Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Chuyển đổi số là hai câu chuyện tách bạch, rõ ràng

15:22, 14/11/2024

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, chuyển đổi số là hai câu chuyện tách bạch, rõ ràng. Đó là câu chuyện công nghệ và câu chuyện chuyển đổi.

Diễn đàn Quốc gia phát triển Kinh tế số và Xã hội số lần thứ II với chủ đề: "Sáng tạo ứng dụng công nghệ số vào các ngành, lĩnh vực để phát triển kinh tế số và nâng cao năng suất lao động", được tổ chức tại tỉnh Bình Dương vào sáng nay (14/11). Diễn đàn có sự tham dự của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình; Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cùng lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương và địa phương.

Đây là sự kiện thường niên, được tổ chức nhằm mục đích cùng các cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp và các chuyên gia đầu ngành tập trung thảo luận về các vấn đề liên quan đến phát triển kinh tế số, xã hội số tại Việt Nam.

Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nghe doanh nghiệp chia sẻ về chuyển đổi số.

Trước khi vào diễn đàn, các đại biểu đã tham quan các gian hàng công nghệ số tại Trung tâm Hội nghị triển lãm tỉnh Bình Dương, cũng như một số doanh nghiệp áp dụng công nghệ số trong sản xuất.

Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, khi ứng dụng công nghệ số thì thay vì đặt trọng tâm vào công nghệ, các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số hãy đặt trọng tâm vào việc muốn thay đổi gì cho doanh nghiệp mình để tạo ra giá trị mới. Chuyển đổi số là 2 câu chuyện tách bạch rõ ràng, câu chuyện công nghệ và câu chuyện chuyển đổi. Trong đó, câu chuyện chuyển đổi là chính, là 70%. Người lãnh đạo không nên bị cuốn vào câu chuyện công nghệ vì đây không phải nghề của người lãnh đạo. Người lãnh đạo tập trung vào việc xác định các vấn đề, "nỗi đau" của tổ chức, hoặc một giải pháp mới trong kinh doanh, và ra lệnh dùng công nghệ số để giải quyết, sẵn sàng thay đổi quy trình, cách thức vận hành để đạt hiệu quả, đây mới là đúng nghề, đúng vai của người lãnh đạo. Một khi đã đúng vai, đúng nghề thì việc sẽ dễ đi rất nhiều.

“Để không phải sợ công nghệ số thì chúng ta hãy tư duy như người không biết gì về công nghệ số để sử dụng công nghệ số một cách tốt nhất, bởi vì sức mạnh của công nghệ số là không giới hạn. Nếu bạn biết về công nghệ thì tức là mới biết một phần về nó và vì thế mà tư duy sáng tạo của bạn sẽ bị giới hạn”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh để những người ứng dụng công nghệ số tập trung vào các ý tưởng sáng tạo hơn là tập trung vào công nghệ số.

Các đại biểu trao đổi với doanh nghiệp áp dụng chuyển đổi số.

Theo kế hoạch, Diễn đàn Quốc gia phát triển Kinh tế số và Xã hội số lần thứ II sẽ có một phiên toàn thể và 3 phiên chuyên đề: Về thúc đẩy ứng dụng công nghệ số trong lĩnh vực nông nghiệp theo chuỗi giá trị; Về ứng dụng công nghệ số - Lực đẩy cho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; Về sáng tạo số, AI và dịch vụ.

Áp dụng công nghệ số trong sản xuất nông nghiệp đã mang lại hiệu quả cao.

Với chủ đề xuyên suốt là “Sáng tạo ứng dụng công nghệ số vào các ngành, lĩnh vực để phát triển kinh tế số và nâng cao năng suất lao động”, Diễn đàn Quốc gia phát triển Kinh tế số và Xã hội số lần thứ II hướng tới đẩy mạnh sáng tạo các ứng dụng số Việt Nam và ứng dụng trí tuệ nhân tạo, dữ liệu số để góp phần giải quyết bài toán về nâng cao năng suất lao động, phát triển kinh tế số của Việt Nam.

Theo Ban tổ chức, tăng năng suất lao động xã hội là một trong những mục tiêu quan trọng, đã được đặt ra trong các nghị quyết của Đảng. Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ đạo: “Muốn phát triển bền vững, phải dựa vào nguồn lực sẵn có, phát huy tinh thần tự lực, tự cường, tự chủ và không có con đường nào khác là phải tăng năng suất lao động”. Kinh tế số phải trở thành động lực chính cho tăng trưởng nhanh và bền vững, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế.