đó, có sự hỗ trợ về nguồn vốn để sau 3- 5 năm các DN KN trở thành các DN đại chúng, chuyển đổi sang một hình thức mới và có thể lên sàn giao dịch chứng khoán. Chúng tôi cũng có các chương trình hỗ trợ hàng tháng liên tục với việc tạo ra thị trường xúc tiến thương mại nội khối trong cộng đồng DN giúp họ có bước khởi đầu thuận lợi, bởi điều rất quan trọng đối với các DN KN là phải có thị trường. Ngoài ra, chúng tôi đã có các cuộc làm việc với các cơ quan như thuế, hải quan… để tham gia đóng góp vào các chính sách, nhằm tạo thuận lợi nhất cho DN nói chung và DN KN nói riêng.

Trong năm 2016, Thủ tướng đã phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”. Mục tiêu của Đề án là đến năm 2020, Việt Nam sẽ hoàn thiện hệ thống pháp lý hỗ trợ KN, thiết lập Cổng thông tin KN đổi mới sáng tạo quốc gia, hỗ trợ được 800 dự án, 200 DN KN. Trong đó 50 KN gọi được vốn thành công từ các nhà đầu tư mạo hiểm, thực hiện mua bán và sáp nhập, với tổng giá trị ước tính khoảng 1.000 tỷ đồng. Đến năm 2025, Chính phủ sẽ hỗ trợ phát triển 2.000 dự án KN, hỗ trợ phát triển 600 DN KN, 100 KN tham gia đề án gọi được vốn đầu tư từ các nhà đầu tư mạo hiểm, thực hiện mua bán, sáp nhập với tổng giá trị ước tính khoảng 2.000 tỷ đồng.  
Nam Khánh (thực hiện)
Nguồn: Thời báo tài chính Việt Nam
TIN LIÊN QUAN