Cần hành lang pháp lý minh bạch cho tài sản số

09:49, 16/01/2025

Việt Nam đang nổi lên như một thị trường tiềm năng cho tài sản số, nhưng việc thiếu một hành lang pháp lý rõ ràng đang đặt ra những thách thức lớn. Các chuyên gia cho rằng cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các bên liên quan để xây dựng một khung pháp lý toàn diện và linh hoạt.

Trong thập kỷ qua, công nghệ phát triển vượt bậc, đặc biệt là trong lĩnh vực tài sản số - bao gồm blockchain, tiền mã hóa, token hóa tài sản và các ứng dụng phi tập trung (DeFi). Tài sản số không còn là khái niệm xa lạ mà đã trở thành một phần không thể thiếu trong hệ thống tài chính toàn cầu. Các quốc gia đi đầu trong lĩnh vực này không chỉ đang dẫn dắt làn sóng đổi mới sáng tạo mà còn khẳng định vị thế chiến lược của mình trong nền kinh tế thế giới.

Xây dựng khung pháp lý toàn diện

Việt Nam đang nổi lên như một điểm sáng trên bản đồ tài sản số toàn cầu. Theo nghiên cứu mới đây của Forbes, người Việt Nam đứng thứ hai thế giới về sở hữu và quan tâm tới tài sản số. Các sàn giao dịch lớn nhất thế giới cũng ghi nhận Việt Nam nằm trong top 4 thị trường có mức độ giao dịch sôi động nhất. Điều này cho thấy tiềm năng to lớn của thị trường tài sản số Việt Nam, nhưng đồng thời cũng đặt ra những thách thức không nhỏ về quản lý và xây dựng hành lang pháp lý.

Liên quan đến vấn đề này, Chuyên gia Kinh tế Huỳnh Thị Mỹ Nương - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Đào tạo Lãnh đạo và Dịch vụ Phát triển Bền vững (SDLT) cho rằng, tài sản số là xu hướng của thế giới và Việt Nam cũng không ngoại lệ. Bà Nương cũng cho biết, trong những năm gần đây dòng tài sản số vào thị trường Việt Nam tăng mạnh dù chưa được công nhận về mặt pháp luật, chưa có quy định rõ ràng để đảm bảo quyền lợi cho người tham gia.

Chuyên gia Kinh tế Huỳnh Thị Mỹ Nương - Tổng Giám đốc Công ty SDLT.

Trong thời gian gần đây, cơ quan chức năng đã phá nhiều đường dây có dấu hiệu lừa đảo với số lượng lớn, nên tôi đánh giá cao về những nỗ lực của Việt Nam trong việc xây dựng hành lang pháp cho tài sản số. Cụ thể, Bộ Thông tin và Truyền thông đã chủ trì lấy ý kiến về dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số với mục tiêu tạo môi trường pháp lý thuận lợi để phát triển ngành công nghiệp công nghệ số; đóng góp vào chuyển đổi số, tạo bứt phá về năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế; khai thác hiệu quả, làm chủ các công nghệ chủ chốt của Cách mạng công nghiệp 4.0,… để giải quyết các bài toán, xu hướng phát triển của Việt Nam.

Qua đó, khái niệm về tài sản số được định hình nét hơn. Khi tài sản số được chính thức định nghĩa và điều chỉnh bởi Luật Công nghiệp công nghệ số sẽ góp phần quan trọng trong việc bảo vệ quyền lợi người dùng và giảm thiểu rủi ro các hoạt động lừa đảo rửa tiền, thúc đẩy kinh tế số, thu hút đầu tư, tăng cường đổi mới sáng tạo, tăng nguồn thu ngân sách nhà nước và cải thiện vị thế Việt Nam trên trường quốc tế - bà Nương phân tích.

Để Việt Nam có thể "bắt nhịp" với xu hướng phát triển của tài sản số trên thế giới, đồng thời đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân, bà Nương đã đề xuất một số khuyến nghị. Theo đó, cần xây dựng một khung pháp lý toàn diện, bao quát, chi tiết tất cả các loại hình tài sản số, đảm bảo tính thống nhất và tránh chồng chéo giữa các văn bản pháp luật.

Cần có cơ chế cập nhật và điều chỉnh pháp luật thường xuyên, linh hoạt để thích ứng với sự phát triển nhanh chóng của thị trường, công nghệ. Tăng cường công tác tuyên truyền và phổ biến pháp luật về tài sản số đến người dân và doanh nghiệp để nâng cao nhận thức và hiểu biết về các quy định pháp luật liên quan. Chú trọng đào tạo và nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về tài sản số để họ có thể hiểu và áp dụng pháp luật một cách hiệu quả. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế để học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia có kinh nghiệm trong quản lý tài sản số như Mỹ, châu Âu...

Chỉ khi có một hành lang pháp lý hoàn thiện, minh bạch, khả thi và thực tiễn, Việt Nam mới có thể tận dụng tối đa tiềm năng của tài sản số, thúc đẩy phát triển kinh tế số và bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân và nhà nước - bà Nương đánh giá.

Cần sự chung tay của cả cộng đồng

Để xây dựng một hành lang pháp lý hiệu quả cho tài sản số tại Việt Nam, theo Chuyên gia Kinh tế Nguyễn Hoàng Dũng - Chủ tịch Công ty SDLT, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ và đồng bộ giữa các cơ quan ban ngành, các chuyên gia, doanh nghiệp và người dân. Đây không chỉ là trách nhiệm của một vài bộ, ngành mà là nhiệm vụ chung của toàn xã hội. Sự phối hợp cần được thực hiện trên nhiều cấp độ và nhiều khía cạnh khác nhau.

Chuyên gia Kinh tế Nguyễn Hoàng Dũng – Chủ tịch Công ty SDLT.

Quốc hội và Chính phủ cần ban hành các luật, nghị định và các văn bản pháp luật khác có tính khả thi, cập nhật, minh bạch và dễ hiểu, đảm bảo tính thống nhất và tránh chồng chéo. Việc tham vấn rộng rãi các chuyên gia, doanh nghiệp và người dân trong quá trình xây dựng luật là rất quan trọng.

Các bộ, ngành liên quan cần phối hợp chặt chẽ để thực thi pháp luật một cách hiệu quả, đồng thời có cơ chế giám sát và xử lý vi phạm kịp thời. Cần có sự chia sẻ thông tin và phối hợp giữa các cơ quan chức năng để tránh tình trạng “trò chơi trách nhiệm”. Cải cách hành chính để đơn giản hóa thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân trong việc tiếp cận và sử dụng các dịch vụ liên quan đến tài sản số - ông Dũng cho biết.

Bên cạnh đó, theo ông Dũng, cộng đồng chuyên gia có vai trò quan trọng trong việc tham vấn xây dựng hành lang pháp lý. Các chuyên gia về công nghệ thông tin, kinh tế, luật sư,… cần được mời tham gia vào quá trình xây dựng chính sách, đóng góp ý kiến chuyên môn để đảm bảo tính khoa học và khả thi của các văn bản pháp luật liên quan đến tài sản số. Ngược lại, các chuyên gia cần tích cực tuyên tuyền, phổ biến kiến thức về pháp luật, công nghệ liên quan đến tài sản số cho người dân và doanh nghiệp.

Đối với doanh nghiệp cần nghiêm túc tuân thủ các quy định pháp luật, đảm bảo hoạt động kinh doanh minh bạch và an toàn. Tích cực đóng góp ý kiến vào quá trình xây dựng và hoàn thiện pháp luật, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn để làm cho pháp luật sát thực tế hơn. Doanh nghiệp cũng cần đầu tư vào công nghệ để đảm bảo an ninh mạng và bảo mật thông tin cho người dùng.

Ngoài ra, người dân cần nâng cao nhận thức về pháp luật và công nghệ liên quan đến tài sản số nhằm bảo vệ quyền lợi của mình trong giao dịch điện tử. Nếu phát hiện các vi phạm pháp luật cần tích cực báo cáo để cơ quan chức năng xử lý kịp thời. Đồng thời, người dân có thể tham gia giám sát việc thực thi pháp luật và phản ánh những bất cập trong quá trình thực hiện.

“Việc xây dựng một hành lang pháp lý hiệu quả cho tài sản số đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ và trách nhiệm của tất cả các bên liên quan. Chỉ khi có sự chung tay góp sức của các cơ quan ban ngành, các chuyên gia, doanh nghiệp và người dân, chúng ta mới có thể tạo ra một môi trường pháp lý minh bạch, công bằng và an toàn cho sự phát triển của tài sản số tại Việt Nam. Sự thành công này sẽ góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước- ông Dũng nhận định.