10 đúc kết từ "sự vụ" game Flappy Bird

10:12, 14/02/2014

Flappy Bird đã “ra đi”, nhưng dư âm của nó sẽ còn mãi. Điều đó không chỉ ứng (đúng) với giới mê game, những người làm game, cộng đồng truyền thông, giới kinh doanh… mà nó còn đúng cho mọi người, từ nhiều góc độ. Qua nhìn nhận, đánh giá của giới truyền thông (cả trong nước lẫn quốc tế), công đồng mạng, rồi những người mê “trà dư tửu hậu” và góc nhìn riêng của cá nhân, dưới đây là 10 đúc kết về sự vụ này kể từ khi nó ra đời đến khi bị gỡ bỏ.

1.Thành công phải gắn với tính kỷ luật và sự đam mê 

Trong email trả lời phỏng vấn của Washington Post, tác giả của Flappy Bird từng chia sẻ một số điểm khá thú vị về game này. Theo đó, cảm hứng (sự đam mê) để anh sáng tạo ra Flappy Bird chủ yếu đến từ những game anh đã chơi khi còn thơ ấu. “Có rất nhiều nguồn cảm hứng, chủ yếu đến từ những game tôi chơi khi còn nhỏ” – Đông nói.

Nguyễn Hà Đông - tác giả và trò chơi "gây sốt" toàn cầu những ngày qua.

Đông cho biết, anh muốn sử dụng một cơ chế đơn giản cho game của mình. Người chơi nhấn vào màn hình để bay qua những chướng ngại vật. Với nền tảng đã được định hình sẵn, việc còn lại là tạo ra một game mượt mà, vui vẻ và cho cảm giác khác biệt với những game còn lại - Đông nhấn mạnh. Và Đông đã suy nghĩ và quyết định, “Không, hãy làm nó khó thật là khó”, như thế Flappy Bird sẽ thu hút người chơi hơn những game tương tự. Cuối cùng, Flappy Bird đã đúng như thế.

Theo nhiều nhà phân tích, việc Đông quyết định cho chú chim phải chịu nhiều tác động của trọng lực hơn những game tương tự chính là yếu tố quyết định thành công của game này.

Vì vậy đừng gán cho thành công của Flappy Bird chỉ là nhờ may mắn.

2. Đơn giản là mức độ cao nhất của sự tinh tế

Thoáng nhìn, Flappy Bird có vẻ là một game “vớ vẩn”, hết sức đơn giản nhưng vui nhộn mà lập trình viên nào cũng có thể tạo ra được trong một khoảng thời gian ngắn (tốn ít thời gian để viết code). Nhưng thực tế vấn đề không phải vậy. 

Điều tuyệt vời nhất mà Flappy Bird đã làm được chính là đã phá vỡ khuôn mẫu của các game trước, được chào đón bởi sự khác biệt – nhờ sự đơn giản, dễ chơi (và cũng rất khó để đạt điểm cao) của nó.

Vậy nên, nếu nói thành công của game Flappy Bird chỉ là sự may mắn thì bạn chỉ thấy được “phần nổi của tảng băng”. Đừng đánh giá thấp sự đơn giản. Bởi đối với bất cứ điều gì, đạt được “sự đơn giản” nhưng ẩn chứa toàn bộ chiều sâu bên trong của nội dung chính là mức độ cao nhất của sự tinh tế.

3. Đừng nghĩ rằng “miễn phí” là không thu được tiền

Trong “thế giới phẳng” ngày nay, có biết bao cách kiếm tiền mà thoạt nhìn, có vẻ như đã đổ công sức “chùa”. Nhưng sự thực không phải thế, họ đang kiếm tiền đấy, tuy nhiên, cách kiếm tiền của họ hơi “khác biệt” lẽ thường một chút.

Chẳng hạn, game Flappy Bird được tải chơi miễn phí là điển hình nhất. Nguyễn Hà Đông sáng tạo ra trò chơi, cho cộng đồng chơi miễn phí nhưng khi vào mạng tải, kể cả khi chơi, người xem/tải/chơi vẫn gặp những quảng cáo. Họ có quan tâm đến nó hay không – mặc kệ; nhưng những người cần quảng cáo vẫn phải trả tiền và những tác nhân đã tạo ra “hấp lực” kia (mạng/dịch vụ) cho cộng đồng sử dụng phải được hưởng thành quả. Đó là “luật chơi” và cũng là sự sòng phẳng, minh chính.  

Mở rộng ra, có nhiều cách kiếm tiền khác tương tự. Chẳng hạn gần đây, một cô gái trẻ Hàn Quốc suốt ngày chỉ lo quay cảnh mình đang ăn uống rồi đưa lên mạng để thu hút người xem, thế nhưng chỉ có thế, cô ấy vẫn kiếm được bộn tiền đó thôi.

4. Flappy Bird là một sản phẩm nội dung, không phải là sản phẩm công nghệ

Mang Flappy Bird ra so sánh với Facebook, Apple và các sản phẩm công nghệ (của các hãng công nghệ lớn khác) là buồn cười, nhưng nhiều báo, trang mạng đã làm như vậy trong thời gian qua. 

Về căn bản, Flappy Bird là một sản phẩm nội dung. Vì thế, sẽ hợp lý hơn nếu mang nó ra để so sánh với các sản phẩm tương tự, như các dòng và trò chơi game khác, thậm chí là Gangnam Style của Psy như một vài báo đã so trong một vài ngày gần đây.

Flappy Bird là một hiện tượng, nhưng liệu .GEARS có khả năng sản xuất được nhiều game vươn lên tầm quốc tế nữa không? 

Điều này có nghĩa rằng với một sản phẩm nội dung, khi bạn đạt được thành công và kiếm lời từ nó, bạn sẽ phải phấn đấu để cho ra các sản phẩm tiếp theo để tiếp tục giữ được độ nóng, nếu không sản phẩm cũ sẽ dần tự đào thải.

Và điều này thật khó để trả lời ngay. Kể cả Psy – chủ nhân của bài hát có lượt xem khổng lồ trên YouTube cũng chưa lặp lại được thành công của Gangnam Style.

5. Đừng xem việc "Copy" là chuyện bình thường

Có nhiều bài báo cả trong và ngoài nước đã cáo buộc Nguyễn Hà Đông “đạo” ý tưởng, tiểu tiết (phần kỹ thuật) từ  game Piou Piou, Super Mario của Nintendo để cho ra đời game Flappy Bird. 

Nhưng dù thực tế như thế thì đã sao? Vậy Facebook có phải là mạng xã hội đầu tiên không? Gangnam Style có phải là bài hát đầu tiên có vũ đạo vui nhộn không? iPhone có phải là chiếc smartphone đầu tiên không?

Thế nên, nếu cáo buộc Đông “copy” ý tưởng từ Super Mario của Nintendo thì sẽ rất nực cười. Chẳng lẽ chỉ vì chiếc “ống xanh” của Super Mario mà đã lôi kéo được người chơi đến thế sao? Câu trả lời chắc chắn là “không”, bởi nếu đúng như thế, Super Mario đã nổi tiếng từ lâu rồi. Và chính Nintendo đã phải phủ nhận các “phàn nàn” của giới truyền thông về sự giống nhau này. 

Hiện, có ít nhất 10 games “nhái” Flappy Bird trên các kho trò chơi của iOS và Android. Một vài trong số chúng cũng đang dần leo lên các thứ bậc cao trên bảng xếp hạng. Nhưng theo thời gian, chắc chắn chúng sẽ bị đào thải bởi tính không chân thực, độ hấp dẫn và sự khác biệt về chất lượng.

6. Studio .Gears tạo cảm hứng cho nhiều thế hệ lập trình viên

Qua sự thành công của Flappy Bird, làng game thế giới đã có được một bài học lớn và họ vẫn đang phân tích nó một cách kỹ càng. 

Điều này chứng tỏ, không phải những “người hùng” trong làng game thế giới với “tiền của đổ vào như nước”, rồi lực lượng làm game “đông như quân Nguyên” nhưng chưa chắc đã hơn một người “Pic-mê” (ý chỉ đơn độc và nhỏ bé).

Thành công của trò chơi Flappy Bird đã chỉ ra nhiều hướng đi mới cho nền công nghiệp game, bởi cho tới giờ, các nhà phát triển game chưa để mắt tới - Đó là sự đơn giản, ít màn chơi, độ khó cao và có hơi hướng cổ điển. 

Ngoài ra, sự thành công của .Gears đã thực sự tạo cảm hướng cho các nhà làm game độc lập, có thể vững tin vào chính mình để sáng tạo ra những trò chơi mang phong cách riêng.

Trong tương lai, chắc chắn chúng ta sẽ thấy nhiều trò chơi mới ra mắt, với những yếu tố mới nhờ “làn sóng” từ Flappy Bird.

7. Hội chứng “ném đá” của cộng đồng Việt là trẻ con và đáng trách

Các bình luận trên Facebook đã chia làm hai phe trong vấn đề này. Một bên là những người tự hào vì Flappy Bird đến từ Việt Nam và chia vui với thành công của trò chơi, thậm chí so sánh Hà Đông với Psy hay Justin Bieber. Phe đối nghịch gồm những cay cú, soi mói và tìm cách mỉa mai, “dìm hàng” Flappy Bird. Họ cho rằng, tác giả của Flappy Bird không xứng đáng với thành công ấy.

Những gì phe thứ hai đã làm được cư dân mạng gọi chung bằng từ “ném đá". Việc tranh luận hoặc chỉ trích của họ được tuôn ra, nhưng không đưa ra được luận điểm mang tính thuyết phục đã thể hiện điều đó. Và đây là một trào lưu rất trẻ con, không mang tính xây dựng của đông đảo người Việt. “Ném đá” thì rất dễ, vì chẳng cần suy nghĩ gì cũng có thể ném, lẽ thường là thế. 

Ấy là chưa kể những người “ăn theo, nói leo” trên mạng, kể cả nhiều bài viết trên đó.

8. Đầu tư vào game có khả năng thu lời lớn, nhưng khá mạo hiểm

Do tính chất "hot" nhất thời của game, các công ty game thường khó để thu hút được các khoản đầu tư từ bên ngoài, đặc biệt là với những nhà làm game độc lập, bởi không có gì đảm bảo cho sự thành công của game. Với các nhà làm game độc lập, việc làm game của họ về cơ bản là để giải quyết sự đam mê cá nhân.

Thông thường, các nhà đầu tư sẽ lựa chọn, ưu tiên tài trợ cho những game có thể thu hút người chơi bằng nội dung hay bằng cách cung cấp dịch vụ trong game, thay vì đầu tư cho những “ngôi sao xẹt” (sản xuất chính các game đó).

Tại Việt Nam còn khó hơn, do đây là thị trường mới, số lượng người quan tâm game chưa nhiều. Vì vậy, đa phần các nhà đầu tư chạy theo xu hướng ổn định hơn, đó là đầu tư vào thương mại điện tử, vận tải và các công ty sản xuất, những kiểu kinh doanh vốn đã chứng minh được hiệu quả và tính lâu bền, đã tồn tại trong nhiều năm qua. Họ hứng thú với một nền tảng có khả năng thu hút khách hàng và cung cấp dịch vụ hơn là một trò chơi nổi lên trong một thời gian ngắn và sau đó biến mất.

Tuy nhiên, sau sự vụ game Flappy Bird gấy sốt trên toàn cầu, nhiều người, đặc biệt là giới trẻ đã nghĩ lại. Quả thực, chỉ cần viết được 1 trò chơi như Flappy Bird, thậm chí có thứ hạng thấp hơn và chỉ cần tồn tại vài ba tuần thôi là đã bằng người khác làm cả đời. Và dù là “ngôi sao băng”, nhưng vẫn có lý riêng của nó.

9. Việc nổi tiếng không nhất thiết phải từ một quốc gia phát triển

Với trò chơi game nói riêng và các sản phẩm, dịch vụ mang tính công nghệ nói chung, Việt Nam chưa phải là một “ngôi sao sáng” và sự góp mặt của mình trên “bản đồ công nghệ” thế giới cũng chưa đáng kể. Thế nhưng nay Việt Nam đã có được một sản phẩm thuộc loại “đình đám” nhất, làm cả thế giới “điên đảo”.

Người Việt Nam hoàn toàn có thể tự hào vì Flappy Bird, bởi đó đã là một sự thật. Nói cách khác, nhiều người hiện cho rằng, Flappy Bird là dấu hiệu Việt Nam có nhiều nhà viết game tài năng, chẳng thua kém gì các nước phát triển. Dù có thể chưa thật đúng, nhưng từ sự tự tin, tự tại này, giới trẻ Việt nói chung và những người yêu thích game, say mê làm game của Việt Nam nói riêng mới có cơ hội vươn cao, bay xa.

Nguyễn Hà Đông chỉ là một người hoạt động độc lập, là nhà sáng lập đồng quản lý duy nhất của .GEARS. Hầu như cộng đồng game (Việt lẫn thế giới) chẳng ai biết đến anh trước khi Flappy Bird “vụt sáng” trong chớp nhoáng, để rồi cả thế giới biết đến Nguyễn Hà Đông là ai.

10. Giới truyền thông, cộng đồng cần có sự điều chỉnh

Bỏ qua những “hơi thở” nhiều chiều của cộng đồng trong suốt những ngày qua, nhìn lại suốt chuỗi sự việc, Twitter là kênh liên lạc chủ yếu của Nguyễn Hà Đông với thế giới. Anh không giao tiếp qua blog, Facebook hay ngay cả trang web .Gears.

Điều này có vẻ khá hài hước, vì Việt Nam là một trong những nước có tốc độ dùng Facebook tăng trưởng nhanh nhất trên toàn thế giới, từ 12 triệu người dùng trong tháng 3/2013 lên hơn 20 triệu người dùng trong tháng 1/2014. 

Tuy nhiên, lượng người dùng Twitter chưa tăng nhiều, so với Facebook là 60% thì với Twitter, con số này chỉ khoảng 20%. Với nhiều người Việt hiện thời, dùng Facebook nhiều khi là mốt, là “đẳng cấp” - thể hiện sự sành công nghệ. Nguyễn Hà Đông là một trong những người chỉ dùng Twitter, nhưng đố ai dám bảo anh không rành công nghệ?!

Ngoài studio .Gears của Nguyễn Hà Đông, Việt Nam cũng có những studio làm game khác, như GlassEgg, Colorbox, Divmob, iWin,… Thậm chí hãng Gameloft cũng có chi nhánh tại đây. Thêm nữa, đó là những trang web lớn về game như Gameland.vn hay SohaGame. Với bức trang này, nền công nghiệp game ở Việt Nam hiện vừa có tính bao quát, vừa có tính chuyên sâu. Thế nên, một cú "hit" toàn cầu nữa là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Và giới truyền thông cùng cộng đồng có thể chờ đón!. 

Thanh Trà (tổng hợp)