Cách Malaysia phủ sóng 5G toàn quốc
Đến cuối năm 2024, tỷ lệ kết nối 5G của Malaysia đã đạt 41,9%, cho thấy mức độ phổ cập công nghệ mạng ngày ngày càng cao tại quốc gia này…
Tốc độ mạng di động của Malaysia ghi nhận đã được cải thiện nhanh chóng kể từ khi bắt đầu triển khai công nghệ 5G. Từ quý 1/2023 đến quý 4/2024, theo dữ liệu của SpeedTest, tốc độ tải xuống trung bình của nước này đã tăng 2,3 lần từ 45,57 Mbps lên 105,36 Mbps. Tốc độ tải lên cũng tăng từ 12,84 Mbps lên 19,62 Mbps.
Chiến lược Jendela
Đáng chú ý, trọng tâm của chiến lược phủ sóng 5G của Malaysia là chương trình Jalinan Digital Negara (JENDELA), với mục tiêu mở rộng vùng phủ sóng 4G, cải thiện tốc độ internet di động và tạo nền tảng cho việc triển khai 5G.
Tốc độ mạng di động Malaysia (Quý 1/2023 - quý 4/2024) - Ảnh: Ookla
Giai đoạn 1 của JENDELA, hoàn thành vào năm 2022, tập trung vào việc nâng cấp mạng 4G và dừng cung cấp dịch vụ 3G. Kết quả cuối giai đoạn này, mạng 4G đã phủ sóng 96,9% khu vực đông dân cư của Malaysia, với tốc độ internet di động trung bình đạt 116,03 Mbps. Giai đoạn 2 (2022–2025) tiếp tục đẩy mạnh việc mở rộng hạ tầng, đặt mục tiêu nâng tốc độ trung bình lên 100 Mbps, đạt 100% phủ sóng 4G và mở rộng 5G đến 80% dân số.
Kết quả này phần lớn nhờ vào Digital Nasional Berhad (DNB) – từng là đơn vị vận hành mạng 5G duy nhất của Malaysia. Đến tháng 12/2023, DNB đã hoàn thành mục tiêu phủ sóng 5G tới 80,2%. Bên cạnh đó, theo GSMA Intelligence, tỷ lệ kết nối 5G tại Malaysia đã tăng mạnh từ 6,7% trong quý 1/2023 lên 21,7% vào cuối năm 2023, và tiếp tục đạt 41,9% vào quý 4/2024.
Nhờ việc cung cấp các gói cước 5G với giá cả hợp lý, cùng phủ sóng các trạm kết nối nhanh chóng, nhu cầu kết nối internet tốc độ cao của người dân lẫn doanh nghiệp Malaysia đang tăng lên nhanh chóng.
Dữ liệu từ quý 1/2023 đến quý 4/2024 cho thấy sự thay đổi rõ rệt trong cách triển khai mạng 5G trên khắp Malaysia. Đầu năm 2023, mạng 5G chủ yếu được xây dựng tại các thành phố lớn và trung tâm đô thị, với Putrajaya (35,4%), Lãnh thổ Liên bang Kuala Lumpur (29,3%) và Johor (18%) là những nơi có mức độ phủ sóng cao nhất. Điều này dễ hiểu vì các khu vực đông dân cư mang lại lợi nhuận đầu tư nhanh hơn và có nhu cầu sử dụng cao từ doanh nghiệp lẫn người dân.
Malaysia đã đẩy mạnh phủ sóng 5G vùng nông thôn
Tuy nhiên, đến giữa năm 2023, trọng tâm triển khai công nghệ mạng 5G của Malaysia bắt đầu dịch chuyển sang các bang nhỏ hơn và khu vực nông thôn. Điều này được phản ánh qua sự gia tăng đáng kể về mức độ sẵn có của 5G tại các khu vực như Lãnh thổ Liên bang Labuan (+34,4%), Penang (+20,8%), Kedah (+19,1%) và Terengganu (+18,4).
Xu hướng này hoàn toàn phù hợp với mục tiêu của JENDELA ở Giai đoạn 2, hướng đến việc mở rộng mạng lưới 5G trên toàn quốc, giúp thu hẹp khoảng cách số giữa khu vực thành thị và nông thôn.
Trong khi đó, các thành phố lớn vẫn tiếp tục ghi nhận mức tăng trưởng ổn định về độ phủ sóng 5G, nhưng với tốc độ chậm hơn do đã đạt mức phủ sóng cao từ sớm. Chẳng hạn, Putrajaya và Kuala Lumpur chỉ tăng lần lượt 16,1% và 10,4%, phản ánh việc các khu vực này đang tập trung vào việc nâng cao chất lượng mạng thay vì mở rộng vùng phủ sóng.
Chiến lược triển khai này cho thấy sự cân bằng trong cách tiếp cận của Malaysia – vừa đảm bảo hạ tầng 5G vững chắc tại đô thị, vừa mở rộng kết nối đến các khu vực ít phát triển hơn, nhằm hướng đến một hệ sinh thái số toàn diện trên cả nước.
Hiệu suất tăng trưởng mạng 5G tại các tiểu bang tại Malaysia - Ảnh: Ookla.
Đáng ngạc nhiên là dữ liệu quý 4/2024 cho thấy sự khác biệt rõ rệt về hiệu suất 5G giữa các bang ở Malaysia. Các bang nông thôn như Kelantan, Terengganu và Pahang có tốc độ tải xuống 5G trung bình cao nhất, với Kelantan dẫn đầu ở mức 392,04 Mbps, tiếp theo là Terengganu (375,38 Mbps) và Pahang (366,03 Mbps). Tuy nhiên, độ phủ sóng 5G tại các bang này vẫn còn hạn chế, chỉ đạt 18,2% ở Kelantan, 17,3% ở Pahang và 23,4% ở Terengganu.
Ngược lại, các khu vực phát triển hơn như Putrajaya và Lãnh thổ Liên bang Kuala Lumpur có tỷ lệ phủ sóng 5G cao hơn, lần lượt là 51,5% và 39,7%, nhưng tốc độ tải xuống trung bình lại thấp hơn, chỉ đạt 325,47 Mbps ở Putrajaya và 243,21 Mbps ở Kuala Lumpur.
Sự chênh lệch này chủ yếu do mật độ người dùng khác nhau. Ở các bang nông thôn, số lượng thiết bị kết nối 5G ít hơn nên băng thông được chia sẻ ít hơn, giúp tốc độ nhanh hơn. Ngoài ra, mạng 5G tại đây thường chỉ được triển khai tại trung tâm hành chính và các thị trấn lớn, trong khi vùng nông thôn vẫn chưa được phủ sóng rộng rãi.
Ngược lại, tại các thành phố lớn như Kuala Lumpur, Penang và Selangor, dù độ phủ sóng 5G cao hơn, nhưng lượng người dùng đông khiến mạng dễ bị quá tải, dẫn đến tốc độ chậm hơn. Khi ngày càng nhiều người sử dụng 5G, tốc độ mạng có thể sẽ thay đổi tùy vào nhu cầu sử dụng và mức độ mở rộng hạ tầng viễn thông.
Tháng 11/2024, chính phủ Malaysia chuyển sang mô hình hai nhà cung cấp mạng 5G, cho phép U Mobile – nhà mạng di động lớn thứ ba trong nước – tham gia vào thị trường hạ tầng 5G. Động thái này nhằm thúc đẩy cạnh tranh, nâng cao chất lượng dịch vụ và đẩy nhanh tốc độ mở rộng mạng lưới.Việc có hai nhà cung cấp 5G được kỳ vọng sẽ cải thiện chất lượng kết nối, giảm giá thành dịch vụ và đảm bảo hệ thống viễn thông Malaysia hoạt động ổn định hơn, không còn phụ thuộc vào một đơn vị duy nhất.