Sản phẩm y tế thông minh nổi bật giúp phòng chống dịch COVID-19

13:08, 24/01/2022

Trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trong cả nước, thời gian qua để chung tay cùng Chính phủ trong việc đẩy lùi đại dịch COVID-19 nhiều nhà khoa học, sinh viên, học sinh,… trong cả nước đã tự mày mò, nghiên cứu và cho ra đời nhiều sản phẩm y tế thông minh thiết thực hỗ trợ phòng, chống dịch

Áo hạ nhiệt cho nhân viên y tế trong mùa dịch

Làm việc dưới tiết trời nắng nóng trong một thời gian dài, cộng với việc bộ quần áo bảo hộ cá nhân (PPE) ngăn cản sự thoát nhiệt làm nhiệt độ cơ thể tăng nhanh, mất nước dẫn đến có hiện tượng nhân viên y tế bị bị sốc nhiệt và lả nhiệt.

Để làm giảm hiệu ứng sốc do nhiệt của nhân viên y tế trong lúc chống dịch, chiếc áo ACG (gi-lê làm mát) đã được nhóm phát triển tại Trung tâm Ươm tạo Công nghệ và Doanh nghiệp KHCN (Viện Ứng dụng Công nghệ, Bộ KH&CN) phát triển với sự tư vấn y khoa của nhóm các bác sĩ từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Đại học Y tế công cộng và Viện Nghiên cứu Y khoa Woolcock.

Áo hạ nhiệt làm giảm hiệu ứng sốc do nhiệt của nhân viên y tế khi mặc quần áo bảo hộ cá nhân để chống dịch.

Áo được thiết kế để làm giảm nhiệt cục bộ trong không gian thiết bị bảo hộ y tế mà nhân viên y tế mặc trong quá trình làm việc, lấy mẫu hoặc điều trị bệnh nhân COVID. Áo gồm 2 thành phần chính: Vật liệu chuyển pha và áo gi-lê.

Áo gi-lê được làm từ vải không dệt tráng Polyphenyl Ether chống nước và được thiết kế theo chiều cao trung bình của người Việt, có thể dễ dàng thao tác (mặc/cởi áo/cúi…), dễ dàng vệ sinh, cấp đông và tái sử dụng.

Vật liệu chuyển pha dùng trong sản phẩm này là hỗn hợp polyme và muối ăn đã được chứng nhận chất hợp chuẩn là chất không độc hại của 3 thị trường khó tính nhất là Mỹ (TSCA), EU (EINECS) và Nhật Bản (ENCS). Vật liệu được đóng thành gói riêng, có thể tháo ra, thêm vào áo gi-lê một cách dễ dàng.

Thử nghiệm ở nhiệt độ 35 độ C (môi trường), áo cho thời gian tăng nhiệt từ 21 độ C lên 32 độ C trong vòng 2 giờ, sau đó ổn định tốt ở 32 độ C trong vòng hơn một giờ. Tổng trọng lượng của áo là 1,3 kg, với thiết kế gọn nhẹ giúp chiếc áo làm mát có thể nằm gọn bên trong bộ đồ bảo hộ, không gây cản trở đến hoạt động của các y bác sĩ nhưng vẫn đủ tác dụng làm giảm đi sự nóng bức. Sau mỗi ca làm việc các y bác sĩ có thể vệ sinh áo bằng cách xịt cồn lên bề mặt áo, sau đó cấp đông để tiếp tục sử dụng trong những lần tiếp theo. Riêng gel làm mát có thể tái sử dụng lên tới 30 lần.

Mắt thông minh giúp đo thân nhiệt, khai báo y tế chỉ mất 10 giây

Một trong những sản phẩm không thể không nhắc tới khi nói về hiệu quả ứng dụng công nghệ trong cuộc chiến chống lại COVID-19 là Cli - SmartEyes. Đây là một thiết bị chuyên dụng tự động kiểm tra thân nhiệt và quét mã QR code khai báo y tế. Sản phẩm được PGS.TS Phạm Hồng Quang, Trung tâm Tin học và Tính toán, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và cộng sự nghiên cứu thành công với tinh thần mang công nghệ hỗ trợ ngành y.

Thay vì phải có người trực chốt, đo thân nhiệt, quét mã QR… thì hệ thống này không cần người vận hành. Người đi qua thiết bị quét kiểm tra y tế chỉ cần thực hiện bước tự đưa trán vào cách cảm biến 3cm để đo nhiệt độ, sau đó giơ mã QRCode cá nhân hoặc chụp mã QRcode địa điểm là thiết bị sẽ tự động báo thân nhiệt, cấp độ nguy cơ dịch (trên cơ sở dữ liệu khai báo y tế, lịch sử dịch tễ, tiêm vắc xin, xét nghiệm)…của người dân từ cổng dữ liệu qr.tokhaiyte.vn sẽ hiển thị trên màn hình. Người không đủ điều kiện qua cửa, sẽ có chuông báo, màn hình sẽ báo lý do (sốt, cấp độ nguy cơ dịch cao,…).

Hệ thống kiểm soát y tế thông minh CLi-SmartEyes.

Thiết bị khá nhỏ gọn, như một chiếc hộp, nhưng bên trong tích hợp nhiều tính năng, từ cảm biến đo thân nhiệt, quét mã QRCode khai báo y tế tự động, wifi kết nối, nhận dạng mặt, màn hình, âm thanh, đến cảm biến đo nồng độ oxy trong máu.

Thiết bị bao gồm một máy tính nhúng gắn liền camera; cảm biến đo nhiệt độ hồng ngoại; phần mềm nhận dạng mặt và QRCode; màn hình và còi chip thông báo kết quả kiểm tra y tế. Khi người đến địa điểm kiểm tra làm đủ thủ tục đo nhiệt độ, khai báo mã QRCode y tế cá nhân, phần mềm tự động nối kết với cổng thông tin của Bộ Y tế để hiển thị và cảnh báo tại điểm cảnh tra về nguy cơ lây nhiễm dịch. Các thông tin kiểm tra người đến địa điểm được đưa về Bộ Y tế để phục vụ truy vết sau này. Ấn tượng nữa, để bảo đảm xác thực của khai báo y tế qua QRCode cá nhân, Cli-SmartEyes còn sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) nhận diện khuôn mặt nhằm phát hiện các trường hợp không trung thực sử dụng QRCode của người khác để lưu thông.

Thiết bị còn có thiết kế gắn thêm cảm biến đo nồng độ oxy trong máu. Với những người dân cần kiểm tra lượng oxy trong máu cần đặt ngón tay lên cảm biến trên thiết bị vài chục giây thì các dữ liệu về nhịp tim, nhịp thở, lượng Spo2 được hiển thị và hệ thống tự động cảnh báo bằng âm thanh và ghi chú trên màn hình nếu có khả năng bị ốm, khuyến cáo người dân đến cơ sở tham khám y tế gần nhất.

Thiết bị cũng được thiết kế tích hợp quét token điện tử chứa mã QRCode tốc độ cao để giảm thiểu thời gian kiểm soát ra vào ở những nơi có lưu lượng vào ra lớn như: Khu công nghiệp, công xưởng, nhà máy, các điểm kiểm tra y tế trên đường.

Theo PGS.TS Phạm Hồng Quang, gần đây việc chồng chéo các ứng dụng chống dịch COVID-19 là vấn đề được quan tâm. Vấn đề này cũng có thể giải quyết được bằng Cli – SmartEyes. Bởi lẽ, hệ thống được kết nối với cổng kiểm tra y tế điện tử QR.tokhaiyte.vn. Thông tin dịch tễ của người dân sẽ được thể hiện trên màn hình khi thực hiện khai báo y tế, không phát sinh ứng dụng mới. Với hệ thống này, mỗi người chỉ mất tối đa 10 giây để khai báo y tế. 

“Mũ cách ly di động” Việt Nam được WIPO vinh danh

Cuối năm 2021 vừa qua, tại trụ sở WIPO ở Geneva, Thụy Sĩ, nhóm sáng chế “mũ cách ly di động” Vihelm gồm 3 bạn trẻ Việt Nam: Đỗ Trọng Minh Đức (sinh năm 2003), Trần Nguyễn Khánh An (sinh năm 2006) và Nguyễn Hoàng Phúc (sinh năm 2007) đã được trao tặng danh hiệu Đại sứ trẻ Sở hữu trí tuệ của WIPO. Đây là lần đầu tiên WIPO trao tặng danh hiệu này ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và cũng là lần thứ hai danh hiệu này được trao trong suốt hơn 50 năm lịch sử của WIPO (thành lập năm 1967).

Mũ Vihelm được thiết kế trên nguyên lý hoạt động của mặt nạ có tên PAPR (powered air-purifying respirator), mặt nạ lọc không khí với các tiêu chuẩn được toàn cầu công nhận và có độ an toàn gấp 100 lần so với khẩu trang N99.

Nhóm tác giả “mũ cách ly di động” được Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khen ngợi tại Techfest 2020.

Từ một sáng chế, sau hơn một năm đăng ký bản quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam và bảo hộ quốc tế, nhóm Vihelm đã chế tạo được sản phẩm y tế cụ thể, được Bộ Y tế Việt Nam công nhận đạt chuẩn nhóm A, được phép lưu hành trên thị trường. Sau đó, mũ Vihelm cũng đã nộp hồ sơ đăng ký và được Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) Mỹ cấp phép. Mới đây mũ cũng đã được Tây Ban Nha cấp chứng nhận CE (Tuân thủ tiêu chuẩn châu Âu), được phép bán tại thị trường EU và Khu vực kinh tế châu Âu.

Nhóm các nhà sáng chế trẻ này tin tưởng rằng sản phẩm mũ Vihelm đã thỏa mãn 3/5 yêu cầu hành động phòng chống dịch COVID-19 của WHO là: Keep your distance (Giữ khoảng cách); Don't touch your face (Đừng chạm tay vào mặt bạn); Stay home (Ở nhà); Sneeze into your elbow (Hắt hơi vào khuỷu tay của bạn); Wash your hands (Rửa tay).

Chiếc mũ Vihelm giúp người đội không cần giữ khoảng cách vật lý, vẫn có thể chạm vào mặt, mọi người vẫn có thể ra ngoài làm việc, giao tiếp. Nhờ vậy, người dùng mũ vẫn an toàn với dịch bệnh như yêu cầu giãn cách xã hội, nhưng lại không làm gián đoạn công việc hàng ngày.

Sản phẩm của ba nhà sáng chế chưa đầy 20 tuổi còn là 1 trong 37 công trình, sáng kiến đoạt Giải thưởng “Tuổi trẻ sáng tạo” toàn quốc năm 2020. Đáng nói là, nhóm các nhà sáng chế trẻ này đã chủ động chia sẻ CC Lience để bất kỳ tổ chức, cá nhân nào cũng có thể tự khai thác thiết kế đưa vào sử dụng.

Máy oxy dòng cao BKVM-HF1 giúp 70% bệnh nhân mắc Covid-19 hồi phục

Sáng 2/7/2021, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội và VMED Group đã tổ chức lễ công bố, giới thiệu máy oxy dòng cao BKVM-HF1 phục vụ phòng, chống dịch Covid-19 và ký kết biên bản hợp tác chiến lược trong lĩnh vực khoa học và công nghệ sức khỏe.

Máy oxy dòng cao (HFNC-High Flow Nasal Cannula) được nghiên cứu sản xuất từ nhu cầu cao trong điều trị Covid-19. Máy có chức năng cung cấp liên tục khí thở lưu lượng cao (lên tới 60 l/phút) với nồng độ oxy điều chỉnh được (từ oxy không khí đến nguyên chất). Dòng khí thở được ổn định ở 37 độ C với độ ẩm bão hòa và cấp qua gọng mũi để giúp điều trị bệnh nhân suy hô hấp.

Máy oxy dòng cao BKVM-HF1 được thử nghiệm tại phòng thử nghiệm của VMED Group.

Máy được đo lường tại phòng thử nghiệm của VMED Group, xây dựng tiêu chuẩn cơ sở bởi HUST, giám định kỹ thuật từ Vinacontrol, thử nghiệm tại Trung tâm cấp cứu A9 Bệnh viện Bạch Mai và được Bộ Y tế quyết định lưu hành vào giữa tháng 6/2021.

Đánh giá cao kết quả nghiên cứu này, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đề nghị các đơn vị chuyên môn Bộ Y tế hỗ trợ nhanh thủ tục pháp lý để có thể sản xuất hàng loạt máy oxy dòng cao BKVM-HF1. Bộ trưởng Bộ Y tế mong muốn Trường ĐH Bách khoa Hà Nội và VMED Group tiếp tục nghiên cứu sản xuất quy mô lớn, hoàn thiện sản xuất hệ thống tích hợp làm giàu oxy không khí di động và đặc biệt là thiết bị xét nghiệm sàng lọc nhanh các biến thể virus SARS-CoV-2.

Đồng hành cùng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội làm ra một sản phẩm có giá trị ứng dụng cao, ông Ngô Thanh Sơn, Phó tổng Giám đốc VMED Group nhấn mạnh sản phẩm sẽ được kịp thời chuyển đến các điểm nóng về điều trị Covid-19, cũng như nhanh chóng trang bị cho các bệnh viện phục vụ công tác điều trị bệnh nhân Covid-19.

Máy lọc không khí khử khuẩn và máy rửa tay tự động không tiếp xúc góp phần phòng, chống dịch

Để góp phần mang không khí sạch đến mọi nhà, cải thiện chất lượng không gian sống và sức khỏe cộng đồng trước tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng, nhóm học sinh tại Hà Nội gồm học sinh Lê Thị Thanh Huyền, Trần Lan Chi lớp 11 D2 (Trường Trung học Phổ thông Cầu Giấy) và học sinh Nguyễn Khánh Linh, Hồ Nguyên An, Nguyễn Quang Minh lớp 8E (Trường Trung học Cơ sở Tô Hoàng) đã thực hiện thành công Đề tài "Mô hình máy khử khuẩn, khử virus, lọc không khí và khử mùi trong lớp học và hộ gia đình".

Đề tài này đã giành giải Ba tại Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng toàn quốc lần thứ 16 năm 2020 do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Quỹ hỗ trợ sáng tạo kỹ thuật Việt Nam (VIFOTEC) tổ chức.

Máy rửa tay tự động không tiếp xúc được mọi người ưa chuộng bởi nhỏ gọn, tiện dụng, hiệu quả khả thi.

Hệ thống thiết bị có máy khử khuẩn, khử virus, lọc không khí và khử mùi được dùng trong lớp học và hộ gia đình gồm: ống lưới hình trụ, được hàn chắc với vỏ máy, đường kính ống lọc bụi và vỏ máy 190 mm được chế tạo bằng vật liệu SUS 304 (thép không gỉ). Bên trong ống lưới lắp màng lọc bụi không khí. Bên trong vỏ máy lắp quạt hút đẩy không khí công suất 30W, 2 bóng đèn UV phát ozone <0.08 ppm (Ppm là đơn vị đo nồng độ hóa học trong dung dịch nước). Mỗi bóng có công suất 15 W. Mặt ngoài vỏ máy lắp công tắc điện. Các thiết bị tiêu thụ điện có điện áp 220V được kết nối với công tắc điện và phích cắm để kết nối với nguồn điện khi sử dụng.

Nguyên lý hoạt động của hệ thống được kết nối phích cắm điện với ổ cắm điện có điện áp 220V. Sau đó bật công tắc điện, kiểm tra đảm bảo chắc chắn quạt hút đẩy và 2 bóng đèn UV đã hoạt động. Không khí chưa sạch sẽ được hút qua màng lọc bụi nhờ quạt hút đẩy. Màng lọc thô có tác dụng loại bỏ bụi bẩn to sau đó đến lọc mịn 2.5PM để làm sạch không khí, khi không khí đi qua các lớp lọc để làm sạch bụi bẩn tiếp đến là lớp than hoạt tính dùng để khử mùi trong không khí. Lúc này gió qua quạt là không khí sạch vẫn chưa được tiệt trùng. Sau đó không khí sạch tiếp tục được quạt đẩy qua 2 bóng đèn UV phát ozone <0.08 ppm mỗi bóng có công suất 15W.

Virus, vi khuẩn sẽ bị tia UV, ozone phát ra từ 2 bóng đèn UV phát ozone <0.08 ppm tiêu diệt. Không khí sau khi ra khỏi máy là không khí sạch đã được diệt virus, vi khuẩn … Với chiều cao của quạt cộng với chiều dài của đèn UV thì không khí thổi càng lâu càng sạch. Lượng ozone phát tán trong không khí có tác dụng khử mùi và diệt các loại vi khuẩn, vi sinh vật… gây mùi khó chịu.

Còn tại Quảng Ngãi, cô giáo Nguyễn Thị Hồng Minh cùng hai học trò là Võ Duy Huân và Lê Đăng Khoa, Trường Trung học Cơ sở Huỳnh Thúc Kháng, huyện Nghĩa Hành (Quảng Ngãi) vừa sáng chế ra máy rửa tay tự động không tiếp xúc, góp phần phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả trong nhà trường.

Sáng chế này đã đạt giải ba Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng tỉnh Quảng Ngãi lần thứ 6, do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh tổ chức vào tháng 7/2021.

Theo Tạp chí in số 1+2/2022