Việt Nam được dự báo sẽ thiếu đến 150.000 nhân lực công nghệ thông tin trong năm 2022

16:20, 20/05/2022

Hiện tỷ lệ nhân lực kỹ thuật trên tổng lao động của nền kinh tế Việt Nam chỉ đạt hơn 1%, thấp hơn nhiều so với nhiều quốc gia như Ấn Độ, Hàn Quốc… Ngoài ra, chất lượng nhân lực cũng là thách thức lớn trong quá trình chuyển đổi số quốc gia

Năm 2022, Việt Nam được dự báo sẽ thiếu đến 150.000 nhân lực công nghệ thông tin

Việt Nam hiện có hơn 240 trường đại học, trong đó gần 160 trường có chuyên ngành đào tạo kỹ thuật gồm công nghệ thông tin, điện tử - viễn thông, an toàn thông tin. Số lượng tốt nghiệp đại học chuyên ngành công nghệ thông tin hằng năm chiếm khoảng 50.000 sinh viên.

Trong cơ cấu nguồn nhân lực, tỷ lệ nhân lực kỹ thuật trên tổng lao động của nền kinh tế Việt Nam đạt hơn 1%. “Đây là tỷ lệ tương đối thấp so với một số quốc gia như Mỹ (4%), Hàn Quốc (2,5%), Ấn Độ (1,78%)”, Bộ Thông tin và truyền thông cho biết.

Để nâng tỷ lệ lên tối thiểu 2%, Việt Nam cần tăng khoảng 40% mỗi năm số lượng đào tạo sinh viên đại học chuyên ngành kỹ thuật so với hiện nay. Tuy nhiên, không chỉ là vấn đề số lượng, chất lượng nhân lực cũng là thách thức lớn trong quá trình chuyển đổi số quốc gia, Bộ Thông tin và truyền thông nhận định.

'Khát' nhân lực số

Theo báo cáo thị trường của TopDev (nền tảng tuyển dụng IT hàng đầu tại Việt Nam), năm 2022, Việt Nam được dự báo sẽ thiếu đến 150.000 nhân lực công nghệ thông tin khi nhu cầu thị trường tăng lên đến 530.000 người.

Trước đó, năm 2021, Việt Nam cần 450.000 nhân lực công nghệ thông tin. Tuy nhiên, tổng số lập trình viên hiện tại ở Việt Nam là 430.000, có nghĩa là 20.000 vị trí lập trình viên sẽ không được lấp đầy trong tương lai gần.

Sự thiếu hụt này xuất phát từ sự chênh lệch giữa trình độ của lập trình viên và các yêu cầu kinh doanh. Đáng chú ý là hiện nay chỉ có khoảng 16.500 sinh viên trong tổng số 50.000 sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp.

Theo thống kê của Tập đoàn Công nghệ CMC (doanh nghiệp ITC hàng đầu tại Việt Nam), nhu cầu về nguồn nhân lực số rất cao nhưng các trường đại học chưa đáp ứng được. Về số lượng, thực tế mới đáp ứng khoảng 25% nhu cầu, còn chất lượng chỉ đạt 30% đáp ứng yêu cầu.

Như Tập đoàn Samsung Hàn Quốc đã đầu tư trung tâm nghiên cứu và phát triển tại Việt Nam, xem Việt Nam là trung tâm (Hub) cung cấp dịch vụ số cho toàn cầu. Năm 2021, bất chấp Covid-19, nhu cầu nhân lực của Samsung vẫn rất cao.

Tập đoàn này yêu cầu CMC cung ứng đến hàng nghìn nhân sự. "Dù chúng tôi đã nỗ lực đáp ứng nhưng thực tế chỉ có 30% nhân lực đạt yêu cầu Samsung đề ra”, Chủ tịch CMC Nguyễn Trung Chính dẫn chứng tại phiên họp thứ 2 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số mới đây. Theo ông Chính, điều này cho thấy chất lượng nhân lực số của Việt Nam còn thiếu và yếu.

Trong khi đó, đến năm 2030, thị trường cần đến 1,5 triệu nhân lực công nghệ thông tin. Như vậy, thị trường lao động cần bổ sung một lượng lớn nhân sự trong thời gian tới. Hướng tới mục tiêu đưa Việt Nam thuộc nhóm 30 nước dẫn đầu về công nghệ thông tin (IDI) và đổi mới sáng tạo (GII) theo Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Thực tế là, các công nghệ số đang có tốc độ phát triển nhanh, trong khi đó, chương trình đào tạo đang chưa theo kịp.

Để giải quyết vấn đề, nhiều quốc gia, điển hình là Hàn Quốc, Ấn Độ đã xác định phát triển đại học số là giải pháp quan trọng, đột phá để phát triển, bảo đảm số lượng và chất lượng nguồn nhân lực nói chung và nhân lực số nói riêng.

Đại học số, hiểu một các đơn giản là chuyển đổi số giáo dục đại học, đưa toàn bộ hoạt động của trường đại học, của giảng viên, sinh viên lên môi trường số.

Và vì chuyển đổi hoàn toàn lên môi trường số, môi trường hoạt động của một trường đại học số trở nên linh hoạt và vượt qua nhiều giới hạn vật lý mà một môi trường truyền thống gặp phải, dẫn tới dịch vụ giáo dục được tiếp cận dễ dàng hơn, đào tạo được nhiều hơn, chi phí thấp hơn, với chất lượng tối thiếu tương đương.

Mới đây, Thủ tướng Ấn Độ, ông Narenda Modi coi triển khai đại học số là bước đi chưa có tiền lệ để giải quyết triệt để vấn đề giới hạn chỉ tiêu đào tạo tại các trường đại học. Việc phát triển đại học số có thể giúp bổ sung thêm 10 triệu người dân Ấn Độ trong độ tuổi có thể tiếp cận với đào tạo trình độ đại học hàng năm.

Tại Việt Nam, giữa tháng 3/2022, trong kế hoạch hoạt động của Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số năm 2022, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ Giáo dục và đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và truyền thông xây dựng Đề án thí điểm triển khai 5 trường tham gia mô hình giáo dục đại học số trong đào tạo nhân lực công nghệ số, thời hạn là tháng 8/2022.

Tuy nhiên tác động của mọi chính sách đều có 'độ trễ' nhất định. Trong khi đó, các công nghệ số đang có tốc độ phát triển nhanh, nhu cầu nhân lực trong ngành công nghệ ngày càng cao. 

Kế hoạch giải quyết ‘cơn khát’ nhân lực

Để giải quyết ‘cơn khát’ nhân lực số, các tập đoàn, doanh nghiệp lớn đã áp dụng phương pháp tự mở trường đại học như FPT, tái đào tạo sau tuyển dụng, ‘đặt hàng riêng’ các khóa đào tạo tại các trường đại học hàng đầu về kỹ thuật…

Ông David Wei, Tổng giám đốc Huawei Việt Nam cho biết, khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt khoảng 47 triệu lao động trong lĩnh vực công nghệ thông tin vào năm 2030 với chi phí cơ hội hàng năm là 4.238 tỷ USD.

Qua khảo sát, hơn 50% giám đốc điều hành trong khu vực cũng cho hay rất khó tìm kiếm được nguồn nhân lực phù hợp. Song, ông cho rằng đây là cơ hội lớn đối với Việt Nam.

Ông phân tích với thực trạng mất cân đối lớn giữa nguồn cung và cầu về nhân lực trong lĩnh vực công nghệ thông tin, trong đó 70% nhu cầu nằm trong các lĩnh vực mới nổi, như dữ liệu lớn, điện toán đám mây, internet vạn vật - IoT và AI. Kế hoạch trong thời gian tới, Huawei sẽ đầu tư 50 triệu USD với mục tiêu đào tạo 500.000 chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ thông tin và thiết lập tám học viện cho các quốc gia ASEAN.

Chiến lược quan trọng của Huawei tại Việt Nam trong tương lai là hợp tác với các đối tác hình thành 15 học viện Huawei, phối hợp với 100 cơ sở (của các trường đại học và các tổ chức) để đào tạo hơn 10.000 sinh viên trong ngành.

“Huawei sẵn sàng hợp tác với các trường đại học và học viện của Việt Nam để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao tại địa phương, thông qua việc tăng cường chuyển giao kiến thức, thúc đẩy sự hiểu biết và quan tâm nhiều hơn đến lĩnh vực công nghệ thông tin cũng như sự tham gia trong cộng đồng kỹ thuật số,” ông David trao đổi tại Diễn đàn cấp cao về Công nghiệp 4.0 lần thứ ba - Industry Summit 4.0. 

Thuỳ Chi (T/h)