Báo chí thời đại số "cái khó chưa ló cái khôn"
Có một số thứ trở nên "mong manh dễ vỡ" hơn trong thời đại số, báo chí chính thống nằm trong số ấy.
Ở Mỹ và một số nước phát triển, khó khăn đã tới gõ cửa từng toà soạn báo chính thống. Nếu gọi những khó khăn ấy của báo chí chính thống bằng một từ cũng chính thống chẳng kém là "thách thức", thế giới đang chứng kiến một số thách thức cơ bản.
Sự suy giảm của báo in
Báo in đang suy giảm do ảnh hưởng của Internet và truyền hình cáp. Kỷ nguyên số đã tạo ra quá nhiều sự lựa chọn cho khán giả, báo in chỉ là một phần trong menu đó và thị phần ấy đang hẹp dần.
Hiện tại, xu hướng chung là người dân xem nhiều hơn và đọc ít hơn, công chúng từ bỏ báo in chuyển sang đọc phiên bản điện tử khá nhiều. Theo số liệu của Mỹ, độc giả báo in giảm với tốc độ chóng mặt 11% một năm.
Đặc biệt là người trẻ ngày nay càng không có thói quen đọc báo in. Ở Mỹ, những năm 1970, 50% độc giả báo in là người trẻ. Hiện nay, con số này chỉ còn 10%.
Nhiều người đang tiên đoán về "cái chết" của ngành báo in. Ảnh minh họa |
Ở Việt Nam, chưa có các nghiên cứu quy mô và cụ thể, nhưng những đánh giá bằng quan sát cho thấy độc giả cũng có thói quen lướt mạng nhiều hơn mua báo in để đọc, đặc biệt là giới trẻ.
Sự giới hạn của doanh thu quảng cáo báo chí
Với báo in, việc suy giảm độc giả như đã nói ở trên đương nhiên sẽ dẫn tới nguồn doanh thu quảng cáo giảm. Ở Mỹ, doanh thu quảng cáo của ngành báo in từng duy trì ở mức 60 tỉ đôla một năm, nay chỉ còn 30 tỉ.
Với báo điện tử, tuy độc giả đổ mạnh sang loại hình này nhưng việc có được doanh thu quảng cáo từ báo điện tử khó hơn báo in. GS Thommas Patterson của Trường Harvard đưa ra số liệu sau trong lần đến Việt Nam gần đây: Nếu báo in chỉ cần 100.000 bản đã đem lại doanh thu 100.000 đồng doanh thu thì báo mạng cần 2,5 triệu độc giả để đem lại số doanh thu tương tự. Tỉ lệ nhỏ hơn báo in tới 25 lần.
Một số liệu ước tính không chính thức ở Việt Nam cho biết, tổng doanh thu quảng cáo online một năm là khoảng 15 triệu đôla Mỹ, chỉ chiếm 2% tổng doanh thu chi cho quảng cáo nói chung. Thực tế cho thấy việc chuyển sang online cũng không phải là chìa khóa vạn năng để tạo nguồn thu mạnh cho báo chí.
Sự suy thoái của tin nặng
Báo chí theo lý thuyết truyền thống có vai trò trong việc phản biện chính phủ. Một nền báo chí đích thực phải có sự độc lập tương đối và trong nhiều tình huống, buộc chính phủ phải có trách nhiệm giải trình.
Vai trò này của báo chí đặt lên vai tin nặng, tức những tin mang nhiều tính chất chính trị, xã hội chứ không phải loại tin giải trí, hoặc lá cải.
Tuy vậy, do báo chí cũng phải kinh doanh để nuôi sống bản thân nó nên cũng phải đảm bảo tính hấp dẫn nhất định để thu hút độc giả, bán được báo. Những tin nhẹ, giải trí đương nhiên có sức hấp dẫn và nhiều người đọc hơn hẳn so với tin nặng.
Ngày nay hầu hết các tờ báo đều phải có phiên bản điện tử. |
Tuy nhiên, kỷ nguyên số đã làm thay đổi điều này, bởi như đã trình bày, doanh thu của các tờ báo in đang sụt giảm do phải chia sẻ thị phần với báo mạng và các loại hình khác. Doanh thu giảm đồng nghĩa với việc phải cắt giảm chi phí ở những bộ phận không đem lại nhiều hiệu quả kinh doanh. Ở rất nhiều tờ báo ở Mỹ và Châu Âu, bộ phận sản xuất các tin tức nặng là một nạn nhân chính yếu.
Ở Mỹ, các phóng viên điều tra từng là những người có nghiệp vụ cao nhất và được trả lương cao nhất của một tờ báo, trong thời khủng hoảng, những con người tài năng nhất ấy lại bị sa thải đầu tiên. Vào thời kỳ những năm 1970, để phanh phui ra vụ Watergate lật đổ cả một tổng thống, tờ Washington Post đã "nuôi" 10 phóng viên điều tra giỏi chỉ để thực hiện chuỗi bài ấy trong 1 năm trời. Ngày nay, sức ép tài chính đã khiến "chuyện xa xỉ" ấy không còn xảy ra được nữa.
Cái khó chưa ló cái khôn
3 thách thức với báo chí hiện đại trong kỷ nguyên số đã tạo sức ép rất lớn lên bức tranh báo chí ở nhiều quốc gia phát triển.
Ở Việt Nam, chưa thấy làn gió của kỷ nguyên số thổi sát tới gáy, tuy nhiên, cũng không ít tờ báo chính thống đã đứng trước sức ép phải "giải trí hóa", "mềm hóa" để thu hút bạn đọc nhiều hơn.
Câu chuyện Washing Post từng "nuôi" 10 phóng viên điều tra để theo vụ Watergate suốt một năm giờ đã thành quá xa xỉ với làng báo. |
Một số quan điểm coi sự chuyển dịch này là nguy hiểm đối với bản thân các giá trị và nguyên tắc chính thống của báo chí. Học giả Alex Jones, Giám đốc Trung tâm Báo chí, Chính trị và Chính sách công của Đại học Harvard, còn cho rằng đó là dấu hiệu báo động đối với không chỉ báo chí mà còn với nền dân chủ Hoa Kỳ.
Một số quan điểm khác lại cho rằng, sự chuyển dịch ấy là hợp lý và tự nhiên, bởi nó phản ánh sự thay đổi trong nhu cầu xã hội. Vào những năm hoàng kim của báo in ở Mỹ thập kỷ 1970, chỉ có 10% số người Mỹ không bao giờ đọc tin tức chính thống, con số này giờ đây là 25%, và có tới 50% đọc rất ít và hầu như không quan tâm gì đến tin chính thống. Nếu như thế hệ cũ dành 1 tiếng một ngày cho tin tức, thế hệ mới ngày nay chỉ dành 15 phút.
Nếu báo chí chính thống tiếp tục chuyển biến theo hướng hiện tại, có thể thế giới sẽ tiến tới một nền báo chí gọi một cách to tát là hậu hiện đại, nơi rất nhiều thông tin nhưng rất ít tin tức, rất nhiều Blog nhưng không còn nhiều Báo đúng nghĩa nữa.
Các tờ báo chính thống đang loay hoay tìm kiếm nhiều giải pháp tự cứu nhưng vẫn chưa nhìn thấy ánh sáng cuối đường hầm của thời đại số ngày nay.
Theo Khánh Duy (Tuần VietnamNet)