Ẩn họa từ những clip "rác" tràn lan trên mạng

05:34, 12/09/2022

Lướt qua các nền tảng mạng xã hội, tràn lan clip chửi tục, chửi thề, sẵn sàng dọa nạt, hành hung để giải quyết mâu thuẫn, thậm chí cổ súy việc đánh bạc, sử dụng ma túy...

Chưa bao giờ chúng ta thấy từ một cô gái bán hàng trực tuyến đến anh thanh niên chỉ nhìn chằm chằm vào ống kính cũng có thể làm clip và tiếp cận hàng triệu người dân. Việc tiếp cận quá dễ dàng các nền tảng đa phương tiện khiến các clip không được kiểm soát về nội dung lan truyền nhanh chóng tới hàng triệu người. Bất chấp mọi giá trị, mọi hậu quả để câu view và lượng thích (like) đang là thực trạng đáng báo động trên không gian mạng.

Những clip nhảm nhí, xấu độc, phản văn hóa nhưng nhận được hàng chục nghìn, thậm chí hàng trăm nghìn lượt yêu thích. Những nút like (thích), share (Chia sẻ) tưởng chừng vô hại nhưng sẽ có nhiều người giật mình khi nhận ra rằng: Trên mạng xã hội giờ đây đầy rẫy những clip có nội dung tương tự như vậy được nhân lên bởi những bạn trẻ tuổi teen học theo, làm theo. Nói tục, chửi bậy thành chuyện thường ngày, những câu chửi bạn cũ, chửi người yêu, chì chiết cuộc đời thậm chí thành trend (xu hướng) thời thượng.

"Những video mang nội dung độc, bẩn giống như liều thuốc độc đối với bạn trẻ", chị Đinh Thị Lan Anh cho biết.

Trào lưu ''dọa ma trẻ em'' trên tiktok thời gần đây, nhiều bà mẹ bất chấp con mình gào khóc, hoảng loạn để quay clip đổi lấy tiếng cười mà không biết những nỗi ám ảnh, sợ hãi, hoảng loạn có thể theo các em lâu dài về sau.

Cách đây ít lâu, chỉ vì muốn giành lấy 40.000 like từ cộng đồng mạng, một thanh niên bất chấp nguy hiểm tính mạng đã tự rưới xăng, tự thiêu rồi nhảy xuống sông. Thậm chí, một nữ sinh đã bị bỏng nặng sau khi đốt trường học cũng chỉ để giành lấy 1.000 like trên Facebook.

Theo TS. Phạm Hải Chung, Khoa Báo chí, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội: "Các bạn nhỏ rất khó phân biệt đường mờ giữa thế giới thật và ảo cho nên chúng ta thấy có rất nhiều giang hồ mạng đang ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống của các bạn trẻ. Các bạn bắt chước, áp dụng trong đời sống hàng ngày. Điều đó vô hình chung nó tác động trong đời sống".

Thống kê cho thấy tội phạm giết người đang có xu hướng trẻ hoá, có tới 60% đối tượng phạm tội giết người ở độ tuổi dưới 30, so với trước đây chỉ chiếm khoảng 35%. Đáng lo ngại hơn, các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng cách đây 10-15 năm, khi phạm tội, những kẻ gây tội ác luôn cảm thấy rất run sợ, ăn năn, hối lỗi nhưng gần đây, nhiều kẻ gây án không nhận thấy mình có tội.

Chưa có nghiên cứu nào cho thấy có sự liên quan trực tiếp giữa các nội dung xấu, bạo lực trên mạng xã hội với hiện tượng gia tăng tội phạm nguy hiểm. Tuy nhiên, không thể phủ nhận, những nội dung xấu độc hàng ngày sẽ có ảnh hưởng đến sự phát triển nhân cách, nhất là khi tiếp cận quá sớm.

Theo VTV