7 nhà khoa học nữ gốc Việt được thế giới vinh danh
Với những công trình nghiên cứu lớn góp phần vào sự phát triển của nhân loại, 7 nhà khoa học nữ người Việt đã được thế giới vinh danh, đó là: GS Nguyễn Thục Quyên; Phó giáo sư Hồ Thị Thanh Vân; Lưu Lệ Hằng ; Tiến sĩ Huỳnh Mỹ Hằng; PGS Trần Thị Lý; TS Lê Thái Hà; GS Nguyễn Thị Kim Thanh
1. Top 1% nhà nghiên cứu khoa học vật liệu thế giới
Giáo sư Nguyễn Thục Quyên (SN 1970, Đắk Lắk) đang làm việc tại Đại học California, Mỹ. Bà nằm trong top 1% nhà nghiên cứu khoa học vật liệu được trích dẫn nhiều nhất thế giới, theo Thomson Reuters và Clarivate Analytics đánh giá.
Giáo sư Nguyễn Thục Quyên Người kết nối khoa học Việt Nam ra thế giới.
Các nghiên cứu của bà xoay quanh tính chất điện tử của Polyelectrolytes liên hợp, giao diện trong các thiết bị quang điện tử, vật liệu mới cho các ứng dụng pin mặt trời hữu cơ, tự lắp ráp phân tử, xử lý vật liệu, đặc tính kích thước nano của pin mặt trời hữu cơ và vật lý thiết bị.
Tháng 2/2023, bà được bầu vào Viện Hàn lân Kỹ thuật Hoa Kỳ - là một trong những phụ nữ Việt đầu tiên làm việc tại đây. Trong sự nghiệp khoa học, bà nhận được nhiều giải thưởng danh giá như: Giải thưởng Nhà nghiên cứu trẻ của Văn phòng nghiên cứu Hải quân (2005), giải thưởng quỹ Khoa học quốc gia Career (2006), giải thưởng Harold Plous (2007).
Năm 2008, bà nhận giải thưởng học giả – giáo viên Camille Dreyfus, sau đó lần lượt là các giải nghiên cứu viên Alfred Sloan năm (2009), nghiên cứu viên đổi mới và năng lực cạnh tranh Hoa kỳ của Quỹ khoa học quốc gia (2010), giải thưởng Nghiên cứu cao cấp Alexander Von Humboldt (2015), nghiên cứu viên của hiệp hội hóa học hoàng gia (2016). Đặc biệt, bà được bình chọn là trí tuệ khoa học mang tầm ảnh hưởng nhất thế giới 4 năm liên tiếp 2015, 2016, 2017 và 2018.
2. Giáo sư Việt đầu tiên được Hiệp hội Hoá học Hàng gia Anh vinh danh
GS Nguyễn Thị Kim Thanh, Đại học College London (UCL) là một trong ba nhà khoa học giành giải thưởng Interdisciplinary Prize 2022, ghi nhận những đóng góp xuất sắc trong nghiên cứu và đổi mới sáng tạo.
GS Nguyễn Thị Kim Thanh.
Bà có những đóng góp liên ngành trong nghiên cứu cơ bản về tổng hợp hóa học, vật liệu nano từ tính và plasmonic cho các ứng dụng y sinh. Những nghiên cứu này có thể mang lại lợi ích trực tiếp trong nâng cao tuổi thọ của bệnh nhân ung thư.
GS Kim Thanh tốt nghiệp chuyên ngành hóa học tại Đại học Quốc gia Hà Nội năm 1992. Bà được bổ nhiệm làm giáo sư tại Đại học College London (UCL) từ năm 2013 và dẫn đầu nhóm nghiên cứu liên ngành tiên tiến về thiết kế và tổng hợp vật liệu nano cho ứng dụng y sinh. Năm 2019, GS Thanh nhận huy chương Rosalind Franklin cho những thành tựu có tầm ảnh hưởng lớn về nghiên cứu ứng dụng vật liệu nano trong y sinh.
3. Nhà khoa học trẻ tài năng thế giới năm 2022
Phó giáo sư Hồ Thị Thanh Vân (44 tuổi) cùng với 14 nhà khoa học nữ trẻ xuất sắc đại diện cho 5 châu lục được nhận giải thưởng Nhà khoa học trẻ tài năng thế giới năm 2022. Giải thưởng danh giá này nằm trong khuôn khổ chương trình Vì sự phát triển của phụ nữ trong khoa học, do Quỹ L’Oréal và UNESCO khởi xướng, vinh danh các nhà khoa học nữ trong các lĩnh vực Khoa học sự sống, môi trường, vật lý, toán học và khoa học máy tính.
Phó giáo sư Hồ Thị Thanh Vân - Nhà khoa học trẻ tài năng thế giới năm 2022.
Phó giáo sư Vân có những đóng góp xuất sắc trong lĩnh vực pin nhiên liệu. Công trình của bà đã thay thế bạch kim trong pin nhiên liệu, giúp giảm giá thành mà pin có độ bền cao hơn.
Nghiên cứu được đánh giá là giúp tối ưu hóa hoạt động của pin nhiên liệu để cải thiện hiệu suất và cho phép sản xuất năng lượng hydro bền vững, tránh việc đốt nhiên liệu hóa thạch và giảm lượng khí thải carbon.
Bà công bố 90 bài báo trên các tạp chí trong và ngoài nước, đạt nhiều giải thưởng khoa học công nghệ quốc gia và quốc tế uy tín. Năm 2019, phó giáo sư Vân được nhận giải Nhà khoa học nữ xuất sắc Việt Nam 2019. Năm 2020, bà lọt vào top 23/100 nhà khoa học tiêu biểu châu Á do tạp chí Asian Scientist bình chọn.
Hiện bà đảm nhiệm vị trí giảng viên, Trưởng phòng khoa học công nghệ và Quan hệ đối ngoại, Đại học Tài nguyên và môi trường TP.HCM.
4. Nhà khoa học nữ Việt đầu tiên nhận giải Noam Chomsky
Phó giáo sư Trần Thị Lý (SN 1975, Quảng Trị) là nhà khoa học nữ Việt Nam đầu tiên được trao Giải thưởng Noam Chomsky 2020. Bà đang công tác tại khoa Nghệ thuật và Giáo dục, Đại học Deakin, Australia.
Nhà khoa học nữ Việt đầu tiên nhận giải Noam Chomsky.
Bà có nhiều nghiên cứu liên quan đến Việt Nam, đặc biệt là các nội dung đổi mới giáo dục đại học Việt Nam nhìn từ phương diện quốc tế; mối tương quan giữa chương trình giáo dục đại học và thị trường lao động; khả năng làm việc của sinh viên mới tốt nghiệp; quốc tế hóa giáo dục đại học Việt Nam... Ngoài nghiên cứu và viết sách về giáo dục đại học Việt Nam, chị Lý còn viết sách về giáo dục quốc tế.
Đến nay, bà sở hữu hơn 30 giải thưởng và học bổng nghiên cứu từ các hiệp hội quốc tế, quốc gia cho thành tích xuất sắc về nghiên cứu khoa học, giảng dạy và học tập.
Năm 2019, phó giáo sư Lý được tạp chí Forbes Việt Nam công bố là một trong 50 phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam.
5. Nữ Tiến sĩ Việt sáng chế "chất nổ cơ bản xanh"
Tháng 9/2007 Tiến sĩ Huỳnh Mỹ Hằng giành giải thưởng MacArthur Fellowship 500.000 USD cho phát minh "chất nổ cơ bản xanh". Đây là một trong những giải thưởng cao quý nhất ở Mỹ, trao cho các gương mặt xuất sắc lĩnh vực kỹ thuật, khoa học xã hội, nhân văn, nghệ thuật...
Tiến sĩ Huỳnh Mỹ Hằng.
Tiến sĩ Hằng sinh năm 1962 tại Việt Nam và sống tại Mỹ từ năm 1985. Năm 1986 bà theo học Đại học State University of New York, Genesseo (Suny Geneseo) và tốt nghiệp vào năm 1991 với hai bằng cử nhân toán và hóa. Tiếp đó bà học tiến sĩ Đại học Buffalo và bảo vệ xuất sắc luận án tiến sĩ hóa học năm 1998. Từ năm 2002, bà làm việc cho Phòng thí nghiệm quốc gia Los Alamos của Mỹ.
Trong quá trình làm việc, bà nhận thấy chất nổ đang được sản xuất vẫn dùng thủy ngân và các thành phần gây hậu quả xấu về môi trường và sức khỏe. Vì vậy bà đề ra mục tiêu thay thế chúng bằng đồng đỏ và sắt. Nhưng thí nghiệm của chị đã không thành công.
Tháng 5/2005, bà mới thành công trong chế tạo loại chất mới được gọi là "chất nổ cơ bản xanh" không thuỷ ngân và chì.
6. Nữ TS Việt duy nhất trong top 100.000 nhà khoa học có tầm ảnh hưởng nhất thế giới
Cuối năm 2022, TS Lê Thái Hà được vinh danh trở thành người phụ nữ Việt duy nhất trong top 100.000 nhà khoa học có tầm ảnh hưởng nhất thế giới.
TS Lê Thái Hà.
TS Hà hiện là Giám đốc điều hành của giải thưởng VinFuture, sau gần 10 năm là giám đốc nghiên cứu và giảng viên cao cấp ở trường đại học. Bà cũng là nhà khoa học nữ duy nhất của Việt Nam trong danh sách 100.000 nhà khoa học có tầm ảnh hưởng nhất được Nhà xuất bản Elsevier công bố hồi tháng 10.
Bà tốt nghiệp chuyên ngành Kinh tế, Đại học Công nghệ Nanyang (NTU), Singapore, trong gần 3,5 năm và hoàn thành chương trình nghiên cứu sinh tiến sĩ trong hai năm với điểm số cao nhất khóa 4.92/5 - điều chưa từng xảy ra ở NTU. Khi đó, Thái Hà mới 24 tuổi.
TS Hà hiện có hơn 70 bài báo nghiên cứu khoa học công bố trên các tạp chí học thuật quốc tế uy tín, gồm nhiều tạp chí hàng đầu trong các lĩnh vực kinh tế năng lượng, môi trường và kinh tế ứng dụng. Tất cả các bài báo nghiên cứu khoa học của bà đều thuộc danh mục ISI/Scopus, trong đó khoảng 85% thuộc nhóm Scopus Q1 hoặc ABDC (Australian Business Deans Council), với chất lượng nghiên cứu xếp hạng A/A*.
7. Người phụ nữ đầu tiên trên thế giới được trao giải thưởng Kavli
Sinh năm 1963 tại Sài Gòn, năm 1975, Lưu Lệ Hằng (Jane X. Luu) theo gia đình sang Mỹ định cư. Bà học tại nhiều trường nổi tiếng về vật lý như Đại học Stanford năm 1984; thạc sĩ ở Viện Berkeley thuộc Đại học California và năm 1990 nhận bằng tiến sĩ vật lý thiên thể ở Viện Công nghệ Massachussetts MIT.
Bà Lưu Lệ Hằng, nhà thiên văn Mỹ gốc Việt.
Năm 1992, bà cùng thầy hướng dẫn khám phá ra vật thể đầu tiên trong vành đài Kuiper. Nhờ đó chị trở thành người phụ nữ đầu tiên trên thế giới được trao giải thưởng Kavli - một giải thưởng quốc tế của Na Uy dành cho các nhà khoa học có cống hiến xuất sắc trong các ngành Vật lý thiên văn, Công nghệ nano và Khoa học thần kinh.
Cũng trong 2012, tại Hong Kong, Quỹ Shaw xướng danh người đạt giải Shaw Thiên văn học 2012 là giáo sư Lưu Lệ Hằng về những đóng góp của bà trong việc định danh "các vật thể ngoài Hải Vương tinh".
Để ghi nhận công lao của bà trong việc khám phá ra hơn 30 tiểu hành tinh, Hiệp hội thiên văn Mỹ đã đặt tên bà cho tiểu hành tinh 5430 Luu. Năm 2015, chị có chuyến về Việt Nam trong chương trình Gặp gỡ Việt Nam.
Minh Thùy (T/h)