Bất cập của chính sách thuế cho dịch vụ số hóa: Kiến nghị từ các doanh nghiệp

11:37, 21/12/2012

Dịch vụ số hóa được định nghĩa chung trên thế giới là một phần của dịch vụ BPO (Business Process Outsourcing: gia công các quy trình kinh doanh). Nhu cầu ngày nay của các quốc gia phát triển đang cần chuyển giao việc xử lý những quy trình đơn giản trong doanh nghiệp, tổ chức ra các nước đang phát triển nhằm tận dụng lợi thế chi phí thấp. Việt Nam là một đất nước hoàn toàn phù hợp với hoạt động này. 



Trong thời gian gần đây, cũng với những nỗ lực của doanh nghiệp và sự hỗ trợ của Chính phủ, đặc biệt là Bộ Thông tin và Truyền thông, chúng ta đã trở thành một trong những quốc gia được các nhà đầu tư, tập đoàn đa quốc gia trong lĩnh vực này chú ý bởi những lợi thế sau:

Thứ nhất, để thực hiện được một đơn hàng số hóa các doanh nghiệp còn phải thiết kế, sản xuất phần mềm để nhập liệu và xử lý thông tin cho đơn hàng đó. Do đó, trong giá trị hợp đồng của dịch vụ số hóa thường bao gồm giá trị phần mềm và giá trị dịch vụ số hóa. Do đó, đây cũng là động lực để phát triển các hoạt động sản xuất và thiết kế phần mềm.

Thứ hai, đây là một ngành có nhu cầu sử dụng lao động rất cao, với yêu cầu đầu vào không quá khó khăn. Chính vì thế, ngành này đã và đang tạo ra khối lượng việc làm lớn cho lực lượng lao động trẻ, chưa có chuyên môn mới gia nhập thị trường lao động, hoàn toàn phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của Việt Nam.

Thứ ba, đây là ngành không sử dụng dây chuyền sản xuất hoặc tạo ra khí thải công nghiệp, không tác động đến môi trường như một số ngành khác.

Thứ tư, khách hàng trong lĩnh vực này đa số là từ nước ngoài, nên tỷ lệ xuất khẩu dịch vụ rất cao, đạt ít nhất 80-90% tổng doanh thu ngành, tạo thu nhập cho đất nước mà hoàn toàn không có nhu cầu nhập khẩu nguyên vật liệu hoặc máy móc. Điều này hoàn toàn với mục tiêu đẩy mạnh xuất khẩu mà Chính phủ đã định hướng trong suốt thơi gian qua.

Mới đây, Bộ tài chính ban hành Thông tư số 06/2012/TT-BTC hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thuế Giá trị gia tăng, hướng dẫn thi hành Nghị định số 123/2008/NĐ-CP ngày 08/12/2008 và Nghị định số 121/2011/NĐ-CP ngày 27/12/2011 của Chính phủ. Theo đó, tại Khoản 3 Điều 9 quy định dịch vụ số hóa không được áp dụng thuế suất VAT 0%. Việc này được hiểu các dịch vụ số hóa cung cấp cho cả khách hàng ở trong nước và ở nước ngoài của các doanh nghiệp đều áp dụng phải áp dụng thuế suất VAT 10%.


Tuy nhiên, dịch vụ số hóa cung cấp cho khách hàng ở nước ngoài là dịch vụ xuất khẩu được áp dụng thuế suất thuế VAT 0% trước khi Thông tư 06/2012/TT-BTC có hiệu lực. Tại Điều 8 Luật thuế giá trị gia tăng quy định các dịch vụ xuất khẩu (trừ các trường hợp chuyển giao công nghệ, chuyển nhượng quyền sở hữu trí tuệ ra nước ngoài) áp dụng mức thuế suất thuế VAT là 0%. Như vậy, quy định dịch vụ số hóa cung cấp cho khách hàng ở nước ngoài thuộc trường hợp không được áp dụng thuế suất VAT 0% tại Thông tư 06/2012/TT-BTC là chưa phù hợp với Luật thuế giá trị gia tăng. Điều này đã gây ra khó khăn, thiệt hại cho nhiều doanh nghiệp đang thực hiện dịch vụ này và ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của ngành CNTT Việt Nam.

Như đã trình bày ở trên, trước đây, do được áp dụng thuế suất giá trị gia tăng 0% khi xuất khẩu dịch vụ nội dung thông tin số nên trong các hợp đồng với tổ chức ở nước ngoài, nên doanh nghiệp không phát sinh chi phí này. Hiện nay, việc áp dụng mức thuế suất 10% khi cung cấp dịch vụ số hóa xuất khẩu, doanh nghiệp phải chịu thêm 10% chi phí này vì đối tác (khách hàng) ở nước thứ ba không chịu thanh toán (không có trong hợp đồng và cũng không được hoàn thuế giá trị gia tăng tại nước thứ ba). Điều này đang gây khó khăn cho doanh nghiệp, nhất là khi giá bán (cung ứng) dịch vụ không thay đổi. Và quan trọng là buộc doanh nghiệp phải suy nghĩ lại về môi trường đầu tư tại Việt Nam trong thời gian tới so với các môi trường đầu tư tại các nước trong khu vực.

Trong điều kiện hiện nay, thực hiện Quyết định số 1755/2010/QĐ-TTg về Đề án đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về CNTT-TT, theo đó một trong những nhiệm vụ của Đề án là phát triển công nghiệp CNTT, việc doanh nghiệp CNTT đang gặp khó khăn trong kinh doanh do gặp phải quy định về mức thuế áp cho doanh nghiệp đã phần nào gây cản trở sự phát triển của doanh nghiệp cũng như ngành CNTT. Để tháo gỡ những khúc mắc của doanh nghiệp trong điều kiện hiện nay, một trong những biện pháp đưa ra để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp:

Đề nghị Bộ Tài chính chỉnh sửa nội dung Thông tư số 06/2012/TT-BTC ngày 11/01/2012 liên quan đến thuế suất về Dịch vụ số hóa cung cấp cho tổ chức, cá nhân ở nước ngoài thuộc đối tượng chịu thuế VAT là 0%.

Trong thời gian chờ điều chỉnh Thông tư số 06/2012/TT-BTC ngày 11/01/2012, đề nghị cho phép áp dụng mức thuế suất VAT là 0% đối với các hợp đồng thực hiện dịch vụ số hóa đã ký trước thời hạn mà Thông tư số 06/2012/TT-BTC có hiệu lực.

Tiếp tục nghiên cứu trình Chính phủ về chính sách ưu đãi nói chung, ưu đãi thuế giá trị gia tăng  nói riêng cho các sản phẩm, dịch vụ nội dung thông tin số phù hợp với quy định của Luật CNTT về khuyến khích đầu tư, phát triển ngành công nghiệp nội dung số. Các chính sách cho phát triển ngành công nghiệp nội dung thông tin số cần xem xét tương đương với chính sách đã quy định đối với ngành công nghiệp phần mềm.

Trương Cần
TIN LIÊN QUAN