8 ứng dụng công nghệ hàng đầu cho trẻ mắc chứng tự kỷ

09:11, 17/12/2011

Công nghệ thông tin trong đó có công nghệ di động cùng với những ứng dụng kèm theo ngày càng trở nên hữu ích và đặc biệt hiệu quả khi được ứng dụng trong giáo dục.

Maureen Watson (người Mỹ) có 2 đứa con đều bị chứng tự kỷ (bé lớn 14 tuổi và bé nhỏ 17 tuổi) cho biết thiết bị di động và những ứng dụng kèm theo đã giúp “thay đổi thế gới” cho các con của bà. Ban đầu thử nghiệm với iPod Touch, sau một thời gian Watson đã quyết định sắm cho con trai chiếc iPad.

“Một vấn đề lớn với trẻ tự kỷ là làm thế nào để có nhiều đứa trẻ khác, kể cả người nhà, bạn bè muốn đến để giao tiếp với chúng”, Watson nói. “Hai con tôi là những đứa trẻ đầu tiên được sở hữu iPad, chúng rất tự hào với bạn bè và mọi người cũng thích đến với chúng để cùng trải nghiệm sử dụng thiết bị công nghệ mới này”.

Một điều rất tiện lợi nữa là chúng ta có thể thường xuyên cập nhật các ứng dụng mới, thiết lập các môi trường giao tiếp ảo như việc giao tiếp tại nhà hàng, công viên, siêu thị…

Watson và Lindajeanne Schwartz, quản trị viên chương trình “sử dụng các thiết bị di động và các ứng dụng để mở rộng và nâng cao chất lượng giáo dục” của trường Giant Steps ở Southport, chia sẻ 8 ứng dụng yêu thích của họ dành cho người học mắc chứng tự kỷ.

1. iPrompts

Ứng dụng này cũng giống như một bảng lịch trình đơn giản giúp trẻ kiểm soát thời gian và nhắc nhở thực hiện công việc theo kế hoạch. Ứng dụng có hình ảnh sinh động, có lời nhắc bằng giọng nói và có cả bộ đếm ngược thời gian.

2. Garage Band

Ứng dụng giúp trẻ chọn học để chơi một nhạc cụ (có nhiều loại nhạc cụ khác nhau). Người dùng có thể ghi lại khi chơi nhạc cụ và sau đó có thể phát lại để nghe; có hướng dẫn cách viết nhạc và soạn nhạc, ghi âm và phát lại…

3. Proloquo2go

Phát những câu giao tiếp bằng giọng nói thông qua các biểu tượng rất cơ bản, dễ nhớ và dễ sử dụng cho trẻ. Rất hữu ích cho trẻ khó nói hoặc không nói được trong giao tiếp. Chương trình cho phép cập nhật thêm biểu tượng và những câu giao tiếp mới.


4. Pictello

Ứng dụng này giống như một truyện nhỏ. Người dùng có thể dùng nó để tạo ra những câu chuyện mà trong thực tế đang diễn ra sau đó dùng nó để kể lại cho người học, bạn bè một cách sinh động.

5. ABA Flash Cards – Emotions

Giúp trẻ tự kỷ nhận biết được cảm xúc của người khác và biết cách biểu hiện cảm xúc của mình.

6. Talking Tom, Talking Rex, and more

Một chương trình giúp trẻ tự kỷ giao tiếp và luyện âm rất hấp dẫn. Người dùng sẽ trò chuyện với nhân vật Tom, Rex…

7. Receptive by Function (a.k.a. Function)

Chương trình giúp trẻ phân biệt sự giống và khác nhau giữa các sự vật hiện tượng thông qua hình ảnh đồng thời giúp trẻ rèn luyện trí nhớ.
 

8. My Horse

Người dùng sẽ được chọn một con ngựa làm vật nuôi và phải chăm sóc cho con ngựa của mình. Con ngựa sẽ có những biểu hiện như đói, no, muốn dạo chơi… và đứa trẻ phải cho ăn, dắt đi chơi… như nuôi ngựa thật. Chương trình giúp xây dựng ý thức xã hội và giúp trẻ tìm hiểu làm thế nào để chăm sóc cho một cái gì đó.

Hiện nay nhiều dòng điện thoại thông minh có thể lựa chọn nhiều ứng dụng hướng đến hỗ trợ các cá nhân có nhu cầu đặc biệt như đối tượng trẻ mắc chứng tự kỷ, trẻ khuyết tật và rất nhiều ứng dụng cho giáo dục phổ thông.

        
         Nguyễn Văn Nghiêm
TIN LIÊN QUAN