Bảo tàng Báo chí Việt Nam: kết nối quá khứ và tương lai qua công nghệ số
Không chỉ lưu giữ ký ức, Bảo tàng Báo chí Việt Nam còn tiên phong ứng dụng công nghệ số, mở ra không gian trải nghiệm sống động, nơi quá khứ được đánh thức bằng ngôn ngữ hiện đại, gần gũi, tương tác và truyền cảm hứng cho thế hệ làm báo hôm nay.
Nơi ký ức báo chí dân tộc gặp gỡ công nghệ hiện đại
Tọa lạc trong tòa nhà của Hội Nhà báo Việt Nam (số 150 phố Dương Đình Nghệ, quận Cầu Giấy, Hà Nội), Bảo tàng Báo chí Việt Nam là bảo tàng chuyên ngành duy nhất tại nước ta về lĩnh vực báo chí. Hệ thống trưng bày của bảo tàng được bố trí tại tầng 1 và tầng 2 của tòa nhà.
Các gian trưng bày báo chí.
Chính thức mở cửa từ ngày 19/6/2020 sau hơn một thập kỷ chuẩn bị kỹ lưỡng, nơi đây không chỉ lưu giữ di sản nghề báo mà còn kiến tạo một không gian trải nghiệm sinh động, nơi công nghệ hiện đại đồng hành cùng ký ức dân tộc, đánh thức lịch sử bằng những phương thức kể chuyện mới mẻ và cuốn hút.
Nhà báo Trần Thị Kim Hoa, nguyên Giám đốc Bảo tàng Báo chí Việt Nam chia sẻ: “Báo chí Cách mạng Việt Nam là một lịch sử hết sức đáng tự hào, là lịch sử mà người làm báo Việt Nam, những nhà báo cách mạng đã viết lên bằng máu, bằng tất cả những nỗ lực của nhiều thế hệ mà có được”.
Với diện tích gần 1.500m², không gian trưng bày của bảo tàng được thiết kế theo dòng chảy thời gian, từ sự ra đời của tờ Gia Định Báo năm 1865, trải qua các giai đoạn kháng chiến, đổi mới, đến thời kỳ hội nhập sâu rộng. Hơn 35.000 hiện vật, hình ảnh, tư liệu quý hiếm đã được sưu tầm và gìn giữ như máy đánh chữ cổ, máy in đá, máy ảnh, máy quay, bản thảo viết tay của các cây bút tiền bối cho đến những ấn phẩm báo chí phát hành trong khói lửa chiến tranh.
Điều đặc biệt khiến bảo tàng trở nên sống động, lôi cuốn chính là cách công nghệ được ứng dụng để nâng tầm giá trị lịch sử, khiến quá khứ không còn là những hình ảnh câm lặng sau lớp kính, mà trở thành những câu chuyện có tiếng nói.
Lịch sử “sống” qua màn hình cảm ứng và dữ liệu số hóa
Điểm nhấn nổi bật tại bảo tàng là hệ thống 72 màn hình cảm ứng hiện đại, kết nối trực tiếp với kho dữ liệu số hóa hơn 20.000 hiện vật. Chỉ cần một cái chạm tay, người xem có thể “du hành” vào không gian báo chí xưa, đọc lại những bài báo từ thế kỷ trước, quan sát cận cảnh từng bản in hay lắng nghe âm thanh của các thước phim tư liệu quý giá.
Từ việc đơn thuần là quan sát, công chúng giờ đây có thể tương tác, tra cứu, trải nghiệm và cảm nhận một cách sinh động, không bị giới hạn bởi vật lý hay lối trưng bày truyền thống.
Bạn Đặng Anh Thư, sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền tham quan bảo tàng.
Bạn Đặng Anh Thư, sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền chia sẻ: "Là một sinh viên ngành báo chí, em cảm thấy rất xúc động và tự hào khi được tận mắt nhìn thấy những hiện vật, tài liệu quý giá gắn liền với lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam. Trước đây, em chỉ được học qua sách vở về các nhà báo tiền bối, những tờ báo cách mạng đầu tiên… nhưng khi được nhìn tận mắt những trang báo gốc, chiếc máy đánh chữ cũ, những tấm ảnh tư liệu giúp em cảm nhận rõ hơn sự gian khổ, tâm huyết và lý tưởng của những người làm báo thời chiến. Từng hiện vật như kể lại một phần lịch sử sống động, khiến em càng thêm yêu quý và trân trọng nghề báo.
Điều em ấn tượng nhất là cách Bảo tàng ứng dụng công nghệ hiện đại trong trưng bày. Việc sử dụng màn hình cảm ứng, video tư liệu, âm thanh và cả không gian tương tác giúp em không chỉ nhìn mà còn được ‘chạm’ vào lịch sử theo đúng nghĩa đen. Nhờ đó, em tiếp thu kiến thức nhanh hơn, nhớ sâu hơn và quan trọng là cảm thấy kết nối gần gũi với nghề báo, thay vì chỉ là một lĩnh vực học thuật khô khan”.
Khu trưng bày báo chí Chiến khu.
Việc số hóa không gian trưng bày không chỉ giúp tăng tính hấp dẫn mà còn mở rộng khả năng khai thác tư liệu cho các nhà nghiên cứu và người yêu báo chí. Mỗi hiện vật đều được gắn mã định danh số, hỗ trợ truy xuất thông tin chính xác, nhanh chóng theo từ khóa: tên sự kiện, nhà báo, địa phương hay thời kỳ lịch sử. Một tờ báo ra đời năm 1945 giờ đây có thể được phóng to đến từng chi tiết, từng nét mực, kèm lời dẫn giải và âm thanh minh họa, giúp câu chuyện phía sau tờ giấy in trở nên sâu sắc, gần gũi hơn bao giờ hết.
Không gian trưng bày cũng được trang bị hệ thống âm thanh định hướng, phát ra chỉ trong phạm vi hẹp, đảm bảo sự riêng tư cho người theo dõi mà không làm ảnh hưởng đến trải nghiệm chung. Mỗi màn hình tương tác như một “cánh cửa” mở ra một câu chuyện riêng, nơi người xem có thể “gặp lại” những biểu tượng của báo chí cách mạng, những cây bút tài hoa, những dấu mốc làm nên lịch sử truyền thông Việt Nam.
Di sản báo chí hồi sinh mạnh mẽ trong lòng công chúng số
Không dừng lại ở việc ứng dụng công nghệ trong trưng bày truyền thống, Bảo tàng Báo chí Việt Nam còn đang từng bước hướng tới mô hình bảo tàng điện tử (e-Museum), một xu hướng hiện đại nhằm đưa di sản báo chí đến gần hơn với công chúng qua môi trường số.
Các hiện vật được trưng bày tại bảo tàng.
Hiện tại, các hiện vật sau khi được số hóa không chỉ phục vụ hoạt động trưng bày tại chỗ mà còn được tích hợp vào hệ thống dữ liệu trực tuyến, sẵn sàng hỗ trợ công chúng, nhà nghiên cứu và người quan tâm tra cứu thông tin từ xa. Trong tương lai, bảo tàng kỳ vọng sẽ phát triển thêm các hình thức tham quan ảo qua thiết bị thông minh như điện thoại hoặc máy tính bảng, ứng dụng công nghệ thực tế ảo (VR), mô phỏng 3D… để mô phỏng không gian trưng bày và cho phép người dùng tương tác từ xa.
Dữ liệu số cũng sẽ được tổ chức theo nhiều tuyến nội dung như dòng thời gian, chuyên đề, nhân vật... tạo điều kiện để cá nhân hóa trải nghiệm, mang đến cảm giác như bước vào một “thư viện báo chí thông minh” hơn là một không gian tĩnh vật. Tuy nhiên, những công nghệ tiên tiến như mô phỏng giọng nói, trí tuệ nhân tạo hay tham quan VR hiện vẫn đang nằm ở tầm nhìn dài hạn. Việc hiện thực hóa các giải pháp này đòi hỏi hạ tầng công nghệ đồng bộ, nguồn nhân lực am hiểu cả chuyên môn bảo tàng học và công nghệ thông tin, đồng thời cần chú trọng vấn đề bảo mật dữ liệu, bản quyền và sở hữu trí tuệ.
Dù còn nhiều thách thức, nhưng chính những định hướng đổi mới này đang góp phần khẳng định vai trò tiên phong của Bảo tàng Báo chí Việt Nam trong việc bảo tồn di sản bằng các công cụ hiện đại, đưa lịch sử đến gần hơn với công chúng trong kỷ nguyên số.
Chia sẻ về những hoạt động nhằm kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, Nhà báo Trần Thị Kim Hoa cho biết: “Chúng tôi đã có sự kết hợp, kết nối với nhiều địa phương trong toàn quốc để tổ chức những trưng bày điểm về 100 năm báo chí cách mạng Việt Nam. Hiện nay chúng tôi đã có một số nội dung, sự chuẩn bị, một số sự kiện mà tôi tin rằng chắc chắn sẽ khiến công chúng hôm nay hiểu hơn về báo chí cách mạng Việt Nam”.
Giữa bối cảnh công nghệ đang làm thay đổi căn bản diện mạo của các ngành nghề, Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã chứng minh một điều giản dị nhưng sâu sắc: số hóa không làm nhòa đi ký ức, mà giúp ký ức lan tỏa xa hơn, sống động hơn. Khi lịch sử được “kể lại” bằng ngôn ngữ công nghệ, nó không còn là câu chuyện đã lùi xa, mà là nguồn cảm hứng tiếp nối quá khứ hòa quyện cùng hiện tại để truyền cảm hứng cho thế hệ làm báo hôm nay và mai sau.