Bộ trưởng Nông nghiệp đề nghị sử dụng công nghệ cao để dự báo thiên tai

Minh Thùy 13:53, 14/07/2020

Bộ trưởng Bộ NN&PTNN Nguyễn Xuân Cường đề nghị Bộ TN&MT chỉ đạo cơ quan chuyên môn tích hợp, sử dụng công nghệ cao, phân tích đưa ra dự báo độ tin cậy cao, sát thực tiễn về phòng chống thiên tai…

Ngày 13/7, tại thành phố Lào Cai, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai tổ chức Hội nghị Phòng chống thiên tai khu vực miền núi phía Bắc năm 2020.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, Hội nghị là sự kiện quan trọng để các đại biểu cùng thảo luận, phân tích các kết quả cũng như hạn chế của công tác phòng chống thiên tai năm năm 2019 và 6 tháng đầu năm 2020.

Qua đó, đề ra các giải pháp hết sức thiết thực, chủ động ứng phó với các kịch bản bất lợi nhất có thể xảy ra. Trong đó, tập trung ở một số nội dung chính như: Công tác đảm bảo an toàn trước nguy cơ xảy ra mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất; tăng cường năng lực dự báo, cảnh báo; vận hành an toàn hồ chứa, đặc biệt là các hồ xung yếu; tập trung khắc phục hậu quả, tái thiết sau thiên tai,…

Tại Hội nghị, ông Trần Quang Hoài - Phó Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai đã báo cáo công tác phòng chống thiên tai năm 2019, 6 tháng đầu năm 2020 và một số nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm tại khu vực miền núi phía Bắc.

Mùa đông có thể đến sớm hơn

Thông tin tại Hội nghị Phòng chống thiên tai khu vực miền núi phía Bắc năm 2020 (ngày 13/7), Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia cho biết, năm 2019, tại khu vực miền núi phía Bắc đã 74 trận dông, lốc sét; 10 trận lũ quét, sạt lở đất; 04 đợt rét đậm, rét hại; 07 đợt nắng nóng; 09 trận động đất; thiên tai làm 42 người chết và mất tích, thiệt hại ước tính khoảng 753 tỷ đồng. Bên cạnh đó, sự thiếu hụt nguồn nước trên sông Đà đã khiến mực nước tại hồ Hòa Bình thấp kỷ lục trong 30 năm, hồ Sơn La thấp nhất từ năm đưa vào khai thác, vận hành 2011.

Những tháng đầu năm 2020, khu vực đã xảy ra 92 trận dông, lốc, mưa đá, mưa lớn (nhiều hơn tổng số trận của cả năm 2019), trong đó 08 đợt trên diện gây thiệt hại nghiêm trọng về nhà ở với khoảng 54.000 nhà sập, hư hại, tốc mái; 02 trận lũ quét, sạt lở đất; 12 trận động đất, trong đó trận động đất ngày 16/6/2020 tại Mường Tè, tỉnh Lai Châu có độ lớn 4,9; rủi ro thiên tai cấp độ 4. Tính đến ngày 30/6/2020, thiệt hại ước tính khoảng 610 tỷ đồng.

Ngoài ra, diễn biến thiên tai trên thế giới và trong khu vực cũng đang hết sức phức tạp. Đặc biệt là khu vực phía Nam Trung Quốc đã xảy ra mưa lớn kéo dài từ đầu tháng 6 đến nay, gây ngập lụt nghiêm trọng trên diện rộng, làm 130 người chết và mất tích, đe dọa an toàn của đập thủy điện Tam Hiệp trên sông Dương Tử. Đây là  đập thủy điện lớn nhất thế giới, nếu bị sự cố sẽ gây thảm họa đối với khu vực hạ du.

Dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, tháng 7 – 12/2020, có khả năng xuất hiện khoảng 11-13 cơn bão và ATNĐ hoạt động trên khu vực Biển Đông, trong đó có khoảng 05-06 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta, tập trung nhiều ở khu vực Trung Bộ và phía Nam trong những tháng cuối năm 2020.

Trong đó, ở khu vực Bắc Bộ có khả năng chịu ảnh hưởng của 1-2 bão/ATNĐ trong giai đoạn tháng 8 và tháng 9/2020;

Đối với các tỉnh Bắc Trung Bộ (khu vực từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế) trong tháng 9 có khả năng chịu ảnh hưởng của 1-2 ATNĐ, tháng 10 có khả năng chịu ảnh hưởng từ 1-2 ATNĐ.

Đối với khu vực Bắc Bộ, mùa mưa bão tập trung vào giai đoạn từ tháng 8 đến giữa tháng 10. Khu vực Bắc Trung Bộ, mùa mưa bão tập trung giai đoạn từ tháng 9 đến tháng 11.

Trên phạm vi toàn quốc, nhiệt độ trung bình từ tháng 7-9/2020 dự báo phổ biến ở mức cao hơn trung bình nhiều năm cùng thời kỳ khoảng 0,5-1,0 độ C; tháng 10, tháng 11 và tháng 12/2020, nhiệt độ ở Bắc Bộ và Trung Bộ phổ biến ở mức thấp hơn so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ khoảng từ 0,5-1,0 độ C.  

Các đợt nắng nóng còn xảy ra trong tháng 7/2020 ở Bắc Bộ và tháng 7- 8/2020 tại khu vực Bắc và Trung Trung Bộ.

Có khả năng xuất hiện các đợt không khí lạnh sớm hơn so với trung bình nhiều năm, mùa Đông ở Bắc Bộ có khả năng đến sớm và rét sớm hơn so với trung bình nhiều năm.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường

Sử dụng công nghệ cao để đưa ra dự báo tin cậy

Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, thời gian qua, công tác dự báo, cảnh báo được cải thiện (bổ sung nhiều trạm đo mưa tự động, hệ thống cảnh báo lũ quét, sạt lở đất, dự báo định lượng mưa, cảnh báo lũ quét, sạt lở đất tới cấp huyện); công tác nâng cao nhận thức cộng đồng và truyền thông được tăng cường,...

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phòng, chống thiên tai trong khu vực vẫn còn một số tồn tại, hạn chế.

Để khắc phục những khó khăn, tồn tại, trong thời gian tới, Bộ trưởng đề nghị Tổng cục Phòng chống thiên tai (PCTT) tổng hợp các vấn đề diễn ra trong những năm gần đây cùng với các đề xuất tại hội nghị, rà soát xác định đâu hoàn thiện thể chế, đâu là chính sách, đâu là xây dựng Đề án mới để đề xuất kiến nghị với Bộ chính phủ.

Đồng thời, tổng hợp các vấn đề của địa phương, kiến nghị với Bộ, Chính phủ hoàn thiện thể chế, cơ chế, đề án, dự án mới, tổng thể thích ứng, khắc phục.

vnmedia thông tin, đối với các tỉnh miền núi phía Bắc, Bộ trưởng đề nghị khẩn trương ban hành kế hoạch phòng, chống thiên tai, bám sát địa bàn, cụ thể hóa các nhiệm vụ cho ban chỉ huy, văn phòng ban chỉ huy phòng chống thiên tai các cấp theo phương châm 4 tại chỗ, đặc biệt nêu cao tinh thần cảnh giác từ cơ sở.

Sử dụng hiệu quả Quỹ PCTT, kiện toàn, xây dựng Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy PCTT và tìm kiếm cứu nạn cấp tỉnh theo hướng chuyên trách. Củng cố, nâng cao năng lực cơ quan tham mưu các cấp về nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ, đặc biệt là công cụ hỗ trợ ra quyết định, theo dõi giám sát, cơ sở dữ liệu.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo cơ quan chuyên môn cố gắng tích hợp, sử dụng công nghệ cao, phân tích đưa ra dự báo độ tin cậy cao, sát thực tiễn của từng dạng hình thiên tai, đặc biệt thường xuyên xảy ra của vùng vì đây là cơ sở trong cho chỉ đạo điều hành.

Với Bộ công thương, ông Nguyễn Xuân Cường đề nghị các nhóm thủy điện lưu ý 02 mục tiêu, phát huy cao nhất thủy điện nhưng cần đi đôi với đảm bảo an toàn bởi hiện nay đã có quy trình vận hành liên hồ một cách căn cơ.

Đối với khu vực thủy điện nhỏ, chủ đầu tư là các doanh nghiệp nhỏ, cần lưu ý, trong điều kiện đang hạn, khi có mưa lũ, độ dốc cao, dễ xảy ra thảm họa với công trình chứa.

“Những điều kiện đảm bảo cho phục hồi của ngành Công thương là rất lớn như khôi phục điện lưới, quản trị lương thực, thực phẩm, vật tư sau thiên tai. Đề nghị Bộ Công thương rà soát lại các nội dung này.” – Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói.

Với Bộ Quốc phòng, ông Cường đề nghị chỉ đạo Cơ quan thường trực Ủy ban Quốc gia phải có phương án bố trí lực lượng, phương tiện, trang thiết bị phù hợp, tiếp cận, ứng cứu kịp thời; Rà soát các cấp độ đặc biệt nguy hiểm, đề ra phương án ứng phó.

 

Minh Thùy (T/h)