Bộ Khoa học và Công nghệ làm việc với VAIP và FISU Việt Nam về các sự kiện liên quan đến AI
Ngày 2/12/2024, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy đã có buổi làm việc với Hội Tin học Việt Nam (VAIP) và FISU Việt Nam để bàn bạc về một số sự kiện, hội thảo liên quan đến AI.
Tham dự buổi làm việc, về phía Bộ Khoa học và Công nghệ (Bộ KH&CN) có sự hiện diện của PGS. TS. Bùi Thế Duy - Thứ trưởng Bộ KH&CN; TS. Lý Hoàng Tùng - Vụ Trưởng Vụ Hợp tác quốc tế; TS. Trần Anh Tú - Phó Vụ trưởng Vụ Công nghệ cao.
Đại diện của Bộ Khoa học và Công nghệ.
Về phía đại diện của Hội tin học Việt Nam (VAIP), CLB Khoa – Trường – Viện Công nghệ thông tin Việt Nam (FISU Việt Nam), gồm có: GS.TS. Nguyễn Thanh Thuỷ - Chủ tịch VAIP, Chủ tịch FISU Việt Nam; GS.TS. Lê Sỹ Vinh - Phó Chủ tịch FISU Việt Nam; PGS.TS Bùi Thu Lâm - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký FISU Việt Nam; GS.TS. Trần Xuân Tú – UV BCH FISU Việt Nam, Viện trưởng Viện Công nghệ thông tin (ĐHQGHN); TS. Lê Đức Trọng - Chủ nhiệm bộ môn Khoa học máy tính, Khoa Công nghệ thông tin (Trường Đại học Công nghệ, ĐHQG Hà Nội); Ths. Đinh Duy Hợi - Tổng biên tập Tạp chí Tin học và Đời sống.
Đại diện của VAIP và FISU Việt Nam.
Trong thời gian qua, được sự hỗ trợ của Bộ KH&CN, FISU Việt Nam đã xây dựng Bảng xếp hạng các cơ sở đào tạo CNTT Việt nam (CS ranking). Ngoài ra, với sự bảo trợ của Bộ KH&CN, FISU Việt Nam là đối tác chuyên môn trong việc tổ chức hội thảo AI4VN các năm từ 2018 đến nay, với các hội thảo, tọa đàm nhằm triển khai Chiến lược quốc gia về AI: Xây dựng hạ tầng Dữ liệu và Tính toán hiệu năng cao cho AI, Đào tạo nguồn nhân lực AI, Nghiên cứu và Phát triển AI, Ứng dụng AI, Hợp tác và Phát triển AI, Xây dựng Cộng đồng AI. Đặc biệt, FISU Việt Nam góp phần rất quan trọng trong Kết nối mạng lưới AI Việt Nam - Úc.
Nội dung buổi họp để bàn bạc về một số định hướng hợp tác giữa VAIP, FISU Việt Nam và Bộ Khoa học và Công nghệ: Tổ chức Hội thảo "Trí tuệ nhân tạo và tương lai giáo dục đại học (AI4Edu 2024); Tổ chức Hội thảo AI4Life 2025; Hội thảo AI4UN 2025 (có sự tham gia của Đặc phái viên của Tổng thư ký Liên hợp quốc về Khoa học công nghệ) và AI4VN 2025.
Khung cảnh làm việc giữa lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ và VAIP, FISU Việt Nam.
Phát biểu tại buổi làm việc, GS.TS. Nguyễn Thanh Thủy đã báo cáo Thứ trưởng Bùi Thế Duy về tình hình hoạt động của VAIP, FISU Việt Nam trong thời gian qua và kế hoạch, hành động của các chương trình sẽ hợp tác với Bộ Khoa học và Công nghệ trong thời gian tới.
Chủ tịch VAIP mong muốn nhận được những hỗ trợ, đóng góp quan trọng của Lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ để công tác tổ chức các Hội thảo thành công. Đặc biệt, Lãnh đạo VAIP trân trọng kính mời Thứ trưởng Bùi Thế Duy đến dự Hội thảo AI4Edu 2024 và có bài phát biểu trong sự kiện quan trọng này.
Hội thảo AI4Edu 2024 sẽ được tổ chức vào lúc 8h30 thứ 4, ngày 11/12/2024 tại 144 Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội. Đơn vị tổ chức gồm: Hội Tin học Việt Nam, FISU Việt Nam, Trường Đại học Công nghệ, Trường Đại học CMC. Mục đích của Hội thảo: - Nâng cao nhận thức và hiểu biết sâu rộng về trí tuệ nhân tạo (TTNT): Tập trung vào những tiến bộ và xu hướng hiện tại trong TTNT, đặc biệt là trong lĩnh vực học máy và học máy tạo sinh (Generative AI), những ảnh hưởng tiềm tàng của chúng đối với việc giảng dạy và học tập ở bậc đại học - Chia sẻ kiến thức chuyên sâu và thực tiễn: Tạo diễn đàn để các nhà quản lý, học giả và chuyên gia công nghệ thông tin cùng chia sẻ những nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của TTNT trong môi trường giáo dục đại học, từ đó thúc đẩy việc tích hợp TTNT vào các chương trình đào tạo, giảng dạy và quản lý học thuật. - Đề xuất các giải pháp và chiến lược cụ thể: Đưa ra những phương hướng và chiến lược liên quan tới nghiên cứu phát triển và ứng dụng TTNT để cải thiện chất lượng giáo dục đại học, tập trung vào việc xây dựng năng lực TTNT cho sinh viên và giảng viên, đồng thời triển khai các ứng dụng TTNT nhằm tối ưu hóa quy trình giảng dạy, học tập và quản lý giáo dục. - Định hướng tương lai của giáo dục đại học dưới tác động của TTNT: Thảo luận về vai trò của TTNT trong việc tái định hình giáo dục đại học, bao gồm việc giảng dạy TTNT cho các lọai hình đào tạo khác nhau (chuyên sâu, kỹ thuật, ứng dụng,…), phát triển các phương pháp học tập thông minh, cá nhân hóa quá trình học và đào tạo, cũng như tối ưu hóa các quy trình quản lý giáo dục, hướng đến một hệ sinh thái giáo dục đổi mới và hiệu quả hơn. |
GS.TS. Nguyễn Thanh Thủy phát biểu tại buổi làm việc.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bùi Thế Duy đánh giá cao vai trò của đội ngũ lãnh đạo và các chuyên gia của VAIP, FISU Việt Nam trong công tác chuẩn bị cho các Hội thảo trên. Lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết sẽ chỉ đạo các đơn vị chuyên môn phối hợp để tổ chức chương trình đạt hiệu quả cao, tạo tiếng vang và lan tỏa lớn trong cộng đồng.
"FISU Việt Nam cần có báo cáo cập nhật nhất về hiện trạng đào tạo, nghiên cứu và ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong các trường đại học ở Việt Nam. Đây là tư liệu thực tế rất quan trọng để chia sẻ tại Hội thảo", Thứ trưởng Bùi Thế Duy nhấn mạnh.
Đồng thời, lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ mong muốn Việt Nam sẽ có nhiều chuyên gia cao cấp để tham gia các chương trình AI lớn của các tổ chức quốc tế: UNDP, UNESCO, ASEAN. Theo đó, FISU Việt Nam và VAIP cần "nâng tầm" trong các sự kiện quốc tế liên quan đến quản trị AI, đạo đức AI, AI có trách nhiệm... Đây là một loại hình khoa học mới và phù hợp với xu hướng thời đại.
Thứ Trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, PGS. TS. Bùi Thế Duy phát biểu tại buổi làm việc.
Lãnh đạo VAIP, FISU Việt Nam xin cảm ơn và tiếp thu những ý kiến đóng góp quý báu của Thứ trưởng Bùi Thế Duy, Vụ Trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghệ cao. Đồng thời khẳng định VAIP, FISU Việt Nam sẽ tiếp tục đồng hành cùng Bộ khoa học và Công nghệ trong các sự kiện liên quan đến đào tạo, nghiên cứu, phát triển và triển khai AI.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm.
Câu lạc bộ Khoa – Trường – Viện Công nghệ Thông tin – Truyền thông (tên quốc tế theo tiếng Anh là Vietnam Association of ICT Faculties-Institutes-Schools-Universities, viết tắt là FISU Việt Nam), là một tổ chức thành viên thuộc Hội Tin học Việt Nam, được thành lập tháng 4 năm 2018. FISU Việt Nam bao gồm các thành viên được tập hợp tự nguyện trên cơ sở tiếp thu và chia sẻ ý tưởng của cộng đồng nghiên cứu và đào tạo CNTT-TT tại Việt Nam, với mong muốn là nơi tụ hội, kết nối, định hướng, chia sẻ về đào tạo và nghiên cứu, để có tiếng nói chung tham gia vào các hoạt động phát triển giảng dạy, đào tạo và nghiên cứu trong lĩnh vực CNTT – TT của nước nhà, mang lại lợi ích chính đáng cho các thành viên, đóng góp tích cực cho cộng đồng và xã hội, góp phần đưa Việt Nam sánh vai các cường quốc CNTT-TT trên thế giới. Trải qua 5 năm hoạt động, đến nay FISU Việt Nam không ngừng lớn mạnh với 3 chi hội: Trung du – Miền núi – Duyên hải phía Bắc, miền Trung – Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long, với nhiều kết quả đáng ghi nhận. Thông tin chi tiết về FISU vui lòng xem tại website: http://www.fisu.edu.vn/. |