Báo chí tuyên truyền hiệu quả phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

19:10, 11/01/2022

Báo chí cần nâng cao chất lượng, thay đổi hình thức, phải có tin bài thời sự, thông tin tuyên truyền đến những vấn đề mà đồng bào các dân tộc thiểu số và miền núi cần.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Báo chí cần nâng cao chất lượng, thay đổi hình thức, phải có tin bài thời sự, thông tin tuyên truyền đến những vấn đề mà đồng bào các dân tộc thiểu số và miền núi cần.

Việt Nam có 53 dân tộc thiểu số với 14,119 triệu người, chiếm khoảng 14,68% dân số cả nước. Quy mô dân số không đồng đều: có 6 dân tộc trên 1 triệu người; 16 dân tộc dưới 10 nghìn người, trong đó có 5 dân tộc dưới 1.000 người. Hầu hết các dân tộc thiểu số sinh sống ở miền núi cao, biên giới, vùng sâu, vùng xa. Hiện nay, có 3.434 xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi được xác định bởi các xã, thôn có tỷ lệ số hộ dân tộc thiểu số trong tổng số hộ dân sinh sống ổn định thành cộng đồng từ 15% trở lên trên địa bàn 51 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Phối hợp để báo chí đến với đồng bào được thụ hưởng tốt hơn

Thực hiện Quyết định số 45/QĐ-TTg, ngày 9/1/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc “Cấp một số ấn phẩm báo, tạp chí cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn” giai đoạn 2019-2021 (sau đây gọi là Quyết định số 45/QĐ-TTg) có 19 cơ quan báo, tạp chí tham gia và Công ty Phát hành báo chí Trung ương.

Đối tượng thụ hưởng chủ yếu là các Ủy ban nhân dân, Hội đồng nhân dân ở các thôn, bản đặc biệt khó khăn, thôn bản biên giới, xã đăc biệt khó khăn, chùa Khmer thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Đã có 424.529 đối tượng được thụ hưởng ấn phẩm báo, tạp chí.

Bà Hoàng Thị Lề, Vụ trưởng Vụ tuyên truyền (Ủy ban Dân tộc) khẳng định, Ủy ban Dân tộc là cơ quan thường trực thực hiện chính sách, đã phối hợp chặt chẽ Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tài chính, các bộ, ngành liên quan và địa phương trong công tác chỉ đạo thực hiện nghiêm túc Quyết định số 45/QĐ-TTg; chủ động phối hợp xây dựng kế hoạch, quản lý, định hướng và hướng dẫn triển khai tổ chức thực hiện chính sách kịp thời; công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá chất lượng, hiệu quả các ấn phẩm báo, tạp chí cấp cho các đối tượng thụ hưởng được thực hiện hàng năm...

Các cơ quan báo, tạp chí thực hiện Quyết định số 45/QĐ-TTg bám sát tôn chỉ mục đích, thường xuyên cập nhật thông tin, đổi mới nội dung tuyên truyền, chú trọng nâng cao chất lượng tin bài, ảnh, phản ánh trung thực, sinh động mọi mặt đời sống của đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới.

Các báo cũng cải tiến hình thức ấn phẩm đẹp, ngắn gọn, rõ nét, cơ bản phù hợp với tập quán, tâm lý, bản sắc văn hóa và nhu cầu của đồng bào các dân tộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Tổng số xuất bản của 19 báo, tạp chí từ ngày 1/1/2019 đến ngày 31/12/2021 đạt gần 34 nghìn ấn phẩm.

Đồng bào các dân tộc thiểu số được hưởng thụ chính sách chủ yếu sinh sống ở vùng sâu, vùng xa, vùng giao thông còn nhiều khó khăn, cơ sở hạ tầng thiết yếu còn nhiều hạn chế, cho nên việc cấp, phát báo, tạp chí có lúc còn chậm nhất là khi mưa lũ, thiên tai bất thường.

Tại Hội nghị, lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh Hà Giang cho biết, việc cấp phát báo đến vùng sâu, vùng xa vẫn còn khó khăn. Tỉnh Hà Giang cũng kiến nghị tăng kinh phí hỗ trợ cho bưu tá, vì hiện nay đội ngũ bưu tá xã chỉ nhận được mức 1,4 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, cũng cần cấp phát báo, tạp chí cho các Phòng Dân tộc ở huyện miền núi, vùng biên giới để có cơ sở thuận tiện theo dõi, giám sát việc quản lý, thực hiện cấp phát báo.

Cũng như Hà Giang, đội ngũ những người làm công tác dân tộc tại tỉnh Bình Phước lại không được thụ hưởng chính sách này, đó là lý do mà công tác theo dõi, điều hành và kiểm tra gặp rất nhiều khó khăn. Ông Lý Trọng Nhân, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Bình Phước còn phản ánh thêm, hệ thống bưu điện văn hóa xã ở Bình Phước gần như đã xóa bỏ, cho nên việc cấp phát báo đã không đến được địa chỉ.

Báo chí tuyên truyền hiệu quả phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi -0

Đại diện 49 tỉnh, thành phố tham gia dự Hội nghị trực tuyến.

Báo cáo của Ủy ban Dân tộc cho thấy, các cơ quan quản lý chính sách ở địa phương không được cấp ấn phẩm để đọc, do đó khó khăn trong việc theo dõi, nhận xét, đánh giá, báo cáo về các ấn phẩm. Phó Ban Dân tộc tỉnh Thái Nguyên Hoàng Văn Chính cho rằng, có hiện tượng các ấn phẩm đến với vùng đồng bào dân tộc thiểu số có nơi thì thừa, nhưng có nơi lại thiếu. Rất cần thiết tăng cường phối hợp giữa các địa phương và Ban Dân tộc để đưa ấn phẩm báo, tạp chí đến với đồng bào được thụ hưởng tốt hơn.

Trên thực tế, một số địa phương, đặc biệt là cấp xã, thôn chưa thực hiện tốt việc quản lý ấn phẩm; công tác kiểm tra giám sát chưa thường xuyên; việc theo dõi, nhận xét, đánh giá, báo cáo ấn phẩm chưa được quan tâm; công tác bảo quản và phát huy tác dụng của báo, tạp chí còn hạn chế.

Để công tác bảo quản báo được hiệu quả, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Đắk Lắk Lê Ngọc Vinh bày tỏ mong muốn, Ban Dân tộc tỉnh được phân bổ kinh phí để tạo đội ngũ thực hiện công việc lưu trữ, giám sát việc tiếp cận thông tin tuyên truyền, sử dụng hiệu quả ấn phẩm báo chí khi được cấp phát.

Đóng góp cho báo chí, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Sóc Trăng Lâm Sách đề xuất: “Phát huy dạy và học tiếng nói của đồng bào dân tộc thiểu số, Sóc Trăng đã tổ chức dạy tiếng Khmer cho cán bộ công chức, cho học sinh các trường, dạy trong chùa... với nhiều mô hình được đánh giá hiệu quả. Vì thế, tỉnh rất cần được các báo tăng cường tin, bài tôn vinh giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và các đề tài thời sự khác như công tác hòa giải ở cơ sở...”.

Tại Hội nghị, Giám đốc Trung tâm Thông tin (Báo Nhân Dân) Trần Thanh Bình cho biết, thực tế ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi cho thấy việc truyền đạt thông tin đến bà con các dân tộc nhanh nhất, hiệu quả nhất vẫn là thông qua các già làng, trưởng bản, người có uy tín. Đội ngũ già làng, trưởng bản, người có uy tín chính là nhịp cầu nối quan trọng giúp gắn kết giữa ý Đảng và lòng dân.

Báo chí tuyên truyền hiệu quả phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi -0

Giám đốc Trung tâm Thông tin (Báo Nhân Dân) Trần Thanh Bình phát biểu tại Hội nghị. 

Với ưu thế có đội ngũ phóng viên thường trú đông đảo tại tất cả 63 tỉnh, thành phố trong cả nước, các số Báo Nhân Dân ra hằng ngày cũng liên tục cập nhật, đăng tải tin, bài, ảnh thời sự liên quan đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trong cả nước.

Trong giai đoạn tới, Báo Nhân Dân cũng từng bước nâng cao chất lượng bài viết để không chỉ đáp ứng yêu cầu thông tin đúng, trúng, hay về các đề tài vùng dân tộc thiểu số và miền núi, mà còn phải ngày càng thời sự. Báo Nhân Dân cần tập trung tuyên truyền chính sách dân tộc và đi sâu phản ánh những thuận lợi cũng như khó khăn, bất cập trong thực hiện các chủ trương, chính sách trong thực tiễn đời sống vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đồng thời, Báo Nhân Dân vẫn cần duy trì các bài viết giúp đồng bào nhận diện, vạch mặt những âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch nhằm chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Trong những năm qua, vùng dân tộc thiểu số và miền núi có những chuyển biến quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội. Đời sống đồng bào đã được cải thiện từng bước, đời sống vật chất của đồng bào các dân tộc thiểu số ngày càng được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh hằng năm, bình quân toàn vùng dân tộc thiểu số và miền núi giảm 2-3%/năm, riêng các xã đặc biệt khó khăn giảm 3-4%/năm trở lên, các huyện nghèo giảm 5-6%/năm trở lên.

Tuy nhiên, vùng dân tộc thiểu số và miền núi vẫn là địa bàn nghèo nhất của cả nước, tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số cao. Tính đến năm 2020, hộ nghèo dân tộc thiểu số trong tổng số hộ nghèo cả nước chiếm đến 61,29%, trong khi tỷ lệ dân số dân tộc thiểu số chỉ chiếm 14,7% dân số của cả nước.

Đổi mới cách tiếp cận để đồng bào dân tộc thiểu số dễ tiếp thu

Các ý kiến của các đại biểu từ các điểm cầu của Hội nghị đều nhấn mạnh, các ấn phẩm báo, tạp chí thực hiện Quyết định số 45/QĐ-TTg thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao; góp phần nâng cao nhận thức của đồng bào về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là việc thực hiện tốt các chính sách dân tộc. Các chuyên mục, tin, bài, ảnh phong phú, lôi cuốn người đọc, tạo cho đồng bào có nhiều thay đổi nhận thức về kỹ thuật lao động sản xuất, phòng chống dịch bệnh, dần xóa bỏ hủ tục, thực hiện nếp sống văn minh, văn hóa…

Quyết định 45/QĐ-TTg là chính sách đặc thù, góp phần truyền tải chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, là diễn đàn để bà con học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau, tiếp thu phản hồi ý kiến của bà con để sửa đổi, bổ sung, xây dựng chính sách cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Trong thời gian tới, Thứ trưởng Thông tin và Truyền thông Phạm Anh Tuấn, cho rằng, các báo, tạp chí cần đổi mới cách tiếp cận để đồng bào dân tộc thiểu số thụ hưởng báo chí dễ tiếp thu, đưa công nghệ vào làm báo để truyền tải thông tin nhanh và thích ứng với thời đại. Báo in vẫn được duy trì và tăng thêm kênh thông tin khác là báo điện tử, báo phát thanh và báo hình.

Với phương hướng nhiệm vụ giai đoạn 2022-2025, Ủy ban Dân tộc tiếp tục phối hợp chặt chẽ các bộ, ngành và các địa phương liên quan trong chỉ đạo, quản lý, kiểm tra, giám sát việc xuất bản và phát hành các ấn phẩm báo, tạp chí bảo đảm đúng tôn chỉ, mục đích, nội dung, hình thức, cấp phát kịp thời đến đúng địa chỉ các đối tượng thụ hưởng, đặc biệt là các vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ và tây duyên hải miền trung…

Kết luận Hội nghị, đồng chí Hầu A Lềnh, khẳng định, trong 2 năm qua, với nhiều ảnh hưởng do đại dịch Covid-19, bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã tiếp nhận và thực hiện tốt các chủ trương của Đảng và Nhà nước. Nhiều mô hình được phản ánh trên báo chí, giúp bà con thay đổi nhận thức, hành vi. Bà con tin Đảng, tin Chính phủ, nỗ lực xây dựng cuộc sống ấm no, phát triển, đó là giá trị không thể nào đo đếm được...

Tuy nhiên, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cũng cho thấy, so với yêu cầu đề ra, có lúc, có nơi việc thực hiện còn chưa được như mong muốn, như chất lượng tin bài, tổ chức phát hành, quản lý báo… chưa hiệu quả, cần rút kinh nghiệm.

Trong thời gian tới, Bộ trưởng Hầu A Lềnh chỉ đạo, sau khi kết thúc 3 năm thực hiện Quyết định 45/QĐ-TTg, phải có báo cáo đầy đủ về hiệu quả của Quyết định này, hoàn thiện báo cáo có kiến nghị, đề xuất cụ thể... để báo cáo với Chính phủ.

Bộ trưởng nhấn mạnh, trong xu thế phát triển của các loại hình báo chí, báo viết vẫn là thế mạnh hiện nay, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Cần biết kết hợp các loại hình khác nhau trên các nền tảng. Nâng cao chất lượng, thay đổi hình thức, phải có tin bài thời sự, thông tin tuyên truyền đến những vấn đề mà đồng bào các dân tộc thiểu số và miền núi, người dân cần nhưng phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước..., giúp họ thay đổi nhận thức, từ đó thay đổi hành vi, tự vươn lên bằng chính đôi chân của mình.

Theo/nhandan.vn