Bình Dương đẩy nhanh điều chỉnh, quy hoạch lại phát triển các khu công nghiệp theo hướng xanh

10:30, 30/08/2024

Đứng đầu cả nước về dự án khu công nghiệp (29 khu công nghiệp), vấn đề môi trường cũng đang được đặt ra như một nhu cầu bức thiết, tỉnh Bình Dương đang đẩy nhanh việc điều chỉnh, quy hoạch lại các khu công nghiệp theo hướng xanh hóa, phát triển kinh tế tuần hoàn, thu hút các ngành công nghệ cao…

Bình Dương đang hướng đến mô hình các khu công nghiệp xanh, thu hút đầu tư các ngành công nghệ cao, kinh tế tuần hoàn để phát triển bền vững. Ảnh minh họa.

Tính đến nay, Bình Dương đã thành lập 29 khu công nghiệp với tổng diện tích trên 12.662 ha; trong đó có 27 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động, tổng diện tích hơn 10.962 ha. Tỷ lệ lấp đầy tại các khu công nghiệp rất cao, đạt 91%.

Đến nay, Bình Dương là một trong số những địa phương đứng đầu cả nước về thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp; trong đó nhiều khu công nghiệp đã trở thành thương hiệu (khu công nghiệp Việt Nam – Singapore VSIP I, II, III…), giúp địa phương này thu hút được các doanh nghiệp lớn, tập đoàn đa quốc gia đến đầu tư.

Tuy nhiên, để tiếp tục giữ vững sức hút đối với nhà đầu tư, đặc biệt trong tình hình mới khi mà vấn đề phát triển xanh và bảo vệ môi trường đang trở thành xu thế chung, Bình Dương đã và đang tập trung nâng cấp các khu công nghiệp hiện hữu trở nên thông minh hơn, cũng như quy hoạch các khu công nghiệp mới hướng đến hiện đại, sinh thái.

Một trong số đó là dự án Khu công nghiệp Khoa học công nghệ - dự án trọng điểm của Đề án thành phố thông minh Bình Dương - hợp tác chặt chẽ giữa Bình Dương với Hiệp hội Đô thị khoa học Thế giới (WTA), theo mô hình từ thành phố Daejeon (Hàn Quốc), Eindhoven (Hà Lan) và nhiều thành phố khoa học khác trên thế giới.

Dự án trọng điểm này nhằm thu hút các tập đoàn và cả doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp trong các ngành sản xuất mũi nhọn có giá trị gia tăng cao phù hợp với giai đoạn hiện nay.

Ngoài ra, việc thành lập khu công nghiệp VSIP III (diện tích 1.000 ha và là dự án thứ 10 của VSIP Group tại Việt Nam) vào tháng 3/2024 cũng là một tuyên bố về quyết tâm xây dựng một hệ sinh thái công nghiệp công nghệ cao của tỉnh, cho thấy Bình Dương đang quyết tâm chuyển hướng phát triển “xanh hóa” khu công nghiệp. VSIP đang cố gắng hướng đến các cam kết Net Zero mà Việt Nam đã cam kết tại COP26.

Trưởng ban quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Bình Dương (BDIZA) Nguyễn Trung Tín cho biết toàn tỉnh đã thành lập 29 khu công nghiệp với tổng diện tích hơn 12.662 ha, trong đó có 27 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động, tổng diện tích hơn 10.962 ha.

Ông cũng cho biết thêm, quỹ đất hiện tại của các khu công nghiệp tại Bình Dương đạt tỷ lệ lấp đầy khá cao và trong giai đoạn tới, việc thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp của tỉnh sẽ chuyển biến theo hướng chuyên biệt, sinh thái, thông minh, tạo sức hút mới.

“Vì thế, các khu công nghiệp hiện hữu và các khu công nghiệp mới cần có các giải pháp nâng cao sức cạnh tranh, sức thu hút để tận dụng nhu cầu ngày càng tăng”, ông Tín nhấn mạnh.

“Việc xây dựng các khu công nghiệp thế hệ mới được coi là giải pháp không chỉ khắc phục được những hạn chế, bất cập về vấn đề môi trường, giảm lãng phí tài nguyên mà còn thúc đẩy tăng trưởng bền vững.

Sự phát triển của khu công nghiệp xanh ở Bình Dương được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều lợi ích, bao gồm làm giàu tri thức, thu hút vốn FDI, đồng thời tiết kiệm chi phí, trở thành điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư hàng đầu”, chuyên gia của Ngân hàng Thế giới (WB) Nah Yoon Shin đã nhận định như vậy, tại một hội nghị công bố kết quả nghiên cứu tiền khả thi về tiềm năng phát triển của khu công nghiệp xanh tại Bình Dương gần đây.

Một góc Khu công nghiệp – đô thị – dịch vụ Mỹ Phước (Bến Cát, Bình Dương), do nhà phát triển dự án khu công nghiệp Becamex IDC đầu tư.

Ngay sau khi khởi công xây dựng, VSIP III đã thu hút dự án 1,3 tỷ USD của tập đoàn LEGO. Đây là nhà sản xuất đồ chơi bằng nhựa, các bộ phận của đồ chơi; sản xuất khuôn mẫu, các bộ phận của khuôn mẫu hàng đầu thế giới của Đan Mạch.

Như chia sẻ và cam kết của Phó chủ tịch tập đoàn LEGO Preben Elnef, tại sự kiện nhận giấy phép đầu tư vừa qua: “Chúng tôi cố gắng để dự án đầu tư này phát triển bền vững bằng cách sử dụng năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời mái nhà và cánh đồng năng lượng mặt trời, để bảo đảm nhà máy trung hòa về khí thải carbon. Đây sẽ là nhà máy bền vững nhất của chúng tôi trên thế giới về mặt thiết kế, xây dựng và sẽ được vận hành với trang thiết bị hiện đại!”.

Mặc dù việc phát triển các khu công nghiệp định hướng xanh ở Bình Dương thời gian qua đã có nhiều thành tựu, song ở góc độ nhà phát triển các dự án khu công nghiệp, ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Becamex IDC cho rằng thời gian tới, để phát huy hơn nữa hiệu quả mô hình khu công nghiệp xanh, Chính phủ, địa phương cần có thêm các hướng dẫn về quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật của các bộ, ngành, cũng như các hướng dẫn về kỹ thuật từ các chuyên gia trong nước, quốc tế đối với các mạng lưới cộng sinh công nghiệp và giải pháp kinh tế tuần hoàn.

Theo quy hoạch sử dụng đất khu công nghiệp thời kỳ 2021 - 2030, tỉnh Bình Dương ưu tiên đầu tư 18 dự án khu công nghiệp với diện tích đất trên 6.573 ha. Đến năm 2030, tổng diện tích đất công nghiệp dự kiến cần thực hiện các dự án phát triển khu công nghiệp là 16.609,37 ha, tăng 1.619,37 ha. Tổng số khu công nghiệp đến năm 2050 trên toàn địa bàn là 46, với tổng diện tích 24.338,70 ha. 

Theo quy hoạch sử dụng đất khu công nghiệp thời kỳ 2021 - 2030, tỉnh Bình Dương ưu tiên đầu tư 18 dự án khu công nghiệp với diện tích đất trên 6.573 ha. Đến năm 2030, tổng diện tích đất công nghiệp dự kiến cần thực hiện các dự án phát triển khu công nghiệp là 16.609,37 ha, tăng 1.619,37 ha. Tổng số khu công nghiệp đến năm 2050 trên toàn địa bàn là 46, với tổng diện tích 24.338,70 ha.