Cần thiết xây dựng và ban hành Luật Điện lực (sửa đổi)
Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 36, chiều 19/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Điện lực (sửa đổi).
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trương Thanh Hoài phát biểu tại phiên họp
Dự thảo Luật được xây dựng hiện có bố cục gồm 9 chương, 121 điều (tăng 51 điều so với Luật hiện hành), trong đó, giữ nguyên 1 Điều là so với Luật hiện hành.
Báo cáo tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trương Thanh Hoài cho biết, sau gần 20 năm triển khai thi hành và qua 4 lần sửa đổi, bổ sung một số điều, đến giai đoạn hiện nay còn tồn tại một số vấn đề mà các quy định tại Luật Điện lực hiện hành chưa đáp ứng được, cần thiết phải sửa đổi, bổ sung nhằm đáp ứng mục tiêu triển khai các chính sách của Đảng đối với lĩnh vực năng lượng nói chung và điện lực nói riêng, đặc biệt là mục tiêu bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia như: chất lượng xây dựng, tổ chức, triển khai thực hiện quy hoạch ngành điện chưa cao; cơ chế, chính sách đối với ngành điện còn thiếu đồng bộ; chưa có cơ chế pháp lý đầy đủ đảm bảo chuyển dịch từ chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển nguồn điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới, điện gió ngoài khơi sang chính sách cạnh tranh để hướng tới cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050; việc công khai, minh bạch, đơn giản hóa về thủ tục hành chính; tăng cường phân cấp, phân quyền; chưa triển khai đầy đủ các cấp độ về thị trường điện cạnh tranh; một số quy định trong Luật hiện hành chưa đầy đủ, cần sửa đổi, bổ sung như về vận hành, điều độ hệ thống điện quốc gia; khuyến khích tiết kiệm điện và quản lý nhu cầu điện, an toàn điện, an toàn đập và hồ chứa thuỷ điện...
Theo Thứ trưởng Trương Thanh Hoài, nhằm thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước (đặc biệt là Nghị quyết số 55-NQ/TW) tại Luật Điện lực, tổ chức triển khai và thực hiện các nhiệm vụ của Quốc hội và Chính phủ về rà soát, hoàn thiện quy định pháp luật, tạo sự thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật và khắc phục các tồn tại, hạn chế mà các quy định tại Luật Điện lực hiện hành chưa đáp ứng được, Bộ Công Thương đã tham mưu để Chính phủ đề xuất sửa đổi Luật Điện lực năm 2004.
Việc sửa đổi Luật Điện lực nhằm cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển điện lực với tính chất là ngành kết cấu hạ tầng kỹ thuật quốc gia phục vụ phát triển kinh tế-xã hội và đời sống nhân dân, phát triển bền vững trên cơ sở khai thác tối ưu mọi nguồn lực, với chất lượng ổn định, an toàn và kinh tế, dịch vụ văn minh, bảo vệ môi trường, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh và an ninh năng lượng quốc gia, phục vụ công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; bảo đảm sự thống nhất của hệ thống pháp luật, phù hợp với các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; khắc phục các khó khăn, bất cập trong thực tiễn triển khai thi hành Luật Điện lực năm 2004.
Thẩm tra về dự án luật, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KH,CN&MT) bản nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật Điện lực (sửa đổi) như đề xuất của Chính phủ đồng thời nhấn mạnh thêm các yêu cầu khi sửa đổi Luật, đó là: Thể chế hóa đầy đủ, toàn diện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Tạo điều kiện cho phát triển nguồn và lưới điện nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng điện ngày càng cao của quốc gia, phát triển kinh tế-xã hội, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh và an ninh năng lượng quốc gia, trong đó, đẩy mạnh việc phát triển điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới phù hợp với hiện trạng của đất nước.
Tăng cường tính minh bạch trong các hoạt động điện lực, hướng tới xây dựng thị trường bán lẻ điện cạnh tranh hoàn chỉnh. Xử lý, tháo gỡ những hạn chế, vướng mắc trong quy định của pháp luật về điện lực, đồng thời không hợp thức hóa các sai phạm trong lĩnh vực điện lực. Thực hiện cải cách theo hướng hiệu lực, hiệu quả, phân cấp, phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, giảm bớt các đầu mối trong quản lý nhà nước về điện lực. Đảm bảo cụ thể hóa đầy đủ 6 chính sách xây dựng dự án Luật theo đề nghị xây dựng Luật đã được Quốc hội thông qua.
Thường trực Ủy ban KH,CN&MT cho rằng, về cơ bản, các tài liệu trong hồ sơ đã bảo đảm theo yêu cầu quy định tại Điều 64 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; đã cụ thể hóa được 6 nhóm chính sách được thông qua.
Về việc thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước, Thường trực Ủy ban KH,CN&MT nhận thấy, về cơ bản dự thảo Luật đã thể chế hóa và phù hợp với đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát, nghiên cứu một số nội dung của Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị nhưng chưa thể hiện hoặc thể hiện chưa cụ thể trong dự thảo Luật. Bên cạnh đó, đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo đảm bảo dự thảo Luật và các văn bản kèm theo tuân thủ đúng và đầy đủ Quy định 178-QĐ/TW ngày 27/6/2024 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật.
Các nội dung của dự thảo Luật cơ bản phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013; tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, khoản 1 Điều 6 của dự thảo Luật quy định về hợp tác quốc tế và hội nhập kinh tế quốc tế trong hoạt động điện lực là chưa đầy đủ, chưa phù hợp với quy định tại Điều 12 của Hiến pháp năm 2013. Ngoài ra, đề nghị cân nhắc quy định tại khoản 3 Điều 68 để đảm bảo phù hợp với Hiến pháp và thống nhất với hệ thống pháp luật.
Thường trực Ủy ban KH,CN&MT đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo cần tiếp tục rà soát, đối chiếu các quy định của dự thảo Luật với các luật có liên quan để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, phù hợp quy định của các điều ước quốc tế mà nước Việt Nam là thành viên.
Về tính khả thi của dự thảo Luật, Thường trực Ủy ban KH,CN&MT đề nghị tiếp tục rà soát trong quá trình xây dựng Luật, tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế phù hợp với thực tế của Việt Nam để bảo đảm tính khả thi của một số quy định như tính độc lập trong hoạt động của các đối tượng tham gia thị trường điện cạnh tranh, bảo vệ quyền lợi của người sử dụng điện, các bên tham gia mua bán điện, mô hình đầu tư năng lượng mới, năng lượng tái tạo…
Đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định theo hướng cụ thể hóa một số quy định, tránh việc quy định chung, khó định lượng, nghiên cứu đưa các quy định cụ thể trong các Nghị định hướng dẫn và các văn bản dưới luật đã được kiểm nghiệm trong thực tiễn vào trong dự thảo Luật.
Có ý kiến băn khoăn về số lượng và nội dung quy định chi tiết các điều khoản trong dự thảo Luật. Trong số 121 điều có tới 25 nội dung giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết và 15 nội dung giao Bộ Công Thương, Bộ trưởng Bộ Công Thương hướng dẫn, Thường trực Ủy ban KH,CN&MT đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát và nghiên cứu bổ sung quy định trong dự thảo Luật, giảm bớt các nội dung giao Chính phủ quy định chi tiết hoặc Bộ Công Thương hướng dẫn.