Băng tần 6G: Các nhà sản xuất thiết bị đề xuất cách chia sẻ tần số hiệu quả hơn

15:00, 14/04/2025

Các nhà sản xuất thiết bị đang thống nhất về phương pháp chia sẻ băng tần đa truy cập vô tuyến nhằm tối ưu hóa nguồn tài nguyên tần số cho mạng 6G.

Theo báo cáo mới của TelecomTV (Vương Quốc Anh), các nhà sản xuất thiết bị viễn thông đang hướng đến giải pháp chia sẻ băng tần đa truy cập vô tuyến (MRSS) cho mạng 6G. Giải pháp này được kỳ vọng sẽ khắc phục những hạn chế từng gặp phải trong quá trình chia sẻ phổ tần khi chuyển đổi từ 4G sang 5G trước đây.

Băng tần mới - Tiền đề phát triển công nghệ 6G

Các nhà sản xuất thiết bị lớn đều thống nhất về định hướng mở rộng phổ tần sang dải băng tần trung mới 7-24GHz (còn gọi là FR3), đồng thời duy trì hoạt động tại các băng tần hiện có.

Băng tần 6G: Các nhà sản xuất thiết bị đề xuất cách chia sẻ tần số hiệu quả hơn

Các nhà sản xuất thiết bị đề xuất cụ thể về tần số cho 6G. Nguồn: TelecomTV

Qualcomm khẳng định rõ nhu cầu: "đối phó với lưu lượng dữ liệu ngày càng tăng bằng cách tận dụng băng tần hiện có và sử dụng băng tần IMT mới". Trong khi Intel nhấn mạnh: "băng tần 6G cần hỗ trợ băng tần 5G hiện tại (FR1/FR2-1), đồng thời mở rộng sang các băng tần sóng centimet mới".

Việc phân bổ băng tần luôn là bài toán khó trong mỗi thế hệ công nghệ di động. Với 6G, các nhà sản xuất thiết bị dường như đã rút ra bài học từ quá trình chuyển đổi phức tạp giữa 4G và 5G.

Đặc biệt, có sự thống nhất giữa các nhà sản xuất thiết bị về việc tận dụng băng tần mới 7-24GHz (FR3), dải tần số này đáp ứng tốt việc cân bằng giữa khả năng phủ sóng và khả năng truyền tải dữ liệu. Đây được xem là dải tần số "vàng" cho 6G vì rộng hơn nhiều so với các băng tần dưới 6GHz đang được sử dụng cho 5G, nhưng không bị hạn chế về vùng phủ như các băng tần sóng milimét trên 24GHz.

Samsung lại đưa ra cách tiếp cận chi tiết hơn với việc phân chia dải sóng theo mục đích sử dụng: sóng cực ngắn (24-47GHz) cho khả năng truyền dữ liệu tối đa và dịch vụ kết nối tốc độ cao không dây tại chỗ, dải sóng trung cao (7-15GHz) cho nâng cao khả năng truyền tải, dải sóng trung thấp (1-7GHz) cho khả năng truyền tải cơ bản, và dải sóng thấp (dưới 1GHz) cho phủ sóng diện rộng.

Giải pháp MRSS trong 6G

Trong quá trình chuyển đổi từ 5G sang 6G, vấn đề sử dụng hiệu quả tài nguyên tần số luôn được các nhà sản xuất quan tâm hàng đầu. Tại Hội thảo 3GPP về 6G tổ chức tại Incheon, Hàn Quốc vào tháng 3/2025, Samsung, Apple, Intel và nhiều nhà sản xuất thiết bị khác đã cùng đề xuất giải pháp chia sẻ băng tần MRSS cho mạng 6G.

Băng tần 6G: Các nhà sản xuất thiết bị đề xuất cách chia sẻ tần số hiệu quả hơn

Hội thảo 6G do 3GPP tổ chức đã diễn ra tại Incheon từ ngày 10 đến ngày 14 vừa qua. Nguồn: Wide Economy

Nhiều nhà sản xuất thiết bị đề xuất phương pháp chia sẻ băng tần đa công nghệ vô tuyến (MRSS) là cách tiếp cận ưu tiên cho việc chuyển đổi từ 5G sang 6G. Apple khuyến nghị "hỗ trợ gộp sóng mang 6G độc lập (CA) cùng với MRSS làm nền tảng cơ bản", trong khi Samsung lưu ý MRSS có "chi phí vận hành thấp hơn so với phương pháp chia sẻ băng tần động (DSS) giữa 4G và 5G".

Việc Apple và Samsung ủng hộ phương pháp chia sẻ băng tần đa truy cập vô tuyến cho thấy lĩnh vực sản xuất thiết bị đang hướng tới cách giải quyết hiệu quả hơn trong việc khai thác tài nguyên tần số.

Thay vì phải đầu tư xây dựng hệ thống thiết bị nền tảng hoàn toàn mới như thời điểm chuyển từ công nghệ 4G lên 5G, các đơn vị cung cấp dịch vụ viễn thông có thể tiết kiệm kinh phí đầu tư nhờ phương thức phân chia tài nguyên sóng thông minh hơn này. Đây là sự thay đổi "thuyết phục" so với chiến lược chuyển đổi từ 4G sang 5G trước đây.

Khác với phương pháp DSS (Chia sẻ phổ tần động) được sử dụng trong quá trình chuyển đổi từ 4G sang 5G vốn gây ra nhiều phức tạp và làm chậm quá trình triển khai 5G SA, MRSS được thiết kế để giảm thiểu chi phí chung và đơn giản hóa quá trình di chuyển sang 6G.

Báo cáo cho biết, Samsung khẳng định phương pháp chia sẻ băng tần đa truy cập vô tuyến có mức chi phí tổng thể thấp hơn so với phương pháp chia sẻ phổ tần động từng áp dụng giữa 4G và 5G. Tuy nhiên, tập đoàn này cũng thừa nhận những khó khăn hiện hữu khi áp dụng công nghệ 6G trên các dải tần số 5G hiện có ngay từ giai đoạn đầu, đồng thời việc kết hợp thiết bị từ nhiều nhà cung cấp khác nhau sẽ gặp nhiều trở ngại trong thực tế.

Những đề xuất từ các hãng thiết bị viễn thông cho thấy một hướng đi mới tích cực trong phát triển thế hệ mạng di động tiếp theo. Thay vì chạy đua nâng cao chỉ số kỹ thuật, các nhà sản xuất đã rút kinh nghiệm từ việc triển khai 5G và giờ đây tập trung vào việc xây dựng hệ thống hợp lý, hiệu quả hơn.

Thách thức lớn sẽ là sự hài hòa toàn cầu về phân bổ băng tần, đặc biệt là khi nhiều quốc gia vẫn đang trong quá trình triển khai 5G. Với dự kiến 6G được thương mại hóa vào năm 2030, các cơ quan quản lý tần số cần sớm có lộ trình chuyển đổi để tránh lặp lại những khó khăn đã gặp phải với 5G.