Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ Logistics kiến nghị các giải pháp hậu Covid 19

Minh Hà 22:13, 20/05/2020

Trả lời Công văn số 2567/BKHĐT-PTDN ngày 20.4.2020 của Bộ Kế hoạch & Đầu tư đề xuất các giải pháp, sáng kiến tháo gỡ khó khăn - Thúc đẩy sản xuất kinh doanh -Tái thiết nền kinh tế ứng phó với dịch Covid -19. Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) đã có ý kiến, đề xuất cụ thể.

Cơ hội để doanh nghiệp xem xét lại chiến lược

Trước hết, VLA đề cập tới tác động của đại dịch Covid – 19 đối với ngành dịch vụ logistics Việt Nam.

Theo khảo sát của VLA, 20-50% hoạt động của các hội viên bị ảnh hưởng (giảm về hoạt động và doanh thu) tùy theo loại hình dịch vụ cung cấp. Dịch vụ logistics hàng không, đường bộ và đường sắt bị ảnh hưởng nhiều nhất, đặc biệt trong thời gian thực hiện cách ly xã hội.

80% hội viên VLA là doanh nghiệp vừa và nhỏ, nên nhiều DN bị đình trệ sản xuất và một số DN sẽ giải thể nếu đại dịch kéo dài một thời gian nữa. Đại dịch đã cho thấy, không nên quá phụ thuộc vào một vài nền kinh tế hàng đầu thế giới trong chuỗi cung ứng, theo đó hoạt động Logistics bị tác động theo.

Tuy nhiên, theo VLA, ở góc độ khách quan, đại dịch Covid – 19 cũng là cơ hội để các DN cung cấp dịch vụ logistics xem xét lại chiến lược hoạt động, đa dạng hóa thị trường cung cấp dịch vụ, cải tổ bộ máy hoạt động của DN, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao năng lực cạnh tranh và cắt giảm chi phí nhằm tối đa hóa hiệu quả hoạt động kinh doanh.

Ảnh minh họa

Khủng hoảng cũng là lúc thị trường sàng lọc các DN theo cơ chế thuận tự nhiên, các DN kinh doanh dịch vụ logistics cần biết nắm bắt cơ hội để có thể tìm ra con đường hợp tác, khôi phục hiệu quả, vượt qua khủng hoảng. Trước mắt là vị thế địa chính trị của Việt Nam, nhất là sau thắng lợi của việc chống đại dịch Covid – 19, là việc thực hiện EVFTA, CPTPP tạo ra sự phát triển của hàng hóa xuất nhập khẩu và đón dòng vốn đầu tư chuyển dịch từ thị trường Trung Quốc của Mỹ, Nhật Bản và các nước EU.

Việt Nam còn có lợi thế là 4 chuỗi cung ứng ngành hàng Điện thoại thông minh và linh kiện, máy tính và linh kiện điện tử, máy móc, phương tiện vận tải và phụ tùng nằm trong nhóm có tỷ trọng cao 40-50% tỷ trọng XNK của Việt Nam đều liên quan đến các quốc gia không bị ảnh hưởng nặng do Covid 19 hoặc qua đỉnh dịch như Trung Quốc, Hàn Quốc, Asean… VLA cho rằng, đây là những lợi thế rất lớn để Bộ KH&ĐT và Chính phủ có kế hoạch xúc tiến thu hút đầu tư hiệu quả giúp đất nước phục hồi kinh tế sớm.

Tài chính, hoạt động kinh doanh và nguồn nhân lực

“Nhằm khôi phục, thúc đẩy dịch vụ logistics phát triển, trong năm 2020-2021, Ngành dịch vụ logistics Việt Nam cần tập trung 3 vấn đề chủ yếu là Tài chính, hoạt động kinh doanh và nguồn nhân lực” – VLA nhấn mạnh.

Cụ thể, khó khăn lớn nhất mà tất cả các DN cung cấp dịch vụ logistics phải đương đầu hiện tại là giải quyết vấn đề tài chính, nguồn vốn sản xuất kinh doanh. Để giải quyết vấn đề này, VLA kiến nghị Nhà nước trong thời gian còn lại của năm 2020 và năm 2021 hỗ trợ mạnh mẽ DN dịch vụ logistics, bằng một một số giải pháp dưới đây:

Đẩy nhanh giải ngân các gói tín dụng, gói cứu trợ, hỗ trợ DN và người lao động, bảo đảm an sinh xã hội của Chính phủ đã đưa ra, một cách thuận lợi cho DN. DN cung cấp dịch vụ Logistics sẽ tận dụng nguồn vốn vay từ các gói này và sử dụng có hiệu quả trong mở rộng kinh doanh, phát triển thị trường. 

Hỗ trợ việc giảm chi phí cho DN, qua đó góp phần giảm chi phí logistics của sản xuất, xuất nhập khẩu và xã hội nói chung.

Lãi ưu đãi vốn vay ngân hàng và đơn giản hóa thủ tục vay. Tận dụng việc giảm hoặc hoãn trả thuế của DN: tháng 7.2020 Chính phủ sẽ có Nghị định giảm thuế thu nhập Doanh nghiệp còn 15-17% cho SME (DN nhỏ và vừa).

Tiếp theo, giảm chi phí về kết cấu hạ tầng GTVT: giảm phí cảng biển (không bao gồm phí xếp dỡ hàng hóa vì chỉ có hãng tàu nước ngoài được hưởng lợi do họ thu phí THC rất cao), cảng hàng không. Cụ thể: Giảm 50% hoặc miễn phí sử dụng kết cấu công trình cảng biển khu vực Hải Phòng trong thời hạn 1 năm. Giảm chi phí vận tải đường bộ: Giảm 20-30% phí cầu đường BOT, đường cao tốc cho các xe vận chuyển hàng hóa trong thời hạn 6 tháng - 1 năm.

Bên cạnh đó, Bộ GTVT và Bộ Tài chính có những biện pháp kiểm soát các hãng tàu container nước ngoài không ban hành các phụ phí, tăng phụ phí, tăng cước trong thời gian 6 tháng sau dịch bệnh. Kiểm soát chặt chẽ các cảng, depot, CFS, ICD không tăng chi phí nâng hạ container, bốc xếp, lưu kho, phí LSS…

Các cơ quan nhà nước như Hải quan, các Bộ ngành liên quan cắt giảm thủ tục hành chính trong thông quan và kiểm tra chuyên ngành, tạo thuận lợi cho DN, không để xảy ra như vụ thông quan xuất khẩu 400.000 tấn gạo vừa qua. Trong thời gian 6 tháng không đưa ra các khoản thu phí mới cho DN XNK/Logistics, chấm dứt việc đưa ra các quy định không phù hợp Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ như TP Hải Phòng và một số địa phương gây khó khăn và tốn kém cho DN vận tải logistics dẫn đến phải thay đổi khi có sự phản ứng của DN và can thiệp của Chính phủ…

PV