Cần “bình dân học vụ” về chuyển đổi số trong các bệnh viện

09:57, 12/02/2025

Chuyển đổi số trong các bệnh viện chính là “chìa khoá” mở ra các cơ hội để nâng cao chất lượng việc khám, chữa bệnh và gia tăng các trải nghiệm, sự hài lòng cho người dân…, đồng thời, hướng đến mục tiêu phát triển ngành y tế ngày một thông minh, bền vững.

Vì điều này, các bệnh viện tuyến Trung ương đã luôn đi đầu, tích cực để chuyển đổi số (CĐS) và điển hình cho những kết quả này, bệnh viện Bạch Mai đã trở thành đơn vị tiêu biểu trong việc thực hiện nhiệm vụ quan trọng nêu trên.

Để rõ hơn về điều này, PGS. TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc bệnh viện Bạch Mai đã chia sẻ những kinh nghiệm, kết quả đạt được và đưa ra các đề xuất phát triển tại phiên họp thứ 10 của Uỷ ban Quốc gia về CĐS mới đây.

Nâng cao trải nghiệm điều trị bệnh, không bị đè nặng, bất an về tâm lý

PGS. TS Đào Xuân Cơ cho biết, bệnh viện Bạch Mai đã thực hiện việc CĐS nghiêm túc, là một nhiệm vụ quan trọng, hàng đầu và ưu tiên tập trung mọi nguồn lực để thực hiện nhiệm vụ. Cùng với đó, bệnh viện đã phối hợp tích cực cùng các bộ, ban, ngành, đơn vị, doanh nghiệp đẩy mạnh việc thực hiện, áp dụng CĐS, điển hình thông qua việc sử dụng hiệu quả mô hình bệnh án điện tử.

“Bệnh viện Bạch Mai đã chính thức thực hiện việc khám, chữa bệnh theo mô hình, phương thức “bệnh án điện tử” theo hướng toàn trình, không dùng giấy tờ giấy từ ngày 15/1/2024”, Giám đốc bệnh viện Bạch Mai nhấn mạnh.

Và kể từ khi áp dụng mô hình số thông minh này, bệnh án điện tử đã giải quyết những khó khăn, vướng mắt trong quá trình khám, chữa bệnh cho mọi người dân. Đây chính là một lợi ích thiết thực cho mọi người dân trong lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khoẻ và điều có được này chính là nhờ thúc đẩy CĐS.

Cùng với đó, Giám đốc bệnh viện Bạch Mai còn cho biết, CĐS y tế và triển khai bệnh án điện tử còn mang lại nhiều lợi ích quan trọng khác như: Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh; Nâng cao hiệu quả việc thực hiện chính sách khám, chữa bệnh; Giảm thiểu sai sót do ghi chép, lưu trữ thông tin thủ công bằng tay, giấy; Cho phép truy cập nhanh chóng các thông tin, bệnh sử của bệnh nhân, giúp bác sĩ đưa ra những chuẩn đoán, phác đồ điều trị hiệu quả; Tăng cường tính liên tục trong điều trị…

Muốn CĐS hiệu quả, "không nói không và không nói khó".

Đặc biệt, bệnh án điện tử cho phép các cơ sở y tế dễ dàng chia sẻ thông tin bệnh nhân, giúp bác sĩ nắm bắt toàn bộ quá trình điều trị của bệnh nhân, nhất là các bệnh mãn tính cần theo dõi dài hạn, đồng thời, cá thể hoá các thông tin, dữ liệu điện tử, số.

Hơn nữa, bệnh án điện tử còn cho phép phân tích và quản lý dữ liệu y tế hiệu quả, hỗ trợ công tác nghiên cứu và hoạch định chính sách y tế. Đây cũng chính là cơ sở, tiền đề để phân tích, bổ sung nguồn dữ liệu lớn, thúc đẩy việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong khám, chữa bệnh, một xu hướng y tế số hiện đại đang phát triển mạnh mẽ hiện nay.

Đến nay, bệnh viện Bạch Mai đang làm những đề tài ứng dụng AI thông qua việc sử dụng dữ liệu chụp cộng hưởng từ, chụp CT vào nội soi phế quản và phỏng đoán ung thư phổi sớm từ khi có dấu hiệu các tổn thương hoặc khối u mới hình thành. Điều này đã giúp các bác sĩ can thiệp kịp thời, đưa ra hướng điều trị hiệu quả, ít tốn kém và quan trọng giúp các bệnh nhân đạt tỷ lệ khỏi bệnh cao và có những trải nghiệm điều trị bệnh không bị đè nặng, bất an về tâm lý.

Và chính việc sử dụng các dữ liệu bệnh án điện tử đã tạo ra nguồn tài nguyên quý giá cho các nghiên cứu khoa học, từ đó, giúp bệnh viện phát triển các phương pháp điều trị mới, hiệu quả trong điều trị bệnh.

PGS. TS. Đào Xuân Cơ còn cho biết thêm, khi sử dụng bệnh án điện tử, các thông tin, dữ liệu được số hoá, các bác sĩ nhanh chóng đưa ra các biện pháp, tối ưu hoá điều trị phù hợp, hiệu quả. Đồng thời, còn thêm lợi ích giúp tối ưu hoá quy trình chuyên môn khám, chữa bệnh, tiết kiệm chi phí, giảm thiểu giấy tờ, lưu trữ giấy tờ cũng như không gian lưu trữ.

“Những chi phí in phim, chụp cắt lớp vi tính cũng như những giấy tờ hành chính... được cắt giảm tại bệnh viện Bạch Mai đã tiết kiệm cho các bệnh nhân hàng trăm tỷ đồng/năm. Chính số tiền tiết kiệm này được tiếp tục đầu tư để nâng cấp cho hệ thống công nghệ thông tin, CĐS của đơn vị ngày một được hoàn thiện, hiện đại”, PGS. TS. Đào Xuân Cơ cho biết.

“Chỉ bàn làm, không bàn lùi”

Để có được những kết quả như mong muốn và tích cực trên, theo chia sẻ của PGS. TS Đào Xuân Cơ, các đơn vị y tế từ các cấp cần: Xác định nêu cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu và cần thực hiện theo khẩu hiệu “chỉ bàn làm, không bàn lùi”, “không nói không và không nói khó”, “không nói có mà không làm”, “đã nói là làm và đã làm, cam kết là phải quyết tâm thực hiện”…

Đặc biệt, người đứng đầu các đơn vị cần phải xác định được tầm nhìn chiến lược, định hướng lâu dài của việc CĐS và chủ động xây dựng các kế hoạch triển khai có báo cáo, đánh giá.

Cùng với đó, các đơn vị cần đảm bảo đáp ứng, phân bổ nguồn nhân lực phù hợp, đảm bảo đầu tư, khai thác hiệu quả cơ sở hạ tầng và thống nhất, đồng thuận, đồng lòng giữa cán bộ, nhân viên cùng các đối tượng là bệnh nhân, khách hàng đến khám chữa bệnh.

Các bệnh viện cần đẩy mạnh, thực hiện việc CĐS theo hướng “bình dân học vụ về CĐS”, Giám đốc bệnh viện Bạch Mai nhấn mạnh.

Vấn đề quan trọng nữa được PGS. TS. Đào Xuân Cơ nhấn mạnh là các bệnh viện cần xác định bám sát các trụ cột quan trọng khi triển khai các nhiệm vụ CĐS, đó là: Tập trung nhân lực, hạ tầng phần cứng, giải pháp phần mềm, đánh giá rủi ro về an toàn an ninh mạng, bảo mật dữ liệu, phát hiện, khắc phục nhanh chóng các lỗ hổng an ninh mạng…

Cũng để nâng cao hiệu quả tích cực đối với trong công tác này, PGS. TS. Đào Xuân Cơ cho biết, thời gian tới, bệnh viện Bạch Mai tập trung định hướng vào thực hiện các yêu cầu, nội dung của Đề án 06 về CĐS trong y tế; thực hiện liên thông dữ liệu y tế giữa các đơn vị y tế trong cả nước; sử dụng các kết quả khám chụp, chiếu ở các đơn vị y tế khác; tiếp tục phân tích dữ liệu lớn, ứng dụng AI theo hướng trí tuệ Việt Nam, khát vọng Việt Nam…

Khi đưa ra đề xuất phát triển, Giám đốc Đào Xuân Cơ đề xuất Chính phủ, Bộ Y tế quan tâm, giúp đỡ, hỗ trợ mạnh mẽ hơn nữa bệnh viện Bạch Mai về: Tăng cường các nguồn lực về CĐS; ứng dụng CNTT trong lĩnh vực y tế; tăng cường đầu tư, nâng cấp hạ tầng CNTT; các công nghệ, nền tảng số y tế mới…/.