10 sự vụ VT-CNTT nổi bật trong tuần: 4 xu hướng sau MWC 2014
Tuần thứ 10 (từ 3/3 – 9/3/2014), trong nhiều sự vụ về VT-CNTT, Xã Hội Thông Tin đúc kết lại có 10 sự vụ nổi bật, có liên quan nhiều đến lĩnh vực này tại Việt Nam. Trong đó, nổi bật lên là 4 xu hướng mới, được Stuff (Anh Quốc) đúc kết sau Triển lãm Di động thế giới (MWC) 2014.
1. 4 xu hướng mới từ MWC 2014
Sự kiện MWC 2014, diễn ra từ ngày 24/2 - 27/2/2014, đã thành công tốt đẹp và mang lại những hình ảnh khá toàn diện về ngành di động, từ thế hệ mạng di động kế tiếp đến công nghệ tính cước di động (mới) của thế giới. Stuff (Anh Quốc) đã phân tích và đúc kết thành 4 xu hướng (mới) sau đây:
Xu hướng 1: Kết nối thế giới
Trong bài phát biểu chính của công ty, CEO Facebook Mark Zuckerberg đã “say sưa” trình bày về “dự án Internet.org” - Một sự hợp tác của Facebook với các đại gia công nghệ và các nhà mạng viễn thông, nhằm đưa truy nhập Internet đến những nơi chưa được kết nối, hiện chiếm khoảng 2/3 thế giới.
Theo đó, bằng cách hợp tác với các hãng và công ty viễn thông ở các thị trường mới, Internet.org sẽ đưa các dịch vụ web cơ bản, các bản tin thời tiết, Wikipedia, nhắn tin và Facebook đến với những người không có khả năng chi trả kết nối, với hy vọng sẽ khơi nguồn cho họ khám phá web và hưởng thụ những lợi ích mà web có thể mang lại.
Xu hướng 2: Sức khỏe và thiết bị “đeo”
Gần đây, xu hướng sử dụng các công cụ theo dõi sức khỏe đã tăng tốc khi các nhà cung cấp bổ sung các tính năng, cho phép các thiết bị có nhiều dữ liệu hơn về cách người dùng luyện tập hàng ngày. Đó là chính những thông tin về sức khỏe của chúng ta.
Dòng thiết bị Galaxy S của Samsung chỉ đứng sau iPhone của Apple về sự phổ biến. Galaxy S5 ra mắt năm nay tập trung vào vấn đề sức khỏe và khả năng cho bạn biết những gì về chính bạn (hơn cả bạn). Ngoài tính năng chống thấm nước, phía sau của nó là một thiết bị cảm biến đo nhịp tim kết hợp với ứng dụng y tế (S Health), có thể giúp xây dựng một bức tranh tổng thế hơn về sức khỏe của bạn.
Hay như tính năng sức khỏe ở máy Sony, có một vài điểm của đồng hồ thông minh, đưa ra những cảnh báo qua phản hồi xúc giác và cho phép điều khiển âm nhạc mà bạn đang bật trên một thiết bị Android kết nối. Tuy nhiên, đó là ứng dụng Lifelog đi kèm mà các thông tin đáng kể - không chỉ theo dõi hoạt động mà còn đánh giá giấc ngủ của bạn, bạn đã ở đâu và bạn đi nhanh như thế nào tới đó, bạn duyệt web bao nhiêu, chơi nhạc, xem phim và game, và thậm chí nhiều sự việc khác nữa. Những việc theo dõi này (của thiết bị) có thể sẽ là một cảnh báo tốt cho chính bạn.
Tại MWC 2014, Samsung đã giới thiệu 3 máy “đeo”, là các đồng hồ thông minh Neo Gear 2, Gear 2 Neo và Gear Fit fitness band, có khả năng mới là theo dõi nhịp tim của bạn liên tục, giúp chúng trở nên hữu dụng hơn nhiều trong việc hỗ trợ tập luyện.
Xu hướng 3: Màn hình ngày càng lớn
Mỗi năm, màn hình của các smartphone ngày càng to hơn. Những loại mới, phổ biến hiện nay đã trở nên “quá khổ”, thế nên tiêu chí “phablet” dường như đã lỗi thời. Bây giờ, nếu thiết bị của bạn không phải là màn hình 5 inch (hay lớn hơn) nghĩa là bạn đã lỗi thời. Nếu xu hướng này vẫn tiếp tục, trong khi xuất hiện thêm các thiết bị đi cùng như đồng hồ thông minh, sẽ khiến chúng ta ngày càng ít có lý do để lôi thiết bị ra khỏi túi.
LG G Pro 2 có màn hình 5,9 inch 1080 pixel, một máy ảnh quay video 4K 13 megapixel và nguồn lớn, làm cho thiết bị này trở nên khá thú vị (rất, rất lớn). Nhưng sáng tạo của LG đối với thiết bị này chính là cách phản ứng khi bạn tì khuỷu tay lên. Một sự kết hợp phổ biến là dùng các tap để khóa và mở thiết bị, thay cho PIN chuẩn của Android và mở khóa theo phần. Các kết hợp có thể lên tới 8 tap, và có khả năng tới 80.000 kết hợp chạm, LG cho biết.
Xu hướng 4: Tương lai
Các triển lãm công nghệ luôn là cơ hội tốt để phát hiện ra những gì sắp diễn ra và MWC 2014 cũng thế. Trình diễn công nghệ hoàn hảo nhất tại MWC lần này thuộc về Fujitsu, về chiếc máy tính bảng Sensory đầu tiên, có miếng siêu âm trên màn hình, cho phép nó chuyển động ở các tần số khác nhau, tạo ra nhiều cấp độ phản hồi “chạm” kỳ thú nhất - Nó mô phỏng các cấp độ ma sát khác nhau, thậm chí còn tạo ra ảo giác (tăng lên) về các bề mặt tiếp xúc làm cho hoạt động của nó trở lên thú vị hơn. Sensory dự kiến ra mắt thị trường vào năm 2015 và rất có thể nó sẽ tạo ra một sự khác biệt mới cho chơi game di động.
Blippar là một công ty của Anh, đã nghiên cứu về công nghệ tương tác thời gian thực (augmented reality) ở smartphone trong nhiều năm. Họ sử dụng kính mắt thông minh của Google, nhưng với công nghệ của Blippar, nó có thể cho phép nhìn thấy các đồ vật và khuôn mặt “thời gian thực” trong thế giới thực, hoặc hiển thị các dữ liệu liên quan đến người đeo (kính) ở thời gian thực. Điều này có thể tạo ra một thế giới khác hẳn, “với mọi sự đều được giải thích” – tức đã vượt qua ranh giới tức thời và cung cấp được các thông tin mang tính lịch sử khi ta dùng nó. Chẳng hạn như nhìn thấy một nhà hàng và tức thời ta cũng tiếp cận được các đánh giá liên quan đến nhà hàng ấy.
Hay như thế hệ điện thoại smartphone thứ hai của nhà sản xuất Yota (Nga) có hai màn hình, thoạt trông tựa như thế hệ thứ nhất. Nhưng, màn hình phía trước là màn hình chạm LCD màu thông thường, còn màn thứ hai phía sau là màn hình e-ink (tương tự như Amazon Kindle) chỉ sử dụng nguồn khi màn hình được bật lên. Qua một ứng dụng, bạn có thể yêu cầu màn hình thứ hai hiển thị những gì bạn nói (chẳng hạn tên một cuốn sách, một đăng tải Twitter, các thông báo,…), và nó sẽ cập nhật đầy đủ những thông tin trên mà bạn cần, không phải tốn thời gian và năng lượng để bật điện thoại lên.
2. Google “mượn” Flappy Bird để quảng bá cho hội nghị phát triển game 2014
Trong thư ngỏ đến các lập trình viên viết game, Google đã tha thiết mời họ hãy dành sự quan tâm và thời gian để tới tham dự Hội nghị phát triển game 2014 - Game Developers Conference (GDC) 2014, diễn ra từ ngày 17/3 - 21/3 tới, trong đó, Google đã “mượn” thương hiệu game Flappy Bird của Nguyễn Hà Đông để hiệu triệu. "Chúng tôi sẽ không hướng dẫn bạn cách điều khiển con chim chui qua những cái ống (ám chỉ game Flappy Bird), nhưng chúng tôi đã sẵn sàng cho một GDC lớn nhất từ trước tới nay", blog của Google về Android Developers đã viết.
Hãng này cho biết, trong ngày 18/3, toàn bộ đội ngũ về lập trình game của Google sẽ có mặt ở GDC 2014 để chia sẻ với các lập trình viên về những cách thức tốt nhất trong việc phát triển game cho di động, đặc biệt là trên nền tảng Android, gồm: Xu hướng hack game trên Play Store; Kiếm tiền với Google Play; Tăng doanh thu từ game với AdMob; Kiểm soát doanh thu với Google Analytics; Phát triển game cho Cloud; From Box2D to Liquid Fun: Ứng dụng engine 2D này cho game.
GDC là Hội nghị dành cho các lập trình viên về phát triển game, có đủ thể loại, từ PC, console cho đến máy cầm tay portable và di động, kể cả game cho máy điện tử thùng đặt trong siêu thị. Đây là sự kiện quan trọng nhất về game, hội đủ các tên tuổi trong lĩnh vực này tham gia. Và GDC không phải là sự kiện riêng của Google hay của bất cứ một hãng nào khác.
3. Việt Nam đứng thứ 4 về số người dùng di động bị mã độc tấn công
Mới đây, các chuyên gia Kaspersky Lab đã công bố kết quả nghiên cứu về các mối đe dọa trên di động năm 2013. Theo đó, trong 5 quốc gia có số người dùng bị tấn công nhiều nhất thế giới, Việt Nam đứng ở hàng thứ 4; Với con số cụ thể: Nga (40%), Ấn Độ (8%), Việt Nam (4%), Ukraine (4%) và Anh Quốc (3%).
Cũng theo Kaspersky Lap, đã có gần 145.000 chương trình độc hại mới trên di động được phát hiện trong năm 2013, gấp 3 lần con số của năm 2012 là 40.059 mẫu. Tính đến tháng 1/2014, bộ tập hợp mã độc của Kaspersky Lab đã có 190.000 mẫu mã độc di động. Trong đó, 98,1% các mẫu mã độc di động được phát hiện trong năm 2013 đã tấn công vào thiết bị Android và có xấp xỉ 4 triệu ứng dụng độc hại được tội phạm mạng sử dụng để phát tán mã độc trên các thiết bị Android. Trong hai năm 2012 và 2013, khoảng 10 triệu ứng dụng Android độc hại đã được phát hiện.
Mã độc trên di động đang ngày càng gia tăng
4. Viber khủng bố tin nhắn rác
Mặc dù Viber chính thức vào thị trường Việt Nam từ tháng 1/2014, nhưng trước đó, ứng dụng nhắn tin và gọi điện miễn phí trên Internet (OTT) này đã liên tục làm phiền người dùng với hàng loạt tin nhắn rác. Hiện, cường độ tin nhắn rác trên Viber ngày càng dày, khiến cộng đồng người dùng có nhiều bức xúc.
Trên thực tế, người dùng Viber tại Việt Nam ngày càng cảm thấy khó chịu với đủ thứ tin nhắn rác quảng cáo trên OTT, từ thực phẩm chức năng hay thuốc (chuyên về: giảm cân nam nữ, làm trắng da, tăng cường sinh lý nam nữ hay thúc đẩy dài mi, mọc tóc, trị thâm nám, tàn nhang, v.v...), cho đến game, mua sắm trực tuyến, du lịch và nhiều thứ khác. Thậm chí, những mẫu quảng cáo về các đầu game lậu, trong đó có game cờ bạc từ nước ngoài cũng tràn vào cộng đồng qua phương tiện Viber.
Theo thông tin trên trang Twitter cá nhân của ông Talmon Marco - CEO của Viber, tính đến thời điểm 29/11/2013 ứng dụng OTT này đã có đến 8 triệu người Việt Nam dùng, ngang bằng với lượng người dùng Viber tại Philippines. Từ đó có thể thấy rằng, số lượng người đang bị làm phiền hàng ngày nhiều lần, làm họ tích tụ sự khó chịu, dẫn đến bực tức… rất lớn.
Hiện, tại Việt Nam, các ứng dụng OTT được dùng phổ biến là Viber, Zalo, Facebook Messenger, LINE, KakaoTalk… Trong đó, các ứng dụng như Zalo của Việt Nam, hay LINE của Nhật Bản - có văn phòng đại diện tại Việt Nam, ít nhiều phải chịu sự quản lý của các cơ quan chức năng và sức ép của dư luận, nên lượng tin nhắn rác quảng cáo nếu có cũng chưa đến mức gây bức xúc. Tuy nhiên, với Viber thì khác. Lượng tin nhắn rác trong một ngày lên đến hàng triệu lượt và lượng người dùng cũng hàng triệu, vì thế mức độ tác động và lan tỏa cũng tương ứng.
Dư luận hiện cho rằng, Viber không tốn 1 xu mà vẫn có được gần 10 triệu người dùng tại Việt Nam. Khi dần đạt được mục tiêu, Viber đã xa rời quyền lợi người dùng bằng cách thả nổi cho tin nhắn rác hoành hành mà không có biện pháp ngăn chặn. Dù Bộ TT&TT đã nhiều lần đưa ra các biện pháp để ngăn chặn tin nhắn rác, nhưng Viber lại “ngoài vòng”, không tuân thủ luật pháp Việt Nam.
5. 40% website Việt Nam có nguy cơ bị tin tặc tấn công
Ngày 4/3/2014, Công ty An ninh mạng Bkav đã công bố những số liệu thống kê đáng giật mình: Có tới 40% website của Việt Nam có lỗ hổng về bảo mật, trong khi khu vực Châu Á là 36%, Châu Âu 15%, Châu Mỹ 5% và Châu Phi 33%.
Khi sử dụng Bkav WebScan để dò quét nhiều website của Việt Nam, họ đã phát hiện tới 151 lỗ hổng nguy hiểm. Nghiên cứu của Bkav cũng chỉ ra 5 loại lỗ hổng chính của các website, gồm: Cros-site Scripting, Sensitive Path, Directory Listing, Blind SQL Injection và Application Error Message Security. Đây là những loại lỗ hổng căn bản và phổ biến. Tuy nhiên, mức độ nguy hiểm lại rất cao, bởi kẻ xấu có thể tìm được những lỗi này nhờ vào công cụ thủ công, đơn giản hoặc thậm chí vô tình phát hiện ra.
Theo Bkav, nguyên nhân sâu xa có thể là do kỹ năng lập trình an toàn của đội ngũ phát triển web chưa cao, cùng với việc rà soát, đánh giá kiểm tra chưa đúng theo quy trình. Hacker có thể lợi dụng những lỗi sơ đẳng này để thực hiện hành vi tấn công, gây ảnh hưởng trực tiếp đến website cũng như tác động đến hoạt động của các công ty, tổ chức cũng như những người sử dụng dịch vụ trên các website đó.
Thống kê của Bkav cho thấy, trong tháng 2/2014, đã có 2.852 dòng virus máy tính mới xuất hiện tại Việt Nam. Các virus này đã lây nhiễm trên 4.695.000 lượt máy tính. Virus lây nhiều nhất trong tháng 2 là W32.AdwareAgentPM.Worm, đã lây nhiễm trên 423.000 lượt máy tính. Cũng trong tháng 2 đã có 347 website của các cơ quan, doanh nghiệp tại Việt Nam bị hacker xâm nhập.
6. VDC khai trương Trung tâm dữ liệu mới
Ngày 4/3/2014, Công ty Điện toán và Truyền số liệu (VDC) đã khai trương (thêm) 1 Trung tâm dữ liệu Internet (IDC) đặt tại Hà Nội, hoạt động theo tiêu chuẩn quốc tế Tier 3, được thiết kế và triển khai đồng bộ bởi Emerson. Việc đưa vào khai thác hơn 600m2 sàn lắp đặt thiết bị (có thể đáp ứng cho hơn 100 tủ rack), đã nâng tổng diện tích IDC của VDC lên hơn 6000m2 trên phạm vi cả nước.
Trong bối cảnh nền kinh tế Internet đang hình thành cùng với sự phát triển của Internet, viễn thông, CNTT, đặc biệt là các ứng dụng trên nền điện toán đám mây (Cloud Computing), dữ liệu lớn (Big Data), OTT, mạng xã hội, Gameonline, lưu trữ và truy xuất dữ liệu chuyên ngành như Tài chính, Ngân hàng, Bảo hiểm… đã tạo sự bứt phá về nhu cầu sử dụng trung tâm dữ liệu tại Việt Nam. Nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao này, VDC đang triển khai thêm 2 Trung tâm dữ liệu lớn, hiện đại khác tại khu công nghiệp Nam Thăng Long - Hà Nội và tại khu chế xuất Tân Thuận, TP.HCM, mỗi dự án có quy mô khoảng 10.000 m2. Dự kiến đầu năm 2015 sẽ được đưa vào khai thác.
Tính đến thời điểm này, VDC đã có 8 Trung tâm dữ liệu, đặt tại Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ. Việc VDC phân bố trải đều các IDC trên nhiều tỉnh/thành phố sẽ tạo ra lợi điểm, giúp cho các khách hàng lớn có nhu cầu về phân phối nội dung (CDN), cân bằng tải (Load balancing), chống thảm họa... tốt và thuận lợi hơn.
7. Microsoft hỗ trợ Bộ TT&TT, Bộ Tài chính đảm bảo vấn đề an ninh, quản lý và khai thác mạng
Ngày 6/3/2014, tại Hà Nội, dưới sự chứng kiến của Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng và ông Cesar Cernuda, Chủ tịch Microsoft Châu Á - Thái Bình Dương, Bộ TT&TT và Microsoft Việt Nam đã tiến hành ký biên bản ghi nhớ nhằm phối hợp thực hiện các mục tiêu chung trong 4 lĩnh vực: Thúc đẩy hiện đại hóa cơ sở hạ tầng CNTT, nâng cao bảo mật và tăng cường an ninh mạng, tập trung phát triển ứng dụng điện toán đám mây và phát triển nguồn nhân lực CNTT cho Việt Nam.
Lễ ký kết giữa Bộ TT&TT với Microsoft Việt Nam diễn ra sáng 6/3 tại Hà Nội.
Trước đó, vào năm 2007, Bộ TT&TT đã ký kết hợp tác cùng Microsoft triển khai thành công “Thỏa thuận đối tác chiến lược Nhà nước – Doanh nghiệp giai đoạn 2007 - 2010”. Và bản ký kết “Biên bản ghi nhớ” lần đầu tiên diễn ra vào năm 2010 đã mang lại những tác động tích cực cho sự phát triển của CNTT tại Việt Nam.
Kế tiếp, ngày 7/3/2014, cũng tại Hà Nội, Bộ Tài chính và Tập đoàn Microsoft đã ký kết Biên bản ghi nhớ hướng tới việc giới thiệu, thử nghiệm và chuyển giao các công nghệ mới của Microsoft, giúp nâng cao hiệu quả quản lý và khai thác các hệ thống CNTT của Bộ Tài chính, bao gồm các việc: Phát triển cổng thông tin nội bộ ngành Tài chính tích hợp dữ liệu thống kê đa chiều phục vụ chỉ đạo điều hành, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, quy hoạch ảo hóa, tối ưu hóa hạ tầng CNTT theo điện toán đám mây…; Sử dụng nền tảng công nghệ của Microsoft trong các lĩnh vực dịch vụ của Bộ Tài chính.
Phía Microsoft cũng sẽ liên tục cập nhật thông tin công nghệ cùng những xu hướng mới về CNTT trên toàn cầu cho Bộ Tài chính, và tiếp tục hợp tác phát triển nguồn nhân lực CNTT vững mạnh trong ngành Tài chính.
Trước đó, vào năm 2006, Bộ Tài chính và Microsoft đã ký bản ghi nhớ thỏa thuận hợp tác đầu tiên, ghi nhận mối quan hệ hợp tác lâu dài và đáng tin cậy trong lộ trình xây dựng chính phủ điện tử của ngành Tài chính, thông qua các hoạt động chuyển giao công nghệ và tư vấn giải pháp từ Microsoft.
8. VNPT, Viettel, FPT... sẽ tham gia “Ngày hội Máy tính cho cuộc sống” lần 1
Với mục đích nhằm thúc đẩy hoạt động phổ cập CNTT-TT tại Thái Nguyên, tạo “sân chơi” để các doanh nghiệp CNTT trong nước kết nối với người dân ở các vùng khó khăn, ít có cơ hội tiếp cận công nghệ, Bộ TT&TT phối hợp với UBND tỉnh Thái Nguyên và Hội Tin học Việt Nam tổ chức sự kiện “Ngày hội Máy tính cho cuộc sống” lần thứ nhất tại Thái Nguyên, sẽ diễn ra từ 21/3 - 22/3/2014, với sự tham gia của các doanh nghiệp VT-CNTT lớn của Việt Nam và thế giới.
Tham gia sự kiện này, người dân có thể tiếp cận trực tiếp với các dịch vụ VT-CNTT, giải pháp CNTT, máy tính và Internet phục vụ hoạt động kinh doanh, sản xuất và đời sống của các nhà cung cấp dịch vụ VT-CNTT hàng đầu của đất nước, như VNPT, Viettel, FPT, Intel, Microsoft, Tinh Vân... Mặt khác, Ngày hội sẽ góp phần truyền tải thông điệp về tiềm năng và lợi ích của CNTT tới giới trẻ, sinh viên tại các vùng miền núi phía Bắc.
Trước đó, Chương trình “Máy tính cho cuộc sống” là sáng kiến do Bộ TT&TT phát động, trong khuôn khổ Diễn đàn CNTT Thế giới (WITFOR) 2009 nhằm thu hẹp khoảng cách số tại Việt Nam. Phương thức hoạt động của Chương trình là vận động quyên góp máy tính từ các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước để trao tặng cho người dân tại các vùng khó khăn, giúp họ cơ hội sử dụng máy tính, truy cập Internet tìm kiếm thông tin hữu ích để nâng cao chất lượng cuộc sống. Từ tháng 11/2008 đến tháng 5/2013, Chương trình đã vận động và trao tặng được tổng cộng 2.293 máy tính, 329 máy in, 1.776 bộ tài liệu, kết nối miễn phí Internet cho 43 tỉnh, thành phố và nhiều tổ chức xã hội, tổ chức 21 lớp đào tạo về sử dụng máy tính và truy cập Internet tại 8 tỉnh. Ước tính đã có khoảng 10.000 người được thụ hưởng từ Chương trình này.
9. Vệ tinh siêu nhỏ PicoDragon của Việt Nam đã hoàn thành sứ mệnh
Tháng 8/2013, vệ tinh siêu nhỏ PicoDragon - do Trung tâm vệ tinh quốc gia (VNSC), thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VAST) chế tạo, đã được phóng vào vũ trụ từ Trung tâm vũ trụ Tanegashima. Giữa tháng 12/2013, nó bắt đầu hoạt động và gửi tín hiệu về trái đất. Trong hơn ba tháng hoạt động trên quỹ đạo, vệ tinh đã hoạt động khá ổn định và liên tục phát bản tin (tín hiệu) quảng bá "PicoDragon VietNam" đến các trạm mặt đất trên toàn thế giới.
Sau hơn 3 tháng hoạt động, PicoDragon đã giảm dần độ cao và bị cháy khi rơi vào tầng khí quyển của trái đất - Đúng như thời gian sống thiết kế cho nó, đánh dấu thành công bước đầu trong lộ trình phát triển lĩnh vực vệ tinh của Việt Nam.
Pico Dragon có kích thước 10x10x11,35cm, với khối lượng 1kg. Nhiệm vụ của nó là chụp ảnh trái đất, đo đạc một số thông số vệ tinh và môi trường vũ trụ bởi các cảm biến gắn trên thân vệ tinh và thử nghiệm việc thông tin liên lạc với mặt đất.
Từ thành công này, tiến sĩ Phạm Anh Tuấn, Giám đốc VNSC cho biết, dự kiến năm 2016, VNSC sẽ phát triển các vệ tinh lớn hơn, cỡ nano (khoảng 10kg) và sau đó là vệ tinh cỡ micro (khoảng 50kg) vào năm 2017. Nếu đúng theo diễn tiến, Trung tâm sẽ tiến tới việc chế tạo vệ tinh quan sát trái đất đầu tiên, có trọng lượng 500kg vào năm 2020.
10. Dùng phần mềm trái phép, Công ty Long John Đồng Nai bị phạt 1 tỷ đồng
Sau sự kiện tổ chức Họp báo của Microsoft Việt Nam và Lạc Việt (ngày 18/12/2013), công bố khởi kiện Công ty TNHH Quốc tế Gold Long John Đồng Nai do đã có hành vi dùng phần mềm bất hợp pháp, thuộc quyền sở hữu của mình; Và, sau hơn 2 tháng thụ lý vụ kiện (giữa Microsoft, Lạc Việt với Công ty Gold Long John Đồng Nai) của tòa án tỉnh Đồng Nai, các bên vừa đạt được thỏa thuận đền bù. Theo đó, Long John Đồng Nai cam kết thực hiện mọi yêu cầu từ Microsoft và Lạc Việt, bao gồm việc công khai xin lỗi, bồi thường thiệt hại 100% giá trị phần mềm vi phạm, ước khoảng hơn 1 tỷ đồng.
Hiện Long John Đồng Nai đã phát đi thông báo, thừa nhận hành vi xâm phạm bản quyền phần mềm của Microsoft và Lạc Việt là vi phạm Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam, đồng thời công khai xin lỗi Microsoft và Lạc Việt, do hành vi sử dụng phần mềm Microsoft Windows, Microsoft Office và từ điển Lạc Việt MTD không có bản quyền trong hoạt động kinh doanh của mình.
Theo ông Vũ Xuân Thành, Chánh thanh tra Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, trong năm 2014, Thanh tra Bộ sẽ tiếp tục tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý các vi phạm trong lĩnh vực bản quyền phần mềm.
Những động thái mạnh mẽ trên cho thấy, 2014 sẽ là một năm rất “nóng” trong lĩnh vực bản quyền phần mềm khi các đơn vị sản xuất phần mềm dựa vào tòa án để xử phạt những đơn vị vi phạm, trong khi gần 10 năm qua chỉ áp dụng các biện pháp xử phạt hành chính.
Thanh Trà (tổng hợp)