Bệnh án điện tử-Ứng dụng chuyển đổi số hướng tới hệ thống y tế thông minh

09:00, 15/04/2025

Với mục tiêu không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh, thời gian qua, ngành Y tế Hà Nội đã không ngừng thực hiện các giải pháp hiệu quả đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số các hoạt động quản trị bệnh viện và quản lý khám chữa bệnh, góp phần xây dựng hệ thống y tế thông minh, hiện đại, chuyên nghiệp.

Việc triển khai bệnh án điện tử đang được xem là bước tiến quan trọng trong chuyển đổi số y tế. Không chỉ giúp giảm tải giấy tờ, tiết kiệm chi phí, bệnh án điện tử còn mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người bệnh, cơ sở y tế và toàn hệ thống quản lý.

Bệnh án điện tử là hệ thống quản lý toàn bộ thông tin sức khỏe của người dân trong quá trình khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế, bao gồm thông tin cá nhân, lịch sử khám bệnh, kết quả xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh và đơn thuốc... được lưu trữ, cập nhật liên tục bằng phương tiện điện tử.

Ông Nguyễn Đình Hưng, Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế thẩm định bệnh án điện tử tại Bệnh viện Nhi Hà Nội. Ảnh: VGP/Thiện Tâm

Bên cạnh lợi ích đối với người dân, bệnh án điện tử còn giúp cơ sở y tế tiết kiệm chi phí vận hành và bảo quản hồ sơ giấy. Tại BVĐK Xanh Pôn, bệnh án điện tử được bắt đầu triển khai thí điểm từ năm 2021, trong bối cảnh ngành y tế vẫn đang căng mình chống dịch COVID-19, bệnh viện đã nỗ lực không ngừng triển khai hạ tầng, đào tạo nhân lực, hướng dẫn người bệnh… thực hiện số hóa hồ sơ bệnh án điện tử, tiến tới triển khai bệnh án điện tử tại tất cả các cơ sở y tế.

Bệnh viện đã triển khai đồng bộ các giải pháp tích hợp đăng ký khám bằng nhận diện khuôn mặt, bệnh nhân được xác thực danh tính trong lần đầu đăng ký khám bằng căn cước công dân gắn chíp và thẻ bảo hiểm y tế. Từ lần thứ 2 trở đi bệnh nhân đến khám không phải mang theo giấy tờ để chứng minh thông tin, giúp tiết kiệm được thời gian làm thủ tục, người dân sẽ có nhiều thời gian để nghiên cứu, tiếp cận các dịch vụ y tế một cách nhanh chóng, chất lượng. Với những thành công mà số hóa hồ sơ bệnh án điện tử mang lại, BVĐK Xanh Pôn đã phần nào giảm tải áp lực cho nhân viên y tế và tạo sự đồng thuận trong nhân dân; tạo tiền đề góp phần hiện đại hóa ngành y tế, tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.

Theo ông Nguyễn Văn Thường, Giám đốc BVĐK Đức Giang, việc triển khai bệnh án điện tử tiết kiệm đáng kể thời gian của người bệnh cũng như của y, bác sĩ. Các bác sĩ gần như có toàn bộ bệnh án của bệnh nhân chỉ sau vài phút thao tác trên máy vi tính…. Trước kia bệnh nhân ra viện thường các ngày sau mới làm thủ tục ra viện. Nhưng đến nay khi áp dụng các phần trong việc quản lý khám bệnh thì tại BVĐK Đức Giang, bệnh nhân ra viện làm các thủ tục, thanh toán dễ dàng, nhanh chóng, không mất nhiều thời gian.

Tại BVĐK Vân Đình, việc triển khai bệnh án điện tử là bước tiến lớn với nhiều bệnh viện trên hành trình chuyển đổi số y tế, hướng đến xây dựng bệnh viện thông minh. Để thực hiện thành công bệnh án điện tử, từ năm 2023, BVĐK Vân Đình đã triển khai hệ thống đồng bộ phần mềm HIS (hệ thống quản lý bệnh viện). Tiếp đó là triển khai hệ thống quản lý thông tin xét nghiệm (LIS), hệ thống lưu trữ, truyền tải và hội chẩn hình ảnh y khoa (PACS), ứng dụng (App) bệnh viện… Thành công triển khai BAĐT đặt nền móng quan trọng trong hành trình "chuyển đổi số" của bệnh viện, hướng tới mô hình hoạt động "thông minh, chuyên nghiệp, hiện đại".

Bệnh án điện tử-Ứng dụng chuyển đổi số hướng tới hệ thống y tế thông minh- Ảnh 2.

Người bệnh đến khám bệnh tại BVĐK Đống Đa được quản lý bằng phần mềm. Ảnh: VGP/Thiện Tâm

Hiện nay, có 11/42 Bệnh viện công lập trực thuộc Sở Y tế Hà Nội đã hoàn thành triển khai bệnh án điện tử gồm: BVĐK Xanh Pôn, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội, BVĐK Đông Anh, BVĐK Vân Đình, BVĐK Hòe Nhai, BVĐK Sóc Sơn, BVĐK huyện Ba Vì, BVĐK huyện Quốc Oai, BVĐK huyện Mỹ Đức, Bệnh viện Nhi Hà Nội (đạt 26,2%). 100% các cơ sở y tế công lập đã triển khai đón tiếp khám chữa bệnh bằng căn cước công dân gắn chíp, VNeID thay thế thẻ bảo hiểm y tế.

Sở Y tế Hà Nội đã chỉ đạo các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong và ngoài công lập trực thuộc khẩn trương triển khai bệnh án điện tử theo chỉ đạo của Chính phủ hoàn thành trước ngày 30/9/2025.

Ngoài ra, thành phố có 5 bệnh viện triển khai Hệ thống khám, chữa bệnh từ xa (Telehealth) theo Quyết định của Bộ Y tế gồm: Bệnh viện Tim Hà Nội, Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội, Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội, BVĐK Xanh Pôn, Bệnh viện Thanh Nhàn. Bên cạnh đó, Sở Y tế tổ chức giao ban trực tuyến với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong và ngoài công lập trực thuộc với số lượng hàng trăm điểm cầu.

Đặc biệt, ngành Y tế Hà Nội bước đầu thí điểm ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong công tác khám chữa bệnh tại BVĐK Xanh Pôn và Đức Giang như: Triển khai AI trong chẩn đoán hình ảnh về phim chụp ngực thẳng, thực hiện sàng lọc trên hình ảnh X-quang ngực; triển khai AI trong nội soi tiêu hóa tại Trung tâm kỹ thuật cao & tiêu hóa, BVĐK Xanh Pôn; triển khai AI trong nhận diện khuôn mặt tiếp đón người bệnh vào thẳng phòng khám tại cổng tiếp đón của bệnh viện. Ngoài ra, các cơ sở khám chữa bệnh đang triển khai thí điểm ứng dụng thực tế ảo (VR) để điều trị tâm lý và phục hồi chức năng cho người bệnh.

Ông Nguyễn Đình Hưng, Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế Hà Nội khẳng định, việc ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế là xu hướng phát triển tất yếu, việc này rất có lợi cho người dân, có ích cho ngành y tế, tạo thuận lợi cho thầy thuốc khi hành nghề, là một nội dung quan trọng có ý nghĩa thực tiễn. Trong đó có việc triển khai bệnh án điện tử là bước đột phá quan trọng trong thực hiện chuyển đổi số của ngành y tế. Mong rằng, trong thời gian tới tiếp tục có nhiều bệnh viện của thành phố sớm triển khai bệnh án điện tử trong khám bệnh, chữa bệnh giúp việc quản lý hồ sơ sức khỏe người dân dễ dàng, thuận tiện hơn.

Việc triển khai bệnh án điện tử song song với hồ sơ sức khỏe điện tử giúp ngành Y tế xây dựng được một hệ thống dữ liệu sức khỏe đầy đủ, chính xác và kịp thời. Đây là một kho dữ liệu lớn (big data) có giá trị cho phép tổng hợp, phân tích để đưa ra những chỉ đạo kịp thời trong công tác phòng chống dịch bệnh nói riêng và giúp cho việc dự báo xu hướng, hoạch định chính sách phù hợp, góp phần nâng cao hiệu quả trong công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.

Cũng theo ông Nguyễn Đình Hưng, Hà Nội đã triển khai thí điểm hồ sơ sức khỏe, sổ sức khỏe điện tử trên địa bàn Thành phố; kết nối liên thông dữ liệu khám chữa bệnh bảo hiểm y tế; tăng cường kết nối, liên thông làm giàu dữ liệu; mở rộng triển khai bệnh án điện tử đến toàn bộ cơ sở y tế. Qua đó, tạo môi trường làm việc số, tư duy số đảm bảo công khai, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi đến khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế.