Dự thảo Nghị định về giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH và Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm
Bộ Nội vụ đang dự thảo Nghị định quy định về giao dịch điện tử trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội và Cơ sở dữ liệu quốc gia (CSDLQG) về bảo hiểm.

Bộ Nội vụ đang dự thảo Nghị định quy định về giao dịch điện tử trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội và Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm.
Bộ Nội vụ cho biết, ngày 29/6/2024, tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Bảo hiểm xã hội số 41/2024/QH15, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2025. Luật Bảo hiểm xã hội số 41/2024/QH15 được kết cấu gồm 11 chương và 141 điều, trong đó có 56 điều, khoản, nội dung giao Chính phủ quy định chi tiết. Liên quan đến giao dịch điện tử trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội và Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm có 03 điều, khoản, nội dung giao Chính phủ quy định chi tiết (khoản 4 Điều 25, khoản 4 Điều 26, khoản 3 Điều 30).
Bộ Nội vụ cũng cho biết, căn cứ quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) năm 2014, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 166/2016/NĐ-CP ngày 24/12/2016 quy định về giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) và bảo hiểm thất nghiệp (BHTN); Nghị định số 43/2021/NĐ-CP ngày 31/3/2021 quy định CSDLQG về bảo hiểm. Quá trình thực hiện Nghị định số 166/2016/NĐ-CP và Nghị định số 43/2021/NĐ-CP về giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH và xây dựng, vận hành CSDLQG về bảo hiểm cơ bản hoàn thành, duy trì hoạt động ổn dịnh với những kết quả tích cực.
Đối với giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH: Duy trì hoạt động Trung tâm dữ liệu tập trung; hệ thống kênh truyền mạng WAN từ Trung ương đến các cơ quan BHXH cấp tỉnh, cấp huyện, đã triển khai 28 hệ thống phẩm mềm, đảm bảo xử lý 100% quy trình nghiệp vụ trên môi trường điện tử; kết nối với hơn 13 nghìn cơ sở y tế trên toàn quốc để tiếp nhận dữ liệu thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT. Hiện có hơn 621 nghìn doanh nghiệp giao dịch điện tử với cơ quan BHXH, có hơn 36 triệu tài khoản giao dịch điện tử, dùng để đăng nhập sử dụng ứng dụng VssID, hơn 5,5 triệu lượt sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VssID để thực hiện các thủ tục khám chữa bệnh BHYT; phối hợp với Bộ Công an triển khai sử dụng tài khoản VNeID để đăng nhập, sử dụng tài khoản VssID (đã có hơn 16,7 triệu lượt sử dụng tài khoản VNeID để đăng nhập ứng dụng VssID), giúp người dân có thêm lựa chọn sử dụng tài khoản khi có nhu cầu khai thác thông tin, sử dụng thẻ BHYT, thực hiện các dịch vụ công trực tuyến dành cho cá nhân trên ứng dụng VssID. Hiện nay, 100% thủ tục hành chính của cơ quan BHXH đủ điều kiện đã được cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình. Các dịch vụ công này được cung cấp trên nhiều nền tảng, hình thức như: Cổng dịch vụ công BHXH Việt Nam, Cổng dịch vụ công Quốc gia, Ứng dụng VssID, tổ chức IVAN, VNPOST... Cơ quan BHXH đã đảm bảo thực hiện đầy đủ, hiệu quả 7 dịch vụ công, thủ tục hành chính liên thông. Thông qua các dịch vụ công này, toàn ngành BHXH đã tiếp nhận và xử lý, trả kết quả hơn 1,7 triệu hồ sơ hoàn toàn trực tuyến. 100% cơ sở y tế triển khai khám chữa bệnh BHYT bằng căn cước công dân gắn chip; đảm bảo đáp ứng yêu cầu tra cứu thông tin thẻ BHYT bằng số định danh cá nhân, căn cước công dân. Hơn 119 triệu lượt tra cứu thông tin thẻ BHYT bằng số định danh cá nhân hoặc căn cước công dân thành công, phục vụ làm thủ tục khám chữa bệnh BHYT, góp phần tạo thuận lợi, giảm thời gian làm thủ tục khám chữa bệnh BHYT, tiết kiệm chi phí in ấn thẻ BHYT và chi phí quản lý hành chính. Cho đến nay, khoảng hơn 80% số người hưởng tại khu vực đô thị nhận các chế độ BHXH, trợ cấp thất nghiệp qua thẻ ATM.
Đối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm, Bộ Nội vụ cho biết: CSDLQG về bảo hiểm đang được kết nối, chia sẻ tích cực với các cơ sở dữ liệu quốc gia khác, phục vụ hiệu quả các yêu cầu quản lý nhà nước. BHXH Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an, trở thành đơn vị đầu tiên kết nối thành công với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Hệ thống của cơ quan BHXH đã xác thực với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hơn 98,5 triệu thông tin nhân khẩu, trong đó có khoảng 88,5 triệu người đang tham gia, thụ hưởng BHXH, BHYT, BHTN, đạt tỷ lệ 98,4%. Hiện nay, BHXH Việt Nam phối hợp tích hợp thông tin sổ BHXH trên ứng dụng VneID, đã có hơn 24,9 triệu lượt truy vấn thông tin sổ BHXH thành công và tích hợp lên ứng dụng VNeID. Cơ quan BHXH cũng đang phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương khác để kết nối và chia sẻ, đồng thời làm giàu Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm.
Còn một số hạn chế
Bên cạnh những kết quả đã đạt được nêu trên, việc triển khai thực hiện giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH và xây dựng, vận hành CSDLQG về bảo hiểm cũng còn những hạn chế cần tiếp tục đẩy mạnh trong thời gian tới: (i) Việc kết nối, liên thông, chia sẻ dữ liệu với các bộ, ngành phục vụ cho việc thực hiện giao dịch điện tử cần tiếp tục đẩy mạnh; (ii) Chưa thực hiện cấp sổ BHXH điện tử; thông tin sổ BHXH (quá trình đóng, hưởng BHXH) được tích hợp trên ứng dụng VssID, VneID nhiều trường hợp còn chưa đầy đủ, cần tiếp tục cập nhật, đồng bộ; (iii) Kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa CSDLQG về bảo hiểm với các CSDLQG khác và cơ sở dữ liệu chuyên ngành;... Cùng với đó, việc thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước cũng đặt ra nhiều nội dung cần phải được xem xét, điều chỉnh cho phù hợp.
Từ những căn cứ nêu trên, theo Bộ Nội vụ, việc xây dựng dự thảo Nghị định quy định về giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH và CSDLQG về bảo hiểm là cần thiết.
Dự thảo Nghị định gồm 05 chương, 46 điều
Bộ Nội vụ xây dựng dự thảo Nghị định quy định về giao dịch điện tử trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội và Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm bao gồm 05 chương, 46 điều.
Trong đó, Bộ đề xuất xây dựng quy định chung tập trung quy định về phạm vi điều chỉnh; đối tượng áp dụng; giải thích từ ngữ; nguyên tắc giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH và xây dựng, quản lý, khai thác và sử dụng CSDLQG về bảo hiểm và các hành vi bị nghiêm cấm; điều kiện, phương thức thực hiện giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH; việc lựa chọn tổ chức I-VAN.
Bên cạnh đó, đề xuất quy định việc điều chỉnh, cắt giảm, đơn giản hóa hồ sơ, thủ tục thực hiện BHXH từ giao địch bằng bản giấy sang giao dịch điện tử. Đây là nội dung quy định theo khoản 4 Điều 26 của Luật BHXH, theo hướng: (i) Thông tin sử dụng để thực hiện BHXH đã có trên tài khoản định danh điện tử (VNeID) mức độ 2 của cá nhân tham gia BHXH liên kết với sổ BHXH điện tử thì không phải xuất trình lại hồ sơ, giấy tờ bằng bản giấy để đối chiếu, chứng minh; (ii) Đối với các thành phần hồ sơ đã được số hóa hoặc chia sẻ từ các cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành theo đúng quy định thì không yêu cầu người dân, doanh nghiệp cung cấp khi thực hiện thủ tục hành chính về BHXH…
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.