Bộ TT&TT yêu cầu Netflix gỡ bỏ các nội dung xuyên tạc lịch sử và chủ quyền
Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử đã gửi công văn yêu cầu Netflix gỡ các nội dung xuyên tạc lịch sử, chủ quyền khi cung cấp dịch vụ truyền hình tại Việt Nam.
Mới đây, Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử (Cục PTTH&TTĐT) thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông đã có công văn yêu cầu Công ty Netfix tuân thủ quy định pháp luật Việt Nam khi cung cấp dịch vụ truyền hình tại Việt Nam.
Theo Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử, công ty Netflix hiện đang cung cấp hàng nghìn nội dung gồm các thể loại phim, trong đó có cả phim tài liệu lịch sử, các chương trình trò chơi truyền hình, chương trình truyền hình thực tế, phóng sự điều tra… được chuyển ngữ tiếng Việt, hướng tới người dùng là người Việt Nam, có thu tiền thuê bao định kỳ hàng tháng tại Việt Nam. Tuy nhiên, báo cáo cho thấy, một số nội dung trên dịch vụ của Netflix cung cấp đến người dùng Việt Nam đang vi phạm các quy định pháp luật hiện hành của Việt Nam.
Các nội dung vi phạm bao gồm: nội dung xuyên tạc lịch sử trong phim tài liệu Vietnam War, nội dung xuyên tạc về chủ quyền Việt Nam trong phim điện ảnh Madam Secretary, nội dung mô tả hình ảnh bạo lực, sử dụng ma túy, khiêu dâm trong các bộ phim điện ảnh, phim truyền hình Polar, After Porn End, 365 Days…
Theo Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử, các nội dung này đã không được biên tập để phù hợp truyền thống văn hóa, thuần phong mỹ tục Việt Nam. Ngoài ra, việc chuyển ngữ tiếng Việt trong các nội dung này sử dụng từ ngữ thô tục, phá hoại tính trong sáng của tiếng Việt không phù hợp với đối tượng khán giả là trẻ em.
Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử yêu cầu công ty Netflix chấm dứt hoạt động chuyển ngữ tiếng Việt, gỡ bỏ các nội dung xuyên tạc lịch sử, xuyên tạc chủ quyền, khiêu dâm, vi phạm thuần phong mỹ tục Việt Nam trên kho nội dung đang cung cấp đến người dùng Việt Nam. Cục cũng nhấn mạnh, nếu có nhu cầu tham gia thị trường dịch vụ truyền hình tại Việt Nam một cách hợp pháp, Netflix cần thực hiện đầy đủ các thủ tục đề nghị cấp giấy phép theo quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam.
Theo quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam, việc cung cấp dịch vụ truyền hình có thu tiền thuê bao định kỳ là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, các doanh nghiệp phải có Giấy phép trước khi cung cấp dịch vụ. Nội dung trên dịch vụ phải tuân thủ các yêu cầu về biên tập nội dung trước khi cung cấp đến người dùng/thuê bao theo quy định pháp luật về báo chí, điện ảnh, cụ thể:
Luật Trẻ em quy định:
- Nghiêm cấm việc cung cấp dịch vụ Internet phục vụ đối tượng trẻ em nhưng có nội dung ảnh hưởng đến phát triển lành mạnh của trẻ em.
- Khi tham gia thị trường, doanh nghiệp phải thực hiện đầy đủ quy trình, tiêu chuẩn để đảm bảo cung cấp sản phẩm, dịch vụ an toàn, thân thiện với trẻ em, không gây tổn hại cho trẻ em.
Luật Báo chí quy định:
- Doanh nghiệp có nhu cầu cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền phải được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp giấy phép, nội dung cung cấp trên dịch vụ phải tuân thủ quy định về quản lý nội dung theo pháp luật về báo chí, điện ảnh.
- Nghiêm cấm các doanh nghiệp cung cấp những nội dung kích động chiến tranh, vi phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam, kích động bạo lực, tuyên truyền lối sống đồi trụy, mô tả tỉ mỉ những hành động dâm ô, hành vi tội ác, thông tin không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam, thông tin ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường về thể chất và tinh thần của trẻ em.
Luật Điện ảnh quy định:
- Doanh nghiệp phổ biến phim (cung cấp phim tới người xem) trên Internet phải thực hiện theo quy định của Luật Điện ảnh, chỉ được phổ biến khi có Giấy phép phổ biến của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về điện ảnh hoặc có quyền quyết định phát sóng của Giám đốc Đài truyền hình, Giám đốc Đài phát thanh - truyền hình.
- Doanh nghiệp không được cung cấp những phim có quyết định cấm phổ biến, có nội dung tuyên truyền chống lại Nhà nước Việt Nam, kích động bạo lực, lối sống dâm ô, đồi trụy, hành vi tội ác, phá hoại thuần phong mỹ tục Việt Nam, cho phép trẻ em xem loại phim cấm trẻ em.
Thùy Chi (t/h)