CEO Kyber Network Lưu Thế Lợi: Hành trình chinh phục công nghệ bảo mật blockchain
CEO Lưu Thế Lợi đảm nhận vai trò Giám đốc điều hành Công ty Kyber Network tại Singapore. Từ năm 2017 đến nay, trong giới công nghệ bảo mật blockchain, anh là người Châu Á đầu tiên có bằng tiến sĩ. Hiện tại, Kyber Network vẫn đang là một trong những giao thức trao đổi phi tập trung lớn nhất trên thế giới cho tiền mã hoá, với hơn 6 tỉ USD khối lượng giao dịch. Kết quả ấy được tạo thành từ quá trình bền bỉ phấn đấu với mục tiêu đóng góp cho xã hội, cho cộng đồng.
Thành công từ khi còn ngồi trên ghế giảng đường
Tiến sỹ lĩnh vực blockchains và tiền điện tử tại NUS.
Lợi Lưu tên thật là Lưu Thế Lợi (sinh năm 1991) tốt nghiệp bằng Giỏi chương trình chất lượng cao ngành Khoa học máy tính - Đại học Công nghệ - ĐH Quốc gia Hà Nội trước khi giành học bổng đến quốc đảo sư tử.
Tại đây, Lợi là nghiên cứu sinh lĩnh vực blockchains và tiền điện tử tại Đại học Quốc gia Singapore (NUS) danh tiếng và năm 2017, chàng trai Việt đã nhận bằng tiến sĩ của NUS. Trong thời gian này, anh còn lọt top nghiên cứu sinh xuất sắc ngành Khoa học máy tính của ĐH Quốc gia Singapore.
Năm 2016, Lợi giành Học bổng nghiên cứu khu vực châu Á của Viện nghiên cứu Microsoft. Học bổng này được trao cho 10 nghiên cứu sinh xuất sắc nhất tại châu Á và đoạt giải Innovators Under 35 của MIT Technology review.
Trước đó, khi còn là sinh viên tại Việt Nam, Lợi từng nhận Giải thưởng của ĐH Quốc gia Hà Nội cho sinh viên có thành tích học tập xuất sắc nhất năm 2013 và giải luận văn tốt nghiệp tốt nhất năm 2013.
Không những vậy, với niềm đam mê khoa học công nghệ, chàng trai trẻ từng giành giải Quốc gia về Tin học cho sinh viên năm 2008, giải ACM/ICPC lần thứ 3 tại khu vực Châu Á năm 2010.
Bắt đầu từ năm thứ 2 đại học, anh cùng với nhóm bạn tham gia dự án của Viettel về xây dựng hệ thống phần mềm quản lý các trường học. Dự án start-up nhỏ đầu tiên này đã mang lại cho chàng sinh viên trẻ nhiều kinh nghiệm về quản lý và xây dựng phần mềm, tạo điều kiện thuận lợi cho anh triển khai các phần mềm sau đó.
Anh từng chia sẻ: "Để tạo ra một cái gì đó có ý nghĩa, tôi cần nhiều những sự kết nối tốt hơn, hình thành nên một thứ mà người khác không thể làm được". Và lựa chọn của Lợi Lưu, là Blockchain – một lĩnh vực cực kỳ mới mẻ cả với Việt Nam lẫn thế giới lúc anh mới bắt đầu.
Lưu Thế Lợi (giữa) nhận học bổng nghiên cứu Microsoft Research Asia tổ chức tại Đại học Yonsei, Hàn Quốc năm 2016.
Gọi vốn 52 triệu USD trong vài giờ bằng tiền ảo
Thực tế, anh đã quan tâm lĩnh vực Blockchain từ khoảng thời gian đồng tiền ảo Bitcoin đang "làm mưa làm gió" trên thế giới. Tuy nhiên, anh không chọn cách "đầu tư" hay "đào" tiền như những người khác, mà bắt đầu tìm hiểu về Blockchain - công nghệ đứng đằng sau Bitcoin. Thời gian đó, anh bắt đầu với các dự án Blockchain nhỏ cùng một số cộng sự.
Nhận thấy tiềm năng phát triển của Blockchain, Lưu Lợi đã bắt đầu tham gia tích cực hơn vào cộng đồng công nghệ với các dự án khác nhau như: Phát triển Oyente, công cụ phân tích sự an toàn các hợp đồng thông minh trên Ethereum; sau đó cùng Yaron Velner (đồng sáng lập Kyber Network sau này) phát triển Smart Pool - hợp đồng theo dạng mã nguồn mở thông minh dùng cho các bể đào tiền mã hoá; hay như dự án Elastico - một giao thức sharding an toàn dành cho các Blockchain mở...
Tuy nhiên, Kyber Network mới là thành tựu nổi bật nhất của anh tính đến thời điểm hiện tại. Ra đời từ tháng 9/2017, người khai sinh không ai khác là Lợi Lưu cùng các cộng sự có tiếng như Yaron Velner, người có bằng tiến sĩ khoa học máy tính tại Đại học Tel Aviv – Israel, với kinh nghiệm nghiên cứu về lý thuyết trò chơi trong giao thức Blockchain và xác minh chính thức trong các hợp đồng thông minh; Victor Trần là một kỹ sư cao cấp với các dự án phần mềm hàng triệu người dùng.
Trong danh sách cố vấn của Kyber còn có Vitalik Buterin (nhà sáng lập Ethereum), Leng Hoe Lon (cựu nhân viên Goldman Sachs và JPMorgan, đồng sáng lập Shentilium) và Prateek Saxena (giáo sư nghiên cứu khoa học máy tính tại Đại học Quốc gia Singapore).
Lưu Thế Lợi nhận giải Innovators Under 35 của MIT Technology review.
Trước khi bắt tay xây dựng Kyber Network, Lợi Lưu nhận thấy ngày càng có nhiều các công ty công nghệ ứng dụng Blockchain vào hoạt động sản xuất kinh doanh của mình, kèm theo việc phát hành những đồng tiền mã hoá hoặc token riêng chỉ dùng được trong hệ sinh thái biệt lập của họ.
"Chẳng hạn, Công ty A phát hành A-Coin chỉ tiêu dùng được trong hệ sinh thái của A, và công ty B phát hành B-Coin chỉ tiêu dùng được trong hệ sinh thái của B. Vì vậy, bạn cần tới các sàn giao dịch để chuyển đổi các đồng tiền mã hoá của mình", tiến sĩ 9x lý giải.
Một vướng mắc khác mà đội ngũ của anh Lợi nhận ra, đó là tới 99% giao dịch tiền mã hoá được diễn ra trên các sàn giao dịch tập trung, khiến nguy cơ bị tấn công bởi các hacker diễn ra dễ dàng hơn bao giờ hết hoặc bị gian lận nội bộ. Lo lắng này càng hiện hữu sau khi sàn Mt.Gox – một trong những sàn Bitcoin quy mô lớn nhất thế giới – bị hack mất 850.000 Bitcoin trước đó.
Anh chia sẻ, về mặt bản chất các sàn giao dịch tập trung mâu thuẫn với tính chất cơ bản của Blockchain là loại bỏ các khâu trung gian. Điều này khiến một vấn đề nổi cộm khác của các sàn tập trung là giao diện không thân thiện với người dùng không có kiến thức sâu về tiền mã hoá. Đó là chưa kể việc hay gặp các khó khăn về thanh khoản và làm chậm giao dịch. Và Kyber Network có thể giải quyết được hầu hết các vấn đề này.
Nói về Kyber Network (mã token: KNC), đây là một nền tảng giao dịch phân cấp mới được đánh giá là đáng tin cậy. Nền tảng này cho phép giao dịch gần như ngay lập tức và chuyển đổi giữa bất kỳ tiền mã hóa (token) nào với nhau. Kyber Network hứa hẹn sẽ cung cấp các API thanh toán đa dạng và một chiếc ví contract mới cho phép nhận được thanh toán từ bất kỳ token nào và đảm bảo tính thanh khoản cao.
Bên cạnh đó, tính thanh khoản của Kyber Network được đảm bảo thông qua mô hình quỹ dự trữ mở của Kyber cho phép bên thứ ba có thể đóng góp tài sản mã hoá nhàn rỗi của họ và hưởng lợi nhuận từ phần chênh lệch giữa giá mua với giá bán trên mỗi giao dịch. Những token này có thể được sử dụng trên bất cứ nền tảng nào đã tích hợp, qua đó thuận tiện hơn cho người dùng.
"Sự khác biệt chính giữa Kyber Network và các sàn giao dịch tài sản kỹ thuật số khác là nó dựa trên công nghệ Blockchain, một giao dịch hoàn toàn tin cậy, minh bạch, an toàn, không thể bị tấn công", Lợi Lưu nhấn mạnh. "Việc tập trung vào tính bảo mật và hữu ích của nó với khách hàng luôn là điều quan trọng nhất. Chính vì sự ưu tiên bảo mật đã giúp Kyber Network chinh phục mọi người".
Chỉ một thời gian ngắn sau khi ra đời, Kyber Network đã nhận được 52 triệu USD từ hơn 21.000 nhà đầu tư lớn nhỏ từ hơn 100 quốc gia trong chiến dịch gọi vốn bằng tiền mã hoá (ICO). Điều này đã giúp Kyber Network trở thành một trong những thương vụ gọi vốn ICO lớn nhất trong lịch sử startup tại Việt Nam và ngang hàng với 10 công ty khởi nghiệp hàng đầu thế giới về số tiền được huy động năm 2017.
Và không lâu sau khi kết thức đợt token sale của mình, token KNC đã được niêm yết trên một số sàn giao dịch tiền điện tử, gồm Binance – sàn sở hữu khối lượng giao dịch lớn nhất thế giới thời điểm đó và kể cả bây giờ. Giá KNC coin khi đó đã tăng gấp gần 4 lần sau vài ngày, giúp rất nhiều nhà đầu tư đã kiếm bộn tiền từ việc mua token KNC.
Nói về thành công ban đầu của dự án này, anh Lợi cho biết Kyber Network đã mang tới giải pháp công nghệ mà cộng đồng ủng hộ tiền mã hoá mong đợi từ lâu. Thực tế, ngay từ thời điểm đầu phôi thai ý tưởng và tạo ra sản phẩm chạy thử (prototype), Kyber Network đã thu hút được cộng đồng đông đảo 60.000 người quan tâm, trong đó 33.000 người thường xuyên trao đổi trên Slack (và trở thành cộng đồng lớn nhất trên Slack lúc đó).
"Chính sự ủng hộ và giúp đỡ từ cộng đồng đông đảo này đã giúp Kyber hình thành nên một sản phẩm tốt, đón đầu xu hướng công nghệ và giải quyết được bài toán mà các đối thủ cạnh tranh khác chưa giải quyết được", anh Lợi giải thích.
Thực tế, sau gần ba năm hoạt động, Kyber Network đã có được những thành tựu hết sức đáng kể. Giao thức của Kyber trở thành giao thức được sử dụng nhiều nhất trong lĩnh vực tài chính phi tập trung. Đã có hơn 100 dự án đã ứng dụng công nghệ của Kyber trong đó có rất nhiều dự án có tên tuổi trong lĩnh vực công nghệ như điện thoại Exodus của HTC, ứng dụng Enjin trong điện thoại Samsung v.v.. Trong tháng trước hệ thống Kyber đã cán mốc xử lý 1 tỷ USD tiền mã hóa với hơn 1 triệu giao dịch, tất cả đều được thực hiện một cách trực tiếp trên Blockchain.
Tuy nhiên, Lợi Lưu nhấn mạnh Kyber Network còn phải làm nhiều điều nữa để đảm bảo mọi sự an toàn, nhất là khi công nghệ liên tục biến đổi như hiện nay. Trước mắt, đội ngũ Kyber Network sẽ tiếp tục nâng cấp sàn giao dịch phi tập trung, bổ sung các tính năng UI/UX mới, tiếp đó là cung cấp giao thức chuyển đổi token nâng cao cho các nhà cung cấp Dapp - ví điện tử và cổng thanh toán.
"Về lâu dài, Kyber có định hướng trở thành nguồn cung cấp thanh khoản lớn nhất cho toàn bộ hệ sinh thái phi tập trung và chúng tôi sẽ có nhiều cải tiến để thúc đẩy điều này", anh Lợi chia sẻ. "Cụ thể, chúng tôi sẽ triển khai mô hình KyberDAO - mô hình quản trị phi tập trung, trong đó bất kỳ tổ chức/cá nhân nào nắm giữ KNC cũng có thể tham gia biểu quyết các thông số vận hành quan trọng của mạng lưới Kyber. Đổi lại, họ sẽ được nhận phần thưởng cho việc quản trị này".
Mặt khác, chuyên gia của Kyber Network còn nói thêm rằng, các bên cung cấp thanh khoản cũng có thể nhận thưởng dựa vào tổng lượng giao dịch mà họ đóng góp trên mạng lưới Kyber; và hơn 100 ứng dụng trên Kyber sẽ có nhiều lựa chọn hơn trong việc quyết định mô hình kinh doanh của mình. "Tất cả những cải tiến này sẽ khuyến khích các bên tham gia vào mạng lưới Kyber nhiều hơn, giúp cho mục tiêu kể trên sớm được hiện thực hoá", anh Lợi nhấn mạnh.
Đội ngũ sáng lập Kyber Network.
Nói về việc khởi nghiệp, Lợi Lưu cho rằng các bạn trẻ Việt Nam đừng ngại thể hiện những ý tưởng của mình. Nhưng việc thể hiện cũng phải đồng nghĩa với thực hiện, tức biến ý tưởng thành hiện thực, phải có sản phẩm để chứng minh.
"Thay vì chỉ hướng đến trải nghiệm hay chứng tỏ mình khi khởi nghiệp, hoài bão và tầm nhìn của các bạn trẻ càng lớn thì về mặt lâu dài thì sẽ tốt hơn cho bản thân họ hơn", CEO 9x nói trong một bài phỏng vấn gần đây trên TheFace Magazine Vietnam. "Và các bạn cũng không nên quan trọng việc khởi nghiệp ở Việt Nam hay nước ngoài. Nơi đâu cũng cần có những bước đi đầu tiên".
Thay đổi lớn trong lãnh đạo
Mới đây, hồi tháng 1/2022, Kyber Network đã tuyên bố bổ nhiệm CEO mới. ông Trần Huy Vũ (Victor Trần), đồng sáng lập/ giám đốc công nghệ (CTO) của công ty sẽ trở thành CEO của Kyber Network, thay cho ông Lợi Lưu. Trần Huy Vũ cũng là bạn học của Lợi Lưu tại trường Đại học Công nghệ ĐHQG Hà Nội, đã từng đoạt Giải Nhì học sinh giỏi Quốc gia môn tin học.
Chia sẻ trên trang cá nhân, Lợi Lưu nhà sáng lập Kyber Network cho biết, sau hơn 4 năm đã quyết định đây là thời điểm tốt nhất để bước xuống khỏi vai trò CEO của Kyber để chuẩn bị cho giai đoạn tăng trưởng cao tiếp theo của dự án.
Ông Lợi Lưu cũng cho rằng, ngành công nghiệp crypto đã phát triển và thay đổi rất nhiều so với khi ông bắt đầu Kyber, do đó yêu cầu về một sự thay đổi lớn trong lãnh đạo dự án để tăng trưởng của Kyber.
Trần Huy Vũ (Victor Trần) CEO mới của Kyber Network, thay cho ông Lợi Lưu.
CEO mới của Kyber Network được mô tả là người hiểu rõ nhất về Kyber & hệ sinh thái, và đã phát triển trong sự nghiệp của mình tại Kyber từ việc trưởng bộ phận kỹ sư đến CTO.
Trong khi đó, ông Lợi Lưu sẽ tiếp tục làm việc với tư cách là một chủ tịch điều hành, tập trung vào việc phát triển hệ sinh thái Kyber và KNC theo một cách khác, và vẫn giúp đỡ đội ngũ có hướng đi cao.
“Điều này cũng cho tôi một khoảng thời gian chất lượng để thực sự bắt kịp với tất cả những phát triển mới trong không gian, bao gồm L2, Ethereum 2.0, và cứ thế”, ông Lợi Lưu nói.
PV