Chào Xuân mới, Xuân của niềm tin và khát vọng hùng cường

08:23, 10/02/2024

Đất nước, quê hương thân yêu của chúng ta bước vào một mùa xuân mới, xuân Giáp Thìn 2024. Sắc xuân đã bừng lên trên mỗi làng quê, ngõ phố. Đất trời giao hòa chào đón xuân mới với biết bao dự cảm tốt lành.

Chào Xuân mới Xuân của niềm tin và khát vọng hùng cường

Năm Quý Mão 2023 với nhiều khó khăn, thử thách đã khép lại! Bằng nỗ lực lớn, quyết tâm cao, Việt Nam đã từng bước tháo gỡ khó khăn, vươn lên đạt được những thành tựu đáng phấn khởi. Tình hình kinh tế - xã hội năm 2023 tiếp tục phục hồi tích cực, tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước. Đầu tư phát triển tiếp tục đạt kết quả tích cực, là một động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. GDP cả năm 2023 tăng 5,05%, thuộc nhóm cao trong khu vực và thế giới. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm tăng 3,25% (thấp hơn mục tiêu đề ra khoảng 4,5%). Thị trường tiền tệ, ngoại hối cơ bản ổn định, mặt bằng lãi suất giảm khoảng 2% so với cuối năm 2022. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 683 tỷ USD, xuất siêu 28 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay. Du lịch phục hồi, đón 12,6 triệu lượt khách quốc tế - vượt xa mục tiêu 8 triệu lượt khách. Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài, khi thu hút vốn ngoại tăng hơn 32%, đạt gần 37 tỷ USD….

Không chỉ vậy, hình ảnh một nước Việt Nam độc lập, tự chủ, phát triển năng động, là bạn bè thuỷ chung, chân thành, là đối tác tin cậy, là thành viên tích cực và có trách nhiệm ngày càng nổi bật trên trường quốc tế. Tổng thư ký Liên Hợp quốc Antonio Guterres trong nhiều cuộc điện đàm với lãnh đạo cấp cao Việt Nam đều khẳng định: “Việt Nam là nhân tố quan trọng đóng góp cho hòa bình, ổn định của khu vực và thế giới”.

Việt Nam được bạn bè quốc tế tín nhiệm đề cử gánh vác nhiều trọng trách quốc tế quan trọng trong các cơ chế, diễn đàn đa phương, nhất là trong ASEAN và Liên Hợp quốc như ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021, Phó Chủ tịch Đại hội đồng Liên Hợp quốc khóa 77, thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp quốc 2023 - 2025, Ủy ban liên chính phủ Bảo vệ di sản văn hoá phi vật thể của UNESCO, Ủy ban Luật pháp quốc tế nhiệm kỳ 2023 - 2027… Việt Nam đóng góp tích cực và có trách nhiệm vào việc giải quyết các vấn đề quốc tế như cắt giảm khí thải và chống biến đổi khí hậu; cử hàng trăm lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia thực hiện sứ mệnh giữ gìn hoà bình của Liên Hợp quốc ở châu Phi...

Năm 2023, Việt Nam tiếp tục gặt hái nhiều thành tựu quan trọng trong các mối quan hệ quốc tế nhờ chính sách đối ngoại linh hoạt, trường phái “ngoại giao cây tre”. Các nước lớn, trong đó có Hoa Kỳ đã nâng cấp quan hệ lên “Đối tác Chiến lược Toàn diện” vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững, nhân chuyến thăm của Tổng thống Joe Biden đến Việt Nam vào tháng 9/2023. Và Hoa Kỳ coi Việt Nam là một trong những "mắt xích" chiến lược ở Đông Nam Á trong nỗ lực của Mỹ nhằm thiết lập một chuỗi cung ứng toàn cầu bền vững. Tiếp đến, Việt Nam và Nhật Bản đã nhất trí nâng cấp quan hệ lên "Đối tác Chiến lược Toàn diện vì Hòa bình và Thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới" nhân dịp Chủ tịch nước Việt Nam Võ Văn Thưởng thăm chính thức Nhật Bản tháng 11/2023, đúng dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước. Trong khuôn khổ chuyến thăm này, Việt Nam và Nhật Bản nhất trí tăng cường hợp tác an ninh và kinh tế. Các công ty đa quốc gia của Nhật Bản như Canon, Honda, Panasonic, Bridgestone nằm trong số những nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam.

Vào thời điểm cuối năm 2023, Việt Nam và Trung Quốc cùng thống nhất làm sâu sắc hơn mối quan hệ song phương thông qua tuyên bố chung về xây dựng "Cộng đồng chia sẻ tương lai" Việt Nam - Trung Quốc, nhân dịp Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam, từ ngày 12-13/12. Trong chuyến thăm này, các bộ, ban, ngành trung ương và địa phương của hai nước đã ký kết 36 văn bản thỏa thuận hợp tác, liên quan đến các lĩnh vực như hạ tầng giao thông, thương mại, an ninh và kinh tế số… với nhiều cam kết sâu rộng.

Trước đó, tháng 12/2022, Việt Nam và Hàn Quốc đã nhất trí nâng cấp quan hệ lên “Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện" tập trung vào hợp tác thương mại, đầu tư, quốc phòng và an ninh và đến tháng 6/2023, Việt Nam - Hàn Quốc ký 17 thỏa thuận bổ sung, bao gồm các thỏa thuận về an ninh và khoáng sản quan trọng trong chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol…

Từ một nước bị bao vây, cấm vận, đến nay, Việt Nam đã mở rộng, làm sâu sắc quan hệ với 193 nước, trong đó có 3 nước có quan hệ đặc biệt, 6 nước đối tác chiến lược toàn diện (Hoa Kỳ và Nhật Bản vừa mới được bổ sung vào nhóm này trong quý IV/2023), 12 nước đối tác chiến lược và 12 nước đối tác toàn diện. Việt Nam hiện hữu, ghi dấu ấn trên nhiều diễn đàn, hội nghị cấp cao của thế giới, khu vực như Liên Hợp quốc, Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7), Hội nghị cấp cao ASEAN, Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS), Diễn đàn Hợp tác Á - Âu (ASEM), Diễn đàn Hợp tác kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APEC)… Việt Nam ký kết 16 hiệp định thương mại tự do (FTA) với sự tham gia của khoảng 60 nền kinh tế, bao gồm các nước công nghiệp phát triển.

Trong gần 40 năm đổi mới, Việt Nam đã bắt tay với các cường quốc với tư thế ngẩng cao đầu. Đất nước hình chữ S đã trở thành một quốc gia tầm trung với quy mô kinh tế đứng thứ 36 thế giới, thành viên của 16 hiệp định thương mại tự do (FTA) quan trọng của khu vực và thế giới, vừa qua đã lọt vào tốp 30 nền kinh tế có giá trị xuất khẩu lớn nhất thế giới, đóng vai trò ngày càng tích cực ở nhiều thể chế đa phương khu vực và quốc tế.

Trước vị thế mới của kinh tế Việt Nam trên toàn cầu, trong báo cáo mới đây, tổ chức xếm hạng tín nhiệm Fitch Ratings (Mỹ) đã nêu Việt Nam được nâng hạng tín nhiệm Nhà phát hành nợ dài hạn (IDR) lên mức “BB+” phản ánh triển vọng tăng trưởng trung hạn thuận lợi nhờ dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mạnh, điều này theo Fitch sẽ giúp cải thiện cơ cấu tín dụng của Việt Nam.

Thực tế, nếu như năm 2022, vốn FDI thực hiện của Việt Nam là 22,4 tỷ USD (khoảng 6% GDP), tăng so với mức 19,7 tỷ USD trong năm 2021, thì năm 2023, vốn FDI thực hiện của của Việt Nam ước đạt khoảng 23,18 tỷ USD, tăng 3,5% so với năm 2022 và là mức giải ngân kỷ lục từ trước tới nay. Nguồn tài chính từ bên ngoài đổ về Việt Nam cũng được đánh giá cao, khi dự trữ ngoại hối năm 2023 đạt khoảng 100 tỷ USD.

Theo các nhà phân tích, Việt Nam có khả năng cạnh tranh về chi phí, lực lượng lao động có trình độ so với các nước khác và có mặt trong nhiều FTA, cả khu vực và toàn cầu. Đây là những tín hiệu tích cực, cho thấy dòng vốn FDI sẽ vẫn tiếp tục mạnh lên, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang tham gia vào đa dạng hóa chuỗi cung ứng toàn cầu. Đó cũng là vấn đề khiến Fitch đưa ra dự báo, tăng trưởng trong trung hạn của Việt Nam có tín hiệu thuận lợi, ở mức khoảng 7%.

Trong khi đó, trong báo cáo triển vọng kinh tế thế giới vừa công bố, Trung tâm Kinh tế và nghiên cứu kinh doanh (CEBR - Anh) nhận định, rằng dòng FDI mạnh mẽ từ các nền kinh tế trên thế giới, đặc biệt từ các “nguồn vốn” hàng đầu như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Singapore, EU… đang củng cố cho tiềm lực phát triển của Việt Nam.

CEBR đánh giá Việt Nam là một trong hai nền kinh tế Đông Nam Á có năng lực “nhảy vọt” trong bảng xếp hạng World Economic League Table (WELT) trong giai đoạn từ nay đến năm 2038. Trên WELT, Việt Nam hiện ở vị trí 34, năm 2024 Việt Nam sẽ tăng 1 hạng lên thứ hạng 33 và sau đó sẽ tiếp tục lên nhanh, lên vị trí 24 vào năm 2033, trước khi trở thành nền kinh tế thứ 21 thế giới vào năm 2038.

Theo CEBR, Việt Nam đứng trước viễn cảnh 15 năm tiếp theo rất khả quan. Với ưu thế dân số, nhiều khả năng Việt Nam có thể đạt được mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045. Với dân số đông và tương đối trẻ, Việt Nam có cơ hội vượt qua gần hết các quốc gia hiện nay trong ASEAN về kinh tế, như Singapore, Thái Lan, Malaysia, để đến 2038 chỉ đứng sau Indonesia và nằm trong top 25 nền kinh tế thế giới.

Nhìn lại năm 2023 vừa chính thức khép lại với thật nhiều cung bậc cảm xúc. Một năm mà bản lĩnh Việt Nam phải chịu vô vàn thử thách. Một năm của những “cơn gió ngược” xuất hiện với tần suất dày đặc hơn. Hậu quả từ đại dịch COVID-19 kéo dài; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, xung đột Nga - Ukraine và tại dải Gaza diễn biến phức tạp…. Ở trong nước, nhiều việc cấp bách, đột xuất phát sinh cùng đòi hỏi phải tiếp tục giải quyết những tồn đọng, hạn chế kéo dài nhiều năm càng bộc lộ rõ hơn những khó khăn của nền kinh tế.

Trong hoàn cảnh ấy, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt, kịp thời của Trung ương Đảng, trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị; sự vào cuộc, ủng hộ, tham gia tích cực của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp; sự quan tâm, giúp đỡ của bạn bè quốc tế đã đưa Việt Nam tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh chung không mấy sáng màu của kinh tế thế giới năm 2023.

Thời cơ và vận hội của Việt Nam đang đến, đặc biệt là trong năm Giáp Thìn 2024, năm bản lề và là thời điểm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của cả nhiệm kỳ theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, nhiệm kỳ 2021 - 2025. Từ những thành quả đạt được, với quyết tâm và khí thế cao độ của Đảng, Chính phủ và các địa phương, chúng ta tiếp tục kỳ vọng vào năm mới 2024 với nhiều thắng lợi mới.

Xuân mới đã về! Trong khí thế rồng thiêng của năm mới Giáp Thìn, với niềm tự hào, phấn khởi về chặng đường đã qua của đất nước, trong sắc xuân mới của đất trời, lòng ta thêm niềm tin, động lực để tiếp tục dệt nên những mùa xuân tươi mới.

Chào xuân Giáp Thìn 2024! Xuân của niềm tin thắng lợi!

  Theo thuongtruong.com.vn

https://thuongtruong.com.vn/news/chao-xuan-moi-xuan-cua-niem-tin-va-khat-vong-hung-cuong-115773.html