Các nền tảng di động mới ghi điểm?

00:00, 28/04/2010

Cũng giống như các mẫu smartphone mới, những nền tảng di động (mobile platform) luôn được mong chờ bởi chúng chính là “trái tim” của những dòng điện thoại mới nhất hiện nay. Những nền tảng di động mới như: Samsung Bada OS, Symbian S^3, Windows Phone 7 chắc chắn sẽ là điểm nhấn mới trong thời gian tới…

Samsung Bada OS

Bada là nền tảng di động được Samsung phát triển, và được công bố lần đầu vào tháng 11/2009, và lần gần đây nhất là tháng 2/2010. Với Bada, Samsung đang cố cạnh tranh với các nền tảng di động “đại gia” như Windows Mobile của Microsoft và Android của Google. Nếu xét về bản chất thì Bada có nhiều nét tương đồng với các ứng dụng phần mềm mà Samsung sử dụng trước đây vì chúng cùng sử dụng chung giao diện TouchWiz. Tuy vậy, với Bada, các nhà phát triển có thể viết được ứng dụng riêng cho nền tảng này thông qua gói phát triển phần mềm (SDK) mà Samsung phát hành kèm hệ điều hành di động này.

Giao diện của Bada trông khá giống với những chiếc điện thoại TouchWiz trước đây của Samsung, nhưng chúng đồng thời cũng mang những nét hiện đại của các thiết kế giao diện Android hay iPhone OS. Bada cũng có nhiều màn hình chính (home screen) mà người dùng có thể thêm bớt tùy ý. Các tiện ích nhỏ (widget) kèm theo máy hoặc download trên mạng cũng rất sẵn và luôn trong trạng thái sẵn sàng hoạt động.

Nếu nhấn vào nút menu, người dùng sẽ được chuyển tới màn hình ứng dụng chính. Cách trình bày này giống với màn hình ứng dụng của iPhone. Các màn hình chính có thể di chuyển theo chiều dọc, và bạn có thể sắp xếp lại các biểu tượng ứng dụng bằng cách nhấn giữ và di chuyển chúng. Bada cũng có một khay thông báo giống như kiểu Android và có thể truy cập vào chúng bằng cách trượt từ trên xuống dưới. Từ đây, bạn có thể quản lý được tất cả các thông báo của điện thoại, cũng như kích hoạt hoặc vô hiệu hóa các tính năng như Wi-Fi hoặc Bluetooth (Android không có tính năng này).

Bada hỗ trợ cảm ứng đa chạm, và người dùng có thể sử dụng 2 ngón tay để phóng to, thu nhỏ ảnh khi cần thiết. Thử nghiệm cho thấy, Bada chạy khá trơn tru trên chiếc smartphone Wave mới nhất của Samsung. Tuy nhiên, cấu hình phần cứng của Wave khá mạnh nên người ta cũng chưa dám chắc hệ điều hành này có hoạt động ổn định trên những phần cứng “khiêm tốn” khác hay không.

Cho tới nay, vẫn chưa có dấu hiệu gì cho thấy Samsung sẽ hỗ trợ các hệ điều hành khác như Symbian hay Android. Điều này cho thấy Bada có thể sẽ là công cụ cạnh tranh với các đối thủ như Nokia, LG hay Apple. Nếu xét về khả năng hỗ trợ các nền tảng di động thì có lẽ 3 “đại gia” này vẫn chưa thể sánh với Samsung.

Symbian S^3

Symbian S^3 là phiên bản kế thừa của hệ điều hành di động Symbian S60 5th Edition hiện nay. Thay vì thực hiện một cuộc cải tổ toàn diện như Microsoft đã làm với Windows Phone 7 Series thì Nokia chỉ nâng cấp một phần tính năng. Chẳng hạn như về giao diện – vẫn giống với phiên bản S60 5th Edition hiện tại, chẳng khác gì nhiều. Còn màn hình chính thì có 3 màn hình (giống Android). Việc hỗ trợ widget cũng khá đầy đủ và bạn có thể đặt một số widget cùng khởi động với điện thoại. Ngoài ra, bạn cũng có thể download và cài đặt thêm các widget khác tùy ý cho điện thoại.

Một trong những nâng cấp đáng kể khác trong Symbian S^3 phải kể đến việc người dùng sẽ chỉ cần gõ duy nhất 1 lần để chọn lựa ứng dụng chứ không phải gõ 2 lần như trước đây. Thêm vào đó, việc hỗ trợ cảm ứng đa chạm cũng giúp Symbian S^3 tăng thêm những trải nghiệm thú vị cho người dùng.

Nếu như trước đây hỗ trợ đa tác vụ là điểm nhấn của Symbian thì nay chúng lại càng được cải tiến mạnh mẽ hơn trong S^3. Với hệ điều hành mới này, bạn có thể thực hiện nhiều tác vụ ảo cũng lúc, và màn hình sẽ hiển thị tất cả những ứng dụng đang mở theo danh sách chiều ngang để bạn có thể di chuyển một cách dễ dàng và thông suốt hơn.

Máy nghe nhạc trong S^3 cũng được nâng cấp. Chế độ hiển thị album theo chiều ngang giúp cung cấp nhiều thông tin hơn về bài hát. Trong S^3, chức năng đài FM được tăng thêm khả năng nhận dạng bài hát bằng cách tìm kiếm chúng trên mạng hoặc có thể mua trực tiếp từ kho ứng dụng. Phần tuyệt nhất của S^3 chính là chúng được phát triển hoàn toàn trên nguồn mở nên người dùng dùng có thể thoải mái chỉnh sửa theo cách họ muốn.

Windows Phone 7 Series

Không phải tới giờ Microsoft mới trình làng hệ điều hành di động mới. Hãng này đã từng có Windows Mobile nhưng OS này lại là một trong số những hệ điều hành kém thân thiện nhất. Xét trong bối cảnh đó, có lẽ sự cải tiến mà Microsoft mang lại cho Windows Phone 7 Series là đáng ngạc nhiên nhất, bởi mọi thứ đều được làm mới hoàn toàn, từ giao diện đến trình màn hình chính. Giao diện của Windows Phone 7 Series trông rất tuyệt, trong khi trình nghe nhạc được vay mượn từ thiết kế của Zune HD. Màn hình chính bao gồm các tiêu đề chỉ những dữ liệu quan trọng, trong khi màn hình ứng dụng được thiết kế theo kiểu danh sách chứ không phải các lưới icon như trên Android.

Windows Phone 7 được dựng mới từ đầu và không có bất cứ dính dáng nào đến Windows Mobile. Do đó, những ứng dụng chạy trên hệ điều hành cũ trước đây có thể sẽ không tương thích với Windows Phone 7, tuy vậy sẽ có những ứng dụng đồng bộ tốt hơn với thiết kế mới và có thể tận dụng những tính năng mới trong OS này.

Trái với mong đợi, Windows Phone 7 không hỗ trợ tác vụ đa nhiệm, vì do vậy người dùng sẽ không thể chạy được nhiều ứng dụng cùng lúc để chuyển đổi qua lại giữa chúng. Với Windows Phone 7, bạn chỉ có thể chạy một số ứng dụng nhất định cùng lúc, chẳng hạn như vừa lướt Web vừa nghe nhạc (giống như kiểu iPhone). OS di động mới của Microsoft có máy nhạc Zune (xem cả video), hỗ trợ cảm ứng đa chạm, và kết nối trực tiếp tới dịch vụ Xbox Live để chơi game.

Một thay đổi quan trọng khác mà Microsoft đã thực hiện với Windows Phone 7 chính là việc hãng này không cấp phép hệ điều hành cho bất cứ nhà sản xuất thiết bị nào. Điều đó có nghĩa việc chọn lựa đối tác phát triển sẽ chỉ do Microsoft quyết định. Trong số các đối tác đó có Dell, Garmin-Asus, HTC, HP, LG, Samsung, Sony Ericsson, và Toshiba.

Microsoft cũng đồng thời thiết lập những giới hạn phần cứng mà điện thoại buộc phải tuân thủ khi chạy trên nền tảng hệ điều hành mới này. Chẳng hạn như tất cả thiết bị buộc phải có độ phân giải WVGA (480 x 800), và màn hình phải hỗ trợ cảm ứng đa chạm 4 điểm. Ngoài ra, điện thoại sẽ chỉ có 5 nút chính: Start, Back, Search, camera và nguồn. Lý do cho việc làm này là Microsoft muốn kiểm soát tốt hơn chất lượng thiết bị chạy trên OS mới của hãng. 

Microsoft cũng sẽ tích hợp trình duyệt Internet Explorer (IE) cho Windows Phone 7, nhưng thật không may đây không phải là trình duyệt tốt nhất cho nền tảng di động. Trong khi đó, Windows Phone 7 lại không hỗ trợ Flash nên bạn sẽ không thể duyệt được những trang web có thiết kế flash.

Vân Ngọc

TIN LIÊN QUAN