Bộ TT&TT công nhận 2 nền tảng số của MobiFone trở thành nền tảng số quốc gia tiềm năng
Ngày 29/11/2023, tại Hà Nội, Tổng công ty Viễn thông MobiFone đã tổ chức Lễ công bố Quyết định của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) công nhận 2 nền tảng số MobiEdu – nền tảng học trực tuyến và MobiFone Meet - nền tảng họp trực tuyến trở thành nền tảng số quốc gia tiềm năng.
Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng trao giấy chứng nhận hai nền tảng cho MobiFone.
Nền tảng số cần cung cấp như một dịch vụ
Theo đó, trong tháng 11/2023, Bộ TT&TT đã có Quyết định số 2134/QĐ-BTTTT của Bộ TT&TT ngày 03/11/2023 công nhận nền tảng họp trực tuyến MobiFone Meet và Quyết định số 2318/QĐ-BTTTT của Bộ TT&TT ngày 23/11/2023 công nhận nền tảng học trực tuyến mở đại trà MobiEdu của Tổng công ty Viễn thông MobiFone đạt tiêu chí xác định nền tảng số tiềm năng trở thành nền tảng số quốc gia.
Để đạt được công nhận này, hai giải pháp đã đáp ứng được đầy đủ yêu cầu theo bộ tiêu chí tại Văn bản số 1230/QĐ-BTTTT ngày 10/7/2023 của Bộ TT&TT và quy trình xét duyệt, công nhận nền tảng số quốc gia theo Quyết định số 186/QĐ-BTTTT ngày 11/02/2022. Đây là bộ 6 tiêu chí vô cùng nghiêm ngặt về kỹ thuật và phi kỹ thuật (hạ tầng, nền tảng, bảo mật an toàn thông tin, thị phần…) mà ít có sản phẩm nào tại Việt Nam đạt được.
Tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng đánh giá cao những nỗ lực và kết quả của đội ngũ phát triển sản phẩm MobiEdu và MobiFone Meet nói riêng cũng như MobiFone nói chung trong quá trình xây dựng, phát triển và vận hành nền tảng để được công nhận hai nền tảng số là nền tảng số tiềm năng quốc gia.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng phát biểu tại sự kiện.
Thứ trưởng cũng cho biết Bộ TT&TT cam kết thúc đẩy, hỗ trợ MobiFone để hai nền tảng số này nhanh chóng chiếm lĩnh 30% thị phần trong năm 2024 và tiến tới 50% thị phần. “Đạt được tỷ lệ này là một kỳ tích mà để làm được điều này cần sự nỗ lực, quyết tâm lớn của MobiFone, trong đó cần tìm ra một mô hình kinh doanh phù hợp để bền vững”.
Theo Thứ trưởng, nền tảng số cần cung cấp như là một dịch vụ, giống như việc cung cấp dịch vụ viễn thông như là một dịch vụ đến 100 triệu người dân Việt Nam hay giống như dịch vụ điện, nước. Đặc biệt, Thứ trưởng yêu cầu hai nền tảng cần chinh phục “trái tim” và sự yêu quý của người như là một dịch vụ cơ bản như là dịch vụ viễn thông của MobiFone.
Ông Nguyễn Hồng Hiển, Chủ tịch HĐTV MobiFone chia sẻ tại sự kiện.
Khẳng định thêm những nỗ lực của MobiFone trong phát triển nền tảng, ông Nguyễn Hồng Hiển, Chủ tịch HĐTV MobiFone cho biết: Với sứ mệnh “Nâng tầm cuộc sống”, dựa trên 5 trụ cột chính là “Khách hàng – Sản phẩm – Công nghệ - Vận hành – Năng lực”, MobiFone đặt cho mình mục tiêu “giữ vững viễn thông – tấn công không gian mới”, phát triển kinh doanh hạ tầng số - nền tảng/giải pháp số - nội dung số; xây dựng hệ sinh thái số MobiFone ngày càng hoàn chỉnh, mạnh mẽ.
MobiFone cũng đặt mục tiêu đón đầu công nghệ để đáp ứng, kiến tạo các nhu cầu trong nền kinh tế số, đời sống số của khách hàng; tập trung đầu tư phát triển và kinh doanh các nền tảng (platform) công nghệ mới, khai thác công nghệ như một loại dịch vụ (technology as a service) để nâng cao chất lượng cuộc sống, làm phong phú thêm trải nghiệm của người dùng.
Dấu mốc khẳng định sự trưởng thành, phát triển, hướng đi có hiệu quả của MobiFone
Sự kiện công nhận hai giải pháp MobiFone Meet và MobiEdu MOOCs đạt tiêu chí Nền tảng số tiềm năng trở thành nền tảng số quốc gia là dấu mốc khẳng định sự trưởng thành, phát triển, hướng đi có hiệu quả của MobiFone trong quá trình tham gia vào công cuộc chuyển đổi số của đất nước, thực hiện có hiệu quả “Chương trình thúc đẩy phát triển và sử dụng các nền tảng số quốc gia phục vụ chuyển đổi số, phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số” của Bộ TT&TT.
Cục Chuyển đổi số Quốc gia - Bộ TT&TT và MobiFone ký kết chương trình phối hợp triển khai nền tảng trực tuyển mở đại trà MobiEdu.
MobiFone đã và đang nỗ lực nghiên cứu, sáng tạo, thiết kế, làm chủ công nghệ mới, chủ động sản xuất, bắt nhịp với cuộc cách mạng số với tinh thần “Make in Viet Nam”, đem đến đa dạng các giải pháp dành cho doanh nghiệp (DN) và cá nhân, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số diễn ra nhanh hơn, mạnh hơn ở 5/6 nhóm nền tảng chuyển đổi số quốc gia, bao gồm các nhóm nền tảng: Nền tảng hạ tầng số, nền tảng chính phủ số, nền tảng chuyển đổi số cho lĩnh vực y tế - giáo dục - văn hóa - xã hội, nền tảng tài chính - ngân hàng - kinh doanh, nền tảng nông nghiệp - giao thông - kho vận - công thương.
Các đại biểu chụp hình lưu niệm tại sự kiện.
Được Chính phủ giao trọng trách đầu tàu, hướng dẫn, dẫn dắt các thành phần khác trong chuyển đổi số quốc gia, chuyển đổi số DN và chuyển đổi số xã hội, MobiFone đã hoàn thiện và thương mại hóa thành công nhiều giải pháp mang tính chuyển đổi số toàn diện cả trong quản trị và vận hành DN.
MobiFone Meet là nền tảng họp trực tuyến thế hệ mới của MobiFone, cho phép người dùng tổ chức các cuộc họp trực tuyến với đồng nghiệp, đối tác và khách hàng mọi lúc, mọi nơi, trên bất cứ thiết bị nào có kết nối Internet.
MobiFone Meet từng bước đạt được dấu ấn với tổng số hơn 1.500.000 cuộc họp, hơn 3.579 cuộc họp hàng ngày, được tin dùng bởi nhiều DN, tập đoàn lớn hàng đầu tại Việt Nam, trong đó hầu hết khách hàng đánh giá các cuộc họp an toàn và bảo mật.
Bên cạnh những giải pháp công nghệ đặc thù cho DN, MobiFone cũng phát huy trọng trách dẫn dắt chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục với hệ sinh thái MobiEdu, đem tới bộ giải pháp chuyển đổi số giáo dục ưu việt gồm: các Giải pháp số quản lí đào tạo cho trường học/DN, Hệ thống nội dung học tập đồ sộ cho người học và Hệ thống ôn luyện, thi cử trên website MobiEdu.
Trong đó, nền tảng học trực tuyến mở đại trà MobiEdu (MobiEdu MOOCs) là nền tảng kết hợp giữa hệ thống LMS, nền tảng học đại trà trực tuyến mở MOOCs và các lớp liveclass. Giải pháp này đáp ứng được nhu cầu của cả người dạy, người quản lý lẫn người học.
Với những tính năng bổ sung được cập nhật như tính năng chống tua, tính năng phân quyền và quản lý theo từng cấp, MobiEdu MOOCs đã vinh dự được Chính phủ lựa chọn làm sản phẩm hỗ trợ Chính phủ Lào trong hành trình chuyển đổi số giáo dục./.
Theo http://mic.gov.vn