Các nước truy vết tiếp xúc người nhiễm Covid-19 như thế nào?

Thùy Chi 13:34, 18/08/2020

Giống với ứng dụng Bluezone của Việt Nam, nhiều ứng dụng truy vết tiếp xúc đang được các quốc gia khác trên thế giới triển khai nhằm kiểm soát tốt hơn nguy cơ lây lan dịch COVID-19. Nhưng liệu các ứng dụng này có đảm bảo tính bảo mật cho người dùng như Bluezone?

Mới được tung ra hồi tháng 7, ứng dụng COVID Tracker của Ireland đã thu hút 1,3 triệu lượt tải chỉ trong hơn 1 tuần (tức chiếm gần 1/3 dân số) – tần suất tải về nhanh nhất tính trên đầu người tại châu Âu. Ứng dụng Corona-Warn-App của Đức cũng đã thu về 13 triệu lượt tải sau 3 tuần ra mắt. Thủ tướng Angela Merkel đã gọi đây là một "công cụ quan trọng" nhằm "chặn đứng chuỗi lây nhiễm" COVID-19 tại Đức.

Ứng dụng Corona-Warn-App của Đức

Ngay từ khi bắt đầu phát triển, các ứng dụng truy vết đã phải đối mặt với nhiều câu hỏi về độ bảo mật, khi ứng dụng này sẽ thu thập và lưu trữ các thông tin về đi lại, tiếp xúc, và cả thông tin y tế của người dùng. Tuy nhiên đa số các ứng dụng truy vết hiện nay đều phát triển dưới hình thức mã nguồn mở để đảm bảo tính minh bạch.

Singapore hiện cũng đang sử dụng ứng dụng mang tên Trace Together, có khả năng trao đổi tín hiệu Bluetooth với các điện thoại trong vòng gần 2 m. khi một người được xác nhận nhiễm COVID-19, Bộ y tế Singapore sẽ yêu cầu thông tin từ điện thoại của người đó được gửi đến họ và người đó buộc phải tuân thủ điều này. Dữ liệu được lưu trữ trên điện thoại của cá nhân sẽ được mã hóa và ứng dụng sẽ không thể truy cập dữ liệu vị trí của người dùng.

TRACE TOGETHER của Singapore

TRACE TOGETHER của Singapore

Theo thống kê từ đại học MIT (Mỹ), hiện đã có khoảng hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ triển khai các ứng dụng truy vết thông tin chính thức. Như các chuyên gia đã khuyến cáo, không thể phóng đại sức mạnh và tầm quan trọng của ứng dụng truy vết so với các biện pháp phòng dịch khác. Nhưng khi được ứng dụng hợp lý, bảo mật tốt và được số đông người dân quan tâm, đây có thể là một công cụ hữu ích không chỉ trong cuộc chiến chống COVID-19, mà còn chống các dịch bệnh tiềm tàng trong tương lai.

Thùy Chi (T/h)