Áp dụng thuế 10% đối với xe công nghệ: Tài xế bức xúc, khóa app phản đối

11:22, 07/12/2020

Nghị định 126 quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế được ban hành ngày 19/10/2020 và đã có hiệu lực vào ngày 5/12/2020.

Tài xế xe ôm công nghệ: Bán sức lao động, sao thu thuế như làm kinh doanh?

Thay vì nộp thuế khoán theo mức khoán 3% thuế giá trị gia tăng (GTGT) và 1,5% thuế thu nhập cá nhân như hiện nay, theo nghị định 126, từ ngày 5.12 tới đây mức thuế GTGT với xe công nghệ sẽ là 10% trên doanh thu.

Lý giải về khoản thu này, ngành thuế cho rằng, các doanh nghiệp như Grab, Be và Gojek là đơn vị kinh doanh vận tải, chứ không phải cung cấp giải pháp công nghệ. Do trước đây văn bản pháp lý chưa có nên các hãng vận tải công nghệ khai và nộp thuế GTGT trên phần họ được hưởng, chứ không khai và nộp thuế trên toàn bộ doanh thu.

Tài xế công nghệ phải đóng thuế 10% trên doanh thu thay vì mức thu thuế khoán 3% như trước kia

Theo anh Nguyễn Duy Long (43 tuổi, Hà Nam) cho rằng, nhà quản lý dùng từ đối tác hay tài xế xe công nghệ hay hợp tác kinh doanh, nhưng thực chất chị luôn nghĩ mình chỉ là người chạy xe ôm.

"Thực chất tôi chỉ là người chạy xe ôm, lấy công làm lãi chứ có đối tác gì đâu. Họ cứ cho là đối tác là người làm kinh doanh rồi thu 10% doanh thu là không phù hợp với thực tế những người như tôi. Thu thuế như vậy, thà tôi đi làm công nhân để nhận đủ lương, khỏi phải đóng 10% trên số tiền lương mình được nhận. Thú thật, do cuộc sống khổ quá, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên tôi bị công ty cho thôi việc nên tôi mới đi chạy xe ôm, chứ có ai muốn làm đâu." - anh Long nói.

Nhiều ngày qua trên mạng xã hội cũng liên tục chia sẻ bức tâm thư nêu lên 4 lý lẽ để phản đối việc thu thuế xe ôm công nghệ 10% 

Bức tâm thư này được gửi qua Fanpage của Công đoàn Việt Nam.

Theo thư, tài xế công nghệ này cho biết, trước thông tin theo Nghị định 126/2020/NĐ-CP, lái xe công nghệ ngoài chi phí phải trả cho sử dụng ứng dụng còn phải trả thêm 10% thuế VAT được tính trên doanh thu mỗi lần hoàn thành đơn giao hàng cho khách hàng, tài xế Grab này cho biết, là công dân Việt Nam, anh hoàn toàn ủng hộ chính sách của nhà nước về nghĩa vụ và trách nhiệm nộp thuế đối với bất kì cá nhân, tổ chức hoạt động kinh doanh trên đất nước Việt Nam để đảm bảo tính công bằng cho các nghành nghề kinh tế và phát triển kinh tế hạ tầng, xây dựng đất nước giàu đẹp – văn minh.

Tuy nhiên, tài xế này phản đối việc áp thuế lên các cá nhân là lái xe công nghệ thuộc sự quản lý và giám sát của các công ty công nghệ vì các lẽ sau:

- Lái xe công nghệ có thu nhập thấp, thậm chí không lương, không có bảo hiểm lương hưu, y tế

- Lái xe công nghệ không thuộc đối tượng phải chịu thuế VAT theo Luật số 13/2008/QH12 Luật Thuế giá trị gia tăng

- Lái xe công nghệ tự dùng nguồn tài chính của mình để mua xe để làm công cụ cho công việc của mình; đồng thời cũng đã phải nộp thuế VAT, lệ phí trước bạ….

- Thêm nữa lái xe công nghệ cũng hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế thu nhập cá nhân với những công nhân có doanh thu trên 100 triệu/năm (cái này còn chưa kể trừ chi phí đi thì chẳng còn thu nhập là bao).

Tài xế Grab này cho biết, anh cùng những đồng nghiệp khác là một bộ phận lao động của xã hội giúp cho các chuyến hàng và vận chuyển con người được thuận tiện hơn, góp phần vào hệ thống giao vận, giao thương giữa các thành phần kinh tế được bảo đảm, an toàn và nhanh chóng, giúp cho phân công lao động xã hội hiệu quả hơn, thúc đẩy nền kinh tế, thu hút vốn đầu tư nước ngoài…

Nhưng với đặc thù và tính chất công việc lái xe công nghệ có rất nhiều trở ngại, rủi ro, khó khăn để đảm bảo cuộc sống về lâu dài:

- Rủi ro về tai nạn giao thông cao hơn các nghành nghề khác. Các va chạm giao thông có thể ảnh hưởng rất lớn đến sức khoẻ và tính mạng

- Ảnh hưởng rất lớn về sức khoẻ: Hít bụi và hít các loại khí ô nhiễm hàng ngày, ảnh hưởng đến cơ quan hô hấp; tay chân bị tê vì ít hoạt động, dẫn đến phù nề, đau khớp, đau lưng, dễ ảnh hưởng đến hệ tiêu hoá vì vệ sinh chân tay miệng kém, ăn uống không đủ chất, vì tính chất và môi trường làm việc và còn nhiều các loại bệnh khác có thể xảy đến với công nhân lái xe công nghệ.

- Cường độ thời gian làm việc quá thời gian lao động quá nhiều thường là từ 10 tiếng đến 12 tiếng

- Thu nhập sau khi trừ các chi phí hoạt động không cao, thuộc thành phần thu nhập thấp của xã hội...

“Tôi liệt kê các rủi ro kể trên để chúng ta thấy rằng, nếu không có sự quản lý và quan tâm của nhà nước thì sẽ có một bộ phận tầng lớp trung niên nhưng đã bị vắt kiệt về sức khoẻ, mất khả năng lao động sớm tạo nên một gánh nặng không nhỏ cho đất nước”- tài xế này cảnh báo.

Vì vậy, tài xế xe ôm công nghệ này mong muốn sẽ bãi bỏ thuế VAT cho tài xế công nghệ.

Theo thống kê của Grab, khoảng 90% đối tác tài xế 2 bánh đang sử dụng dịch vụ kết nối Grab có doanh thu dưới 100 triệu đồng/năm, tức chỉ có thu nhập đủ cho mức sống tối thiểu.

Với quy định hiện hành, nếu một chuyến xe có cước phí 100.000 đồng, tài xế sẽ nhận được khoản doanh thu là 76.400 đồng (sau khi trừ thuế và phí dịch vụ kết nối). Với quy định mới áp dụng từ ngày 5.12, tài xế sẽ chỉ còn nhận được 70.800 đồng, tức giảm khoảng 7,3% doanh thu so với mức hiện nay.

Trường hợp công ty tăng cước xe để giữ nguyên thu nhập của tài xế, các doanh nghiệp vận tải sẽ phải tăng cước thêm 7,3% và người tiêu dùng sẽ gánh khoản tăng thêm này.

Tài xế và người tiêu dùng chịu thiệt

Trên thực tế, thuế giá trị gia tăng (VAT) là một loại thuế gián thu đánh trên khoản giá trị tăng thêm của hàng hoá, dịch vụ phát sinh trong quá trình từ sản xuất, lưu thông đến tiêu dùng. Loại thuế này được áp đối với người tiêu dùng.

Đối với quy định mới là thu 10% đối với các nền tảng gọi xe cũng tương tự. Đây là tiền thuế người tiêu dùng đóng, doanh nghiệp chỉ kê khai và nộp thay, đại diện Tổng cục Thuế cho biết.

Mức thuế GTGT tăng thêm 7%, từ 3% lên 10% sẽ tăng thêm gánh nặng cho người tiêu dùng. Khi các hãng xe công nghệ kê khai và thu hộ khoản thuế này trên tổng doanh thu mỗi cuốc xe. Điều đó có nghĩa là cước phí cũng tăng thêm và khách hàng phải tăng số tiền chi trả cho những cuốc xe mình phải đi thêm 7%.

Các tài xế đồng loạt khoá app, biểu tình phản đối quy định tăng thuế 10%

Nói về việc thu thuế 10%/doanh thu, anh Đinh Việt Tùng (35 tuổi, tại quận Ba Đình) tỏ ra bức xúc. Theo anh Tùng, mấy ngày nay qua, thông tin phản ánh trên báo chí, hầu hết anh em tài xế trong nhóm chạy xe công nghệ của anh đều cho rằng việc thu này là bất công.

"Phải hiểu rõ là chúng tôi đang bán sức lao động để kiếm tiền, nhưng sao lại thu thuế như người làm kinh doanh. Họ đang nghĩ chúng tôi là những đối tác kinh doanh, nên phải có trách nhiệm đóng 10% trên doanh thu phát sinh. Họ cho rằng, doanh nghiệp đóng thay cho người tiêu dùng, chứ không phải chúng tôi đóng. Tuy nhiên, thực tế thì doanh nghiệp sẽ đẩy hết phần đóng này cho những người chạy xe như chúng tôi." - anh Tùng nói.

Ông Nguyễn Thái Sơn, chuyên gia thuế, cho biết thuế VAT là một loại thuế gián thu đánh trên khoản giá trị tăng thêm của hàng hóa, dịch vụ phát sinh trong quá trình từ sản xuất, lưu thông đến tiêu dùng. Loại thuế này được áp đối với người tiêu dùng. Như vậy, nếu NĐ 126 áp dụng thì thuế VAT tăng từ 3% lên 10% đối với các nền tảng gọi xe cũng tương tự. Đây là tiền thuế người tiêu dùng đóng, doanh nghiệp chỉ kê khai và nộp thay. Mức thuế VAT tăng thêm 7%, từ 3% lên 10% sẽ tăng thêm gánh nặng cho người tiêu dùng.

Ngoài ra, ông Sơn cho biết khi các hãng xe công nghệ kê khai và thu hộ khoản thuế này trên tổng doanh thu mỗi cuốc xe, điều đó có nghĩa là cước phí cũng tăng thêm và khách hàng phải tăng số tiền chi trả cho những cuốc xe mình phải đi. Khi người tiêu dùng thấy giá cước tăng, họ sẽ giảm sử dụng dịch vụ, đồng nghĩa tài xế giảm thu nhập.

Nghịch lý chuyên gia Nguyễn Thái Sơn chỉ ra nữa là việc tính thuế TNCN đối với tài xế xe công nghệ. “Cơ quan thuế đưa ra mức 1,5% khi có mức thu nhập trên 100 triệu đồng/năm, thế nhưng họ không được khấu trừ. Ngoài tiền chiết khấu phải trả cho hãng xe, các tài xế còn phải chi trả xăng xe, khấu hao phương tiện, chi phí sửa chữa…” - ông Sơn nói.

Nhìn nhận về việc tăng VAT lên 10% với xe công nghệ, nhiều chuyên gia cho rằng VAT là một loại thuế gián thu, bản chất đây là tiền thuế người tiêu dùng đóng, doanh nghiệp chỉ kê khai và nộp thay. Vì vậy, tăng thuế đương nhiên sẽ tăng thêm gánh nặng cho người tiêu dùng.

Nhiều tài xế khóa app

Ghi nhận ngày 6-12, nhiều tài xế công nghệ chụp màn hình doanh thu chạy xe trong ngày đăng trên các hội nhóm ở mạng xã hội, so sánh tác động tăng thuế, thu nhập tài xế giảm mạnh. Thậm chí, có tài xế cho hay đã nộp giấy tờ để thanh lý hợp đồng, chuyển sang làm nghề khác. Không chỉ tài xế xe hai bánh, các bác tài GrabCar cũng than tình trạng ế khách khi giá cước vận chuyển của ôtô cao, người tiêu dùng giảm đặt xe.

Theo ghi nhận, nhiều hành khách thường xuyên sử dụng dịch vụ xe công nghệ bất ngờ khi cùng cự ly di chuyển mỗi ngày, giá cước đã tăng mạnh. Biến động giá xe công nghệ thể hiện rõ ở cự ly vận chuyển cuốc dài.

Minh Anh (T/h)