Bộ Tài chính: Đề xuất gia hạn 4.400 tỷ đồng thuế tiêu thụ đặc biệt với ô tô nội
Mới đây, Bộ Tài chính vừa có tờ trình trình Chính phủ về việc ban hành Nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước.
Theo dự thảo Nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, Bộ Tài chính trình phương án đề xuất gia hạn thuế tiêu thụ đặc biệt từ kỳ tính thuế tháng 10 đến kỳ tính thuế tháng 11. Tổng số tháng sẽ gia hạn là 2 tháng.
Bộ Tài chính tính toán tổng số thuế tiêu thụ đặc biệt được gia hạn khoảng 4.400 tỷ đồng.
Như vậy, so với dự thảo gửi các bộ, ngành khác góp ý kiến vào ngày 13/10/2021, thời gian gia hạn được Bộ Tài chính đề nghị là tháng 9, 10 và 11/2021 thì lần trình mới này, thời gian đã rút xuống chỉ còn 2 tháng.
Chi tiết về thời gian gia hạn, theo dự thảo Nghị định, thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp phát sinh của kỳ tính thuế tháng 10/2021 chậm nhất là ngày 20/12/2021.
Thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp phát sinh của kỳ tính thuế tháng 11 năm 2021 chậm nhất là ngày 30 tháng 12 năm 2021.
Theo đề xuất của Bộ Tài chính, việc gia hạn thời hạn nộp thuế đối với thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp phát sinh chỉ tính của kỳ tính thuế tháng 10 và tháng 11/2021 với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước.
Trường hợp người nộp thuế khai bổ sung hồ sơ khai thuế của kỳ tính thuế được gia hạn dẫn đến làm tăng số thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp và gửi đến cơ quan thuế trước khi hết thời hạn nộp thuế được gia hạn thì số thuế được gia hạn bao gồm cả số thuế phải nộp tăng thêm do khai bổ sung.
Đáng chú ý, trong thời gian được gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt, căn cứ Giấy đề nghị gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt, cơ quan thuế không tính tiền chậm nộp đối với số tiền thuế tiêu thụ đặc biệt được gia hạn (bao gồm cả trường hợp Giấy đề nghị gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt gửi cơ quan thuế sau khi đã nộp hồ sơ khai thuế tiêu thụ đặc biệt chậm nhất là ngày 15 tháng 12 năm 2021).
Trường hợp, cơ quan thuế đã tính tiền chậm nộp đối với các hồ sơ khai thuế tiêu thụ đặc biệt thuộc trường hợp được gia hạn theo quy định tại Nghị định này thì cơ quan thuế thực hiện điều chỉnh lại không tính tiền chậm nộp thuế tiêu thụ đặc biệt.
Theo quy định hiện hành, một chiếc xe ô tô nhập khẩu nguyên chiếc tại Việt Nam đang phải chịu 8 loại thuế và phí khác nhau: Thuế nhập khẩu; Thuế tiêu thụ đặc biệt; Thuế giá trị gia tăng; Phí trước bạ; Phí kiểm định; Phí bảo trì đường bộ; Phí cấp biển ô tô; Phí bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc. Xe sản xuất trong nước không phải chịu thuế nhập khẩu.
Riêng với thuế tiêu thụ đặc biệt cho ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống hiện được tính theo dung tích xi lanh. Xe có động cơ dưới 1.5L chịu mức thuế 35%; loại trên 1.5-2.0 L chịu thuế 40%, trên 2.0-2.5L chịu 50%, trên 2.5-3.0L chịu 60%, trên 3.0-4.0L chịu 90%, trên 4.0-5.0L chịu 110%, trên 5.0- 6.0L chịu 130% và trên 6.0L chịu 150%.
Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, xe ngoại vẫn đổ bộ thị trường Việt Nam bất chấp dịch COVID-19. Từ đầu năm đến đến hết tháng 9/2021, lượng ô tô nhập nguyên chiếc các loại đạt 114.377 chiếc, tăng 71,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ô tô 9 chỗ ngồi trở xuống đạt 78.282 chiếc, tăng 57,8%; ô tô vận tải đạt 25.913 chiếc, tăng 97,7%.
PV (T/h)