Các "ông lớn" công nghệ phản đối Luật An ninh tại Hong Kong

Thùy Dung 08:03, 10/07/2020

Luật An ninh Quốc gia mới của Hong Kong sẽ đẩy mạnh sự giám sát kỹ thuật số tại đặc khu hành chính này, với những biện pháp nghiêm ngặt mới. Tuy nhiên, Một loạt các "gã khổng lồ" công nghệ như Gmail, Facebook, Twitter...đã lên tiếng phản đối luật này.

Các công ty công nghệ nước ngoài đã đồng loạt phản đối đạo luật này, trong đó Facebook, Twitter và Google là những bên đã lên tiếng rằng họ sẽ ngừng cung cấp các dữ liệu thông tin mà chính quyền yêu cầu.

Cụ thể, Facebook, WhatsApp, Twitter, Google và Telegram cho biết, họ đang "tạm dừng" hợp tác với chính quyền Hong Kong và các cơ quan thực thi pháp luật trong việc cung cấp thông tin người dùng.

Thông báo của các công ty nói trên có thể gây sức ép khiến Apple cũng sẽ làm điều tương tự. Tại Trung Quốc, dịch vụ của Facebook, WhatsApp, Twitter, Google và Telegram bị chặn, còn Apple thì không. Facebook, Google và Twitter vẫn có doanh thu từ việc bán quảng cáo cho khách hàng Trung Quốc.

Theo báo cáo mới nhất của Apple, tập đoàn này đã tuân thủ phần lớn các yêu cầu mà công ty này nhận được từ chính quyền Hong Kong trong khoảng thời gian từ tháng 1/6/2020, trước khi luật an ninh quốc gia của Trung Quốc có hiệu lực.

Microsoft - cũng cung cấp thông tin người dùng cho chính quyền Hong Kong - hiện vẫn chưa thông báo sẽ có thay đổi nào trong chính sách này.

Telegram - ứng dụng chat có trụ sở ở London là công ty đầu tiên công bố kế hoạch tạm dừng hợp tác - tuyên bố với báo chí Hong Kong ngày 5/7 nêu rõ: “Chúng tôi hiểu quyền riêng tư của người dùng Hong Kong. Telegram không có ý định xem xét bất kỳ yêu cầu dữ liệu nào liên quan đến người dùng Hong Kong cho đến khi đạt được sự đồng thuận quốc tế liên quan đến những thay đổi chính trị đang diễn ra trong thành phố”.

Trong khi đó, người phát ngôn của Facebook trong một thông cáo cho biết việc “tạm ngừng hợp tác” sẽ diễn ra trong khi chờ đánh giá thêm về Luật An ninh Quốc gia mà Trung Quốc mới áp đặt đối với Hong Kong, và sẽ có sự tham vấn chính thức các chuyên gia nhân quyền.

Thông cáo của Facebook khẳng định: “Chúng tôi tin quyền tự do ngôn luận là quyền cơ bản của con người và chúng tôi ủng hộ việc mọi người có quyền bày tỏ chính kiến mà không phải lo sợ cho sự an toàn của bản thân hoặc những hậu quả khác”.

Một loạt các "gã khổng lồ" công nghệ như Gmail, Facebook, Twitter...đã lên tiếng phản đối đạo luật.

WhatsApp - thuộc sở hữu của Facebook - cho biết họ “tin tưởng rằng mọi người có quyền trò chuyện riêng tư trên mạng”, và “chúng tôi vẫn cam kết cung cấp dịch vụ nhắn tin riêng tư và an toàn cho người dùng ở Hong Kong”. Hiện cả Facebook và WhatsApp đều bị chặn ở Trung Quốc Đại lục, nhưng vẫn được sử dụng ở Hong Kong nhờ quyền tự do mà thành phố này được hưởng với vai trò là một khu vực hành chính đặc biệt.

Google và Twitter cho biết họ đã ngừng đáp ứng bất kỳ yêu cầu cung cấp dữ liệu mới nào kể từ khi luật an ninh quốc gia có hiệu lực vào tuần trước.

Tờ SCMP cho biết, nhóm quyền kỹ thuật số ProPrivacy đã gọi hành động của Facebook là “một chiến thắng cho cả quyền riêng tư và quyền con người trong khu vực. Với số tiền phạt quá cao, và các hình phạt rất nghiêm trọng, thật tuyệt vời khi thấy các công ty công nghệ lớn như WhatsApp phản đối luật này qua việc ủng hộ dân chủ và tự do ngôn luận”.

ProPrivacy cũng lưu ý hành động này có thể dẫn đến việc WhatsApp bị chặn ở Hong Kong vì nó đã bị chặn ở Trung Quốc Đại lục.

Đáng chú ý, các công ty cung cấp công cụ mạng VPN - theo đó có thể giúp truy cập Internet an toàn hơn nhờ lập địa chỉ mạng ảo - đã báo cáo số lượt tải về tăng đột biến kể từ khi luật an ninh mạng được công bố.

 

Thùy Dung