Nỗ lực đưa Việt Nam trở thành một quốc gia mạnh về khởi nghiệp
Đặc trưng tạo nên điểm mạnh của hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam chính là sự vào cuộc và quan tâm của cả hệ thống chính trị, sức trẻ và nguồn nhân lực chất lượng cao, môi trường kinh doanh được cải thiện, hội nhập quốc tế và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng gia tăng.
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi và Thứ trưởng Bộ KH&CN Hoàng Minh tham quan Triển lãm sản phẩm, dịch vụ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Techfest -Whise 2023. Ảnh: VGP/Hoàng Giang
Thời gian qua, được sự quan tâm, chỉ đạo, điều hành sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của các bộ, ngành, địa phương; sự hưởng ứng của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam đã phát triển năng động, mạnh mẽ, tạo ra một thế hệ doanh nghiệp mới kinh doanh dựa trên tài sản trí tuệ và tiếp cận thị trường toàn cầu.
Cùng với đó, mạng lưới hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo đã và đang phát triển năng động, hiệu quả với sự tham gia tích cực của các chủ thể trong hệ sinh thái; văn hóa, tinh thần khởi nghiệp sáng tạo được lan tỏa mạnh mẽ, khát vọng vươn lên.
Theo Bộ KH&CN, tới nay, Việt Nam ước tính có khoảng gần 4.000 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, trong đó đã có những doanh nghiệp kỳ lân đạt trị giá trên 1 tỷ USD, nhiều doanh nghiệp được định giá trên 100 triệu USD.
Các quỹ đầu tư, vườn ươm, tổ chức thúc đẩy kinh doanh, trung tâm khởi nghiệp sáng tạo tại địa phương và quốc gia phát triển cả về số lượng và chất lượng.
Trong đó, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia thuộc Bộ KH&ĐT đã đi vào hoạt động. Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo Quốc gia đang hình thành tại Hà Nội, Đà Nẵng và TPHCM và một số địa phương. Hơn 20 địa phương đã và đang thành lập các tổ chức khởi nghiệp sáng tạo để kết nối nguồn lực của các địa phương, vùng và quốc gia.
Từ năm 2015, Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia (Techfest Việt Nam) đã thu hút gần 27.000 người tham dự trực tiếp, 37.000 người tham dự trực tuyến, 2.600 start-up và 1.000 nhà đầu tư trong nước và quốc tế.
Tỉ lệ chuyên gia quốc tế cũng luôn trên mức 30% tổng số chuyên gia tham dự sự kiện. Hàng năm, trung bình có từ 10 đến 20 địa phương hưởng ứng và tổ chức các chương trình Techfest tại địa phương và các vùng kinh tế, tạo ra một chuỗi hoạt động cộng hưởng, hướng tới Techfest Quốc gia.
Qua đó, đã tạo ra sân chơi cho các tổ chức, cá nhân khởi nghiệp sáng tạo tiếp cận với các đối tác, các nhà đầu tư, các chuyên gia, tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo và các cơ quan truyền thông trong nước, quốc tế.
Đồng thời cũng là dịp để các chủ thể trong hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, liên kết hợp tác, thúc đẩy đổi mới và nâng cao vị thế Việt Nam trên bản đồ khởi nghiệp sáng tạo toàn cầu.
Không chỉ tổ chức tại Việt Nam, Techfest quốc tế đã được tổ chức tại các quốc gia như Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Singapore, Australia…và nhận được sự ủng hộ, hưởng ứng rất tích cực. Qua đó quảng bá hệ sinh thái, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam ra thế giới, đồng thời thu hút nguồn lực tài chính, chuyên gia từ các quỹ đầu tư, tổ chức hỗ trợ của các nước cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam.
Bên cạnh đó, các hoạt động kết nối, triển lãm, sự kiện, hội thảo về khởi nghiệp sáng tạo được các bộ, ngành, địa phương, tổ chức chính trị - xã hội tổ chức thường xuyên, góp phần thúc đẩy hợp tác và tạo ra sân chơi cho cộng đồng khởi nghiệp sáng tạo như: Ngày hội Học sinh sinh viên khởi nghiệp (SV Startup) do Bộ GD&ĐT chủ trì; Startup Kite do Bộ LĐTB&XH chủ trì; Tuần lễ Đổi mới sáng tạo và Khởi nghiệp WHISE do UBND TPHCM chủ trì; SURF do UBND TP.Đà Nẵng chủ trì; Vietnam Venture Summit do Bộ KH&ĐT chủ trì...
Với những nỗ lực đó, năm 2024, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam tăng 2 bậc lên vị trí thứ 56 trong bảng xếp hạng Chỉ số hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu của Startup Blink, trong đó Hà Nội và TPHCM là hai trung tâm khởi nghiệp sáng tạo sôi động nhất cả nước, lọt vào top 200 và gần đây là TP. Đà Nẵng đã lọt vào top 1.000 các thành phố trên toàn cầu về khởi nghiệp sáng tạo.
Các chuyên gia, tổ chức quốc tế đánh giá cao đặc trưng tạo nên điểm mạnh của hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam, đó chính là sự vào cuộc và quan tâm của cả hệ thống chính trị, sức trẻ và nguồn nhân lực chất lượng cao, môi trường kinh doanh được cải thiện, hội nhập quốc tế và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng gia tăng.
Hoàn thiện hành lang pháp lý, tạo sự thống nhất và đồng bộ
Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được, trong thực tiễn, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sáng tạo còn gặp phải nhiều khó khăn, vướng mắc, thiếu sự đồng bộ, thống nhất trong cách hiểu cũng như trong thực thi các chính sách, pháp luật.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Hoàng Minh cho biết, hiện nay, trong các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hành chính đang sử dụng các thuật ngữ "đổi mới sáng tạo" và "khởi nghiệp sáng tạo" theo các cách hiểu khác nhau gây ra sự không chuẩn xác, lúng túng, không thống nhất, chồng chéo... trong thực thi các hoạt động chuyên môn và trong công tác quản lý nhà nước.
Hơn nữa, việc định danh, phân định chức năng, nhiệm vụ của các tổ chức liên quan đến đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sáng tạo đang không có sự thống nhất.
Trong các văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản hành chính, hiện sử dụng rất nhiều tên gọi khác nhau và nhiều quy định khác nhau về điều kiện, tiêu chí, thẩm quyền, cơ chế, chính sách đối với việc thành lập và hoạt động của các tổ chức, cá nhân hoạt động hoặc hỗ trợ hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sáng tạo.
Các văn bản quy phạm pháp luật có phạm vi và đối tượng điều chỉnh liên quan đến đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sáng tạo được xây dựng, ban hành bởi nhiều cơ quan chủ trì khác nhau nhưng chưa có sự thống nhất xuyên suốt dẫn đến sự khó khăn, thậm chí không thực hiện được các cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sáng tạo…
Theo Thứ trưởng Hoàng Minh, để thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam, cần phải nhanh chóng xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý, tạo sự thống nhất và đồng bộ trong xây dựng, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách, bố trí nguồn lực để thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sáng tạo.
Tại Nghị định số 28/2023/NĐ-CP ngày 02/6/2023, Bộ KH&CN được Chính phủ giao là cơ quan của Chính phủ thống nhất quản lý hoạt động đổi mới sáng tạo; xây dựng, hướng dẫn, kiểm tra và tổ chức thực hiện cơ chế, chính sách khuyến khích, phát triển đổi mới sáng tạo, hoạt động khởi nghiệp sáng tạo và huy động các nguồn lực đầu tư cho đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sáng tạo.
Thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, hiện nay, Bộ KH&CN đang lập hồ sơ đề nghị xây dựng Luật KH&CN sửa đổi (dự kiến trình Quốc hội vào cuối năm 2025), trong đó sẽ thống nhất, đồng bộ hóa và luật hóa các vấn đề lớn, có tính cơ bản như chính sách sử dụng nguồn vốn ngân sách để đầu tư cho đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo, mô hình quỹ quốc gia về đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo, các chính sách ưu đãi về thuế, sử dụng tài sản công... hiện đang chịu sự điều chỉnh của nhiều văn bản luật khác nhau.
Trong thời gian chờ Luật KH&CN mới được Quốc hội thông qua và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật KH&CN được ban hành, vừa qua, Bộ KH&CN đã báo cáo và được Chính phủ giao nhiệm vụ xây dựng Nghị định quy định một số nội dung liên quan đến đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sáng tạo.
Thứ trưởng Hoàng Minh hy vọng, Nghị định này khi được ban hành sẽ giải quyết một số vấn đề cấp bách như: Quy định rõ khái niệm, nội hàm về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sáng tạo; phân biệt đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sáng tạo với các chủ thể khác; quy định về chức năng, điều kiện, tiêu chí,...đối với việc thành lập, hoạt động của các tổ chức, cá nhân hoạt động, hỗ trợ đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sáng tạo; áp dụng các cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích để thúc đầy, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân hoạt động, hỗ trợ đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sáng tạo…
Trong thời gian tới, Bộ KH&CN sẽ phối hợp chặt chẽ với các địa phương, các tổ chức, cá nhân trong quá trình xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sáng tạo, góp phần tạo ra một hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo sôi động và bền vững, để đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sáng tạo thực sự là động lực, đột phá chiến lược để đổi mới mô hình tăng trưởng, tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế, đưa Việt Nam trở thành một quốc gia khởi nghiệp mạnh mẽ trong khu vực và trên thế giới.