Báo cáo rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân để xảy ra thất thoát, lãng phí

19:02, 24/09/2023

Nội dung về thực hiện Nghị quyết 74/2022/QH15 về đẩy mạnh việc thực hiện chính sách pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí sẽ được Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ sáu vào tháng 10 tới đây. Ủy ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội đề nghị Chính phủ khẩn trương báo cáo rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân để xảy ra các vi phạm, thất thoát.

Ủy ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội đề nghị Chính phủ khẩn báo cáo rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân để xảy ra các vi phạm, thất thoát, lãng phí theo yêu cầu tại Nghị quyết số 74/2022/QH15. Việc thực hiện Nghị quyết 74/2022/QH15 về đẩy mạnh việc thực hiện chính sách pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí nằm trong nội dung được Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ sáu vào tháng 10 tới đây.

Nghị quyết này được ban hành sau khi Quốc hội tiến hành giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021.

Thẩm tra việc thực hiện nghị quyết, Thường trực Ủy ban Tài chính, ngân sách chỉ rõ, Điều 4 Nghị quyết số 74/2022/QH15 yêu cầu Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu kỹ các giải pháp, đề xuất, kiến nghị nêu trong báo cáo số 330/BC-ĐGS ngày 11/10/2022 của Đoàn giám sát và tổ chức thực hiện, hoàn thành nhiều nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2023. Tuy nhiên, qua thông tin, số liệu báo cáo của Chính phủ, cơ bản các nhiệm vụ này đến nay đều chưa có kết quả thực hiện cụ thể và cũng không có giải pháp cụ thể để thực hiện các yêu cầu tại Nghị quyết của Quốc hội.

Cụ thể, Quốc hội yêu cầu trong năm 2023 hoàn thành việc rà soát, thống kê, tổng hợp đầy đủ các thông tin, số liệu liên quan đến thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTK,CLP) giai đoạn 2016-2021; báo cáo rõ kết quả rà soát, phát hiện các vi phạm, thất thoát, lãng phí của từng Bộ, ngành, địa phương, tổ chức, cơ quan hữu quan.

Cũng trong năm 2023 phải làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, nhất là trách nhiệm giải trình của người đứng đầu để xảy ra các vi phạm, thất thoát, lãng phí đối với các dự án sử dụng vốn nhà nước có thất thoát, lãng phí; diện tích đất sử dụng sai mục đích, bỏ hoang hóa, vi phạm pháp luật; 79.670 ha đất các công ty nông, lâm nghiệp đã có quyết định thu hồi nhưng chưa có phương án sử dụng; 305.043 ha đất các công ty nông, lâm nghiệp chưa có quyết định thu hồi và chưa có phương án sử dụng đất…

“Chính phủ báo cáo trong năm 2023 khó hoàn thành việc rà soát, thống kê, tổng hợp đầy đủ các thông tin, số liệu liên quan đến thực hiện chính sách, pháp luật về THTK,CLP giai đoạn 2016-2021 của Bộ, ngành, địa phương là không thực hiện đúng yêu cầu tại Nghị quyết 74/2022/QH15. Báo cáo của Chính phủ cũng không báo cáo làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, nhất là trách nhiệm giải trình của người đứng đầu để xảy ra các vi phạm, thất thoát, lãng phí  theo yêu cầu tại Nghị quyết số 74/2022/QH15”, cơ quan thẩm tra nhận xét.

Báo cáo rõ trách nhiệm của tổ chức cá nhân để xảy ra thất thoát lãng phí

Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 6 của Quốc hội vào tháng 10 tới đây.

Thường trực Ủy ban Tài chính, ngân sách đề nghị Chính phủ khẩn trương chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tăng cường và có các giải pháp triển khai thực hiện cụ thể để hoàn thành việc rà soát, tổng hợp thông tin, số liệu này và báo cáo rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân theo yêu cầu tại Nghị quyết số 74/2022/QH15.

“Đây là các thông tin rất quan trọng, làm cơ sở để phát hiện, chấn chỉnh, xử lý các vi phạm, thất thoát, lãng phí của từng Bộ, ngành, địa phương theo đúng yêu cầu tại Nghị quyết số 74/2022/QH15”, cơ quan thẩm tra nhấn mạnh.

Nội dung tiếp theo được cơ quan thẩm tra đề cập là việc phân loại và xây dựng kế hoạch, lộ trình, làm rõ trách nhiệm, xử lý các sai phạm, tiêu cực, các tồn tại, hạn chế, thất thoát, lãng phí đối với các tổ chức, đơn vị, cá nhân liên quan đến 51 dự án, cụm dự án sử dụng vốn đầu tư công và vốn nhà nước khác không hiệu quả hoặc lãng phí; 13 dự án, chuỗi dự án trọng điểm trong lĩnh vực điện, than, dầu khí chậm tiến độ; 19 dự án chậm triển khai, có khó khăn vướng mắc để đất đai hoang hóa, lãng phí; 880 dự án, công trình không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm đưa đất vào sử dụng và các tồn tại, hạn chế khác nêu trong Báo cáo số 330/BC-ĐGS ngày 11/10/2022 của Đoàn giám sát.

Còn nhiều dự án chờ xử lý

Về nội dung này, Chính phủ đã chỉ ra được một số kết quả cụ thể tại báo cáo gửi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

Như, đối với 51 dự án, cụm dự án sử dụng vốn đầu tư công và vốn nhà nước khác không hiệu quả hoặc lãng phí đã rà soát, xử lý 8 dự án đã khắc phục tồn tại và đưa vào hoạt động; 1 dự án đã thực hiện thu hồi, thanh lý tài sản; 1 dự án được gia hạn tiến độ thực hiện; 4 dự án điều chỉnh chủ trương đầu tư; 2 dự án đơn vị thực hiện bàn giao cho đơn vị khác quản lý, sử dụng; 35 dự án còn lại đang rà soát, xử lý theo quy định.

Đối với 13 dự án, chuỗi dự án trọng điểm trong lĩnh vực điện, than, dầu khí chậm tiến độ đã rà soát, xử lý: 1 dự án đang triển khai thực hiện; 12 dự án còn lại đang rà soát, xử lý theo quy định.

Với 19 dự án chậm triển khai, có khó khăn vướng mắc để đất đai hoang hóa, lãng phí đã rà soát, xử lý: đang triển khai thực hiện 2 dự án; gia hạn tiến độ sử dụng đất 3 dự án; chấm dứt hoạt động 2 dự án; xem xét giao đất 1 dự án; 872 dự án còn lại đang thực hiện rà soát, xử lý theo quy định.

Đối với 880 dự án, công trình không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm đưa đất vào sử dụng đã rà soát, xử lý: chấm dứt hoạt động 21 dự án; quyết định thu hồi đất 124 dự án; gia hạn tiến độ sử dụng đất 90 dự án; rà soát để thu hồi đất 25 dự án; điều chỉnh 10 dự án; đưa vào hoạt động 40 dự án; 570 dự án, công trình còn lại đang thực hiện rà soát, xử lý theo quy định.

Báo cáo rõ trách nhiệm của tổ chức cá nhân để xảy ra thất thoát lãng phí

Lãng phí đất đai là vấn đề được Quốc hội quan tâm.

Tuy nhiên, theo Thường trực Ủy ban thẩm tra, nội dung thông tin, số liệu báo cáo chưa rõ ràng, chưa làm rõ được việc phân loại và xây dựng kế hoạch, lộ trình, làm rõ trách nhiệm, xử lý các sai phạm, tiêu cực, các tồn tại, hạn chế, thất thoát, lãng phí đối với các tổ chức, đơn vị, cá nhân liên quan đến các dự án, cụm dự án này. Thông tin, số liệu báo cáo vẫn là tình hình chung, một số dự án thông tin cơ bản là các thông tin đã báo cáo Đoàn giám sát năm 2022.

Cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ cần làm rõ việc phân loại và kế hoạch, lộ trình thực hiện theo đúng yêu cầu tại Nghị quyết của Quốc hội.

Trước đó, để thực hiện nội dung này, ngày 14/4, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái ký ban hành Nghị quyết 53/NQ-CP thực hiện Nghị quyết số 74/2022/QH15 ngày 15/11/2022 của Quốc hội về đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Nghị quyết nêu rõ nhiệm vụ và giải pháp thực hiện, trong đó, về các nhiệm vụ, giải pháp chung về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ Đề án tuyên truyền, phổ biến nhằm nâng cao nhận thức, nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tại từng cơ quan, tổ chức, cá nhân, cả khu vực công cũng như khu vực tư để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí thực sự trở thành văn hóa ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân.

Các bộ, ngành, địa phương tăng cường, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, triệt để tiết kiệm, chống lãng phí, nâng cao hiệu quả huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực của đất nước để phát triển nhanh và bền vững. 

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án liên quan đến việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Xử lý nghiêm minh, kịp thời trách nhiệm các tổ chức, cá nhân để xảy ra vi phạm trong công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Từ năm 2023, triển khai trong toàn quốc cuộc vận động về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan tham mưu giúp Chính phủ tổ chức phong trào thi đua về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong phong trào thi đua đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trên tất cả các lĩnh vực sản xuất, tiêu dùng ở mọi cấp, mọi ngành và trong nhân dân với chủ đề, nội dung, hình thức thiết thực, hiệu quả. 

Kịp thời biểu dương, khen thưởng, nhân rộng các điển hình tiên tiến trong thực hiện tốt công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan tham mưu giúp Chính phủ đổi mới việc xây dựng, ban hành, tổ chức thực hiện và báo cáo việc thực hiện Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí 5 năm và hằng năm, theo hướng vừa đảm bảo tính tổng thể, toàn diện, vừa có trọng tâm, trọng điểm, có chủ đề từng năm.

Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao các bộ, ngành, địa phương tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật liên quan đến thực hành tiết kiệm, chống lãng phí bảo đảm đồng bộ, thống nhất và phù hợp yêu cầu thực tiễn. 

Từ năm 2023, thường xuyên đánh giá hiệu quả và chất lượng chính sách sau ban hành để kịp thời điều chỉnh các bất cập, mâu thuẫn nhằm hạn chế thất thoát, lãng phí các nguồn lực. Chú trọng xây dựng chính sách quốc gia về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong từng giai đoạn đối với một số lĩnh vực then chốt như tiết kiệm năng lượng, quản lý, khai thác, sử dụng đất, tài nguyên, khoáng sản.

Các bộ, ngành, địa phương nghiêm túc chấn chỉnh, rút kinh nghiệm và khẩn trương có giải pháp đồng bộ để khắc phục tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra trong Báo cáo kết quả giám sát của Đoàn giám sát Quốc hội. 

Nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu, cá thể hóa trách nhiệm; bảo đảm tính công khai, minh bạch; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, tập trung cao độ chỉ đạo để thực hiện tốt công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. 

Tổ chức thanh tra, kiểm tra, ngăn chặn và xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật tránh thất thoát, lãng phí. Tập trung nghiên cứu kỹ các giải pháp, đề xuất, kiến nghị nêu trong Báo cáo của Đoàn giám sát Quốc hội để thực hiện nghiêm các nhiệm trọng tâm.

Theo thuongtruong.com.vn

(https://thuongtruong.com.vn/news/bao-cao-ro-trach-nhiem-cua-to-chuc-ca-nhan-de-xay-ra-that-thoat-lang-phi-109605.html)