Bộ Thông tin và Truyền thông làm việc với Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Dương

09:08, 04/10/2023

Chiều ngày 3/10/2023, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã có buổi làm việc với Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Dương. Đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ TT&TT, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi số và đồng chí Nguyễn Văn Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương đồng chủ trì buổi làm việc.

Tham dự về phía Bộ TT&TT có Thứ trưởng Phạm Đức Long, đại diện lãnh đạo một số Cục, Vụ liên quan gồm: Vụ Kinh tế số và Xã hội số, Vụ Kế hoạch Tài chính, Cục Viễn thông, Cục Báo chí, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, Cục Chuyển đổi số quốc gia, Cục Công nghiệp Công nghệ thông tin và Truyền thông, Cục An toàn thông tin, Văn phòng Bộ.

Về phía tỉnh Bình Dương, có ông Nguyễn Lộc Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, đại diện lãnh đạo Công an tỉnh, Văn phòng Tỉnh ủy, Văn phòng UBND tỉnh, Sở TT&TT, Sở Khoa học Công nghệ, Văn phòng Thành phố thông minh Bình Dương …

20231003-pg1-BT.jpg

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại buổi làm việc 

Tại buổi làm việc, đồng chí Lê Tuấn Anh, Giám đốc Sở TT&TT Bình Dương đã báo cáo tóm tắt về công tác chuyển đổi số của tỉnh trong 9 tháng năm 2023, nhiệm vụ 3 tháng cuối năm và phương hướng năm 2024. Theo đó, về hạ tầng số, tỉnh có độ phủ cáp quang tới thôn, ấp; 100% xã có mạng truyền số liệu chuyên dùng; 4G phủ sóng 100% toàn tỉnh phục vụ 4 triệu thuê bao (3,2 triệu có sử dụng data, đạt 85,45%, đứng thứ 5 toàn quốc).

Về kinh tế số, năm 2022, tỉnh có tỷ trọng kinh tế số trên GRDP đạt 11,34%; có tốc độ phát triển công nghiệp công nghệ thông tin thuộc hàng top đầu của cả nước, đứng thứ hai vùng Đông Nam Bộ với doanh thu năm 2021 đạt 2,25 tỉ USD. Tỉnh hiện có 29 khu công nghiệp và 9 cụm công nghiệp đang hoạt động với khoảng 65.000 doanh nghiệp.

Về xã hội số, tỷ lệ dân số trưởng thành có điện thoại thông minh đạt trên 80%; Tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch đạt 82%; 89% người dân tiếp cận, có kỹ năng về CNTT và truyền thông.

20231003-pg1-BD.jpg

Đồng chí Nguyễn Văn Lợi,  Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương 

Tại buổi làm việc, Bí thư tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Văn Lợi bày tỏ mong muốn Bộ TT&TT hỗ trợ, tư vấn cho tỉnh trong triển khai chương trình chuyển đổi số, cần làm gì trước, làm gì sau để chương trình thực sự mang lại hiệu quả. Bình Dương là tỉnh đang phát triển, có hạng trong khu vực kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ. Tỉnh đã triển khai các hoạt động về chuyển đổi số, cải cách hành chính, chính quyền điện tử, tuy nhiên thứ hạng vẫn chưa được như mong muốn. Đồng thời, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương cũng đề nghị Bộ TT&TT hỗ trợ cho ý kiến thẩm định đối với một số vấn đề, dự án liên quan đến công nghệ 5G, camera thông minh...

Đối với đề xuất, kiến nghị của lãnh đạo tỉnh Bình Dương liên quan đến các hoạt động quản lý nhà nước của Bộ, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã trực tiếp trả lời thẳng thắn, đúng trọng tâm các vấn đề do lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các sở, ban ngành của tỉnh Bình Dương nêu ra. Đồng thời, Bộ trưởng cũng chỉ đạo các Cục trưởng, Vụ trưởng các đơn vị chuyên môn thuộc Bộ trả lời, cung cấp thông tin về các lĩnh vực mình đang phụ trách.

20231003-pg1-tc.jpg

Toàn cảnh buổi làm việc

Trả lời câu hỏi làm thế nào để triển khai chuyển đổi số một cách mạch lạc, cần đầu tư bao nhiêu, Bộ trưởng cho biết, sắp tới Bộ sẽ ban hành cẩm nang hướng dẫn về chuyển đổi số, trong đó hướng dẫn cụ thể chuyển đổi số phải làm những việc gì, làm như thế nào, bao giờ xong. Khoảng 60 - 70% những việc cẩm nang nêu ra sẽ do Bộ thực hiện, địa phương chỉ phải làm khoảng 25 - 30% công việc. Về chi cho chuyển đổi số, do mỗi địa phương có mục tiêu và nhu cầu khác nhau nên khoản đầu tư sẽ khác nhau, nếu địa phương có nhu cầu Bộ sẽ tham vấn cho từng địa phương. Bộ trưởng chỉ định Cục Chuyển đổi số quốc gia là đầu mối của Bộ, các địa phương có thắc mắc, khó khăn gì cứ liên hệ với Cục Chuyển đổi số quốc gia. 

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng cho rằng, Bình Dương có nhiều điều kiện thuận lợi để xây dựng khu CNTT tập trung. Ngành Công nghiệp ICT đang có nhiều cơ hội mới, trong đó có cơ hội để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn. Trong khu CNTT tập trung sẽ bao gồm sản xuất (ICT, bán dẫn), phát triển phần mềm, cung cấp dịch vụ CNTT và chuyển đổi số. Cục Công nghiệp CNTT&TT sẽ hỗ trợ, tư vấn trực tiếp cho Bình Dương về vấn đề này.

20231003-pg1-tangqua.jpg

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng tặng quà lưu niệm cho Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương

Bộ trưởng chỉ đạo Cục Công nghiệp CNTT&TT cần sớm ban hành các hướng dẫn cụ thể về khu CNTT tập trung, trong đó có quy định về diện tích. Khu CNTT tập trung không cần có diện tích lớn. Hiện nay, khu CNTT tập trung thành công nhất lại là khu có diện tích 1 hecta tại Đà Nẵng vì tạo ra giá trị gia tăng cao nhất với mật độ chất xám rất cao.

Ngoài ra, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng trả lời các câu hỏi cụ thể của đại diện các sở ban ngành, doanh nghiệp của Bình Dương liên quan đến mạng 5G dùng riêng cho nhà máy thông minh, tiêu chuẩn kỹ thuật cho camera thông minh, kết nối, chia sẻ dữ liệu với các Bộ, ngành Trung ương…

Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Văn Lợi cảm ơn Bộ trưởng Bộ TT&TT và lãnh đạo các Cục, Vụ đã trả lời thẳng thắn các câu hỏi, vướng mắc của tỉnh. Bộ TT&TT đóng vai trò như một kiến trúc sư trưởng của tỉnh Bình Dương về CNTT. Được sự tư vấn của Bộ, Bình Dương cảm thấy yên tâm hơn trong triển khai chuyển đổi số. Đồng thời, sau cuộc họp này, tỉnh Bình Dương mong muốn được kết nối chặt chẽ hơn nữa với các đơn vị thuộc Bộ.

Lãnh đạo tỉnh Bình Dương có quyết tâm rất cao trong triển khai chuyển đổi số vì sự phát triển của tỉnh. Xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, thành phố thông minh là để hướng đến mục tiêu cuối cùng nhằm phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn, ông Nguyễn Văn Lợi chia sẻ.

Đáp từ Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đánh giá cao những buổi làm việc hai chiều giữa Bộ và địa phương như hôm nay. Trao đổi hai chiều có lợi cho cả hai bên, góp phần giúp Bộ nhìn nhận nhiều vấn đề, giúp Bộ tốt hơn lên. Địa phương đặt câu hỏi, nêu vấn đề của mình với các Cục, Vụ của Bộ sẽ khiến các đơn vị này giỏi lên.

Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, Bộ ngành sinh ra là để phục vụ các tỉnh. Nếu tỉnh không nhờ gì, không hỏi gì thì Bộ không có lý do gì để tồn tại.

Từ nay, Bộ TT&TT cố gắng sau khi ban hành chủ trương, đường hướng, chiến lược, kế hoạch sẽ ban hành kèm theo hướng dẫn cụ thể để các địa phương biết cần phải làm gì, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cam kết./. 

Theo Bộ thông tin và Truyền thông

(https://mic.gov.vn/mic_2020/Pages/TinTuc/160357/Bo-Thong-tin-va-Truyen-thong-lam-viec-voi-Tinh-uy--UBND-tinh-Binh-Duong.html)