Bộ Tài chính đề xuất thu phí sử dụng tần số vô tuyến điện theo quý
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 265/2016/TT-BTC mới thay đổi căn bản cách thu phí sử dụng tần số vô tuyến điện từ thu cả năm sang thu theo quý dựa trên số lượng thiết bị thực tế hoạt động.
Theo Bộ Tài chính, việc ban hành Thông tư sửa đổi Thông tư số 265/2016/TT-BTC nhằm mục đích bảo đảm chính sách thu lệ phí cấp giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện và phí sử dụng tần số vô tuyến điện đồng bộ, thống nhất với pháp luật về tần số vô tuyến điện; góp phần thúc đẩy triển khai di động băng rộng 5G trên toàn quốc gắn với việc đẩy mạnh triển khai Internet vệ tinh, đáp ứng yêu cầu của phát triển Khoa học và Công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Dự thảo đề xuất mức thu phí đối với "Thiết bị đầu cuối thuê bao sử dụng công nghệ vệ tinh quỹ đạo tầm thấp là 15.000 đồng/thiết bị/năm. Ảnh: kslegal
Dự thảo Thông tư đổi mới căn bản phương thức thu phí bằng cách chuyển từ thu hàng năm sang thu theo quý dựa trên số lượng thiết bị thực tế sử dụng. Thay vì buộc doanh nghiệp đóng phí cố định từ đầu năm, cơ chế mới cho phép họ báo cáo số lượng thiết bị hoạt động từ 15 ngày trở lên trong mỗi tháng. Trước ngày 28 của tháng đầu tiên của quý tiếp theo liền kề, doanh nghiệp có trách nhiệm hoàn thành nghĩa vụ nộp phí sử dụng tần số vô tuyến điện.
Cục Tần số Vô tuyến điện (Bộ Khoa học và Công nghệ) sẽ tính toán số tiền phí doanh nghiệp phải nộp dựa trên báo cáo này. Số tiền phí của một tháng sẽ bằng mức thu 12 tháng chia cho 12, nhân với số lượng thiết bị thực tế sử dụng. Cơ chế này thể hiện sự "linh hoạt" trong quản lý nhà nước, phù hợp với đặc thù của dịch vụ vệ tinh Internet có thể phát triển mạnh trong tương lai theo nhu cầu thị trường.
Việc điều chỉnh cơ cấu tổ chức thu phí cũng được cập nhật sau khi Bộ Thông tin và Truyền thông hợp nhất với Bộ Khoa học và Công nghệ. Thay vì chỉ định cụ thể Cục Tần số Vô tuyến điện, Dự thảo đề xuất giao cho "cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép" thực hiện, tạo tính ổn định cho văn bản pháp luật trong bối cảnh cơ cấu tổ chức có thể thay đổi. Đồng thời, tỷ lệ để lại cho tổ chức thu phí giảm từ 50% xuống 10%, phần còn lại sẽ nộp vào ngân sách nhà nước.
Dự thảo đề xuất mức phí "ưu đãi" chỉ 15.000 đồng mỗi thiết bị mỗi năm cho thiết bị đầu cuối thuê bao sử dụng công nghệ vệ tinh quỹ đạo tầm thấp thể hiện tầm nhìn chiến lược của Chính phủ trong xây dựng hạ tầng số quốc gia. Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị đã nhấn mạnh cần "xoá bỏ mọi tư tưởng, quan niệm, rào cản đang cản trở sự phát triển" và "đưa thể chế thành lợi thế cạnh tranh" trong phát triển khoa học công nghệ.
Với địa hình phức tạp, ở vùng sâu, vùng xa, hải đảo của Việt Nam khó tiếp cận bằng hạ tầng viễn thông truyền thống. Công nghệ vệ tinh quỹ đạo tầm thấp có thể giải quyết bài toán này một cách hiệu quả, mang Internet băng rộng đến những khu vực chưa được phủ sóng hoặc "lõm sóng" tại Việt Nam.
Mức phí ưu đãi sẽ khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này, tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh và cuối cùng mang lại lợi ích cho người tiêu dùng. Khi chi phí vận hành giảm, các nhà cung cấp dịch vụ có thể đưa ra mức giá cước hợp lý hơn, giúp Internet vệ tinh trở nên phổ biến và dễ tiếp cận với đại đa số người dân.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã cho phép SpaceX thí điểm cung cấp dịch vụ Starlink tại Việt Nam trong 5 năm với tối đa 600.000 thuê bao. Mức phí chỉ 15.000 đồng mỗi thiết bị mỗi năm sẽ tạo điều kiện tối ưu cho Starlink triển khai dịch vụ với chi phí vận hành thấp.
Starlink, với công nghệ vệ tinh quỹ đạo tầm thấp tiên tiến, đã chứng minh hiệu quả ở nhiều quốc gia trên thế giới. Tại Việt Nam, dịch vụ này có tiềm năng lớn trong việc kết nối Internet cho các khu vực nông thôn, miền núi và hải đảo. Việc giảm mạnh phí sử dụng tần số sẽ giúp Starlink và các nhà cung cấp khác đưa ra mức giá dịch vụ cạnh tranh hơn.
Tuy nhiên, sự xuất hiện của Starlink cũng đặt ra thách thức mới cho các nhà mạng truyền thống trong nước. Các doanh nghiệp viễn thông Việt Nam cần nhanh chóng nâng cấp công nghệ và cải thiện chất lượng dịch vụ để duy trì vị thế cạnh tranh. Đây có thể là cú hích tích cực giúp toàn ngành viễn thông Việt Nam phát triển mạnh mẽ hơn.
Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 265/2016/TT-BTC đi vào đời sống sẽ "mở ra chương mới" cho Việt Nam trong việc chuyển từ "đuổi theo" công nghệ sang "đón đầu" công nghệ, tạo môi trường thuận lợi cho những đổi mới đột phá cho ngành viễn thông trong nước.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.