Bộ GD&ĐT quy ước chỉ chấp nhận khẩu trang y tế trong phòng thi
Do thiết bị gian lận thi cử năm nay tinh vi, khó phát hiện hơn, Bộ Giáo dục và Đào tạo khuyến cáo sử dụng khẩu trang y tế nhằm dễ phát hiện.
Chia sẻ với báo chí chiều 7/8, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo, cho rằng do kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 diễn ra trong điều kiện dịch bệnh, các địa phương vừa phòng chống dịch, vừa phải đảm bảo không xảy ra gian lận thi cử. Nhiệm vụ này không dễ dàng khi Bộ Công an nhận định thiết bị công nghệ cao nhằm gian lận thi cử năm nay tinh vi hơn.
Hiện, Bộ Công an đã chỉ đạo phòng PA03, Công an các địa phương tập huấn cho cán bộ, giáo viên làm thi những kỹ năng nhất định để nhận biết và phát hiện thiết bị gian lận. Nó có thể là vòng dây đeo, đồng hồ, dây gắn lên đồ trang sức, thiết bị giống hình bao diêm, thẻ ATM, máy tính bỏ túi casio, chìa khóa. Điểm chung của chúng là chỉ cần sim điện thoại gắn vào là có thể truyền tin ra ngoài. Đi kèm là tai nghe siêu nhỏ nhét sâu trong màng nhĩ, khi muốn lấy ra phải dùng nam châm.
"Tôi khuyến cáo nếu đủ điều kiện, địa phương có thể mua khẩu trang y tế cho thí sinh. Nếu không được, chúng ta quy ước là sẽ sử dụng khẩu trang y tế vì dễ phát hiện gian lận nếu có. Thí sinh mang loại khác mà cán bộ coi thi thấy nghi vấn thì phải có sẵn khẩu trang dự phòng để phát cho các em", ông Trinh nói.
Lãnh đạo Cục Quản lý chất lượng khuyến cáo các điểm thi thực hiện giãn cách tối đa trong phòng thi, đảm bảo thông thoáng, có quạt, đủ ánh sáng nhưng cũng đề phòng gian lận. Phòng thi có cửa sổ giáp với đường đi, nhà dân, có nguy cơ làm lộ, lọt đề thi thì địa phương phải có giải pháp đảm bảo an toàn.
Trong bối cảnh địa phương chủ trì tổ chức thi tốt nghiệp, không có sự tham gia của trường đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo đặc biệt quan tâm công tác thanh tra, kiểm tra. Khâu này sẽ có sự tham gia của Bộ, các trường đại học, cao đẳng và đặc biệt là thanh tra của tỉnh, thành phố.
Việc kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay được chia thành hai đợt khiến nhiều người lo lắng về sự thiếu công bằng đối với thí sinh thi đợt sau. Hiện, thí sinh Đà Nẵng, một số nơi ở Quảng Nam, thành phố Buôn Ma Thuột của Đăk Lăk và thí sinh diện F0, F1, F2 trên cả nước sẽ không tham dự kỳ thi ngày 8-10/8 mà dự kỳ thi đợt hai để đảm bảo phòng chống Covid-19.
Ông Trinh khẳng định quyết định phương án tổ chức thi như vậy đã được tính toán đa chiều để bảo đảm quyền lợi của các bên, đặc biệt là thí sinh. Các em vẫn được thực hiện quyền dự thi, chăm sóc sức khỏe, thi trong điều kiện an toàn và vẫn được sử dụng kết quả thi để xét tuyển sinh đại học, cao đẳng.
Về đề thi, theo ông Trinh, nguyên tắc xây dựng đề là đạt được mục đích của kỳ thi tốt nghiệp THPT. Đề thi đợt một ngày 8-10/8 hay đợt hai có cấu trúc đề thi ổn định với ma trận đề, ngân hàng câu hỏi có sẵn, được chuẩn hóa. Bằng các giải pháp kỹ thuật, đề thi sẽ được xây dựng với độ khó tương đồng ở mức độ chấp nhận được để đảm bảo công bằng, quyền lợi cho thí sinh thi đợt sau.
Ông Mai Văn Trinh chia sẻ về công tác thi hôm 7/8
Chiều 8/8, thí sinh bắt đầu làm thủ tục dự thi. Đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo lưu ý cán bộ, thí sinh thực hiện nghiêm túc, đầy đủ hướng dẫn của ngành y tế trong phòng chống Covid-19. Với riêng cán bộ, giáo viên, ông Trinh đề nghị rà soát, nắm vững quy chế, nhiệm vụ mình được phân công, bảo đảm khi đã vào thực tế làm thi là hiểu rõ.
"Với học sinh, tôi khuyên các em bình tĩnh, tự tin. Cả xã hội, hệ thống chính trị vào cuộc để tổ chức kỳ thi an toàn nhất", ông Trinh nói.
Do Covid-19, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay phải lùi một tháng rưỡi so với mọi năm và tổ chức thành hai đợt. Đợt một ngày 8-10/8, đợt hai do địa phương đề xuất, khi đã kiểm soát được Covid-19.
Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT sẽ phải làm ba bài bắt buộc gồm Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và một bài tự chọn là Khoa học tự nhiên hoặc Khoa học xã hội. Trừ Ngữ văn, các bài thi còn lại đều là trắc nghiệm. Kết quả thi được dùng để xét công nhận tốt nghiệp THPT và là cơ sở để xét tuyển đại học.
Châu Anh