3 tổ chức xếp hạng tín nhiệm đánh giá Việt Nam ở mức triển vọng Tích cực

19:38, 15/05/2022

Theo đánh giá của 3 tổ chức xếp hạng tín nhiệm (XHTN) Moody's, thì S&P và Fitch đánh giá Việt Nam đạt mức BB (theo Fitch và S&P) và Moody's là mức Ba3. Cả ba tổ chức đều đánh giá Việt Nam ở triển vọng Tích cực.

Tại Hội nghị phổ biến "Đề án Cải thiện xếp hạng tín nhiệm quốc gia tới năm 2030" do Bộ Tài chính phối hợp cùng Ngân hàng Phát triển Châu Á và các ngân hàng tư vấn, hỗ trợ cho Việt Nam về công tác xếp hạng tín nhiệm (XHTN) quốc gia, Bà Michele Wee, Tổng Giám đốc ngân hàng Standard Chartered Việt Nam đánh giá, XHTN là cánh cửa đầu tiên mà các nhà đầu tư quan tâm khi đánh giá về một quốc gia, từ các nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài cho đến các tổ chức cung cấp dịch vụ tài chính.  

XHTN cũng là một công cụ hỗ trợ cho nền kinh tế, cung cấp tiêu chí đánh giá cho các doanh nghiệp quốc doanh và các ngân hàng trong nước tiếp cận với thị trường tài chính và tăng cường tính minh bạch.

Theo bà Michele Wee, hội nghị được tổ chức ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ Việt Nam phê duyệt Đề án, nhằm kịp thời phổ biến cho các cơ quan, tổ chức liên quan về Đề án. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu nhiều thách thức, tác động sâu rộng tới việc phục hồi và tăng trưởng kinh tế Việt Nam, các bộ ngành, địa phương, các doanh nghiệp cần chung tay, nỗ lực triển khai hiệu quả kế hoạch, chiến lược phát triển kinh tế xã hôi, các chiến lược ngành, lĩnh vực, triển khai các nhóm giải pháp đồng bộ để đạt mục tiêu Đề án, góp phần phấn đấu nâng XHTN của Việt Nam lên hạng Đầu tư.

Việt Nam hiện vẫn có mức XHTN tích cực từ các tổ chức xếp hạng. Có được điều này là nhờ những thành quả Việt Nam đạt được trong công tác đối phó với dịch bệnh. Dựa trên nền tảng vững chắc này, đây là thời điểm thích hợp để thực hiện bước nhảy vọt  một mô hình tín dụng mới.

Chính phủ Việt Nam đã thực hiện phát hành thành công 3 đợt phát hành trái phiếu quốc tế vào năm 2005, 2010 và 2014, với chi phí phát hành rẻ hơn nhiều qua các năm nhờ vào hệ số và triển vọng tín nhiệm quốc gia được cải thiện kết hợp với điều kiện thị trường vốn quốc tế thuận lợi.

Việc tiếp tục cải thiện XHTN quốc gia trong thời gian tới theo mục tiêu đặt ra của Đề án đóng vai trò quan trọng để cải thiện hồ sơ tín dụng của Việt Nam, tạo hiệu ứng lan toả cho toàn bộ nền kinh tế. Ngoài ra, việc nâng hạng còn góp phần nâng cao uy tín của quốc gia, gia tăng niềm tin đối với các nhà đầu tư quốc tế, bao gồm cả nhà đầu tư trực tiếp và gián tiếp vào Việt Nam.

Việc củng cố các yếu tố cấu thành XHTN của một quốc gia là động lực chính để cải thiện XHTN quốc gia; ngược lại, việc thường xuyên duy trì đánh giá XHTN sẽ thúc đẩy tiếp tục cải cách sâu rộng các lĩnh vực này. Liên quan trực tiếp đến vay nợ, việc nâng bậc tín nhiệm góp phần tạo cơ sở vững chắc để Chính phủ và doanh nghiệp vay vốn trong nước và quốc tế với chi phí hợp lý. Điều này có ý nghĩa hết sức quan trọng khi nguồn vốn vay ODA, vay ưu đãi dành cho Việt Nam đang giảm dần.

Để đạt được các mục tiêu của Đề án, Việt Nam sẽ tiếp tục phát huy những thế mạnh về hồ sơ tín nhiệm như sức mạnh kinh tế, tài khóa, đồng thời cần tiếp tục cải thiện các chỉ tiêu về sức mạnh quản trị và thể chế, khu vực ngân hàng, doanh nghiệp nhà nước, các chỉ tiêu xếp hạng toàn cầu.

"Là một ngân hàng hoạt động lâu đời tại Việt Nam, từ năm 1904, Ngân hàng Standard Chartered trân trọng và đánh giá cao mối quan hệ với Chính phủ Việt Nam. Chúng tôi rất hân hạnh là đơn vị tư vấn XHTN duy nhất cho Chính phủ kể từ năm 2012. Đội ngũ tư vấn XHTN của chúng tôi hiện đang hợp tác chặt chẽ với các cơ quan ban ngành liên quan và triển khai những hoạt động cần thiết để đạt được lộ trình được Thủ tướng đề ra", bà Michele Wee chia sẻ.

PV