10 sự kiện nổi bật của ngành tài chính năm 2023
Trên cơ sở bình chọn của các đơn vị thuộc Bộ và các cơ quan báo chí ngành tài chính, ngày 27/12, Bộ Tài chính công bố 10 sự kiện nổi bật ngành Tài chính năm 2023.
Bộ Tài chính tiếp tục trình cấp có thẩm quyền và ban hành theo thẩm quyền các chính sách hỗ trợ với quy mô khoảng 200 nghìn tỷ đồng.
1. Quản lý điều hành chính sách tài khóa mở rộng, hiệu quả
Năm 2023, đất nước ta tiếp tục phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Trong bối cảnh đó, hàng loạt chính sách đã kịp thời được ban hành và đi vào cuộc sống hiệu quả, tiêu biểu là chính sách tài khóa hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Đây là năm thứ 4 liên tiếp, Bộ Tài chính tiếp tục trình cấp có thẩm quyền và ban hành theo thẩm quyền các chính sách hỗ trợ với quy mô khoảng 200 nghìn tỷ đồng.
Có thể kể đến một số chính sách hỗ trợ tài chính tiêu biểu như: Trình Chính phủ trình Quốc hội giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng (GTGT) từ ngày 01/7/2023 đến hết ngày 31/12/2023 đối với hầu hết các mặt hàng đang áp dụng mức thuế suất thuế GTGT 10%. Dự kiến số tiền thuế được giảm khoảng 24 nghìn tỷ đồng; trình Chính phủ ban hành Nghị định số 12/2023/NĐ-CP ngày 14/4/2023 gia hạn thời hạn nộp thuế GTGT, thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), thuế thu nhập cá nhân (TNCN) và tiền thuê đất trong năm 2023 đối với doanh nghiệp, tổ chức và hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh. Theo đó, dự kiến số tiền thuế, tiền thuê đất được xem xét gia hạn là hơn 110 nghìn tỷ đồng; trình Chính phủ ban hành Nghị định số 36/2023/NĐ-CP ngày 21/6/2023 gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) phải nộp phát sinh của kỳ tính thuế tháng 6, 7, 8, 9 năm 2023 đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước. Dự kiến các DN sẽ được gia hạn tiền nộp thuế khoảng 10,4 nghìn tỷ - 11,2 nghìn tỷ đồng...
2. Chuyển đổi số, hướng tới nền tài chính thông minh
Năm 2023 là năm thứ 9 liên tiếp (từ 2014 - 2022), Bộ Tài chính nằm trong nhóm 3 bộ, cơ quan ngang bộ dẫn đầu về PAR Index với kết quả Chỉ số cải cách hành chính đạt 89,76%. Về chỉ số cải cách tài chính công, Bộ Tài chính tiếp tục là một trong số các bộ dẫn đầu, đạt tỷ lệ trên 96%.
Với việc xác định "đẩy mạnh hiện đại hóa, phát triển nền tảng tài chính số trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin gắn với chuyển đổi số" là một trong các đột phá trong "Chiến lược phát triển tài chính đến năm 2030", Bộ Tài chính đã tập trung triển khai có hiệu quả các hệ thống thông tin lớn, cốt lõi bám sát chương trình chuyển đổi số quốc gia, trong đó đặc biệt chú trọng hỗ trợ trong giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp như lĩnh vực thuế, hải quan, kho bạc.
Với việc áp dụng hệ thống Hóa đơn điện tử trên phạm vi toàn quốc, đến nay tổng số lượng hóa đơn đã tiếp nhận và xử lý đạt gần 6,1 tỷ hóa đơn, trong đó 1,7 tỷ hóa đơn có mã; hơn 4,4 tỷ hóa đơn không mã. Hiện nay cơ quan thuế tiếp tục triển khai Bản đồ số hộ kinh doanh; vận hành hệ thống phân tích cơ sở dữ liệu và quản lý hóa đơn điện tử dựa trên cơ sở phân tích dữ liệu lớn (Big Data) và trí tuệ nhân tạo (AI); triển khai mở rộng chương trình hóa đơn điện tử từ máy tính tiền... Mới đây nhất, "Dịch vụ khai thuế GTGT đối với phương pháp khấu trừ đối với hoạt động sản xuất kinh doanh" của Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) được Bộ Thông tin và Truyền thông tôn vinh là 1 trong 4 dịch vụ công trực tuyến xuất sắc.
Kho bạc Nhà nước chính thức triển khai diện rộng quy trình thanh toán tự động các khoản chi điện, nước, dịch vụ viễn thông theo ủy quyền của các đơn vị sử dụng ngân sách.
3. Tổ chức Xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam lên mức BB+, triển vọng "Ổn định"
Ngày 08/12/2023, Tổ chức Xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings (Tổ chức Fitch) nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam lên mức BB+, triển vọng "Ổn định". Việc Tổ chức Fitch nâng định mức tín nhiệm quốc gia của Việt Nam trong bối cảnh thế giới đối mặt với các thách thức về suy giảm tăng trưởng, kinh tế, thương mại cũng như sự gia tăng các rủi ro về tài chính ở nhiều quốc gia đã thể hiện sự đánh giá hết sức tích cực của cộng đồng quốc tế về nỗ lực chỉ đạo, điều hành của Đảng, Quốc hội và Chính phủ Việt Nam thời gian qua nhằm ổn định vĩ mô và phục hồi kinh tế, củng cố nền tảng chính trị - xã hội; nỗ lực của Bộ Tài chính và các Bộ, ngành liên quan trong việc cập nhật thường xuyên và định kỳ truyền tải thông tin về những thành tựu, kết quả trong phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam đến các tổ chức xếp hạng tín nhiệm và cộng đồng nhà đầu tư.Các thị trường tài chính tiếp tục được củng cố , tháo gỡ, xử lý kịp thời khó khăn vướng mắc để ngày càng phát triển lành mạnh, công khai, minh bạch.
4. Quản lý nợ công chặt chẽ, hiệu quả
Quy mô nợ công đến cuối năm 2023 khoảng 37% GDP, thấp hơn nhiều so với mức trần 60% Quốc hội đề ra. Nợ Chính phủ khoảng 34% GDP, thấp hơn nhiều so với trần 50%. Mức dư nợ này thấp hơn nhiều so với mức trung bình năm 2023 của các quốc gia có mức xếp hạng tín nhiệm BB là 52,8% GDP và BBB là 54,9% GDP.
Cơ cấu nợ tích cực, dư nợ trong nước tăng lên, chiếm khoảng 71% dư nợ Chính phủ góp phần giảm thiểu rủi ro tỷ giá. Nợ trong nước chủ yếu là TPCP có kỳ hạn phát hành dài, giảm thiểu rủi ro vay đảo nợ. Nợ nước ngoài giảm dần trong cơ cấu vay của Chính phủ. Danh mục nợ nước ngoài hiện hành chủ yếu vẫn là các khoản vay kỳ hạn dài, lãi suất ưu đãi; góp phần tăng tính bền vững trước biến động tỷ giá của các ngoại tệ mạnh trên toàn cầu.
5. Hoàn thiện pháp luật và giảm nhiều khoản phí, lệ phí khi thực hiện điều hành dịch vụ công trực tuyến
Nhiệm vụ xây dựng, hoàn thiện thể chế của Bộ Tài chính là khá nặng nề (thường chiếm khoảng 1/4 -1/3 khối lượng xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan thuộc Chính phủ), có nhiều nội dung phức tạp, song Bộ Tài chính luôn bảo đảm tiến độ hoàn thành Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh và Chương trình công tác góp phần tác động tích cực đến đời sống kinh tế - xã hội của đất nước.
Tính đến ngày 26/12/2023, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ trình Quốc hội thông qua 1 Luật, 1 Nghị quyết; trình Chính phủ ban hành 19 Nghị định và đang xem xét ban hành 15 Nghị định; trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 6 Quyết định; ban hành theo thẩm quyền 64 Thông tư.
Bên cạnh đó, nhằm khuyến khích sử dụng dịch vụ công trực tuyến, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 63/2023/TT-BTC ngày 16/10/2023 giảm một số khoản phí, lệ phí thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Theo đó, kể từ ngày 1/12/2023 đến hết 31/12/2025 sẽ có 8 khoản phí, lệ phí khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến với mức giảm từ 10-50%. Theo ước tính, số ước lượng hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khi thực hiện chính sách này khoảng 100 tỷ đồng/năm.
6. Quốc hội thông qua Nghị quyết về thuế tối thiểu toàn cầu
Để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam, tạo mức độ tin tưởng giữa các Tập đoàn đa quốc gia trong việc tiếp tục mở rộng đầu tư tại Việt Nam, Bộ Tài chính đã giao Tổng cục Thuế chủ trì nghiên cứu đánh giá tác động và tham khảo kinh nghiệm quốc tế để xây dựng chính sách thuế tối thiểu toàn cầu.
Ngày 29/11/2023, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV đã chính thức thông qua Nghị quyết số 107/2023/QH15 về thuế tối thiểu toàn cầu. Đây là một bước đi cần thiết và với việc áp dụng từ ngày 01/01/2024, Việt Nam khẳng định vị thế và quyền đánh thuế của quốc gia, góp phần tăng nguồn thu cho NSNN từ phần thu thuế bổ sung, góp phần tăng cường hội nhập quốc tế và cải cách hệ thống thuế phù hợp với thông lệ quốc tế.
7. Kiểm soát lạm phát, quản lý bội chi ngân sách chặt chẽ, hiệu quả
Để có thêm nguồn lực tăng chi đầu tư phát triển, thúc đẩy phục hồi kinh tế, Bộ Tài chính đã trình cấp có thẩm quyền quyết định dự toán bội chi ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2023 ở mức 4,42% GDP. Trong quá trình điều hành đã kiểm soát chặt chẽ bội chi, điều hành vay, phát hành trái phiếu Chính phủ phù hợp với tiến độ thu, khả năng giải ngân vốn đầu tư và tồn quỹ NSNN, qua đó tiết kiệm chi phí lãi vay cho NSNN. Ước tính bội chi NSNN thực hiện khoảng 4% GDP (giảm 40,3 nghìn tỷ đồng so dự toán).
Về quản lý giá, ước tính cả năm chỉ số giá tiêu dùng CPI tăng khoảng 3,5% (mục tiêu khoảng 4,5%).
8. Phát hiện, bắt giữ thành công nhiều vụ buôn lậu, gian lận thương mại, ma túy với số lượng lớn
Trong năm 2023, toàn ngành hải quan đã phối hợp bắt giữ, xử lý gần 16 nghìn vụ vi phạm trong lĩnh vực hải quan, với trị giá hàng hóa vi phạm khoảng 12,5 nghìn tỷ đồng; trong đó có nhiều vụ tiêu biểu, như: thu giữ trên 65.000 lít dầu D/O, FO và xăng các loại, 8,3 tấn ngà voi, 37 kg sừng tê giác, 2,8 tấn ma túy các loại... Cơ quan hải quan đã khởi tố 40 vụ, chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 186 vụ.
9. Tăng cường quan hệ hợp tác quốc tế sâu sắc, toàn diện trong lĩnh vực tài chính
Năm 2023, Bộ Tài chính đã triển khai nhiều hoạt động thúc đẩy quan hệ hợp tác sâu sắc và toàn diện trong lĩnh vực tài chính. Đáng chú ý là các hoạt động đối ngoại của Bộ trưởng Bộ Tài chính như: Làm việc tại Đại Công quốc Luxembourg và Vương quốc Bỉ vào tháng 7/2023 để thúc đẩy hợp tác tài chính với Bộ Tài chính các nước, đặc biệt là tài chính xanh và chủ trì Hội nghị bàn tròn xúc tiến đầu tư tại Luxembourg; Các hoạt động tại Hoa Kỳ trong khuôn khổ chuyến công tác của Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dẫn đầu tham gia Tuần lễ Cấp cao khóa 78 Đại hội đồng Liên Hợp quốc, ngày 20/9. Theo đó, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đã có buổi làm việc với Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ, Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Standard & Poor's Global Ratings và Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody's.
Trong tháng 11/2023, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đã tham dự Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC 2023 tại San Francisco thuộc tiến trình Hội nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính APEC 2023 do Hoa Kỳ chủ trì. Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đã chủ trì các Hội nghị Xúc tiến đầu tư tài chính do Bộ Tài chính Việt Nam tổ chức tại Los Angesles, thu hút đông đảo các nhà đầu tư gồm các quỹ đầu tư lớn, các tập đoàn, doanh nghiệp Hoa Kỳ tham dự.
Trong quan hệ hợp tác đa phương, 2023 cũng là năm đánh dấu nhiều sự kiện quốc tế lớn do Bộ Tài chính chủ trì tổ chức thành công như: Hải quan tổ chức Hội nghị và Triển lãm công nghệ năm 2023 của Tổ chức Hải quan thế giới (WCO). Bộ Tài chính cũng tổ chức thành công Hội nghị các cơ quan quản lý bảo hiểm ASEAN lần thứ 26 (AIRM26) và Hội nghị Hội đồng bảo hiểm ASEAN lần thứ 49 (AIC49) với chủ đề "Bền vững, toàn diện và kết nối" diễn ra từ ngày 6-8/12/2023 tại TP. Hạ Long (Quảng Ninh).
10. Công tác an sinh xã hội được triển khai thiết thực, hiệu quả
Trước tình hình thiên tai, lũ lụt diễn biến phức tạp, khó lường, thực hiện các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, năm 2023, Bộ Tài chính đã thực hiện xuất cấp lương thực, các trang thiết bị DTQG với tổng trị giá khoảng 1.448 tỷ đồng, trong đó gồm: 108.118 tấn gạo với trị giá khoảng 1.300 tỷ đồng và vật tư thiết bị DTQG khoảng 148 tỷ đồng góp phần đảm bảo an sinh xã hội.
Bộ Tài chính cũng tích cực triển khai hàng loạt các hoạt động an xinh xã hội tại các vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, đặc biệt là hoạt động hỗ trợ xây dựng nhà tình nghĩa, mái ấm công đoàn, học bổng cho học sinh nghèo như: Xây dựng 100 nhà tình nghĩa cho hộ nghèo tại Bắc Kạn; 50 nhà tình nghĩa cho hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn tỉnh tại Nghệ An; 141 nhà tình nghĩa xây tặng hộ nghèo, cận nghèo, gia đình hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại huyện vùng sâu vùng xa...
Theo Báo điện tử Chính phủ
https://baochinhphu.vn/10-su-kien-noi-bat-cua-nganh-tai-chinh-nam-2023-102231227132507145.htm