Lãnh đạo EVN cho rằng cán bộ điện lực không có động lực gì để cố tình… làm sai

17:46, 25/06/2020

Đại diện EVN cho rằng, người ghi công tơ điện thì không tính hoá đơn, người làm hoá đơn không thu tiền điện… nên nếu có cố tình làm sai cũng không ai được lợi vì người ghi số điện không tính hoá đơn, người lập hoá đơn không thu tiền, sai sót xảy ra, theo EVN, là do "chưa tròn trách nhiệm".

Sáng 25/6, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tổng Công ty Điện lực Hà Nội làm việc với Công ty Điện lực Thanh Xuân kiểm tra công tác ghi chỉ số, lập hoá đơn tiền điện và giải quyết kiến nghị của khách hàng về vấn đề hoá đơn tăng "sốc" trong kỳ thanh toán hoá đơn tháng 6.

Cuộc làm việc diễn ra sau loạt phản ánh hoá đơn tăng bất thường với sự tham gia đại diện Cục điều tiết điện lực (Bộ Công Thương), Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Hội Bảo vệ Người tiêu dùng.

Động thái này diễn ra sau khi báo chí phản ánh việc hoá đơn tiền điện tăng bất thường trong thời gian vừa qua, đặc biệt sau chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp thường trực Chính phủ hôm 22/6. Thủ tướng yêu cầu ngành điện phải bảo đảm không để xảy ra sai sót và ảnh hưởng đến quyền lợi của người sử dụng điện.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam cho rằng, người dân hoàn toàn có quyền đặt nghi vấn khi hoá đơn tăng tới vài lần. Ông cũng đề cập tới nghi vấn cán bộ ngành điện can thiệp, "cố tình" làm sai khi ghi chỉ số và lập hóa đơn.

Ông Nguyễn Quốc Dũng - Trưởng ban Kinh doanh EVN.

Chia sẻ sau đó, ông Nguyễn Quốc Dũng - Trưởng ban Kinh doanh Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho rằng, quá trình từ lúc ghi chỉ số, lập hoá đơn, phát hành hoá đơn, thông báo và khách hàng trả tiền điện đều độc lập. Người ghi số điện thì không tính hoá đơn, người lập hoá đơn không thu tiền điện... Vì thế, ông Dũng cho rằng "không ai được hưởng lợi để cố tình làm sai". 

Vấn đề là ai được hưởng lợi để cố tình làm sai? Người ghi số điện thì không tính hoá đơn, người làm hoá đơn thì không thu tiền điện… Đặc biệt là các công nhân, họ đâu có động lực gì để làm sai", ông Dũng phân trần.

Ông Dũng khẳng định ngành điện thiết lập cơ chế kiểm tra giám sát đến tối đa. Khi chỉ số công tơ bất thường, nhân viên điện lực sẽ ngay lập tức vào cuộc kiểm tra.

Theo Trưởng ban Kinh doanh EVN, ngành điện thiết lập cơ chế kiểm tra giám sát đến tối đa. Khi chỉ số công tơ bất thường, nhân viên điện lực sẽ lập tức vào cuộc kiểm tra.

Về một số trường hợp ghi sai chỉ số công tơ, dẫn tới tính nhầm tiền điện cho khách hàng vài chục triệu đồng xảy ra tại Quảng Ninh, Quảng Bình, ông Dũng thừa nhận vẫn còn một số nhân viên chưa làm tròn trách nhiệm và sẽ có những điều chỉnh để đảm bảo quy trình.

"Người đi ghi thì vậy, nhưng người ngồi ở văn phòng thấy tăng vài chục lần mà không phát hiện ra thì thiếu trách nhiệm", ông Dũng nói.

Vị này cũng nói thêm, ở một số khu vực đã thay thế công tơ điện tử, dữ liệu sẽ được truyền tự động, trực tiếp về trung tâm dữ liệu. Do đó, độ chính xác đạt tỷ lệ gần như tuyệt đối. Còn với công tơ cơ khí, công nhân sẽ phải đọc chỉ số bằng mắt, ghi bằng tay... nên có thể xảy ra sai sót. 

Võ Quang Lâm - Phó tổng giám đốc EVN

Ông Võ Quang Lâm - Phó tổng giám đốc EVN nói thêm, những sự cố vừa qua ở Quảng Ninh, Quảng Bình, Nghệ An… đều là “sự cố cá nhân”, rất đáng tiếc cho những nỗ lực của hệ thống điện lực vừa qua.

Ông Lâm khẳng định sẽ tiếp tục kiện toàn hơn vấn đề ý thức của cán bộ ngành điện. Tăng cường kiểm tra, giám sát những hoá đơn tiêu thụ tăng đột biến, có nhiều cấp khác nhau cùng giám sát, xử lý kịp thời.

Các vụ việc vừa xảy ra là mới chỉ ở giai đoạn thông báo tiền điện. Khi khách hàng phát hiện ra đột biến thì đã khiếu nại. Ngay sau đó cán bộ điện lực đã xử lý”, ông Lâm nói.

Ông Nguyễn Minh Phương - Giám đốc Công ty Điện lực Thanh Xuân 

Nói thêm về quy trình giải quyết khiếu nạiông Nguyễn Minh Phương - Giám đốc Công ty Điện lực Thanh Xuân cho biết, khi nhận phản ánh của khách hàng về hoá đơn điện tăng cao, công ty lập tổ giải quyết kiến nghị, trả lời khách hàng trong 24h. Theo quy trình, khi khách hàng có số điện vượt quá 30%, phía điện lực đều phải phúc tra. Trong tháng 6, Công ty Điện lực Thanh Xuân đã phúc tra 63.635 công tơ, cao gấp 23,3 lần so với tháng 5 và cao hơn rất nhiều so với các tháng trước.

"Có những trường hợp, tôi trực tiếp gặp khách hàng, để giải đáp các thắc mắc. Hiện chưa có khách hàng nào mà chúng tôi đến tận nơi giải quyết mà tiếp tục gửi đơn lên cấp trên", ông Phương cho biết.

Bà Tô Lan Phương - Trưởng ban kinh doanh Tổng công ty điện lực Hà Nội 

Về quy trình kiểm định công tơ, bà Tô Lan Phương - Trưởng ban kinh doanh Tổng công ty điện lực Hà Nội (EVNHANOI) cho hay, đơn vị này có các trung tâm kiểm định công tơ được cấp phép bởi Tổng cục Đo lường chất lượng Việt Nam, có giấy phép hoạt động hợp pháp, có hiệu lực sử dụng.

"Chúng tôi làm theo tiêu chuẩn, không bao giờ làm sai lệch chỉ số công tơ", bà Phương nói.

Về quy trình kiểm định công tơ, theo bà Phương, khi khách hàng có nhu cầu, công ty điện lực sẽ đến và tháo công tơ trước sự chứng kiến của khách hàng, mang đi kiểm định. Khi kiểm định tại trung tâm kiểm định Tổng công ty Điện lực Thành phố Hà Nội - nếu khách hàng không có kiến nghị, thắc mắc gì, kết quả kiểm định đó sẽ được công nhận. Nếu thắc mắc và muốn kiểm định ở một cơ sở độc lập, chúng tôi sẽ tiếp tục kiểm định ở các cơ quan quản lý nhà nước của Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng. 

Thanh Tùng