Cần mua vắc xin Covid-19 trực tiếp để kiểm soát chất lượng
Chiều 3/6, tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5/2021, đại diện lãnh đạo Bộ Y tế và Bộ Tài chính đã thông tin về một số vấn đề xung quanh vắc xin Covid-19 như cơ chế cho các doanh nghiệp tham gia nhập khẩu; kiểm soát chất lượng và lộ trình tiêm vắc xin của Việt Nam.
- Nam streamer Việt Nam ủng hộ 14 tháng lương vào quỹ vắc-xin phòng chống Covid-19
- Đối tượng thử nghiệm vắc xin COVID-19 của Việt Nam sẽ mở rộng đến công nhân trong các KCN
- Việt Nam mua 20 triệu liều vaccine COVID-19 của Nga
- Bộ Y tế công bố danh sách 36 đơn vị đủ điều kiện nhập khẩu, kinh doanh vaccine
Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho biết, để có nguồn cung cấp vắc xin nhanh nhất, Chính phủ có chủ trương khuyến khích và tạo điều kiện các địa phương, doanh nghiệp có đủ điều kiện nhập khẩu và có nguồn vắc xin.
Đồng chí Trương Quốc Cường cho rằng: “Có hai cách tham gia là huy động cho Quỹ vắc xin và trực tiếp nhập khẩu vắc xin từ nguồn tin cậy”.
Về việc kiểm soát chất lượng, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, vắc xin được nhà sản xuất bảo đảm, được cấp phép trong tình trạng khẩn cấp nên vẫn cần tiếp tục theo dõi chứ chưa giống như vắc xin đã được sử dụng từ lâu. Bên cạnh đó, nhiều loại vắc xin cần được bảo quản trong điều kiện ngặt nghèo. Một số loại vắc xin về đến Việt Nam cũng được cấp phép trong tình trạng khẩn cấp, thiếu hồ sơ nên một số nội dung chưa thể kiểm định được.
Vì vậy, việc kiểm soát chất lượng không thể thực hiện thông thường mà phải chấp nhận vắc xin đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chấp nhận và do các cơ quan y tế của một số nước phát triển như Nga, Mỹ cấp phép.
Cần mua trực tiếp để kiểm soát chất lượng vắc xin Covid-19 một cách tốt nhất.
Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết: “Để kiểm soát tốt nhất, chúng ta phải trực tiếp mua của nhà sản xuất, không qua trung gian hoặc nhà sản xuất ủy quyền chính thức bằng văn bản để chúng ta kiểm tra và xem xét mua trực tiếp”
Đối với tiến độ tiêm vắc xin, trong năm 2021, Việt Nam sẽ nhập khẩu khoảng 150 triệu liều vắc xin để tiêm cho 70% dân số từ 18 tuổi trở lên. Cơ bản Việt Nam đã tiếp cận được số lượng này, nhưng, khi mua vắc xin thì phải chấp nhận ký cam kết thỏa thuận miễn trách nhiệm cho nhà sản xuất về chất lượng, về tiến độ giao hàng. Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh, nguồn vắc xin của Việt Nam phải phụ thuộc hoàn toàn vào nhà sản xuất và không thuộc nhóm được ưu tiên cung cấp vắc xin.
“Tuy nhiên, từ tháng 8/2021, tất cả các nguồn vắc xin chúng ta tiếp cận sẽ về nước dồi dào hơn”, đồng chí Trương Quốc Cường nói.
Thông tin về nguồn kinh phí mua vắc xin, Thứ trưởng Bộ Tài chính Tạ Anh Tuấn cho biết, để thực hiện mua và tiêm 150 triệu liều vắc xin thì cần hơn 25.000 tỷ đồng. Quan điểm của Đảng và Nhà nước là sẽ dùng nguồn ngân sách nhà nước và các nguồn kinh phí hợp pháp khác thông qua xã hội hóa để mua vắc xin.
“Việc huy động nguồn Quỹ vắc xin đến nay được gần 104 tỷ đồng, đồng thời, Bộ Y tế cũng được tài trợ khoảng 1.000 tỷ đồng để chuyển vào Quỹ, các doanh nghiệp thuộc Ủy ban Quản lý vốn nhà nước cam kết ủng hộ quỹ hơn 2.000 tỷ đồng”, Thứ trưởng Bộ Tài chính nói.
Về công tác phòng, chống dịch Covid-19 cho các khu công nghiệp, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho biết, các khu công nghiệp là những nơi có nguy cơ lây lan dịch rất nhanh, đặc biệt là đối với biến chủng mới của Covid-19 có thể lây qua không khí.
Trước mắt, Chính phủ ưu tiên vắc xin tiêm cho công nhân tại các khu công nghiệp; vừa qua, đã ưu tiên cấp cho tỉnh Bắc Giang và tỉnh Bắc Ninh mỗi tỉnh 150.000 liều vắc xin. Bên cạnh đó, cơ quan y tế địa phương cũng cần tiếp tục nâng cao ý thức phòng dịch cho công nhân, chủ động chuẩn bị các khu cách ly khi có ca nhiễm xảy ra…
PV (T/h)