Bán thực phẩm giả trên sàn thương mại điện tử: Răn đe mạnh tay để bảo vệ sức khỏe cộng đồng

16:24, 11/04/2025

Việc nâng mức xử lý hình sự đối với hành vi bán thực phẩm giả trên các sàn thương mại điện tử (TMĐT) là biện pháp răn đe mạnh tay, thể hiện sự nghiêm khắc của Nhà nước đối với hành vi vi phạm có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng.

Trong dự thảo Bộ luật Hình sự sửa đổi, Bộ Công an đề xuất tăng mức phạt và một số tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với tội Sản xuất, buôn bán hàng giả.

Cụ thể, khoản 1 Điều 192 dự thảo đã tăng mức phạt tiền từ 200 triệu đồng đến 2 tỉ đồng (quy định hiện hành 100 triệu đồng đến 1 tỉ đồng) hoặc bị phạt tù 1-5 năm; bổ sung tình tiết định khung "sử dụng các nền tảng thương mại điện tử (TMĐT) có từ 500 tài khoản đến dưới 2.500 tài khoản theo dõi".

Khoản 2 Điều 192 dự thảo (bị phạt tù 5-10 năm) đã bổ sung tình tiết định khung "sử dụng các nền tảng TMĐT có từ 2.500 tài khoản đến dưới 12.500 tài khoản theo dõi".

Khoản 3 Điều 192 dự thảo đã tăng mức hình phạt 10-15 năm tù (quy định hiện hành 7-15 năm tù) đối với các trường hợp: Thu lợi bất chính, giá trị hàng giả tương đương hàng thật từ 1 tỷ đồng trở lên (quy định hiện hành 500 triệu đồng); bổ sung tình tiết định khung "sử dụng các nền tảng TMĐT có từ 12.500 tài khoản theo dõi trở lên"...

Ảnh: Quang Vinh. 

Trao đổi với Đại Đoàn Kết, luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng Văn phòng luật sư Kết Nối chia sẻ, với sự phát triển của các sàn TMĐT trong những năm gần đây đã tạo ra một môi trường mới cho hành vi vi phạm pháp luật diễn ra tinh vi, khó kiểm soát hơn.

Nhiều cá nhân, tổ chức lợi dụng tính ẩn danh, dễ dàng tiếp cận người tiêu dùng qua mạng để kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc, giả mạo thương hiệu, gây nguy hiểm trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng con người.

Luật sư Hùng cho rằng, việc nâng mức xử lý hình sự đối với hành vi bán thực phẩm giả trên các sàn TMĐT là hoàn toàn phù hợp. Đây là biện pháp răn đe mạnh tay, thể hiện sự nghiêm khắc của Nhà nước đối với hành vi vi phạm có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng.

Luật sư thông tin thêm, theo quy định tại Nghị định 98/2020/NĐ-CP về xử phạt hành vi buôn bán hàng giả tùy từng trường hợp có thể bị xử phạt từ 1 triệu đến 70 triệu đồng. Ngoài ra, việc buôn bán hàng giả sẽ bị xử phạt bổ sung như tịch thu tang vật, tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề,... và buộc thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả như buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hay buộc thu hồi tiêu hủy hàng giả đang lưu thông trên thị trường,…

Điều 193 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bởi khoản 43 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017, hành vi buôn bán thực phẩm giả sẽ bị xử phạt lên đến 20 năm tù hoặc tù chung thân nếu gây hậu quả nghiêm trọng.

Như vậy, với hành vi buôn bán thực phẩm giả trên sàn TMĐT, pháp luật vẫn chưa có quy định xử phạt riêng. Do đó, bên cạnh việc bổ sung quy định phạt, pháp luật cũng cần bổ sung quy định bắt buộc về xác thực danh tính người bán, truy xuất nguồn gốc sản phẩm trước khi cho phép giao dịch. Tăng cường liên kết dữ liệu, kiểm tra chéo giữa các bộ ngành để kịp thời phát hiện hàng giả, thực phẩm không an toàn.