54 báo cáo khoa học ngành dệt may đã được bảo vệ tại Hội nghị khoa học
Ngày 20/10/2022, trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội (HTU) đã tổ chức thành công Hội nghị khoa học toàn quốc về dệt, may, da - giầy lần thứ 3 với sự quan tâm của lãnh đạo các bộ, ban, ngành của Nhà nước, các tổ chức, trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp dệt may và gần 100 nhà khoa học hoạt động, nghiên cứu trong lĩnh vực dệt, may, da - giầy.
54 báo cáo khoa học ngành dệt may đã được bảo vệ tại Hội nghị khoa học.
Trong năm 2021, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19, tuy nhiên, ngành dệt may, da giầy đã vượt lên khó khăn, duy trì đà tăng trưởng tốt với kim ngạch xuất khẩu dệt may đạt 40,4 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu, tăng 14,8% và kim ngạch xuất khẩu da giầy đạt 20,7 tỷ USD, tăng 4,6% so với 2020.
Hội nghị khoa học toàn quốc về dệt, may, da - giầy lần thứ 3 (NSCTEX 2022) được tổ chức tại trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội đã thu hút gần 100 nhà khoa học tham gia với 54 báo cáo khoa học được phản biện thông qua 2 vòng độc lập.
Hội nghị đánh dấu sự tiếp nối trọng trách xây dựng diễn đàn cho nhà khoa học thông báo các kết quả nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực Dệt, May, Da - Giầy.
Cùng với đó, hội nghị đã tạo ra cơ hội để các nhà khoa học, đồng nghiệp và doanh nghiệp gặp gỡ, trao đổi những vấn đề thời sự liên quan đến đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, tìm kiếm cơ hội hợp tác giữa các Trường đại học, Viện nghiên cứu và Doanh nghiệp dệt, may, da giầy.
Phát biểu tại hội nghị, ông Cao Hữu Hiếu - Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam khẳng định, trong 2 năm qua, ngành dệt, may, da - giầy Việt Nam đã trải qua nhiều khó khăn, thách thức từ đại dịch Covid-19 nhưng vẫn duy trì tăng trưởng và có những bứt phá để đạt được những kết quả tích cực.
“Có thể nói việc áp dụng những thành tựu khoa học công nghệ, triển khai sáng kiến đã giúp doanh nghiệp duy trì sản xuất, tăng năng suất, chất lượng, vượt khó thành công. Có thể kể đến những công nghệ như: sử dụng máy móc thiết bị tự động, số hoá từng công đoạn sản xuất, tăng cường sử dụng các phần mềm để giao dịch với khách hàng, thiết kế sản phẩm, chuyển giao mẫu cho khách hàng bằng hình thức trực tuyến…”, ông Cao Hữu Hiếu bày tỏ.
Nhân dịp này, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam chúc mừng hơn 100 nhà khoa học là tác giả của 54 báo cáo khoa học với nhiều chủ đề khác nhau và bày tỏ mong muốn trong thời gian tới, mối liên hệ giữa Câu lạc bộ với các nhà trường và doanh nghiệp sẽ ngày càng chặt chẽ, tạo điều kiện cho hoạt động nghiên cứu khoa học trên cơ sở các bên có lợi, vì sự phát triển của toàn ngành.
Trong khuôn khổ của Hội nghị, các nhà khoa học, chuyên gia đã cùng thảo luận về các vấn đề khoa học công nghệ trong lĩnh vực dệt, may, da - giầy thông qua 01 phiên chung và 03 phiên hội thảo chuyên đề: (1) Công nghệ và vật liệu sợi, dệt, nhuộm, da - giầy, (2) Công nghệ và thiết bị may, thời trang, (3) Kinh doanh và phát triển bền vững dệt may, da - giầy.
Tại phiên chung, khách mời và đại biểu tham dự hội nghị đã cùng thảo thuận về ứng dụng của khoa học công nghệ trong lĩnh vực dệt, may, da - giầy với 05 bài trình bày đến từ các trường đại học, viện nghiên cứu về dệt, may, da - giầy tại Việt Nam.
Tại 03 phiên hội thảo chuyên đề, đã có 15 báo cáo được công bố và thảo luận tại hội thảo và nhận được nhiều sự ghi nhận của các nhà khoa học, chuyên gia trong lĩnh vực dệt, may, da giầy
Hoạt động với định hướng ứng dụng toàn diện lĩnh vực dệt may, trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội luôn nỗ lực hết mình đóng góp vào sứ mệnh nghiên cứu, phát triển của ngành dệt may; năng suất, hiệu quả hoạt động cho các doanh nghiệp dệt may tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, Nhà trường hy vọng ngày càng nhận được nhiều sự quan tâm của các cơ quan ban ngành, tăng cường hợp tác với các tổ chức, viện nghiên cứu, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dệt may để đồng hành cùng sự phát triển của nhà trường.
Thùy Chi (T/h)