Báo chí trong kỷ nguyên số: Dễ tiếp cận bạn đọc nhưng cạnh tranh khốc liệt
Hiện nay ở Việt Nam có lẽ chỉ còn rất ít cơ quan báo chí hoạt động thuần tuý với bản in mà về cơ bản đều đã đưa thông tin của mình lên mạng Internet. Nhờ đó, họ tiếp cận với bạn đọc nhanh hơn nhưng sự cạnh tranh giữa các cơ quan báo chí cũng hết sức khốc liệt không chỉ với nhau mà cả với mạng xã hội.
Khi “buôn giấy” đã hết thời
Ở thời kỳ báo in vẫn còn thịnh trị khi Việt Nam chưa có và mới có Internet, đã có người nói vui rằng báo chí là nghề “buôn giấy” vì phải tính toán các khoản chi như nhuận bút, quản lý phí và khoản thu từ phát hành và quảng cáo. Thành công nhất trong sự nghiệp “buôn giấy” có thể nói đến tờ An ninh Thế giới của Bộ Công an và tới mức họ không buồn quan tâm, thậm chí từ chối nhận quảng cáo.
Sự thành công của An ninh Thế giới với độc giả có lẽ vì biết khai thác các thông tin trong lịch sử tuy đã cũ nhưng hết sức giá trị. Theo nhà báo Hữu Ước - người đã khai sinh ra An ninh Thế giới, bản thân ông và các cộng sự cũng chẳng hề tận dụng ưu thế của chủ quản để lục tìm các tài liệu đã được giải mật và biến thành các bài báo mà quan trọng hơn là biết cách khai thác thông tin từ các sách báo cũ.
Tuy nhiên, vào đầu năm 2011 đã có những dự báo quốc tế cho rằng chỉ sau 7 năm nữa (tức là 2018) thì báo in sẽ hết thời trên phạm vi toàn cầu và ngay cả tại Việt Nam. Như vậy, có thể nói là sự nghiệp “buôn giấy” về cơ bản đã hết thời. Và theo một lãnh đạo báo chí thì về cơ bản là phải làm báo mạng, còn bản in của họ thì vẫn phải giữ vì nó giống như cái bàn thờ tổ tiên.
Báo in được coi là đã hết thời.
Để đưa tờ báo của mình lên mạng Internet, đương nhiên các toà soạn phải đầu tư làm website và duy trì an ninh mạng. Khi tờ báo lên mạng, độc giả có thể tìm kiếm bài báo mà họ cần thông qua các công cụ tìm kiếm như Google. Tuy nhiên, mức độ cạnh tranh khi tờ báo lên mạng cũng hết sức khốc liệt vì nếu thông tin không hấp dẫn thì sẽ có ít lượng truy cập, con số này dễ thống kê. Và cũng lại thêm một thực tế khác là không ít đồng nghiệp đã sao chép lại nội dung đó để đăng trên báo mạng của mình mà chẳng hề xin phép chính chủ.
Còn bài toán kinh tế của báo mạng lại hoàn toàn khác vì về cơ bản là bạn đọc được sử dụng thông tin miễn phí. Nguồn thu của toà soạn bây giờ là từ quảng cáo và “đặt hàng” truyền thông của một số cơ quan có nhu cầu. Khi đã lên mạng, các cơ quan báo chí sẽ khó lòng nói dối với khách hàng được vì số lượng truy cập là có thể biết được một cách khách quan và quảng cáo chỉ mặn mà khi có lượng truy cập cao.
Đương nhiên, cũng phải nhìn vào thực tế của báo mạng ở các nước phát triển là họ có cả bài toán thu phí với độc giả muốn được tiếp cận với các nội dung cao cấp hơn. Tại Việt Nam, hiện có rất ít cơ quan báo chí đã thực hiện việc này và cũng chưa hề thấy họ công bố về những hiệu quả thu được.
Kinh tế báo chí trong kỷ nguyên số: Một bài toán không dễ
Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng, nếu không có sự hỗ trợ đắc lực của kinh tế, không thể có một cơ quan báo chí mạnh được. Dù là báo in, báo điện tử hay phát thanh, truyền hình, vẫn dựa khá nhiều vào nguồn thu quảng cáo. Có lúc, doanh thu từ quảng cáo chiếm trên 60%, thậm chí với một số cơ quan báo chí là 90% doanh thu. Tuy nhiên, các cơ quan báo chí đang phải đối diện với nguy cơ sụt giảm doanh thu mạnh mẽ, trong bối cảnh các nền tảng mạng xã hội như Facebook hay Google đã lấy đi khoảng 70% doanh thu quảng cáo của báo chí chính thống.
Khẳng định kinh tế báo chí là một động lực quan trọng để phát triển báo chí - truyền thông trong thời đại kinh tế số, PGS.TS Bùi Chí Trung, Phó Viện trưởng Viện Đào tạo báo chí và truyền thông, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội cũng thẳng thắn chỉ ra 5 “điểm nghẽn” kìm hãm sự phát triển của kinh tế báo chí - truyền thông tại Việt Nam hiện nay. Từ đó, ông cho rằng, đổi mới kinh tế báo chí truyền thông chính là mắt xích chính yếu để đổi mới toàn diện hệ thống báo chí - truyền thông trong bối cảnh số.
Trả lời câu hỏi nếu không thể cạnh tranh được với mạng xã hội, báo chí xác định tâm thế như thế nào? - nhà báo Lê Quốc Minh - Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng: báo chí chính thống đang chuyển mình khá chậm, trong thời gian dài, báo chí chính thống có sự tự tin, chủ quan không ai sánh được với mình. Tuy nhiên, theo nhà báo Lê Quốc Minh, thời thế đã thay đổi, với sự xuất hiện của intenet, người dân tha hồ "ngụp lặn" trong "biển" thông tin, và đã có tình trạng người dân cảm thấy không cần nhất thiết phải đến với báo chí để có được thông tin.
Nhà báo Lê Quốc Minh cũng cho rằng, xu thế chiếm lĩnh của mạng xã hội là có thật, báo chí chính thống phải cạnh tranh, chạy theo, đi trước mạng xã hội là đòi hỏi không thực tế. Báo chí chính thống không thể và không nên chạy theo mạng xã hội.
Báo chí cần tận dụng triệt để công nghệ.
Hiện Việt Nam có gần 1.000 cơ quan báo chí, tạp chí, tổng số người làm báo hiện khoảng 40.000-45.000 người, trong đó có 25.000 người có thẻ nhà báo. Trong khi, Việt Nam có 100 triệu dân, chưa kể số người Việt ở nước ngoài. Cùng với đó, một thực tế là mỗi người cầm trên tay chiếc smartphone là cũng sẵn sàng trở thành một cơ quan báo chí. Rõ ràng, số lượng người làm báo chỉ như giọt nước trong biển người có thể cung cấp thông tin, báo chí không thể cạnh tranh về tốc độ thông tin với mạng xã hội.
Tuy nhiên, theo nhà báo Lê Quốc Minh, nếu đặt tiêu chí về việc cân bằng, đa nguồn, khách quan thì các tổ chức khác không bao giờ cạnh tranh được với báo chí. Lấy sở trường của mạng xã hội để cạnh tranh với sở đoản của báo chí thì không thể cạnh tranh được, làm hay hơn họ, tốt hơn họ, chuyên nghiệp hơn họ là điều báo chí cần hướng tới.
Nhà báo Lê Quốc Minh nhấn mạnh, mạng xã hội và báo chí là hai lĩnh vực tách rời. Báo chí không nên so sánh mình với mạng xã hội mà cần có chiến lược truyền thông xã hội phù hợp. Trong bối cảnh tin tức tự tìm đến người đọc thay cho người đọc thụ động tìm thông tin trên báo chí như trước đây, thì công nghệ có vai trò quan trọng trong truyền tải thông tin, "công nghệ đang là vua, nội dung là nữ hoàng".
Theo nhà báo Lê Quốc Minh, nội dung hay là điều luôn cần nhưng để đưa nội dung đến độc giả thì cần phải có công nghệ. Điều mỗi cơ quan báo chí cần, là làm thế nào để có nội dung hay, công nghệ tốt, tạo bản sắc riêng cho mỗi cơ quan báo chí. Báo chí cần tận dụng triệt để công nghệ để xây dựng chiến lược truyền thống mạng xã hội hiệu quả, phân phối thông tin trúng đích.
“Buôn gió” cũng là một bài toán rất hiệu quả nhưng không phải ở đâu cũng thành công
Ngoài việc làm kinh tế báo chí trên môi trường mạng, không ít cơ quan báo chí đã hết sức thành công trong việc tổ chức các hội nghị, hội thảo chuyên đề. Sẵn có công cụ truyền thông trong tay, họ có thể thực hiện tuyên truyền trước, trong và sau các hội thảo chuyên đề hết sức hiệu quả. Hình thức kinh doanh này của các cơ quan báo chí có thể gọi là “buôn gió” và nếu mọi việc thuận buồm xuôi gió thì nguồn thu cũng không hề nhỏ.
Hết sức thành công cho mô hình “buôn gió” có thể nói đến tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp. Với tư cách là cơ quan ngôn luận của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), một lãnh đạo của cơ quan báo chí này cho biết, chỉ cần bám vào tôn chỉ mục đích của chính mình cùng những mối quan hệ của chủ quản là có thể huy động được những nguồn lực rất lớn từ cộng đồng doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực. Và thực tế là mỗi tháng thường có ít nhất 2 lần các hội thảo chuyên đề hết sức thiết thực với cộng đồng doanh nghiệp được cơ quan báo chí này tổ chức rất thành công trên nhiều phương diện trong đó có yếu tố truyền thông.
Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp thường xuyên tổ chức các hội thảo chuyên đề hết sức thiết thực với cộng đồng doanh nghiệp và đem lại nguồn thu đáng kể.
Tuy nhiên, để có thể “buôn gió” thành công thì cũng không hề là công việc ngon ăn. Theo một nhà báo có kinh nghiệm và uy tín trong công việc này thì chính họ phải “lột xác” để trở thành chuyên gia tư vấn. Đương nhiên, bản thân nhà báo khi đó cũng phải đi học và tự học rất nhiều với các kiến thức chuyên môn để thực sự hiểu được các đối tác và khách hàng của mình đang cần gì? Có như vậy thì việc tổ chức các hội nghị, hội thảo chuyên đề mới có đông người đến dự và có được nhiều tài trợ. Quan trọng hơn là sau thành công của những sự kiện đó thì phải tính được ngay là tiếp theo sẽ phải làm gì nữa.
Nói chung, nghề nhà báo nhất là trong thời đại 4.0 càng đòi hỏi phải tích hợp rất nhiều kiến thức. Như nhà báo Lê Quốc Minh từng tâm sự với sinh viên ngành báo chí là thực sự tấm bằng cử nhân báo chí mà các bạn sẽ nhận được sau khi tốt nghiệp chưa nói lên được điều gì, muốn viết bài về một lĩnh vực nào đó thì phải có hiểu biết về chuyên môn. Điều đó có nghĩa là bản thân nhà báo trong quá trình làm việc của mình phải luôn luôn học hỏi từ đối tác, đồng nghiệp và xã hội để trưởng thành và khẳng định chính mình.
Riêng về chuyện thực hiện phỏng vấn thì có một thực tế là câu hỏi sẽ quyết định câu trả lời. Nếu nhà báo không đưa được ra câu hỏi hay và có giá trị thì người được phỏng vấn cũng không dễ gì có được những câu trả lời thật hay.
Và cũng thêm một thực tế nữa là bản thân nhà báo cũng phải biết đọc để khai thác nguồn tài nguyên khổng lồ trên mạng Internet làm nguyên liệu báo chí cho chính mình. Tuy nhiên, đây cũng là vấn đề tồn tại của thực tế đào tạo báo chí ở Việt Nam và theo những người trong cuộc thì có lẽ điều này chưa thực sự chú trọng bởi về cơ bản mới đào tạo người biết viết báo chứ chưa đi được những bước đi cần có cho việc đào tạo người biết đọc báo.
Theo Tạp chí in số 2 tháng 6/2024