10 sự vụ về VT-CNTT nổi bật tuần qua

07:17, 24/02/2014

Tuần 8 (từ 10/2 – 16/2/2014), ngoài chú chim Flappy Bird vẫn được cộng đồng mạng quan tâm, nhiều sự vụ khác cũng nổi lên. Dưới đây là 10 sự vụ nổi bật của tuần thứ 8 theo đánh giá của Xã Hội Thông Tin.

1- Apple và Google từ chối các game có từ "Flappy"

Sau sự kiện game Flappy Bird bị chính chủ nhân của nó gỡ bỏ, trên mạng đã phát sinh nhiều game “nhái”, “ăn theo” Flappy Bird. Rồi giới hacker cũng nhanh chân hùa theo để kiếm chác. Vì lẽ đó, các nhà quản lý hai chợ ứng dụng App Store và Google Play đã nhanh chóng bổ sung thêm điều khoản mới liên quan đến game Flappy Bird. Theo đó, tất cả những game có sử dụng từ "Flappy" sẽ bị Apple và Google từ chối (không xét duyệt) đăng tải lên chợ ứng dụng App Store và Google Play, và họ còn xóa hẳn khỏi hệ thống đối với những game dạng này đã đưa lên chợ ứng dụng trước đó.

 

Các nhà phát triển bàn về việc game của mình bị từ chối vì có chữ Flappy.

Lý do được Apple và Google đưa ra rất hợp lý, đó là các game này đang lợi dụng tên tuổi của một game nổi tiếng khác (Flappy Bird), dễ gây nhầm lẫn cho người dùng.

Sau động thái này của Apple và Google, nhiều lập trình viên đã có game “nhái” Flappy Bird hoặc đang có ý định viết ra những game tương tự tỏ ra hụt hẫng. Nhưng ở góc độ khác, nhiều người lại cho rằng, đây là hành động đúng và cần có của Apple và Google.

2- Người Việt chơi game Flappy Bird vượt 1.000 điểm

Kỷ lục chơi game Flappy Bird vượt ngưỡng 1.000 điểm đã được xác lập mới đây bởi một bạn trẻ Việt Nam với 1.007 điểm.

Người chơi (đạt kỷ lục) này hiện chưa rõ tên, được thể hiện qua một đoạn clip với độ dài 22 phút 28 giây, ghi lại quá trình chơi game Flappy Bird. Và dường như đã hài lòng với điểm số 1.007, cộng với sự mệt mỏi sau 22 phút 03 giây chơi liên tục, bạn trẻ kia đã dừng lại.

Trước đó, Nguyễn Lâm Thao, một sinh viên năm cuối tại TP.HCM đã được xem là người đạt mức cao nhất với điểm 841, qua một cuộc so tài chơi game Flappy Bird công khai tại Việt Nam.  

“Flappy Bird được thiết kế để chơi trong một vài phút khi cần thư giãn. Tuy nhiên nó đã trở thành một sản phẩm gây nghiện. Để giải quyết vấn đề này, cách tốt nhất là gỡ bỏ Flappy Bird.” - Nguyễn Hà Đông đã chia sẻ lý do gỡ bỏ Flappy Bird với giới truyền thông như thế.

Tuy trò chơi đã bị xóa bỏ, nhưng vẫn còn hàng chục triệu máy điện thoại đã được cài đặt. Ở góc độ khác, từ khóa được người Việt tra cứu nhiều nhất trên Google trong tháng 2/2014 chính là “Flappy Bird” - Được nhiều báo đưa tin. Điều đó chứng tỏ, Flappy Bird vẫn có sức sống mãnh liệt trong giới trẻ và cộng đồng Việt.

3- Hình ảnh chú chim Flappy Bird được khai thác độc quyền

Đây là thông tin do Công ty Cổ phần Thương mại Thời trang & Phong cách sống Nhộng (nhong.vn) đưa ra sáng 18/2, rằng nhong.vn đã ký hợp đồng với Nguyễn Hà Đông để được toàn quyền sử dụng hình ảnh chú chim Flappy Bird – Tức khai thác độc quyền.

Theo thỏa thuận này, nhong.vn được toàn quyền khai thác, sử dụng hình ảnh trong trò chơi Flappy Bird trên các sản phẩm áo thun. Ngoài việc tự thiết kế và sản xuất những chiếc áo thun mang hình ảnh Flappy Bird, nhong.vn có thể hợp tác với các đơn vị khác trong việc thiết kế, sản xuất và phân phối loại sản phẩm này.

 

Một trong những mẫu áo thun sử dụng hình ảnh Flappy Bird sẽ được nhong.vn tung ra trong thời gian tới.

Cũng theo nhong.vn, họ sẽ nhanh chóng sản xuất và tung ra thị trường khoảng 2.000 áo thun có hình ảnh Flappy Bird ngay trong tháng 2/2014. Giá mỗi chiếc áo thun có hình ảnh Flappy Bird là 180.000 đồng.

Trước đó, hình ảnh chú chim Flappy Bird đã được một số cá nhân, đơn vị tự phát sử dụng và gây được sự chú ý. Trang T-Shirts.com (một trang nước ngoài) đã rao bán mẫu áo phông “RIP Flappy Bird” (Tạm biệt Flappy Bird) với giá 9.999 USD/chiếc. Còn trang rao vặt enbac.com (trong nước), cũng rao bán những chiếc áo thun in hình Flappy Bird với giá 130 nghìn đồng/chiếc.

Thế nên tới đây, hình ảnh về chú chim nhỏ “Flappy Bird” - Nhưng lại không nhỏ chút nào, có thể tiếp tục gây nhiều tranh cãi, thậm chí kiện cáo lẫn nhau sẽ xảy ra.

4- Trước thềm MWC: Các hãng “bật mí” sản phẩm, các trang công nghệ săn thông tin

Chỉ còn vài ngày nữa, triển lãm di động lớn nhất thế giới - Mobile World Congress (MWC) ở Barcelona, Tây Ban Nha sẽ diễn ra. Một số hãng điện thoại đã kịp thời tung ra những hình ảnh đầy ẩn ý về thiết bị của họ, còn các trang tin công nghệ thì ra sức săn lùng thông tin (mới) liên quan đến những sản phẩm/công nghệ mới trong tuần vừa rồi.

 

Sản phẩm Galaxy S5.

Với những hình ảnh và những thông tin “úp, mở” nhằm đánh vào trí tò mò của người dùng, hy vọng trong tuần tới, cộng đồng yêu công nghệ trên thế giới sẽ được “mãn nhãn” trước sự xuất hiện của những sản phẩm, công nghệ mới, với nhiều tiện ích cho người dùng tại MWC.

5- Game di động Việt lọt “Top 11” cuộc thi phát triển game thế giới

Sau cơn sốt Flappy Bird, một game di động khác của Việt Nam vừa lọt vào Top 11 trò chơi game xuất sắc nhất tại cuộc thi Giải vô địch phát triển game thế giới 2013 - Game Development World Championship. Đó là game School Cheater (quay bài) của Bưởi Studio – một thương hiệu sản xuất game của Công ty cổ phần phát triển trò chơi Việt Nam đã thực hiện từ đầu đến lúc hoàn thành sản phẩm.

 

Trò chơi game School Cheater (quay bài) của Bưởi Studio.

Đây là một game khá vui nhộn. Nội dung game nói về câu chuyện quay bài trong lớp thời còn đi học của học sinh, sinh viên. Khi giới thiệu về game, nhóm phát triển đã đưa ra một định đề khá hài hước: “Về cơ bản, bản thân việc quay cóp không hề xấu, nó chỉ xấu khi bị giáo viên phát hiện mà thôi”.

School Cheater có 25 cấp độ. Người chơi phải phát huy các “kỹ năng quay bài” thời còn đi học mới có thể chơi tốt, với luật chơi như sau: Di chuyển khéo léo qua các dãy bàn để tìm và quay cóp tên của những học sinh giỏi trong lớp, tránh tầm nhìn của giáo viên trông thi và phải cẩn thận với những học sinh côn đồ khác trong lớp. Việc quay cóp này phải hoàn thành trong thời gian hạn chế. Vượt qua các thử thách, cả về thời gian, người chơi sẽ đạt được số điểm cao.

Ngày 16/2, game School Cheater đã được đưa lên kho ứng dụng Google Play của Google; rồi ngày 22/2 nó cũng được đưa lên kho ứng dụng App Store của Apple. Những người đang sử dụng iPhone, iPad có thể vào kho ứng dụng này tải game trực tiếp về để chơi.

Như vậy, sau Flappy Bird, game trên di động School Cheater của Việt Nam một lần nữa đã khẳng định, khả năng người Việt làm game cho Mobile là một hướng đi đúng, có thể gặt hái thành công.

6- Chưa có “nhà đài” nào mua được bản quyền World Cup 2014

Mặc dù chẳng còn bao lâu nữa, World Cup 2014 (từ 12/6 - 13/7/2014) – một sự kiện thể thao lớn, thu hút hàng triệu người quan tâm theo dõi sẽ diễn ra tại Brazil. Nhưng cho đến thời điểm này, chưa có “nhà đài” nào của Việt Nam mua được bản quyền phát sóng World Cup 2014. Lý do, mức giá mà MP&Silva - Đơn vị đang sở hữu bản quyền truyền hình World Cup 2014 chào bán quá đắt, trong khi giải đấu này khó gọi quảng cáo, có nguy cơ thua lỗ (nếu mua).  

Đã xuất hiện thông tin cho rằng, Viettel đã đàm phán xong việc mua bản quyền phát sóng truyền hình giải đấu bóng đá World Cup 2014 với giá 10 triệu USD. Nhưng ông Đỗ Minh Phương, Giám đốc Trung tâm Truyền hình Cáp Viettel cho biết, mọi việc vẫn trong vòng đàm phán, chưa có việc Viettel mua xong bản quyền World Cup 2014 với giá này.

Còn VTV cho hay, “Mức giá mà đối tác đưa ra quá cao, vượt quá khả năng tài chính của VTV. Trong thời điểm kinh tế khó khăn như hiện nay, VTV chỉ đồng ý mua với giá rẻ. VTV chưa đàm phán trở lại và nếu tiền bản quyền không giảm xuống mức phù hợp, chúng tôi có thể sẽ không mua”.

Một số đài truyền hình khác, như VTC, Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội, Đài Truyền hình TP.HCM cũng cho biết, họ chưa có ý định mua bản quyền World Cup 2014.

Nhiều người kinh doanh mảng quảng cáo tại Việt Nam cũng cho rằng, World Cup không phải giải đấu dễ mời gọi quảng cáo, bởi tại Việt Nam, các trận đấu đều diễn ra vào ban đêm và chỉ kéo dài trong 1 tháng. Nếu không tính toán kỹ, không biết cách khai thác thương mại thì rất dễ bị lỗ.

Ngược trở lại năm 2010, Tập đoàn của Ý này từng giành được quyền (mua được) gói bản quyền ngoại hạng Anh với giá 7 triệu USD và đã bán cho K+ với giá 19,5 triệu USD. Tuy nhiên, MP&Silva đã thất bại vì để gói ngoại hạng Anh mùa 2013 - 2016 rơi vào tay IMG. Không muốn mất thị trường màu mỡ này trong năm nay, MP&Silva đã tìm mọi cách để mua bằng được bản quyền World Cup 2014, cũng với giá 7 triệu USD.  

Trước tình hình này, giới hâm mộ môn “thể thao vua” tại Việt Nam vẫn “nín thở” chờ xem “nhà đài” nào sẽ có được bản quyền truyền hình World Cup 2014. Và dù là đơn vị nào đi nữa, khi đã có được bản quyền, chắc chắn lượng thuê bao truyền hình trả tiền sẽ dồn về đó, ít nhất là trong khoảng thời gian diễn ra World Cup.

7- BMGF-VN giúp người dân vùng nông thôn truy cập mạng

Dự án “Nâng cao khả năng sử dụng máy tính và truy nhập Internet công cộng tại Việt Nam” - Gọi tắt là Dự án BMGF-VN, dành cho người dân ở nông thôn thuộc vùng sâu vùng xa, được triển khai từ 1/6/2012 - 30/9/2013 – thuộc Bước 1, là 12 tỉnh, sau đó mở rộng ra. Tính đến cuối giai đoạn của Bước 1, Dự án đã có 218.250 lượt người sử dụng máy tính, với tổng thời lượng truy nhập Internet là 2.028.191 giờ.  

Đây là những con số ấn tượng. Bởi trước khi có Dự án, với nhiều người dân ở nông thôn, việc được sử dụng máy tính và truy cập Internet còn là một điều khá xa vời. Giờ đây, đến các điểm được tiếp nhận Dự án, như các thư viện tỉnh, thư viện huyện, thư viện xã hay điểm Bưu điện - Văn hóa xã, hình ảnh những người dân thuộc mọi thành phần, mọi lứa tuổi đến để truy cập Internet, tìm kiếm thông tin hay học tập, giải trí… đã trở nên quen thuộc.

“Hỗ trợ người dân nghèo, nhóm người thiệt thòi và nhóm sống ở vùng đặc biệt khó khăn có cơ hội tiếp cận bình đẳng, hiệu quả và bền vững với công nghệ thông tin và được hưởng những lợi ích về kinh tế xã hội” là một trong những mục tiêu chính của Dự án BMGF-VN.

Theo số liệu do công ty Vietservey - Đơn vị quan sát độc lập của Dự án công bố, hiện người dân sử dụng nhiều thời gian nhất để truy cập vào các mạng xã hội Facebook, ZingMe… thay vì dành cho việc học tập, tìm kiếm thông tin phục vụ cho việc làm ăn, chăn nuôi, trồng trọt... Cụ thể, tỷ lệ người dân sử dụng Internet để tham gia mạng xã hội là 81,4%, tiếp theo là chơi các trò chơi (80,87%), cho học tập (78,41%), tìm kiếm thông tin về nông nghiệp, sản xuất, bệnh dịch (62,29%), thông tin về sức khỏe (51,43%), thông tin cơ hội việc làm (20,8%)…

Hiện, Dự án BMGF-VN đã được triển khai tới 28 tỉnh, với những biện pháp triển khai đồng bộ (có rút kinh nghiệm từ Bước 1) tại các điểm tiếp nhận Dự án ở các địa phương. Ban Quản lý Dự án hy vọng, đến thời điểm sơ kết Bước 2, giai đoạn 2, những con số thống kê được từ hệ thống quan sát sẽ cho thấy những đổi thay tích cực trong việc sử dụng máy tính và Internet của người dân, hướng đến những mục đích thiết thực hơn.

8- Lần đầu tiên Việt Nam tổ chức Hội nghị liên minh các nhà sản xuất Smart TV

Trong các ngày từ 17/2 – 20/2/2014, Hội nghị Thường niên của Liên minh Các nhà Sản xuất Ti vi thông minh (Smart TV Alliance - STA) lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam (Hà Nội), với sự đăng cai đồng tổ chức của Công ty FPT Software.

Hội nghị đã thu hút trên 30 lãnh đạo cấp cao của các tập đoàn, hãng điện tử hàng đầu thế giới, như Toshiba, LG, Phillip, Panasonic, Vestel... tham gia. Tại đây, họ đã tập trung thảo luận về các vấn đề quan trọng, liên quan đến chiến lược và định hướng phát triển của STA; chiến lược phát triển công nghệ đối với Smart TV v.v...

Hội nghị STA được tổ chức thường niên và luân phiên giữa các thành viên sáng lập của Liên minh. Một trong những lý do để STA quyết định chọn Việt Nam tổ chức Hội nghị lần thứ 4 này là bởi FPT Software đã được STA lựa chọn là đối tác để xây dựng, triển khai và vận hành kho ứng dụng trên nền công nghệ điện toán đám mây (Cloud Computing) cho Smart TV. Ngoài ra, STA cũng nhận thấy Việt Nam là thị trường tiềm năng của các sản phẩm Smart TV.

Trong khuôn khổ của Hội nghị, FPT Software đã đưa ra sáng kiến tổ chức “Cuộc thi viết ứng dụng cho Smart TV” tại Việt Nam, nhằm tìm kiếm các tài năng trẻ và các ứng dụng sáng tạo “made by Vietnam” cho các thương hiệu Smart TV của STA. Nếu được thông qua, sáng kiến này sẽ tạo cơ hội cho các kỹ sư, lập trình viên Việt Nam được tiếp cận với việc phát triển các ứng dụng cho Smart TV, một lĩnh vực công nghệ mới, hết sức thú vị của thế giới.

Trước đó, tại Hội chợ Điện tử Tiêu dùng Toàn cầu CES (Consumer Electronics Show), STA đã chủ trì nội dung thảo luận “Mở rộng hệ sinh thái cho Smart TV” và trong phần thảo luận này, FPT Software đã giới thiệu Dự án Xây dựng, triển khai và vận hành kho ứng dụng trên nền công nghệ cloud cho Smart TV của STA.

9- FPT Software lọt Top 100 nhà cung cấp outsourcing toàn cầu

Ngày 19/2/2014, Hiệp hội các chuyên gia outsourcing quốc tế (IAOP) đã công bố kết quả bầu chọn, theo đó, FPT Software là doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên lọt vào danh sách Top 100 các nhà cung cấp dịch vụ outsourcing (thuê ngoài) toàn cầu.

FPT Software hiện có 250 khách hàng trên thế giới, với gần 40 khách hàng thuộc danh sách Fortune 500, đang kinh doanh trong các lĩnh vực bán dẫn, y tế, dầu khí, tài chính, truyền hình vệ tinh và sản xuất các sản phẩm phục vụ đời sống.

Năm 2012, IAOP đã từng vinh danh FPT Software là 1 trong 10 nhà cung cấp dịch vụ outsourcing tốt nhất tại thị trường Nhật Bản và là 1 trong 10 công ty outsourcing hàng đầu khu vực Đông Nam Á.

Với quy mô hơn 5.000 người, năm 2013, doanh nghiệp Việt này đã đạt doanh thu hơn 100 triệu USD trong lĩnh vực xuất khẩu dịch vụ phần mềm. Năm 2014, FPT Software dự kiến tuyển dụng thêm 2.500 nhân viên và dự trù tăng trưởng doanh thu khoảng 30% so với năm 2013; hướng tới mục tiêu doanh thu 200 triệu USD và 10.000 nhân viên vào năm 2016.

Việc FPT Software có mặt trong danh sách Top 100 nhà cung cấp dịch vụ outsourcing toàn cầu lần này, đã khẳng định vị trí của FPT Software nói riêng và Việt Nam nói chung trong lĩnh vực xuất khẩu dịch vụ phần mềm tại khu vực Đông Nam Á.

10- Facebook mua WhatsApp: Tin tốt cho cộng đồng?

Quyết định mạnh tay chi tới 19 tỷ USD (bao gồm 16 tỷ USD thanh toán ngay bằng cổ phiếu và tiền mặt, cùng 3 tỷ USD cổ phiếu hạn chế), để mua lại hãng cung cấp dịch vụ tin nhắn di động WhatsApp, được Facebook công bố hôm 19/2 đã thực sự khiến giới quan sát ngành công nghệ sửng sốt. Đây là thương vụ sáp nhập lớn nhất của Facebook tính đến thời điểm này, sau nhiều tin đồn năm 2012 và 2013, rằng Facebook và Google đang khao khát sở hữu những dịch vụ nhắn tin di động.

 

Thương vụ mua lại WhatsApp của Facebook.

Trả lời phỏng vấn của tờ CNBC hôm 20/2, Rob Enderle, một chuyên gia phân tích cấp cao của Enderle Group, nhấn mạnh: “Tôi cho rằng sở dĩ Facebook bạo chi một cách thừa thãi số tiền đầu tư vào thương vụ WhatsApp là bởi họ đang quá tuyệt vọng. Họ lo lắng trước tình trạng “chảy máu” người dùng ngày càng trầm trọng. Vì thế họ buộc phải nỗ lực tìm kiếm thành viên thông qua việc mua lại các hãng đang sở hữu lượng người dùng mới”.

WhatsApp hiện đang sở hữu 450 triệu người dùng trên toàn cầu, với 70% lượng người sử dụng dịch vụ này. Theo Reuters, WhatsApp sẽ là công cụ hữu ích giúp Facebook thu hút giới trẻ, những người thích dùng WhatsApp hoặc những ứng dụng tương tự như Line hay WeChat hơn là các dịch vụ mạng xã hội chính thống. Bởi theo tính toán của Mark Zuckerberg, CEO của Facebook, số lượng người dùng WhatsApp đang tăng khoảng 1 triệu người dùng/ngày.

Tuy nhiên, các nhà đầu tư lại tỏ ra không mấy hào hứng với thương vụ mua bán này. Cố phiếu của Facebook đã giảm gần 5% ngay trong đầu phiên giao dịch sáng 20/2, sau khi Facebook mua WhatsApp đã chứng tỏ cho điều đó.

Ở góc độ khác, David Williams - CEO của công ty tư vấn tài chính Williams Capital Advisors lại cho rằng, việc mua WhatsApp có thể xem là hành động tự vệ của Facebook, nhằm ngăn chặn các đối thủ khác giành giật nền tảng nhắn tin di động này. Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo, lợi nhuận của Facebook sẽ bị ảnh hưởng trong thời gian ngắn hạn, bởi số tiền đầu tư quá “khủng”.

Nói về thương vụ “bán mình”, trang blog chính thức của WhatsApp bình luận "Chúng tôi lập ra WhatsApp với một sứ mệnh đơn giản: Tạo ra một sản phẩm hấp dẫn, được mọi người trên toàn thế giới sử dụng. Chúng tôi không quan tâm tới bất cứ điều gì khác... Việc hợp tác cùng Facebook sẽ cho phép chúng tôi tiếp tục theo đuổi sứ mệnh đơn giản đó. WhatsApp sẽ có được sự linh động để tăng trưởng và mở rộng, trong khi tôi, Brian và các nhân viên còn lại có thêm thời gian để tập trung hoàn thiện một dịch vụ kết nối nhanh nhất, riêng tư nhất, rẻ nhất có thể”.

Còn phía người dùng có thay đổi gì hay không? - “Hoàn toàn không", WhatsApp tuyên bố.

Thanh Trà (tổng hợp)