3D Vision trong thế giới game

00:00, 14/02/2010

Ý tưởng đưa các trò chơi trở nên “3D” hơn thú vị hơn nhiều bởi bất kể bạn chơi trò nào, hệ thống sẽ phải dựng lại hình ảnh theo thời gian thực, điều này tạo điều kiện cho phép công nghệ 3D hoạt động hiệu quả hơn nhiều, đặc biệt là khi toàn bộ mọi hiệu ứng như khử răng cưa hay đổ bóng DX10 đều được lặp lại cùng mỗi lần bạn vào game. Đây cũng là lý do nVIDIA mạnh dạn đưa ra công nghệ GeForce 3Dvision.

 Sự ưu việt vượt trội của 3D Vision trong thế giới game:
 

 Mặc dù cũng dựa trên nguyên tắc “đánh lừa bộ não” truyền thống nhưng những gì nVIDIA cung cấp cho người dùng hiện tại lại tiện dụng hơn nhiều. Như đã đề cập ở trên, trong khi hầu hết các công nghệ 3D từ trước tới nay đều yêu cầu nội dung thể hiện phải được quay ở dạng lập thể nguyên gốc (điều mà bộ phim Avatar đã làm) thì với thế giới game, điều này có phần đơn giản hơn do việc thay đổi kiểu hiển thị hình ảnh xuất được tác động ở cấp trình điều khiển (trung gian giữa phần cứng và hình ảnh xuất ra). nVIDIA hiện rất tự tin và cho biết có hơn 400 trò có thể được chuyển hoàn toàn qua hiển thị 3D khi sử dụng với GeForce 3D Vision và trình điều khiển Forceware. Giải pháp của nVIDIA cũng có tính tương thích cao hơn các kiểu hình khác.

Trong khi đó, một số giải pháp khác như màn hình Triton của Zalman lại đơn thuần là nhân đôi hình ảnh và phân tách chúng ra chút ít để tạo hiệu ứng 3D. Kết quả là chất lượng thể hiện không hiệu quả như mong muốn. Hoặc như Tridef với công nghệ riêng của mình theo kiểu can thiệp vào trình điều khiển và quá trình dựng hình của hệ thống thường gây ra các hiện tượng bất ổn. nVIDIA với ưu thế sẵn có ở sự thông dụng của thiết bị đồ họa phần cứng – rõ ràng đang ngồi ở chiếu trên trong cuộc chơi mới này.

 

Công nghệ 3D và MTXT
 
Hiện tại, công nghệ 3D vẫn còn khá mới. Do hình ảnh phải được hiển thị và truyền tới mắt bạn theo dạng “nhấp nháy” nên thực tế tần số quét của màn hình sẽ không còn được như nguyên gốc. Lấy ví dụ màn hình với mức quét 60Hz khi qua kính và tới mắt bạn sẽ còn tương đương khoảng 37 Hz và gây ra hiện tượng nhấp nháy. Sau một thời gian dài, sự nhấp nháy này sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe với những triệu chứng như đau đầu, mỏi mắt… Đây cũng là lý do bạn không nên táy máy nghịch thử công nghệ 3D nếu không có đúng trang thiết bị phù hợp.
 
 Trong khi đó, thiết bị 3D “xịn” phải bao gồm ít nhất một màn hình 120 Hz để phù hợp với vấn đề trên. Hầu hết các loại LCD, máy chiếu hiện tại đều là 60 Hz – chưa nói tới các loại CRT cũ. Đây cũng là giới hạn lớn nhất đối với việc phát triển của công nghệ 3D trong cộng đồng. Đối với máy tính bàn, việc bổ sung màn hình 3D có phần “dễ hơn” do bạn chỉ cần tậu một chiếc màn hình mới thay vào chiếc đang dùng là xong. Một số mẫu màn hình như 2233 RZ của Samsung dễ dàng đáp ứng yêu cầu này. Tuy nhiên, với MTXT thì mọi việc lại khó khăn hơn do màn hình tích hợp sẵn vào thân máy từ khi sản xuất. Do đó bạn chỉ có thể mua một số mẫu máy nhất định mà không có cách nào chọn một mẫu mình thích (theo các tiêu chí giá tiền, cấu hình, thương hiệu, kích thước…) rồi hi vọng bổ sung công nghệ 3D vào.
 
Hơn thế nữa, do công nghệ 3Dvision – vốn được đánh giá cao nhất với game hiện nay là của nVIDIA nên hệ thống đồ họa của máy cũng phải là GeForce. Một số mẫu máy như Acer 5738DG vẫn sử dụng GPU ATI nhưng thực tế cho thấy hiệu quả thể hiện hình ảnh 3D không bằng và gặp phải nhiều trục trặc. Hiện tại, thực tế thị trường cho thấy chỉ có những mẫu MTXT từ 15.6” trở lên và chủ yếu là thuộc dòng chơi game chuyên dụng mới hỗ trợ 3D.

 

Liệu 3D có thích hợp với bạn ?
 
Yếu tố hết sức quan trọng mà người dùng cần xem xét đó chính là việc liệu công nghệ 3D có thích hợp với bạn. Trước hết đó chính là vấn đề túi tiền. Việc bổ sung màn hình 120 Hz và trang thiết bị liên quan như kính mắt, bộ thu tín hiệu hồng ngoại… sẽ khiến giá thành máy tăng lên đáng kể. Điển hình là mẫu ASUS G51J 3D có giá đắt hơn phiên bản “không 3D” của nó khoảng 220 USD. Bên cạnh đó, các hệ thống dựng hình game 3D thường phải thêm khâu xử lý hình ảnh xuất nên sẽ cho tốc độ chậm hơn kiểu truyền thống chút ít. Nếu bạn thuộc tuýp người thích trải nghiệm mọi thứ ở tốc độ tối đa và thường xuyên săm soi mức khung hình / giây thì chưa chắc điều này đã làm bạn thích thú.
 
 Đáng chú ý nhất là những người không quen các hành động nhanh trong thời gian ngắn. Hiện tại, việc nhiều người dùng chóng mặt và buồn nôn khi chơi các game hành động không phải là hiếm. Khi đưa vào môi trường 3D, vấn đề này còn trở nên nhạy cảm hơn nhiều. Những game như Fallout 3 mặc dù rất tuyệt trong môi trường mới  nhưng lại cũng đem cảm giác đau đầu tới nhanh hơn. Đó là chưa kể tới việc các chi tiết game chưa sẵn sàng với môi trường 3D như khung hiển thị thông tin, các hộp thoại… có thể bị lỗi hiển thị - gây khó chịu cho người chơi.
 

Cuối cùng, không thể không nhắc tới các vấn đề về mắt. Nếu bạn bị cận hoặc viễn và phải đeo kính, những trải nghiệm 3D của bạn sẽ giảm đi đáng kể. Mặc dù một số nhà sản xuất như Acer cung cấp các cặp kính đặc biệt dành cho những người đeo kinh sẵn nhưng thực tế sử dụng cho thấy không gì tuyệt hơn một cặp mắt tốt, kính 3D tốt và màn hình 120 Hz cả. Chưa kể tới việc hình ảnh 3D lập thể khi đi qua thêm một lớp kính biến đổi quang học có thể gây khó chịu cho người xem. Như vậy, nhìn chung, không phải người dùng nào cũng có thể thoải mái trải nghiệm công nghệ mới này. Việc xác định độ phù hợp hoàn toàn nằm ở bản thân mỗi người dùng và nếu bạn tự tin vào khả năng của chính mình, tại sao lại không sắm một bộ và tự mình thử trải nghiệm nhỉ?

Linh Thư

TIN LIÊN QUAN