Tìm mộ liệt sĩ qua mạng Internet

16:05, 14/01/2010

Qua nhiều năm tìm kiếm bằng nhiều phương cách như tìm gặp đồng đội cũ, nhờ các nhà ngoại cảm, tra cứu hồ sơ liệt sĩ tại  các đơn vị, nghĩa trang liệt sĩ…nhưng phần mộ của liệt sĩ Nguyễn Văn Hào vẫn chưa tìm thấy. Nhưng thật tình cờ, và cũng do duyên phúc, gia đình chị Phương  (Dương Xá – Gia Lâm – Hà Nội )đã tìm lại được mộ người thân của mình qua mạng Internet. Một phương pháp tìm kiếm hiệu quả mà chỉ thời đại Internet mới có thể mang lại.

Câu chuyện một gia đình tìm lại được mộ người thân nhờ mạng Internet mà tôi được biết thật tình cờ. Được người quen giới thiệu, tôi gặp gỡ ngồi uống nước với chị Phương (Dương Xá – Gia Lâm – Hà Nội) và nghe chị kể về câu chuyện tìm lại mộ người chú ruột của mình với biết bao cảm xúc. Năm 1971, liệt sĩ Nguyễn Văn Hào khi đó mới 18 tuổi lên đường vào chiến trường Quảng Trị, nơi chiến tranh diễn ra vô cùng ác liệt. Đến năm 1972, gia đình nhận được thư của chú gửi về từ chiến trường thông báo chú đang bị thương nặng, đang được điều trị và chờ chuyển về tuyến sau. Còn đơn vị của chú thì tiếp tục hành quân Nam tiến vào các chiến trường ác liệt xa hơn của Tổ Quốc. Thời chiến tranh, thông tin liên lạc bị đứt đoạn là chuyện thường tình. Sau lần đó, gia đình bặt tin chú cho đến năm 1975 khi đất nước giải phóng, gia đình nhận được giấy báo tử thông báo về, trong giấy chỉ ghi thông tin vỏn vẹn là hi sinh tại chiến trường Miền Nam. Từ đó, năm lại năm, bà nội chị Phương, mẹ của chú đêm nào cũng khóc, tối nào cũng mong ngóng con chở về, cho đến năm 1981, bà nội mất, hình ảnh đọng lại sâu sắc nhất trong trí nhớ của chị là năm nào Tết đến, khi nhà nhà đón năm mới, bà nội chị cũng khóc, lau nước mắt và thắp hương cho linh hồn chú được trở về nhà.

Bà nội nhắm mắt, mang theo nỗi trăn trở về người con đã ngã xuống không biết giờ nằm lại nơi đâu trên khắp cánh rừng Trường Sơn, trong những ngôi mộ liệt sĩ vô danh trên khắp chiến trường miền Trung đau thương, anh dũng. Suốt 30 năm, gia đình chị Phương đã đi hỏi thăm rất nhiều đồng đội cũ, tìm hiểu về nơi mất của chú, mong mỏi tìm được mộ chú cho đến khi tình cờ được một người bạn giới thiệu vào trang web www.ngheantimdongdoi.gov.vn và chị đã tìm thấy tên chú!

Trên Internet có rất nhiều trang đăng tải thông tin về vấn đề tìm mộ liệt sĩ, trong đó phải kể đến như http://timmolietsi.com.vn , www.nhantimdongdoi.org (trung tâm MARIN), www.ngheantimdongdoi.gov.vn , http://thongtinlietsi.quangtri.gov.vn, http://tkttls.quangtri.gov.vn , tuy nhiên để tìm thông tin được của người thân vẫn không phải đơn giản. Bản thân chị Phương và gia đình từ khi biết thông tin rằng có thể tìm manh mối địa chỉ mộ các liệt sĩ trên mạng đã lục tìm trên trang www.nhantimdongdoi.org suốt hơn 3 ngày trời nhưng vẫn không tìm ra, tới khi biết đến và thử tìm trên trang www.ngheantimdongdoi.gov.vn thì thật là may mắn – chị đã tìm được thông tin về người thân của mình với đầy đủ, chính xác tên họ, nguyên quán, tên đơn vị là "Liệt sĩ Nguyễn Văn Hào, Hạ sĩ, Đại đội 618, Trung đoàn 3, Sư đoàn 320, sinh 7/7/1953, nhập ngũ 8/6/1971, hy sinh 8/5/1972 tại Bệnh viện Quân khu 4 Nghệ An". Sở dĩ gia đình không định hướng ngay từ đầu là tìm ở các nghĩa trang Nghệ An vì nghĩ rằng chú hi sinh ở Quảng Trị - Đà Nẵng nên hướng về phía địa chỉ các tỉnh từ Đà Nẵng trở vào Nam. Mong muốn chia sẻ may mắn, hạnh phúc của gia đình với những gia đình khác có người thân liệt sĩ mà chưa tìm được mộ chí trên khắp đất nước Việt Nam. Chị Phương chia sẻ “chị đến nghĩa trang Thanh Chương – Nghệ An đón hài cốt chú về nhưng chị thấy rất nhiều ngôi mộ các liệt sĩ khác trong nghĩa trang với bia mộ có đầy đủ thông tin Tên họ, năm sinh, quê quán, đơn vị mà mộ các anh nằm chơ vơ đó, chưa có người thân nhận về, chị cảm thấy đau lòng.

Có thể ở một nơi nào đó trên đất nước Việt Nam cũng có những người mẹ như bà nội chị, những người thân mong tìm lại được hài cốt con em mình trở về quê hương nhưng không may mắn như gia đình chị là có được thông tin. Rất nhiều gia đình đã bỏ bao nhiêu tâm huyết, công sức, tiền bạc để mong tìm lại được hài cốt của người thân đi từ Bắc chí Nam, dọc chiều dài đất nước mà có khi kết quả vẫn chưa được toại nguyện với nỗi thất vọng và day dứt đeo đẳng. Có những người tìm đến các nhà ngoại cảm xin giúp đỡ nhưng đâu phải nhà ngoại cảm nào cũng tìm được đúng. Có nhà ngoại cảm giỏi thì đúng nhưng thực tế cũng có rất nhiều nhà ngoại cảm “dởm”. Bản thân gia đình cũng đã tìm đến sự giúp đỡ của một nhà ngoại cảm và được chỉ dẫn vào Đà Nẵng tìm theo hàng x dãy y… nhưng thực tế là không chính xác. Đôi khi chỉ cần thêm một chút tâm huyết và trách nhiệm là cũng đỡ vất vả, khổ nhọc cho rất nhiều gia đình, xoa dịu nỗi đau và bù đắp phần nào sự khắc khoải trong lòng những người thân ở lại. Suy nghĩ như vậy, gia đình chị Phương đã cẩn thận ghi chép các bia mộ có tương đối đầy đủ thông tin xác nhận mà chưa có người nhận và gọi điện báo về các Phòng thương bình xã hội của các địa chỉ đó thông báo và để lại địa chỉ liên hệ mong muốn người thân của những liệt sĩ đó có thể tìm lại được mộ người thân.

Chiến dịch tìm kiếm hài cốt quân nhân Mỹ mất tích trong chiến tranh ở Việt Nam (MIA) được chính phủ hai nước Việt Nam – Hoa Kỳ hết sức quan tâm. Một điều trăn trở trong mỗi chúng ta là những người Mỹ từ nửa vòng trái đất vẫn tìm đến Việt Nam để mong tìm kiếm được hài cốt người thân trở về thì tại sao chúng ta ở đây, ngay trên mảnh đất quê hương mình, lại không làm được việc đó. Cần một sự quan tâm và Chính sách của Chính Phủ tới vấn đề thông tin báo về gia đình liệt sĩ (ít nhất là với những liệt sĩ còn lưu được thông tin). Đừng để, khi thời gian trôi đi, lớp người cũ rụng dần, những sợi dây liên lạc không còn, lớp lớp con cháu biết tìm đâu thông tin? Để thực hiện được điều đó cần có sự chung tay, góp sức của cộng đồng, chính phủ và cơ quan ban ngành để tập hợp, kiểm chứng, đối chiếu thông tin sao cho chính xác nhất.

Những người con yêu dấu của quê hương Việt Nam khi đi chiến đâu biết là hiểm nguy gian nan cũng đâu có từ nan, ngã xuống vì một ngày độc lập. Các anh hi sinh khi tuổi đời còn quá trẻ, còn đang tràn đầy sức sống, tràn đầy năng lượng. Nếu theo duy tâm thì có thể suy nghĩ rằng “sóng linh hồn” của những người chết trẻ thường rất "khỏe" và thường chết do bom đạn chiến tranh chứ không phải do bệnh tật nên nguyên khí lại càng lớn. Các anh là nguồn nguyên khí to lớn của quốc gia, nếu đất nước không chăm lo nguồn nguyên khí này thì thật là lãng phí.

Tháng 2/2009 vừa qua, thông tin về đề án “Đài tưởng niệm liệt sỹ Việt Nam trực tuyến” của trung tâm Marin được phát động mang đến hi vọng cho hàng ngàn, hàng triệu gia đình Việt Nam còn chưa tìm được hài cốt người thân. Mong một ngày các anh có thể trở về nằm yên nghỉ tại “nơi chôn rau cắt rốn” của mình. Ý tưởng của Dự án rất lớn và mang thật nhiều ý nghĩa, có thể số hóa toàn bộ thông tin các liệt sĩ từ hơn 3000 nghĩa trang liệt sĩ trên khắp cả nước để trở thành một cơ sở dữ liệu lớn đầy đủ, đồng bộ với những công cụ tra cứu, nhanh chóng, thuận tiện… giúp các thân nhân liệt sĩ chưa tìm được hài cốt bớt nhọc nhằn trong quá trình mò mẫm đi tìm.

Qua bài báo nhỏ này, gia đình chị Phương xin gửi lời cảm ơn Ban Khoa học công nghệ và Môi trường của tỉnh đội Nghệ An, nơi bắt nguồn ý tưởng đưa thông tin của các Liệt sĩ an táng tại Nghệ An lên mạng để gia đình có cơ hội tìm lại được mộ của liệt sĩ Nguyễn Văn Hào. Ông Đậu Sĩ Hùng, Phó Trưởng Ban Khoa học công nghệ và Môi trường tỉnh Nghệ An chia sẻ "Mong muốn ngày càng có nhiều địa phương cũng đưa thông tin mộ liệt sĩ an táng tại quê hương mình lên mạng cho nhiều gia đình được tìm thấy người thân dù nguồn kinh phí có thể còn eo hẹp và thông tin còn sơ khai, chưa đầy đủ". Xin gửi lời cảm ơn một vị tướng Nghệ An (1) đã tâm huyết, trăn trở xin kinh phí của địa phương và chính quyền quy tập mộ các liệt sĩ rải rác trong các cánh rừng Trường Sơn, kể cả những nơi giáp biên giới với nước bạn Lào quy tập về nghĩa trang Nghệ An để các anh được quây quần bên nhau, các thế hệ sau đến thắp hương tưởng nhớ công ơn các anh – tưởng nhớ đời đời!

Chú thích:
(1) Thiếu tướng Nguyễn Đình Minh, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Nghệ An 

Vũ Mai Hương
TIN LIÊN QUAN