Dự thảo Luật Điện lực: Bộ Công Thương bảo lưu quan điểm điện tự sản, tự tiêu giá 0 đồng

10:15, 03/04/2024

Trong Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) lần 2, Bộ Công Thương vẫn bảo lưu quan điểm đối với các dự án năng lượng tái tạo tự sản, tự tiêu nếu dư thừa được phát vào lưới điện quốc gia thì nhà nước ghi nhận sản lượng điện đó với giá 0 đồng.

Bộ Công Thương vừa mới hoàn thành Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) lần 2 và đang lấy ý kiến góp ý cho dự thảo này.

Đáng chú ý, trong dự luật, Bộ Công Thương đưa Vùng đồng bằng sông Hồng, vùng Đông Nam Bộ được phép phát triển điện năng lượng tái tạo tự sản tự tiêu.

Các dự án điện năng lượng tái tạo tự sản tự tiêu có công suất thuộc quy hoạch phát triển điện lực quốc gia hoặc kế hoạch triển khai quy hoạch phát triển điện lực quốc gia và được liên kết với hệ thống điện quốc gia, được quyền phát hoặc không phát sản lượng điện dư thừa nếu có.

Trường hợp tổ chức, cá nhân lựa chọn phát sản lượng điện dư vào hệ thống điện quốc gia thì nhà nước ghi nhận sản lượng điện đó với giá 0 đồng.

Bộ Công Thương cũng khuyến khích các tổ chức, cá nhân kết hợp điện năng lượng tái tạo tự sản tự tiêu với đầu tư, lắp đặt, vận hành hệ thống lưu trữ điện để chủ động trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và bảo đảm ổn định hệ thống điện.

Chính sách phát điện tự sản, tự tiêu vào lưới điện quốc gia với giá 0 đồng là vấn đề đang được dư luận quan tâm thời gian qua, bởi nó đi ngược lại với chủ trương khuyến khích phát triển các nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo.

Theo các chuyên gia, nhu cầu lắp đặt hệ thống điện tái tạo hiện nay đang là đúng thực tế đối với người dân và doanh nghiệp. Nhu cầu này nhằm đáp ứng, tự chủ một phần nguồn năng lượng, cũng như cung ứng nguồn điện sạch phục vụ cho sản xuất xanh.

Nhưng khi họ có sản lượng điện tự sản, tự tiêu dư thừa phát vào lưới điện quốc gia với giá 0 đồng thì sẽ không khuyến khích được nguồn lực đầu tư trong tham gia khai thác, phát triển các nguồn năng lượng sạch.

Vì vậy có chuyên gia cho rằng có thể nghiên cứu cơ chế bù trừ hoặc mua với giá thấp điểm, vừa góp phần tạo ra dòng tiền và tạo động lực cho doanh nghiệp lắp đặt hệ thống. Mà muốn làm được điều này thì Chính phủ phải có chính sách tháo gỡ đồng bộ.

Trước đó, giải thích về quan điểm điện tự sản, tự tiêu dư thừa phát vào lưới điện quốc gia với giá 0 đồng, Bộ Công Thương cho biết lượng điện dư thừa có thể ảnh hưởng tới an toàn, an ninh hệ thống điện.

Theo Bộ Công Thương, hiện năng lượng mặt trời phụ thuộc vào bức xạ mặt trời và yếu tố thời tiết nhưng đây là các yếu tố bất định. Khi không có bức xạ mặt trời (mây, mưa hoặc ban đêm), lưới điện quốc gia vẫn phải bảo đảm cấp đủ điện. Điều này dẫn đến thay đổi, tăng giảm nhanh của hệ thống, khiến nguồn điện chạy nền không ổn định. Như vậy, theo Bộ Công Thương, cần phải có sự quản lý, giám sát của nhà nước để đảm bảo vận hành an toàn.

Thay cho phương án mua bán điện tự sản, tự tiêu dư thừa, chuyên gia năng lượng Đào Nhật Đình đề xuất cơ chế khuyến khích đầu tư và tiêu thụ trong một khu vực lân cận (làng, xã, khu phố). Chính sách này kỳ vọng sẽ giảm áp lực về vốn đầu tư và tránh lãng phí nguồn điện sạch.

Còn chuyên gia thì Trần Văn Bình cho rằng nên ưu đãi, nhất là với miền bắc phải có trợ giá để người dân đầu tư điện mặt trời mái nhà. Ông đề xuất cho lắp công tơ 2 chiều để "lúc thừa thì người dân có thể đẩy lên lưới 0 đồng, lúc thiếu thì hệ thống bù trừ lại phần điện đó cho người dân".

Theo Tạp chí Kinh tế Môi trường

https://kinhtemoitruong.vn/du-thao-luat-dien-luc-bo-cong-thuong-bao-luu-quan-diem-dien-tu-san-tu-tieu-gia-0-dong-86712.html