Các hãng game offline đang ngày càng tham lam

10:00, 12/03/2013

Nhiều hãng sản xuất game offline lớn trên thế giới đang có những dấu hiệu muốn bòn rút túi tiền của game thủ qua các thay đổi phương thức bán game.

Lâu nay vấn đề “hút máu” của các hãng game offline luôn gây nhiều bức xúc cho người chơi, các hãng này không ngừng sáng tạo hoặc thu mua các doanh nghiệp nhỏ thành công cùng những sản phẩm của các doanh nghiệp này nhằm thao túng độc quyền những tựa game “cực phẩm”. Sau khi có trong tay hầu hết những game không thể thiếu mà người chơi khát khao, họ bắt đầu gom tiền từ game thủ với nhiều cách tinh vi. Cũng cần phải nói rõ là chuyện các hãng game bán sản phẩm của mình cho người chơi lấy tiền trang trải cho chi phí và lợi nhuận công ty là một điều chính đáng, tuy nhiên cái cách mà họ thu tiền càng lúc càng làm game thủ khó chịu.


Bạn bỏ tiền ra mua game nhưng muốn tặng, cho, bán lại phải đóng phí cho hãng game.

Chỉ mới trong năm 2012 vừa qua, khi các hệ console mới đang đến kỳ phải ra mắt (vòng đời của console được dự đoán là 5 năm) như Playstation 4 và Next Xbox (chưa có tên chính thức) thì các hãng game cũng rục rịch tuyên bố họ mong muốn kiểm soát việc bán game cũ. Đối với game thủ việc bán lại đĩa game cũ cho bạn bè là một phương pháp hay để có nguồn tiền mua game mới tiếp theo, tuy nhiên nhà sản xuất quan niệm như vậy là họ bị lỗ doanh thu. Hầu hết các hãng game lớn đều có chung nhận định là nên “thu phí” game cũ, tức là khi cho đĩa game vào một máy console không giống máy đã từng play nó, nhà sản xuất sẽ thu một mức phí nhất định mới cho chơi game. Cách “tận thu” này vấp phải phản ứng dữ dội từ cộng đồng game thủ và sau khi Playstation 4 công bố, nhà sản xuất phải trấn an thêm rằng họ không hề kèm chức năng như vậy vào chiếc máy này.


Với mức phí 1 USD mỗi giao dịch vật phẩm và 15% giá bán cho nguyên liệu, Blizzard lãi to.

Sau ván bài thử không thành công, các hãng game tiếp tục quay sang kiểu bòn rút mới. Ý tưởng lần này có vẻ bắt nguồn từ Diablo III của Blizzard. Ý tưởng ban đầu của nhà đấu giá tiền thật trong game này là nhà sản xuất sẽ thu một mức phí nhỏ mỗi khi một vật phẩm được bán thành công trong nhà đấu giá. Vấn đề chính là sự “đẻ” tiền vô tận của cách thu phí này, mỗi item có thể trao tay nhiều người, nhất là các item “xịn” vừa lưu thông qua nhiều người vừa có giá cao dẫn đến thu phí cao. Thử tưởng tượng Blizzard tạo một món đồ có thông số cao với mức phí tối thiểu 1 USD/giao dịch chỉ cần nó truyền qua tay 50 người là xem như họ lãi tương đương việc bán được 1 bản game nữa. Nếu bạn một lần vào nhà đấu giá chắc bạn sẽ thấy số lượng item được bán ở đây nhiều đến mức nào và Blizzard hốt bạc bao nhiêu với ý tưởng này mỗi ngày.

Tuy vậy, cách kiếm tiền này của Blizzard dù sao cũng dễ được chấp nhận từ phía game thủ, nhưng với ông lớn Electronic Art (EA) thì lại khác. Hãng này đưa ra một phương pháp bán game mới, đó là bán sản phẩm game như cũ kèm theo cash shop bán những món đồ nhu yếu phẩm hoặc item mạnh. Dead Space 3 là một trong những tựa game được áp dụng hình thức này và EA thẳng thừng tuyên bố từ nay các game của họ sẽ áp dụng hình thức mới này.


Trả 60 USD mua game rồi phải trả thêm 5 USD để có nguồn nguyên liệu chế đồ nhiều hơn.

Hình thức này rõ ràng có lợi lớn cho nhà sản xuất, nhưng nó có lợi gì cho game thủ ? Chẳng có lợi chút nào thậm chí còn bị thiệt nặng. Nếu trước đây bạn phải bỏ ra 60 USD để mua một game cao cấp hoặc 30 – 50 USD cho một game tầm trung và thoải mái thưởng thức mọi thứ trong game. Các nguyên liệu, nhu yếu phẩm, item xịn drop một cách vô tư trong game cho bạn xài chỉ cần biết cách và nơi để kiếm nó. Nhưng hôm nay, bạn vẫn phải bỏ ra ngần ấy tiền cho một game nhưng các tỷ lệ rớt đồ xịn và nhu yếu phẩm giảm xuống (nếu không cash shop bán cho ai ?) và bạn phải móc thêm tiền trả cho hãng game nếu muốn chơi game thoải mái hơn, điều mà trước đây game cho miễn phí.


Độ khó của game offline không còn dựa vào kỹ năng người chơi nữa mà giờ dựa vào túi tiền.

Rõ ràng với lợi thế nắm trong tay nhiều tựa game hay, các hãng game offline đang lộ rõ dã tâm muốn vắt kiệt tiền của game thủ, bắt họ phải trả nhiều hơn số tiền mà bình thường họ vẫn trả cho các nhà sản xuất. Người chơi nhất là các fan đam mê những dòng game có lịch sử sẽ không còn lựa chọn nào khác là phải đưa thêm tiền để có game chơi, rõ ràng bạn không thể nhịn chơi khi có phiên bản tiếp theo của dòng game mình yêu thích ra đời. Các con buôn game cứ thế lại có đà để bòn rút tiền ngày càng trắng trợn hơn.

Tình trạng này chỉ có thể chấm dứt khi game thủ “dám” tẩy chay những game được làm theo kiểu “hút máu”. Thường thì game thủ rất hăng hái tẩy chay các game có nội udng không như họ mong đợi, sự sụp đổ của Final Fantasy XIV là một ví dụ, nhưng họ lại không có can đảm tẩy chay một game có nội dung hay nhưng đòi hỏi họ phải trả thêm quá nhiều tiền để có thể chơi.

Theo game8

TIN LIÊN QUAN